Cập nhật ngày : 27.11.2012 | |||
Loạt Bài: VẤN ĐÁP, ĐỐI THOẠI - BẢO VỆ CHÁNH PHÁP
(Phản hồi của độc giả trên DĐ/TVHS về CHÚC THƯ... của HT Thích Nhất Hạnh) Lời BBT/GNCN Về "Chúc thư" cuả HT Thích Nhất Hạnh, GNCN hoàn toàn tôn trọng và không có ý kiến... Tuy nhiên, nhận thấy phần ý kiến độc giả tương phản, đa chiều, nhiều độc giả nêu ý kiến đáng để suy gẫm... GNCN trích đăng lại trên tinh thần khách quan vô tư. Phần nhận định đánh giá là tùy ở bạn đọc...
CHÚC THƯ CỦA HT THÍCH NHẤT HẠNH Thông bạch ngày tiếp nối – Mừng sinh nhật Thầy 11/10/2012 (http://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/thong-bach-ngay-tiep-noi-11-10-2012) (http://www.thuvienhoasen.org/D_2-166_1-2_15-1_5-50_6-1_4-17251_14-1_17-123/) Và sau đây xin trích vài đoạn lời dạy của Thầy khi tăng thân Tổ Đình Từ Hiếu tỏ ý muốn được nghe những lời Thầy sách tấn. “Không cần xây tháp cho Thầy Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền… Tổ Đình cần tu học theo pháp môn Làng Mai một trăm phần trăm Đứng về phương diện tu học, Thầy muốn Tổ Đình phải theo pháp môn Làng Mai một trăm phần trăm. Pháp môn ấy là công trình của Thầy đã xây dựng nên. Có nhiều tôn túc đã xây nên những ngôi phạm vũ thật huy hoàng. Đó là công trình lớn lao của quý ngài. Nhưng công trình của Thầy không phải là một tòa phạm vũ nguy nga mà là những pháp môn tu học có công năng chuyển hoá và trị liệu được cho người đương thời. …Thầy muốn Tổ Đình đi theo pháp môn của Làng Mai. Đó là công trình xây dựng của Thầy sau sáu mươi năm tìm tòi và phát triển, đó là một cái tháp mà Thầy đã dựng lên. Ngôi tháp của Thầy: các pháp môn tu tập Các pháp môn tu tập ấy chính là cái tháp của Thầy. Ở Pháp Vân hay ở Tổ Đình đều phải có cái Tháp ấy. Không phải một cái tháp bằng gạch, bằng xi măng mà là một cái tháp của sự thực tập. Tất cả các thầy, các sư cô, các sư chú và các vị Phật tử cư sĩ tới, ai cũng được mời đi vào cái tháp đó. Nghĩa là phải học đi trong chánh niệm, uống trà trong chánh niệm, biết nói năng cho từ ái và biết lắng nghe nhau…” NHỮNG Ý KIẾN PHẢN HỒI Thích Nữ TP (11/08/2012) Kính Thầy. Con đã từng có những ngày gần bên Thầy tại Làng Mai. Nhưng!!! Lời Thầy dạy: "Thầy muốn Tổ Đình đi theo pháp môn của Làng Mai. Đó là công trình xây dựng của Thầy sau sáu mươi năm tìm tòi và phát triển, đó là một cái tháp mà Thầy đã dựng lên". Và đây nữa, cũng vẫn là lời Thầy dạy: “ - Đức Ki Tô Hằng Sống là Con của Thượng Đế, đã phục sinh, và nay vẫn còn tiếp tục sống. - Tôi thấy chúng ta phải quán chiếu mọi hành động và mọi lời dạy của Chúa Giêsu trong cuộc đời Ngài, như một mẫu mực để chúng ta tu tập. Giêsu sống đúng như lời dạy của Ngài, cho nên suy gẫm cuộc đời Chúa Giêsu là điều tối cần thiết để hiểu giáo lý của Ngài. - Trong nhãn quan Phật Giáo, ai không phải là con của Thượng đế? - Tội tổ tông cũng có thể được chuyển hóa khi một người tiếp xúc với Thánh Linh. Giêsu là con của Thượng Đế và con của Người. Chúng ta cũng là con của Thượng Đế và của song thân chúng ta. - Nơi duy nhất chúng ta có thể tiếp xúc với Giêsu và Nước Chúa là ở trong nội tâm mình. - Khi chúng ta theo dõi và tiếp xúc một cách sâu sắc với cuộc đời và giáo lý của Chúa Giêsu, - Chúng ta có thể thâm nhập vào sự thật của Thượng Đế. Tình yêu, sự hiểu biết, lòng can đảm, sự bao dung, là những biểu hiện của cuộc đời Chúa Giêsu. Thượng Đế xuất hiện với chúng ta qua Giêsu Ki Tô. Với Thánh Linh và Nước Chúa ở trong Ngài....” Thưa Thầy, Phật và Chúa, Chúa và Thầy, Thầy và Bụt, con biết tin ai? Công trình 60 năm tìm tòi của Thầy, vì vậy mà Thầy chưa có thời gian nhìn lại cuộc tu hành của mình. Giải thoát là gì? Hay chỉ là một chốc lát sống trong tưởng an lạc trên bước chân đi, nhưng sau thời tu, trở lại một mình thì nỗi buồn cô tịch mênh mang. Theo lời Thầy, con đã: "...đi trong chánh niệm, uống trà trong chánh niệm, biết nói năng cho từ ái và biết lắng nghe nhau."... nhưng tâm con vẫn không an, cái tâm tham, sân, si vẫn còn đầy đủ, con vẫn thích có nhiều chùa to đẹp như những công trình của Thầy, thích có được tăng đoàn đông đảo đoanh vây, thích có được danh vang lừng khắp nẻo... Thưa Thầy, chả lẽ pháp môn Thầy dạy có thể nhầm chăng? Xin Thầy xem lại. Con: Thích Nữ TP. CL langmai (11/08/2012) Cảm ơn Thích Nữ TP, Ơn bạn rất nhiều vì bạn đã nói thay những điều tôi muốn nói. Còn nhiều hơn nữa nhưng tôi không đủ lực để nói ra. Hiểu Thầy Nhất Hạnh, hiểu đạo, rồi tiếc cho những tháng ngày đặt niềm tin không đúng nơi đúng chỗ. Tuy vậy, vẫn xin có lời cám ơn Thầy, bởi có pháp của Thầy đối chứng nên tôi đã nhận ra. Giác Tâm (11/09/2012) Chào bạn Thích Nữ TP! Có thể bạn đã từng là Sư Cô không chừng, nhưng có lẽ bạn đã và đang lạc lối! Tôi thực sự rất ít thích bị lôi kéo vào những chuyện đấu đá không cần thiết, nhưng trước những lời mạo phạm về Sư Ông Nhất Hạnh, tôi buộc lòng phải thu hết can đảm của mình để cần phải nói lên một vài điều: - Sư Ông Nhất Hạnh là một học giả lỗi lạc của thế giới, tôi có nói câu này cũng thừa. Sự nghiệp của Sư Ông, tấm lòng của Sư Ông được cả thế giới đón nhận. Những nỗ lực của Sư Ông là tấm gương cho hậu thế. Sư Ông đã viết sách vô số, và vô số tựa sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bạn và tôi liệu đã viết được một đoản văn nào cho nên hồn để cho có ai đọc? Ngoài kỹ năng viết, Học giả còn cần phải có một tư tưởng và hơn hết là một tấm lòng đối với thế nhân. Đọc những tác phẩm của Sư Ông từ khi còn chưa được công khai phát hành, lại là những bản photocopy chuyền tay nhau từ những năm 1991- 1992 như Trái tim mặt trời, Phép lạ của sự tỉnh thức… tôi đã nhận ra tư tưởng và tấm lòng của Sư Ông đối với thế nhân. Tôi thầm cảm ơn Sư Ông với tất cả khả năng và nỗ lực của mình đã đem đến một tư tưởng mới, một cách nhìn mới trong Đạo Phật. Và tôi cũng thầm cảm ơn ai đó đã nỗ lực hoằng truyền những tác phẩm như vậy trong giai đoạn đó. - Bạn đã từng ở bên Sư Ông tại Làng Mai như lời bạn nói ư? Rồi bạn chẳng tự mình tu tập được gì sao mà lại còn nói lời trách móc? Bạn đã nói điều này với Thầy Cô (Y chỉ Sư) nào quản lý bạn chưa, vị này có ý kiến gì không hay cũng đồng tình với bạn? Bạn nói từ Chúa qua Phật, từ Phật qua Thầy sao thấy mất phương hướng quá giống như “tẩu hỏa nhập ma” vậy? Lại còn trưng ra danh từ giải thoát chi cho nặng nề vậy? Sư Ông dạy Hơi thở, bước chân và thiền quán, cũng như uống trà trong Chánh niệm… nhưng tựu trung cũng chỉ là Chánh niệm. Chánh niệm có lúc mạnh, có lúc yếu, có lúc tạp loạn. Những lúc tạp loạn mình cần phải tái lập lại bằng cách đem hơi thở về với ý thức, hoặc cách nói khác đem ý thức trở về với hơi thở; hoặc theo các Pháp môn khác như Niệm Phật, trì Chú, Tụng Kinh, Tĩnh tọa. Khi nào mình Chánh niệm, khi đó là giải thoát. Đó là một cách nói đơn giản cho dễ hiễu. Còn nếu phân tích sâu thêm rằng còn thấy có Chánh niệm thì khi đó không hề có Chánh niệm, thì càng nhiều chi tiết thì càng thêm rối; chưa cần thiết quan tâm tới. - Trong Truyện Kiều có câu: “Quan phòng then nhặt lưới mau/ Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người” tả về Sư Cô Trạc Tuyền lúc mới xuất gia mang hình thức người tu nhưng trong tâm không có tu. Tôi thấy câu này gần gần giống với tâm trạng của bạn. Tu tập chưa dẹp được tập khí phiền não đều là bệnh của số đông. Nhưng đem bệnh của mình để đi chỉ trích ngược lại Ông Thầy thuốc điều trị bệnh cho mình thì thật là quá quắt. Kẻ cướp đi sự an lạc của mình có thể do hoàn cảnh môi trường bên ngoài mà cũng có thể là do nội tâm mình tự “tua” đi “tua” lại những đoạn phim cũ trong nội tâm, từ đó tự mình làm mình bất an, đau khổ và tức tối với những câu chuyện cũ. “Đừng tìm về quá khứ/ Đừng nghĩ đến tương lai/ Quá khứ đã qua rồi/ Tương lai thì chưa tới/ Hãy sống trong hiện tại/ An lạc và thảnh thơi...”. - Bạn hãy dành thời gian ngồi lắng tâm lại và suy nghĩ vì sao bạn đã từng “sống chết” với lý tưởng của mình và cơ duyên may mắn lớn nào đã đưa đẩy bạn gặp được Sư Ông Làng Mai tại Làng Mai, một cơ duyên mà không phải ai “mơ” cũng thấy được. Tại sao lý tưởng ngày đó như vậy mà bây giờ đến nỗi như vầy? Chắc chắn ngày đó, trước mặt Sư Ông bạn đã nói những lời khác với bây giờ. Vì nếu không bằng lòng thì bạn đã không đi để gặp mặt. Sự thật do đâu? Bạn đang giận hờn Sư Ông hay bạn đang giận hờn chính bạn tu tập không có kết quả, không có hạnh phúc an lạc thật sự rồi giận ngược lại Sư Ông? Giống như ví dụ người ta hay kể một em bé gái xin mẹ cho em được đi ra chợ cùng mẹ. Đến khi ra chợ, em bị vấp té. Em khóc và la lên rằng: “Tại ai bảo Mẹ cho Con đi chợ với Mẹ làm chi nên Con mới bị té đó!”. nguyensi (11/09/2012) Trao đổi với cô Thích Nữ TP. Con đường tu tập quả là chông gai. Cuộc sống hiện tại là sự thật, là chân lý và ta va chạm với nó. Ta không hài lòng về nó và ta nghi ngờ tất cả, những điều ta đã từng tâm đắc. Tôi không phải là một phật tử, lẽ dĩ nhiên tôi dễ dao động. Nhưng rõ ràng cuộc sống của tôi là một thử thách ghê gớm. Tôi có gia đình, bạn bè người thân của tôi cho rằng cuộc đời tôi là một địa ngục. Một là tôi phải đầu hàng bằng sự trốn chạy, hai là phải đối diện với nó-bằng cách nào? Nếu thấy những câu kinh, triết lý nhà Phật trở nên giáo điều, vô nghĩa với sự thật hiện hữu, thì ta còn gì để tin. Thực tế sống mới chiêm nghiệm được câu: Khó mà hiểu được con đường của đạo. Ta vẫn trốn chạy bốn sự thật. Ham muốn của chúng ta vẫn còn mạnh mẽ quá. Một điều muốn chia sẽ cùng cô, hãy suy nghiệm về thượng đế. Ông (hay bà) là ai? Mặt mũi hình tướng thế nào? Nếu có thật, tại sao ngài lại tạo ra một thế giới "khổ đau" như thế này? Với tôi, có lẽ mọi người sẽ phỉ báng nếu tôi nói câu theo nhiều vị thầy đã nói: Ta là một phần của thượng đế, hay thượng đế là cuộc sống. Nó là vậy. (hôm nay học được cách gọi của thầy TNH là ngày tiếp nối- continuation dạy, thật là hay). Có thể Thích nữ TP nói vậy mà không phải vậy. mong được trao đổi thêm với cô. nguyen (11/09/2012) Các bạn, tôi là một Phật tử nhưng không thuộc pháp môn của Sư ông Nhất Hạnh, tôi xin được góp một vài ý kiến, mong các bạn chỉ giáo cho những chỗ nào các bạn thấy không ổn. Trong sự truyền bá đạo Phật có 2 điều căn bản là sự truyền bá phải “khế lý và khế cơ”, nếu khế lý mà không khế cơ thì sự truyền bá chỉ thu hẹp trong một số ít người, không được rộng rãi, còn khế cơ mà không khế lý thì không còn là đạo Phật nữa. Pháp môn của Sư ông rõ ràng là đã khế cơ, đã chọn được một vùng đất thích hợp, đó là ở phương Tây, là nơi có một truyền thống Thiên Chúa giáo lâu đời và nói chung những người ở đây ưa chuộng cái gì có tính cách hình thức (tôi có “vơ đũa cả nắm” không?), do đó việc trộn lẫn Phật giáo và Thiên chúa giáo và các sinh hoạt có tính cách hơi trình diễn như hát hò, dẫn từng đoàn người rất đông đi kinh hành ngoài đường phố… rất dễ được chấp nhận. Nhưng rõ ràng khế cơ mà không khế lý, những điều Sư ông nói về Thượng đế rõ ràng không phải là của đạo Phật, bất cứ ai có một chút kiến thức về đạo Phật đều biết rằng trong đạo Phật không có một chỗ nào dành cho Thượng đế cả, đạo Phật hoàn toàn trái ngược với các đạo độc thần khác. Như vậy có thể nói pháp môn của Sư ông không phải của đạo Phật và cũng không phải là một chi nhánh của đạo Phật nữa, đó chỉ là một sự trộn lẫn giữa Phật giáo, Thiên Chúa giáo, và những gì của riêng Sư ông trong quá trình mấy chục năm hành đạo. Theo cái nhìn của tôi, pháp môn của Sư ông là như vậy, ai thích hợp và thấy được an lạc trong pháp môn này thì theo, ai không thấy thích hợp thì không theo, không có gì phải phê phán, đả kích hay ca tụng cả. nhất nguyên (11/09/2012) Thích Nữ TP đang hành đúng chính pháp, đúng ý Phật muốn dạy. Đức Thế Tôn chẳng thường nhắc nhở: Dù là lời của phật, cũng nên quán xét xem có đúng lẽ thật không! Thực hành có mang lại an lạc hay không! Thi hãy nên theo. Chúng ta có thói quen sống với mê lầm của vọng thức, nên cứ quên hoài thực hành TỨ Y Pháp của Phật dạy, mới dễ sa vào tam đồ ác đạo. Tôi trước kia có một bài góp ý cùng đạo hữu nay gửi kèm đây để chúng ta cùng tham khảo. Về nạn ngoại đạo âm mưu phá hoại Phật giáo thông qua con đường bạo lực và cải đạo. Cùng những bài viết về sự nghiên cứu của các học giả dựa theo khảo cổ học để xác minh kinh đại thừa là kinh phát triển hoặc ngụy tạo… ____________________________________________________ Kính thưa đạo hữu! Nhân đọc đựơc những bài viết của các đạo hữu về nạn ngoại đạo âm mưu phá hoại Phật giáo, thông qua con đường bạo lực và cải đạo. Cùng những bài viết về sự nghiên cứu của các học giả, dựa theo khảo cổ học để xác minh kinh Đại thừa là kinh phát triển hoặc ngụy tạo, làm lung lạc lòng tin của tín hữu. Nhất Nguyên cũng xin được góp ý để cùng đạo hữu tham khảo. Theo chỗ hiểu của Nhất Nguyên qua lời dạy của chư Phật, chư Tổ. Nếu hành giả hành đạo Giải Thoát học hiểu giáo lý và ứng dụng, thì không có một bạo lực nào phá hoại được hạt giống Phật. Tại sao vậy? Vì dù có sức mạnh quyền lực và vũ khí tối tân, cũng chỉ phá được phần Quả Báo (Tức thân nghiệp), chứ không phá hoại được phần Nhân (Tức chỉ phá được phần thô). Còn như Phật tử chúng ta không học hiểu và hành trì chính pháp, mà chỉ gửi gấm lòng tin kính và cầu phúc báo, thì chẳng cần tới quyền lực và vũ khí, mà chỉ cần dùng Ái Dục đủ mạnh, đúng nơi, đúng lúc, thì những người Phật tử đó sẽ bị lung lạc và dẫn dắt xa dần Chánh pháp mất hạt giống Phật. Tai sao? Vì chúng ta còn dầy đủ 4 tướng (Ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả) cương cường, nên tùy chỗ sâu dày của Ngã Chấp, mà Ái Dục có thể tấn công. Phương pháp này, không những phá được phần Quả, mà còn phá được cả phần Nhân. Vì hành giả từ đây đi theo Tà Kiến, trưởng dưỡng tà kiến, nên sẽ huân tập thân kiến trong kiếp kế tiếp, xa rời nhân duyên với Chánh pháp. Chính vì vậy Nhất Nguyên nghĩ rằng: Nếu như chư Tôn Ðức cùng Cư Sĩ thâm hiểu giáo lý Phật-Ðà, tận dụng mọi cơ hội khi có dịp tiếp cận Phật tử, truyền bá Chánh pháp, thì đây sẽ là hành trang và thành trì vững chãi cho những đứa con của Như-Lai trên con đường trở về Chân-Giác. Về vấn đề nghiên cứu của các học giả, thông qua khảo cổ học để xác minh kinh Ðại thừa là phát triển hoặc ngụy tạo… Thích nữ TP (11/09/2012) Kính thưa quý đạo hữu, TP đang lắng nghe các ý kiến của quý vị và cũng đang lắng lòng nghe sự phán xét của trái tim mình. TP đã rất cố gắng để dám nói lên những điều trăn trở trong tâm bấy lâu nay, bởi từ trước TP vẫn chưa thấy ai dám có ý kiến với vị Thầy của mình bao giờ. TP làm vậy và đang sẵn lòng chờ đón những lời mắng nhiếc “đồ nghịch tử phản Thầy”. Biết thế nhưng TP vẫn làm, không phải với tâm phản Thầy mà với lòng tha thiết mong cầu Thầy cũng như các bạn hữu khác sớm nhận ra con đường sai lạc, con đường không phải Đức Thích Ca giảng dạy cho nên không mang lại lợi ích thật sự cho đệ tử của Như Lai. Thưa quý vị, TP đã gặp được Chánh Pháp, con đường đúng thực Phật dạy, rất khoa học và hữu ích đối với người Phật tử. Nhưng với một người đã có 60 năm ôm ấp mộng đời và danh tiếng vang xa (như thầy Nhất Hạnh) thì không dễ gì Thầy chấp nhận rằng mình sai. Trong lòng TP rất kính và cũng rất thương Thầy. Xin cảm ơn đạo hữu Giác Tâm và nguyênsi đã trao đổi rất thẳng thắn với TP. TP không trốn chạy, TP đang vững bước đi trên con đường thực sự nhiệm màu của Đức Thích Ca. Cũng từ đó, TP đã nhận ra rất rõ ràng pháp của thầy Nhất Hạnh dạy không phải là pháp Phật mà do Thầy học nhiều (Học Giả) rồi biến tướng theo trí tưởng tượng của mình. Pháp Phật phải là vị Hành Giả (Bậc Tu chứng) giảng giải thì mới đúng thật và có được lợi ích cho mọi người. Xin cảm ơn toàn thể quý đạo hữu đã có ý kiến đóng góp, TP sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu. Xin phép quý vị, TP được im lặng không có ý kiến nữa, vì sự cố gắng lớn đã dám nói thêm một vài lời hôm nay như thế là đủ. Kính chúc quý đạo hữu an lạc. (Còn tiếp) |