18- BẢO VỆ CHÁNH PHÁP LÀ NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA PHẬT TỬ - Phản hồi của độc giả trên DĐ/TVHS với Thích Nguyên Hải

Cập nhật ngày : 21.10.2012    
Loạt bài: VẤN ĐÁP, ĐỐI THOẠI - BẢO VỆ CHÁNH PHÁP (Kì 1. Phản hồi của độc giả trên DĐ/TVHS với Thích Nguyên Hải) 
 
BBT/GNCN
          Bảo vệ Chánh pháp là nghĩa vụ và quyền lợi của người Phật tử. Chúng ta không thể im lặng mãi để tư tưởng tà kiến hoành hành nhằm xóa bỏ Phật giáo ra khỏi đời sống nhân loại. Không thể thế được, chúng ta đã có giáo pháp chân chánh, có Bậc Minh Sư chỉ đường dẫn lối, nhất định một ngày kia, những giáo lý tà kiến sẽ bị xóa sạch trên hành tinh này.
          Lần lượt chúng tôi sẽ chuyển đến quý độc giả những VẤN ĐÁP - ĐỐI THOẠI đã đăng tải trên các trang mạng có những bài viết, những ý kiến kịch liệt phản đối giáo pháp của Trưởng Lão Thích Thông Lạc dựng lại.

          Mời quý vị đón đọc.

ĐỐI THOẠI 1 


- phattu: Thường những gì người chứng đạo nói và viết, sẽ đem lại lợi lạc cho số đông. Nhưng bây giờ có người "chứng đạo" viết và nói, lại đem đến tranh cãi và phiền não cho số đông. Mâu thuẫn thiệt.

Thầy Nhất Hạnh và ngài Dalai Lama là "ngoại đạo", nhưng tôi thấy hai vị này đóng góp cho Phật giáo rất lớn và cũng đem lại lợi lạc cho nhiều người. Tôi nghĩ nếu ai đó giỏi tiếng Anh thì nên phát tâm dịch sách của thầy Thông Lạc để làm lợi lạc cho nhiều người...

- Trí Khánh: Bạn phantu ơi! nói vậy nghe không xuôi! Đức Thế Tôn của chúng ta để lại tạng Nikaya, nhưng kẻ hiểu đông, người hiểu tây, cũng gây tranh cãi, phiền não, mâu thuẫn cho nhiều người. Thậm chí có ông Linh Mục tây mang Nikaya dịch ra không chỉ tiếng Anh mà cả tiếng Pháp, tiếng Ý nữa!...

Nói có sách, mách có chứng. Đó chính là quyển “Kitô giáo dưới mắt một Phật tử”. Bản dịch Việt ngữ từ tiếng Pháp của hai Linh mục người Việt là Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Bá Tùng từ nguyên tác Un Bouddhiste Dit Le Christianisme Aux Bouddhistes của Linh mục Edmond Pezet. Sách được Hội Đồng Giáo Hoàng Phụ Trách Đối Thoại Liên Tôn của Vatican bảo trợ. Bản Việt ngữ do Đức Ông Phil. Trần Văn Hoài viết lời giới thiệu. “Lời Bạt” cuối sách của Linh mục Dom Pierre Massein lại là phần quan trọng nhất phục vụ chủ trương “Đôi thoại liên tôn” của Vatican.

Khi phê bình thầy Thông Lạc không hiểu tạng kinh Nikaya. Thầy Thích Nguyên Hải đã chép lại một bài kinh ngắn dưới đây để chứng minh:

 (III) (Ud 80): Này các Tỷ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.”

Chúng ta không ngờ rằng Lm Dom Pierre Massein cũng đã dịch kinh trên ra nhiều ngôn ngữ Tây phương để phổ biến trong thế giới Kitô giáo, nhằm chứng minh cái mà Thần học Kitô giáo gọi là “Thực Tại Tối Hậu”, tức Thiên Chúa của họ cũng hiện hữu trong tâm tư Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni từ hơn 2500 năm về trước. Bản kinh được Linh mục Nguyễn Bá Tùng chuyển sang Việt ngữ như sau:

 “Có một điều không thụ sinh, không thụ phát, không thụ tạo, không thụ tướng. Nếu không có điều không thụ sinh, không thụ phát, không thụ tạo, không thụ tướng thì việc hình thành thế giới thụ sinh, thụ phát, thụ tạo, thụ tướng không thể có được. Nhưng bởi vì có một điều không thụ sinh, không thụ phát, không thụ tạo, không thụ tướng, cho nên nó có thể thoát khỏi thế giới của điều thụ sinh, thụ phát, thụ tạo, thụ tướng.” (Udàna III).

Nếu thầy Thích Nguyên Hải dùng bài kinh trên để phê phán thầy Thông Lạc phủ nhận thế giới siêu hình. Cũng có nghĩa là thầy đã đồng ý với Linh mục Dom Pierre Massein về một luận điểm Thần học cho rằng: toàn thể vũ trụ đều là vật thụ sinh thụ tạo, chỉ có Thiên Chúa của Kitô giáo là đấng duy nhất tự hữu, hằng có đời đời. Nếu không có ngài thì không thể có bất cứ một vật gì được “thụ sinh, thụ phát, thụ tạo, thụ tướng”…

- Phương Minh: Thưa đạo hữu phattu, chúng ta cần suy xét kỹ và hiểu thấu đáo từ “Lợi lạc”. Lợi lạc của Đạo và lợi lạc của Đời nó không giống nhau. Lợi lạc của Đạo thì an vui thanh thản, lợi lạc của Đời vẫn chứa đầy bề bộn lo toan.

Đạo hữu xem lại trong bài luận về Tứ Diệu Đế của thầy Nhất Hạnh, thầy NH đã dẫn ví dụ: “sinh một em bé ra đời, thi đậu một tấm bằng, được nhận vào một sở làm…”, đó cũng là những lợi lạc (hạnh phúc), nhưng lợi lạc này là khởi đầu của bao nhiêu sự (đau khổ) lo toan mới. Niềm vui có trong chốc lát, còn khổ đau cứ mãi mãi muôn đời.

Lợi lạc trong Đạo của người phật tử theo con đường giải thoát chân chánh thì tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không, không còn lo toan hờn giận, không còn vướng bận danh lợi ở đời, nhưng tấm lòng yêu thương thì rộng mở đến tất cả mọi người và muôn loài. Và, vượt lên trên hết, đó là cái lợi lạc không còn bị sanh ra trong nhiễm ô bất tịnh nữa. Đó là giải thoát.

 “Việc đem lại tranh cãi và phiền não cho số đông”, đó là điều hoàn toàn hợp lý. Đã hơn hai ngàn năm, mọi người vẫn tin là như thế, vẫn cứ tưởng như thế là đúng thật, bây giờ có người nói rằng: như thế là không đúng thật, là sai lầm thì làm sao mà không tranh cãi, phiền não được! Sở tri, sở kiến ôm ấp mấy ngàn năm, đâu dễ gì buông bỏ được trong một sớm một chiều.

Chẳng những phiền não mà còn có thể phải hốt hoảng, chết điếng người nữa chứ. Ví như trong thân thể một người, lâu nay đang có một khối u ác đã khởi mầm từ lâu nhưng họ không biết, họ vẫn tưởng mình mạnh khỏe vô bệnh. Nào ngờ, một hôm đi khám, được bác sĩ cho biết mình có khối u có thể dẫn đến tử vong. Như vậy mình không bất ngờ hốt hoảng sao, rồi có thể phải đau đớn như muốn chết khi bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u ấy đi.

Vậy đạo hữu đã rõ chưa? Sự “đem đến tranh cãi và phiền não” không có gì là mâu thuẫn cả.

Việc thầy Nhất Hạnh và ngài Dalai Lama mang lại lợi lạc thế gian cho số đông người thì chúng tôi rất tôn trọng và tán thán. Nhưng nói là lợi ích cho Phật giáo thì chúng tôi không chấp nhận, bởi đó không phải là đường lối của đạo Phật.

Biết bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ ngoài đời, họ giảng dạy đạo đức trong ngành Khoa học Xã hội Nhân văn đã mang lại lợi lạc cho đời nhiều lắm chứ, được mọi người tán thán, tôn kính và không ai có lý do gì có thể phản bác được.

Ở đây, các ngài dạy đạo đức nửa tôn giáo, nửa cuộc đời mà mang danh Phật giáo thì làm sao chúng ta chấp nhận được? Đạo là Đạo, Đời là Đời, muốn mang Đạo vào hướng dẫn Đời thì phải có cái gì vượt hơn hẳn lên trên đời, mới có thể dẫn đời được chứ. Các Ngài vẫn còn lặn ngụp trong bảy nổi ba chìm như mọi người thì làm sao mà cứu vớt người được?

- nowandhere: Giữa Bát Chánh đạo và 37 phẩm Trợ đạo, có lẽ theo ý PM, Trợ Đạo trái ngược lại với Chánh Đạo chứ gì? Có lẽ theo ý của PM: “Trợ” là “phụ” còn “Chánh” là “chánh”, “chánh” trái ngược lại với “phụ”. Mọi người ai cũng biết chữ “chánh” có nhiều nghĩa, như là ngay thẳng, đúng, phải, chánh đáng, phần chính, v.v… nhưng có lẽ theo ý PM chữ chánh chỉ có một nghĩa, đó là chánh hay là phần chính, trái ngược lại với phụ. Mọi người đều biết chánh tư duy là suy nghĩ chân chánh, nhưng có lẽ theo ý của PM thì có cái gọi là suy nghĩ chánh hay còn gọi là chánh tư duy, có cái gọi là suy nghĩ phụ hay trợ tư duy, suy nghĩ phụ ngược lại với suy nghĩ chánh.

- Minh Trí: Đạo hữu nowandhere nên bình tĩnh hơn! Chữ “Chánh” trong Bát Chánh Đạo không có nhiều nghĩa như đạo hữu tưởng. Nó chỉ có một nghĩa duy nhất: “THÁNH”. Cho nên Bát Chánh Đạo còn được gọi là BÁT THÁNH ĐẠO. Kinh Nikaya gọi là “Thánh đạo Tám ngành”. Nghĩa là Thánh đạo này được đặt trên tám lớp… Nếu giải thích hời hợt như đạo hữu: “chánh tư duy là suy nghĩ chân chánh”, thì làm sao bật lên được cái nghĩa “THÁNH” của nó?... Đạo hữu nên suy nghĩ chính chắn trước khi trả lời câu hỏi này: Vì sao “THÁNH ĐẠO” lại bị nhốt chung một rọ với các “trợ đạo”???

- Phương Minh: Con đường đi đến Giải Thoát của đức Thích Ca dạy, chỉ duy nhất có một chứ không hai, đó là con đường Bát Chánh Đạo. Để giúp cho hành giả không bị sa lầy, ngã vực hay lạc vào đường cấm thì phải có 37 phẩm trợ đạo song hành.

PM dẫn ví dụ: Đạo hữu đã bao giờ đi trên một con đường chưa? Khi đi trên con đường ấy, đạo hữu có thấy hai bên lề đường có những cọc tiêu, biển báo hướng dẫn để người đi biết đâu là đèo vực, đâu khúc quanh co, đâu là ngả cấm, v.v… chứ? Ở đây Bát Chánh Đạo là con đường, còn 37 phẩm trợ đạo ví như những cọc tiêu biển báo… để dẫn hành giả đi không sai hướng. Vậy mà đạo hữu cũng hùa theo thầy Ng Hải để quyết lấy con đường dựng đứng lên làm biển báo, liệu có chắc được không nhỉ? (PM lấy ví dụ này tạm dẫn cho dễ hiểu, còn theo lý đạo thì phải thận trọng thưa hỏi bậc thiện tri thức). Nếu cứ như đạo hữu thì 37 phẩm trợ đạo, nay chỉ còn lại 29 phẩm (bởi mất 8 chánh đạo rồi. Có lẽ đây là cái mới của thầy Ng.Hải và của đạo hữu, hay là sự sai lầm nghiêm trọng của thầy Tổ chúng ta từ xưa đến nay không chịu động não tư duy?