Chánh Tín - Mê Tín. Kì 09 (34-36)

34. CON NGƯỜI TỪ ĐÂU SANH?

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Con người từ nhân quả sanh ra là sao? Nghĩa như thế nào? Sống trong nhân quả? Chết trở về nhân quả? Nghĩa nó như thế nào? Xin Thầy giảng cho chúng con được hiểu.

         Đáp: Con người từ nhân quả sanh ra có nghĩa là con người được sanh ra từ những hành động nhân quả thiện ác của môi trường sống. Đức Phật dạy: “Vô Minh” sanh “Hành”, “Hành” sanh “Nghiệp”. Vậy “Nghiệp” có được là nhờ “Hành”, “Hành” có được là nhờ “Vô Minh.” Do vô minh mới có những hành động lúc ác, lúc thiện; do hành động lúc ác, lúc thiện mới có làm khổ mình, khổ người, do hành động ác và thiện này mà sanh ra nghiệp, do nghiệp mới có danh sắc.

          Trên đây là nói theo kinh sách, nói theo lời dạy của Đức Phật, còn nói theo thực tế qua cái nhìn hiểu biết của ý thức thì con người từ môi trường sống sanh ra. Trong môi trường sống gồm có đất, nước, gió, lửa, các chất khí và các từ trường, do sự vận hành của các chất khí và các từ trường mà tạo ra sự biến dịch thay đổi không ngừng của các vật thể, vì thế mà tạo các duyên tan hợp, nhờ các duyên tan hợp này mà vạn vật sanh ra.

          Con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả, chứ không từ đâu sanh và cũng không về đâu. Đó là câu trả lời: “Con người từ đâu sanh ra và chết đi về đâu?” Câu trả lời này rất cụ thể và dễ hiểu. Vì con người từ cát bụi và không khí (môi trường sống) sanh ra thì chết cũng trở về cát bụi và không khí (môi trường sống).

          Nếu không có môi trường sống thì con người không thể sanh ra được, như mặt trăng, mặt trời và các hành tinh khác không có sự sống thì không có vạn vật sanh ra. Sự sanh ra được vạn vật trong vũ trụ là nhờ sự vận hành của các duyên lúc hợp lúc tan; lúc hợp lúc tan tức là có sự thay đổi. Sự thay đổi ấy Đức Phật gọi các duyên là vô thường hay các pháp vô thường đều có nghĩa này.

          Do các pháp vô thường và biết chắc chắn như vậy nên Đức Phật xác định:

          Mười hai nhân duyên khi tan rã thì không còn duyên nào cả, cũng như thân ngũ uẩn, khi một người chết thì không còn uẩn nào cả.” Do đó Đức Phật lại còn xác định thêm: “Nếu các duyên dù còn một chút xíu như đất trong móng tay Ta thì Đạo Ta không ra đời, vì không giải khổ cho ai được hết.

          Do tánh chất vô thường thay đổi của các pháp nên con người tu hành mới giải thoát được.

          Ví dụ: Một người chửi mắng chúng ta nhưng chúng ta không chửi mắng lại họ, không buồn tức giận họ và còn khởi tâm thương họ thì ngay đó nó đã thay đổi các duyên của các ác pháp đó trở thành các duyên cho các thiện pháp.

          Do tánh chất các pháp vô thường thay đổi như vậy nên chúng ta thấy được sự giải thoát một cách cụ thể và rõ ràng. Nếu các pháp không vô thường, cố định, hay nói cách khác là các pháp có tánh chất thường hằng thì không thể làm thay đổi được ác pháp thành thiện pháp được.

          Ví dụ: Một người chửi mắng chúng ta thì chúng ta phải tức giận và chửi mắng lại họ. Nếu tánh chất các pháp thường hằng thì ác pháp này không thể thay đổi được, nếu thay đổi không được thì con người dù có tu hành cũng không thể giải thoát được.

          Nếu các pháp không thể thay đổi được thì các pháp phải có bản thể thường hằng, nếu các pháp có bản thể thường hằng thì con người phải có đời sống sau khi chết, nếu có đời sống sau khi chết thì con người phải có linh hồn, có linh hồn thì thế giới siêu hình mới có.

          Nếu thế giới siêu hình có thì phải có một ông vua của thế giới này, và ông vua của thế giới này thì phải là một đấng toàn năng, một đấng tạo hóa, một đấng toàn thiện v.v... Mà là đấng tạo hóa, toàn năng, toàn thiện khi tạo tác ra con người và vạn vật thì con người và vạn vật phải là hiền lành không bao giờ giết hại và ăn thịt lẫn nhau.

         Con người và vạn vật do đấng toàn thiện sanh ra thì phải thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau chứ có đâu giết hại lẫn nhau mà chẳng hề xót thương chút nào. Do thế chúng ta không tin thuyết này vì nó không thực tế, mơ hồ, trừu tượng.

           Cho nên những tôn giáo xây dựng thế giới siêu hình đã lỗi thời, không thể còn lừa đảo được ai nữa khi trình độ hiểu biết của con người được nâng lên theo sự tiến bộ của khoa học. Cho nên thuyết “Nhân Duyên” của Phật giáo là phù hợp, là thực tế, cụ thể như khoa học.

          Vì thế không có một triết thuyết nào bài bác nó được, nó là một sự thật hiển nhiên của vạn vật trên hành tinh này đều do duyên hợp. Mà đã do duyên hợp thì chỉ có môi trường sống mới có sanh ra vạn vật, từ loài rong rêu, cỏ cây cho đến các loài động vật nhỏ nhất như vi trùng, vi khuẩn, v.v...

           Con người cũng là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác nên cũng từ môi trường sống sanh ra. Vì thế chúng ta khẳng định: “Con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả.

35. BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM DO TƯỞNG SAO CÓ SỰ LINH THIÊNG?

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Bồ Tát Quán Thế Âm do tưởng mà có nhưng cũng có sự linh thiêng và cứu độ? Xin Thầy giảng cho chúng con được hiểu.

          Đáp: Chính vì người ta thấy những bóng ma phảng phất, những sự linh thiêng của những nhân vật tưởng tượng nên thế giới siêu hình mới có. Không ai giải thích được những hiện tượng kỳ lạ đó do đâu mà có, khoa học cũng đành bó tay. Chỉ có những người nhập được chánh định, vượt qua cảnh giới hữu sắc và vô sắc tức là vượt qua các loại định tưởng thì mới thấy được thế giới siêu hình rõ ràng và sự linh thiêng đó do đâu mà có. Thân chúng ta gồm năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức:

          - Sắc là thế giới hữu hình.

          - Tưởng là thế giới vô hình.

          Người ta hiểu tưởng là do sự tưởng tượng. Tưởng ở đây không phải là tưởng tượng mà tưởng ấm cũng như sắc ấm vậy chứ không phải sự tưởng tượng. Sắc ấm có cảnh giới của sắc ấm như: nhà cửa, cây cỏ, vạn vật, cầm thú, vạn hữu, v.v… thì cảnh giới tưởng ấm cũng vậy, nó chỉ khác là vô sắc. Vì nó là hình ảnh bóng dáng theo khuôn mẫu của thế giới sắc ấm (hữu hình), nó cũng giống như cây cổ thụ kia có hình và bóng của nó. Cây là thế giới hữu hình, còn bóng của nó là thế giới siêu hình, cho nên cây không có thì bóng cũng không có. Vì thế thân người mất thì linh hồn người cũng không còn.

          Cảnh giới hữu hình và siêu hình của một người nó theo nhau như hình với bóng. Phước đến thì nó hiện ra giải nạn do một niềm tin ở vị Thần, Thánh nào đó, ngược lại người đó không tin Thần, Thánh thì nó khiến người đó lỡ tàu, lỡ xe để thoát nạn. Đồng thời mọi người cùng thấy ở một góc độ nào đó thì đó là do cộng nghiệp và do lòng tin, nhưng nó còn tùy ở tưởng ấm hoạt động giao cảm mạnh hay yếu.

          Người tu tập thiền định, trạng thái tưởng xuất hiện kì lạ, nếu không có thiện hữu tri thức thì không thể nào ngồi yên nổi để tu. Trường hợp đó người tu nào cũng đều cho đó là thế giới oan hồn đến phá. Thấy một tảng đá, hoặc một người ngồi giữa đường, người lái xe lạc tay lái gây tai nạn, đó là nghiệp ác đến, tưởng ấm xuất hiện ra. Một người té xuống sông có cảm giác như có người lôi họ xuống nước, đó là nghiệp ác lôi họ xuống, nhờ tạo thiện nên có người cứu thoát họ.

          Luật nhân quả nghiệp báo sử dụng sắc ấm và tưởng ấm rất là vi diệu mà loài người không thể lường được.

          Hàng ngày, một người không tu tập và không trau dồi thân tâm bằng thiện pháp, nhân quả nghiệp báo sai sắc ấm của họ làm những điều tội ác mà họ không hề hay biết, đến khi tội khổ thì họ lại than trời trách đất, đi cầu khẩn Thần, Thánh gia hộ.

          Còn nhân quả nghiệp báo sai tưởng ấm của họ gây tai họa hoặc cứu họ thoát chết thì họ cho oan hồn, quỷ ma tác họa, ngược lại được phước báo thì cho là Thần Thánh, chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ bình an.

          Mọi người sống trong thế giới đối đãi mà không thấy đối đãi. Sống trong thế giới nhân quả mà không thấy nhân quả. Con người từ nhân quả sanh ra, chết đi về nhân quả lại không thấy, cho rằng có những linh hồn người chết, có những Thần, Thánh, quỷ, ma. Cho nên Đức Phật dạy: “Con người là thừa tự nhân quả.” Đã thừa tự nhân quả thì làm sao có ma được? Có thế giới linh hồn người chết được?

          Tất cả các tôn giáo khác đều không vén màn vô minh này nên tôn giáo nào cũng xây dựng thế giới siêu hình có thật. Và vì thế cuộc đời này đã làm mất đi sự công bằng và công lý của loài người. Người ta theo các tôn giáo thì được cứu rỗi, được gia hộ; còn ai không theo tôn giáo thì chẳng được ai cứu rỗi và gia hộ cả. Như vậy có bất công không?

          Chỉ có Phật giáo dám xác định thế giới siêu hình khách quan không có mà có thế giới siêu hình chủ quan do từ tưởng ấm lưu xuất. Khi một người còn sống thì có, nhưng khi đã chết thì không có. Vì thế, Đức Phật cả quyết xác định thế giới siêu hình là do tưởng tri sản xuất sanh ra chứ không có thế giới thật. “Tưởng tri chứ không phải Liễu tri.

36. CÓ CÕI TRỜI KHÔNG?

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Trời có phải là một trong sáu nẻo luân hồi, nếu làm thiện tương xứng sẽ sanh ở đó. Trong kinh có nói mười tám tầng trời hoặc ba mươi ba cõi trời. Xin Thầy chỉ cho con rõ?

          Đáp: Sáu nẻo luân hồi chỉ là một sự diễn biến nhân quả nghiệp báo do con người và chúng sanh vì vô minh tạo ra mà phải gánh chịu. Mười tám tầng trời chỉ cho 18 trạng thái thiện, ba mươi ba cõi trời chỉ cho ba mươi ba pháp thiện.

          Ví dụ: Thầy nhập Sơ Thiền tức là Thầy đã ở cõi Sơ Thiền Thiên, nhập Không Vô Biên Xứ Tưởng tức là Thầy đã ở cõi Không Vô Biên Xứ Thiên, nhập nhẫn nhục tức là Thầy đã ở cõi Đâu Suất Thiên... Như vậy có phải đợi chết rồi mới sanh về đó đâu? Chỉ cần thực hiện diệt một ác pháp, tăng trưởng một thiện pháp là sanh vào cõi trời đó ngay liền, nhưng con phải hiểu thiện pháp có rất nhiều, nên có ba mươi ba cõi thiện pháp mà trong kinh gọi là ba mươi ba cõi trời, ba mươi ba cõi trời tức là ba mươi ba trạng thái thiện pháp.

          Đó là một trạng thái giải thoát của tâm, khi tâm đã đạt mức độ thiện ở đó thì tương xứng với cảnh giới thiện ở đó. Có hiểu được như vậy mới hiểu được đạo Phật. Dù cho có các cõi Trời thật sự đi nữa mà tâm chẳng thiện thì cũng chẳng có ích lợi gì cho chúng ta, phải không hỡi con?

          Dù cho không có các cõi Trời đi nữa mà tâm chúng ta sống trong thiện pháp thì tâm chúng ta cũng được an vui, hạnh phúc như thường. Và như vậy không phải sống trong cõi Trời sao? Chứ đâu phải chết mới được sanh về đó. Chết được sanh về cõi trời đó là một ảo tưởng, một giấc mộng mơ hồ của những người thiếu óc thực tế khoa học, vô minh không sáng suốt bị các tôn giáo lừa đảo.

          Sống đang ở trong cõi Trời thì chết về đâu các con có biết không? Hỏi tức là trả lời. Do thế ngay từ trong cảnh sống ở thế gian mà người nào biết ngăn ác, diệt ác pháp thì người ấy đang sống trong Thiên Đàng chứ không phải Thiên Đàng ở cõi giới nào cả.

Thế giới siêu hình Thiên Đàng là do các tôn giáo dựng lên chỉ là một cảnh giới do tưởng ấm sanh ra để an ủi tinh thần của những người yếu đuối đang gặp khổ đau tai nạn, để nuôi hi vọng làm thiện được sanh về đó...

          Người tu sĩ đạo Phật vì thấu rõ nhân quả nghiệp báo nên tự lực cứu mình bằng cách sống trong thiện pháp: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi.” Đây là lời kêu gọi thiết tha do lòng đại từ bi của Đức Phật đối với chúng ta.

Nói đến thế giới thì chúng ta phải nói đến sự duyên hợp, có nhiều duyên hợp lại mới thành thế giới, vì thế một nghiệp lực đơn độc không thể là thế giới được. Vì thế giới hữu hình không có thì thế giới siêu hình và linh hồn cũng không có.

          Ví dụ: Chúng ta lấy một cây cột mà bảo rằng là cái nhà thì không thể được, vì cái nhà phải có nhiều duyên hợp lại như: cột, kèo, cửa sổ, cửa cái, vách, đòn tay, ngói gạch hợp lại thì mới gọi là cái nhà được.

          Tóm lại, thế giới siêu hình không có mà chỉ có những trạng thái từ trường thiện, ác pháp của nhân quả đang phóng xuất theo thân hành, khẩu hành và ý hành của sự vận hành nhân quả.