Chánh Tín - Mê Tín. Kì 11 (40-44).

40. SỰ LỪA ĐẢO CỦA ĐỒNG CỐT

          Hỏi: Kính thưa Thầy, ở chùa làng con thôn Cư Đình, xã Việt Hưng. Vào ngày 03 tháng 3 âm lịch hay đội bát nhang và hầu đồng. Hôm ấy con có đi dự, đến lúc có một bà đang đội bát nhang tự nhiên hai tay cứ vả vào mặt mình, các đệ tử của bà cứ khẩn vái kêu van mãi mới thôi. Hỏi ra mới biết là bà ấy trước đây có đội bát nhang, sau bỏ mấy năm không đội nữa, đến nay đội lại nên bị Ngài phạt?

          Đáp: Đó là trò bịp, lừa gạt người khác của các thầy phù thủy, thầy bùa, đồng, cốt v.v… Nếu chúng ta đi vào bề trái thế giới của những hạng người này thì chúng ta sẽ thấy được những sự lừa đảo gian xảo, có nhiều thủ thuật và những thủ đoạn tinh vi để tạo ra sự mê tín.

          Nhờ có những người vô minh không rõ mánh khóe gian xảo nên những đồng cốt giả hiệu dễ bề lừa đảo, cướp giựt tiền của những người đang gặp tai nạn hay bệnh tật v.v... nhất là người kiến thức còn cạn cợt. Có dịp Thầy sẽ kể cho các con nghe những tội ác gian xảo của bọn người lợi dụng sự giao cảm của tưởng thức làm tiền bất chánh mà pháp luật không bắt tội họ được. Vả vào mặt mình để tạo uy thế cho ông Thần hay Cô, Cậu rất hiển linh, khiến cho mọi người phải tin và cúng bái tiền bạc. Con cũng là một người bị lừa đảo trong số người đến dự ngày hôm đó.

          Đối với đạo Phật thì các con không nên tin một cách mù quáng về thế giới siêu hình mà hãy tin những gì có lợi ích cho mình cho người; hãy tin những gì ý thức con phán xét thấy như thật, biết như thật thì mới tin.

          Đối với đạo Phật thì các con nên tránh xa những hạng người bói khoa, đồng cốt, thầy phù thủy, thầy bùa, thầy ngải, thầy cúng bái, tụng niệm v.v... Những hạng người này là những hạng người không tốt, họ có nhiều mánh khóe, gian xảo, lừa đảo, họ là những hạng người ác.

          Đức Phật thường dạy: “Làm bạn với thiện, xa lánh với ác”. Những lời dạy này con nên ghi nhớ: “Chọn bạn mà chơi, những người hay nói xấu kẻ khác là người ác, không nên thân cận với họ.

 

41. TƯỞNG LỰC

          Hỏi: Kính thưa Thầy, con có một cô em gái cũng bị Ngài phạt, Ngài trói ghì cánh khuỷu tay nhưng không có dây. Và trói đầu chặt lắm không gỡ ra được. Chính miệng cô em con nói ra như vậy. Chúng con là người vô minh không hiểu. Vậy chúng con tha thiết kính xin Thầy giảng giải cho chúng con hiểu rõ?

          Đáp: Cô em gái của con là người chịu ảnh hưởng mê tín nặng, nghe đâu thì dễ tin theo đó, có nghĩa là cô em của con rất tin có linh hồn người chết, do lòng tin ấy mà tưởng uẩn của cô rất bén nhạy, thường hoạt động thay cho ý thức.

          Vì thế ý thức thường nhường lại cho tưởng thức làm việc cho nên tâm tính cô em thường sống trong niềm tin hơn là sống với lý trí phân biệt phán xét. Do đó cô bị tưởng lực của chính cô tạo ra trạng thái như bị trói chặt hai khuỷu tay của cô.

          Sự bị trói hai khuỷu tay của cô em là một trạng thái tưởng của cô em và chính cô không những cảm giác và còn thấy mình đang bị trói rất chặt. Mọi người bên ngoài không hiểu tưởng là có (Thần Tàu) bắt phạt cô em của con vì đã có sự lầm lỗi với Ngài.

          Với trường hợp này xảy ra khiến cho mọi người ai nấy đều tin có thần, Thánh, ma, quỷ và linh hồn người chết thật sự. Nói chung là nhờ có những trạng thái của tưởng uẩn hoạt động một cách mầu nhiệm mà trí hữu hạn của con người không thấu rõ được. Do đó thế giới siêu hình mới thành hình.

          Thế giới siêu hình không thể lấy ý thức mà hiểu nó được, không thể phân tích bằng phương pháp khoa học như khám phá phân tích vạn vật bằng phương pháp vật lý hoá học của thế giới hữu hình được. Cho nên khoa học và trí hữu hạn của con người phải đành bó tay trước những hiện tượng kì lạ của tưởng uẩn (tưởng thức).

          Cái kì lạ của thế giới siêu hình chứ sự thật thì không có kì lạ gì hết. Vì ý thức của con người bị hạn cuộc bởi thời gian và không gian. Còn tưởng thức thì không bị hạn cuộc bởi không gian và thời gian nên nó mầu nhiệm với ý thức mà không mầu nhiệm với tưởng thức, với tâm thức. Sự linh thiêng của thế giới siêu hình đối với hạng người tin nó, còn những người không tin thì không có thiêng.

          Người sống trong trí tuệ ý thức thì không bao giờ tin có thế giới siêu hình, là những người không mê tín.

          Người thường sống trong trí tuệ tưởng thức là người tin có thế giới siêu hình, là những người mê tín.

          Một người đang sống thì luôn luôn có hai thế giới hữu hình và vô hình, khi chết thì hai thế giới này cũng không còn. Người chết là tất cả đều hết. Hành động nhân quả hằng ngày đều trả về nhân quả. Và tất cả những hành động nhân quả ấy tiếp tục lại luân hồi tái sanh làm chúng sanh khác, thứ hai, thứ ba và thứ vô lượng kiếp.

          Người nào tin có thế giới siêu hình là người sống trong tưởng thức, phán xét bằng tưởng tuệ, là người không trí tuệ, thường sống trong ảo ảnh, mơ hồ, trừu tượng, thiếu thực tế, thiếu khoa học. Còn người không tin có thế giới siêu hình là người sống trong ý thức. Người có trí tuệ, người có óc khoa học, thích sống thực tế.

          Người sống trong tưởng tuệ thường bị người khác lừa đảo, thường sống trong cảnh khổ đau hơn người sống trong trí tuệ. Bệnh tật, tai nạn xảy ra thì những người sống trong tưởng thức khổ đau nhiều hơn người sống trong ý thức.

          Người sống trong tưởng thức thường tốn hao tiền của một cách ngu si, “tiền mất tật mang.” Còn người sống trong ý thức khó ai lừa đảo họ được. Chính những nhà ngoại cảm, đồng cốt, các tôn giáo và các hệ phái tư tưởng mang màu sắc siêu hình khác nhau đều bị sự lừa đảo của tưởng thức mà họ không hề hay biết.

 

42. THẦN GIAO CÁCH CẢM

          Hỏi: Kính thưa Thầy, con có một ông chú họ có thể nói được tầm vóc và tính tình của một người tương lai sẽ làm dâu của con. Mặc dù chưa bao giờ gặp mặt. Đã ba năm rồi khi con dâu con về nhà thì con suy ngẫm đúng hệt như ông đã nói. Vậy con kính bạch Thầy, Thầy dạy cho con hiểu thêm?

          Đáp: Đây cũng do tưởng ấm của ông chú này đã giao cảm được với cô con dâu của con mà chưa bao giờ biết mặt. Tất cả những sự việc có vẻ siêu hình và mầu nhiệm mà hiện nay con người không thể giải đáp được, chỉ vì nó vượt ra khỏi tầm hiểu biết của ý thức loài người.

          Chỉ có những người tâm không còn tham, sân, si thì mới thấy được năng lực mầu nhiệm của tưởng ấm loài người thật là kỳ lạ và mầu nhiệm. Nhưng khi một người đã chết thì thế giới của tưởng ấm kia cũng không còn. Trong môi trương sống trên hành tinh này nó đầy đủ các duyên vận chuyển hợp tan không bao giờ ngưng nghỉ. Do sự vận chuyển hợp tan này mà vạn vật phải vô thường.

          Sự vô thường này chia làm hai mặt: 1- Sự vô thường về hữu hình; 2- Sự vô thường về vô hình.

          Sự vô thường về hữu hình thì ai cũng rõ, đó là sự sanh diệt của vạn hữu. Còn sự vô thường về vô hình thì ít ai biết đến. Và người ta còn lầm chấp cho rằng thế giới vô hình thì trường tồn vĩnh viễn. Khi con người chết ở thế giới hữu hình thì họ trở về thế giới vô hình vĩnh cửu. Ở thế giới hữu hình còn chưa hiểu hết thì làm sao hiểu đươc thế giới vô hình. Vì thế người ta hiểu thế giới vô hình chỉ là một sự “tưởng hiểu.” Tưởng hiểu nên thế giới siêu hình không thật sự có.

 

43. TƯỞNG ẤM

          Hỏi: Kính thưa Thầy, tưởng ấm là gì? Tưởng ấm ở đâu? 

          Đáp: Tưởng ấm là một duyên trong thân ngũ ấm. Thân ngũ ấm gồm có:

1, Sắc ấm; 2, Thọ ấm; 3, Tưởng ấm; 4, Hành ấm; 5, Thức ấm. Năm ấm này hợp lại thành thân người.

Vì thế thân người chia ra làm hai phần:

          1- Về phần hữu hình thì duy nhất chỉ có Sắc ấm.

          2- Về siêu hình gồm có bốn ấm kia: Thọ ấm, Hành ấm, Tưởng ấm và Thức ấm.

          Nhưng dù thế giới hữu hình hay siêu hình đều hoạt động do phần sắc ấm, phần sắc ấm rất quan trọng, nhất là bộ óc của con người. Thế giới hữu hình và thế giới siêu hình cũng do nó chỉ huy. Vì thế khi sắc thân hoại diệt thì bộ óc cũng hoại diệt theo. Bộ óc hoại diệt thì thế giới siêu hình cũng hoại diệt theo.

          Cho nên Đức Phật dạy: “Khi một người chết thì toàn thân ngũ ấm đều hoại diệt không còn một ấm nào cả.” Như vậy tưởng ấm chỉ là một duyên của thân ngũ ấm và nó ở trong thân ngũ ấm. Đó là thế giới siêu hình của quý vị, mong quý vị hãy bỏ đi, đừng có vô minh tự làm khổ mình mà không biết. Thế giới siêu hình chẳng có ích lợi gì mà còn tai hại cho đời sống của quý vị. Hãy bỏ xuống! Hãy bỏ xuống! Đó là một ảo ảnh, một hình bóng của thế giới hữu hình của con người.

 

44. THẤY MA

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Con đã được đọc quyển Vôga, của Bungari. Bà Vôga này là một người mù, bà nói gần đúng như Thầy. Nhưng có khác Thầy là bà Vôga nói rằng: bà ấy nhìn thấy ma, và ai đến xem về người âm bà Vôga có thể nói về người chết đó hiện nay đang mặc quần áo gì và đang đứng trước mặt bà ấy. Vậy con kính thưa Thầy giải thích cho con được rõ thêm?

          Đáp: Bà Vôga là một nhà ngoại cảm, trường hợp tưởng thức của bà Vôga giao cảm với những từ trường của những người chết hay nói cách khác là tưởng thức của bà bắt gặp từ trường tưởng thức của người chết còn lưu lại trong không gian những hình ảnh, âm thanh và hành động. Khi bắt gặp như vậy thì bà Vôga thấy người chết nói chuyện với Bà và kể lại tất cả những sự việc đã xảy ra.

          Vì thế, Bà thấy ma và còn nói chuyện với ma, đó là năng lực tưởng thức của Bà tạo ra con ma để kể lại cho Bà nghe, và Bà nói lại cho người khác nghe, chứ con “ma tưởng” của Bà không thể nói cho người khác nghe được mà mượn thân miệng Bà nói lại.

          Trường hợp này cũng giống như lên đồng, nhập cốt, nhưng lên đồng, nhập cốt thì thân lúc lắc hoặc ợ, ngáp, v.v... còn bà Vôga thì rất tự nhiên vì Bà bị mù mắt nên Bà thường sống với tưởng thức của mình nhiều hơn ý thức. Ở đây chúng ta nên hiểu, tưởng của Bà giao cảm với người chết rồi mượn thân miệng Bà nói lại cho người khác biết.

          Ví dụ: Thân miệng của Bà làm thông ngôn cho tưởng ấm của Bà để nói lại cho chúng ta biết những gì đã xảy ra của một người đã chết từ lâu hay mới chết, chứ không phải có con ma thật nào nhập vào Bà. Do đó, Đức Phật đã xác định: “Thế giới siêu hình là thế giới của “tưởng tri” chứ không phải là “liễu tri.

          Vậy các con hãy tin theo lời Phật dạy: Thế giới siêu hình không bao giờ có, chỉ là tưởng tri của con người tạo dựng ra. Các con nên cảnh giác đừng để mắc lừa người khác.