16- “IM LẶNG NHƯ THÁNH” KHÔNG PHẢI LÀ “CÂM”- Viên Hạnh

Cập nhật ngày : 11.10.2012    

Kính thưa quý độc giả,

Đọc được chủ đề này: “Im Lặng Như Thánh” không phải là “Câm” của độc giả tinhtri có ý kiến trên diễn đàn giotnangchonnhu với đoạn kết như sau:

[Thưa các bạn! "Im lặng như Thánh" có phải là "câm" không? Tôi đã từng đọc trên mạng thấy có một nhóm tăng ni sinh đang học ở trường Phật học rủ nhau lập trang anti-thonglac.com... Nếu điều đó xảy ra và nếu bạn đang là "đệ tử của thầy Thông Lạc", bạn sẽ phản ứng ra sao?

"Im Lặng Như Thánh" là pháp môn "phòng hộ sáu căn" chứ không phải là "câm" các bạn ạ! Tôi thấy hiện nay nhiều đệ tử của Thầy hiểu lầm về pháp môn này!

Làm thế nào vừa "Im Lặng Như Thánh" lại vừa "hộ trì Chánh Pháp"?]

Suy tư về đoạn kết với câu hỏi của bạn tinhtri đưa ra: “Làm thế nào vừa Im Lặng Như Thánh lại vừa Hộ Trì Chánh Pháp?”, tôi thấy có ý nghĩa rất sâu sắc trách nhiệm của người Phật tử, nhưng cũng rất khó khăn cho người thực hiện Im Lặng Bậc Thánh sao cho đúng pháp.

Kính thưa quý vị,

Xưa, đức Phật đã dạy: “Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn, thời các ngươi có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng?

    - Bạch Thế Tôn, không thể được!

    - Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: "Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi". (Bài kinh Phạm Võng thuộc Kinh Trường Bộ, tạng Nikàya).

Như vậy, đức Phật dạy đệ tử của mình phải “Im Lặng Như Thánh” nhưng Ngài cũng dạy: …“các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: "Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi”…

Đó là chứng minh “Im Lặng Như Thánh” không phải là “Câm”.   

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu để thấy rõ rằng khi nào là thấy lỗi mình, thấy lỗi người để có lời “chỉ lỗi” mà không rơi vào “chỉ trích” tà kiến.

Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy:

“Không nên nhìn lỗi người,

Người làm hay không làm

Nên tự nhìn thân ta,

Có làm hay không làm”.

Thoạt nhìn qua hai đoạn kinh của đức Phật trên đây (kinh Phạm Võng và kinh Pháp Cú), chúng ta dễ lầm rằng đức Phật dạy không nhất quán, có sự sai khác nhau. Không phải vậy.

Khi nào “Không nên nhìn lỗi người” và khi nào …“phải nói rõ những điều không đúng sự thật là không đúng sự thât…” thì chúng ta cần phải thấu suốt mới không lạc vào kiến chấp bảo thủ, chủ quan. Mỗi người Phật tử đều có hai ngã chấp, ngã chấp cá nhân (đó là Ta) và ngã chấp tập thể (đó là đạo Phật).

Đối với ngã chấp cá nhân, làm thế nào để “Im Lặng Như Thánh”?

Đối với mỗi cá nhân đang tích cực tu tập Tứ Chánh Cần để thanh lọc tâm, đức Trưởng Lão đã dạy từ bài kệ trên:

“Lời nhắc nhở khuyên nhủ trên đây của đức Phật, nhằm giúp chúng ta khi tu hành không nên nhìn ra ngoài, mà hãy nhìn vào trong ta, kiểm điểm lại Ta, quan sát lại Ta, tư duy về Ta... để tìm ra những lỗi lầm của mình, nhờ có thấy được lỗi lầm, Ta mới cố gắng khắc phục làm không cho phạm phải những lỗi lầm đó nữa.

Nếu hằng ngày chuyên cần làm những công việc này, tức là ngăn ác và diệt ác pháp thì tâm Ta không còn lỗi lầm. Tâm không còn lỗi lầm là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tâm vô lậu, là tâm hết khổ đau”…  

Đó là chứng minh “Im Lặng Như Thánh” không phải là “Câm”. Im lặng như Thánh ở đây là sự phòng hộ sáu căn, gột rửa sáu căn để tâm thanh tịnh chứ không hẳn là phải câm như một số người đã hiểu lầm. Tôi sẽ dẫn ra ví dụ ở phần sau.

Đối với ngã chấp tập thể, làm thế nào để “Hộ Trì Chánh Pháp”?

Đạo Phật mấy ngàn năm, gốc rễ, thân cành vẫn còn đây nhưng có mấy người Phật tử được nhìn thấy thân cành, gốc rễ ra sao đâu. Bởi vì “trên thân cây” đạo Phật bị quá nhiều lớp chùm gửi bám vào tầng tầng lớp lớp phủ kín, dây lá xanh tươi hào nhoáng. Do vậy người Phật tử đến với đạo Phật đã từ lâu chỉ hái được nắm lá của loài dây leo chùm gửi.

Loài dây leo chùm gửi ấy chính là các tông phái của tôn giáo khác bám vào đạo Phật, chúng chỉ làm hư hại đạo Phật chứ không làm lợi ích chân thực nào cho cuộc đời. Chúng cũng được ví như những ung nhọt bám trên thân thể đạo Phật nên người đời vẫn tưởng lầm là đạo Phật.

Trong trường hợp này đức Phật dạy: …“các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: "Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác;…”.

Vậy, nếu chúng ta có nói lên những “lỗi lầm” này (của các tông phái khác đang bám trên thân đạo Phật) chính là chúng ta đang nhìn lỗi trong thân ta, đang thanh lọc tự tâm để đạo Phật thanh tịnh, trong sạch. Tất nhiên phải đau đớn, phải đấu tranh bởi có ai bị cắt bỏ đi trên thân thể mình những ung nhọt mà không đau đớn bao giờ? Phải cắt bỏ hết các ung nhọt, cắt bỏ hết các dây leo chùm gửi để trả lại bản chất chân thật nguyên sơ của “cây” đạo Phật thuở ban đầu, dù có đau đớn đến bao nhiêu.

Đó là minh chứng “Im Lặng Như Thánh” mà không “Câm”. Im lặng như Thánh ở đây là sự thanh lọc tâm (cho cái ngã tập thể) của đạo Phật. Cũng chỉ là tự “nhìn lỗi mình” chứ đâu phải “chỉ trích” lỗi người.  

Đến đây, tôi xin dẫn trích vài ví dụ để quý vị suy ngẫm về sự Im Lặng Như Thánh như thế nào cho đúng pháp.

Ví dụ thứ nhất: Có một vị tu sĩ nọ đang thực hành tu hạnh độc cư. Một hôm có việc phải đi ra bên ngoài xóm nhỏ (nơi mà tu sĩ vẫn thường tu tập hàng ngày). Vừa mới qua khỏi ngã ba đường, tình cờ gặp một người khách lạ đang muốn đến nơi xóm nhỏ. Người khách lạ thưa:

- Dạ thưa Sư, con muốn vào xóm nhỏ để được gặp thầy A thì đi theo lối nào?

- Vị tu sĩ nọ tuy biết rất rõ nhưng vì đang tu hạnh độc cư nên mím môi bặm miệng không nói, và chỉ với cái đầu gật gật, lắc lắc khiến người khách lạ không biết đi lối nào. Mò mẫm mãi rồi người khách lạ cũng tìm được đến nơi mình muốn đến.

Sau rồi vị khách lạ cứ phàn nàn, tu hạnh “Độc Cư” chứ đâu phải tu hạnh “Độc Câm”. Thật đáng tiếc, đây là chuyện có thật đã xảy ra với chính những người đang học tập Chánh pháp mà cũng không chịu hiểu Chánh pháp.

Ví dụ thứ hai: Câu chuyện thứ hai tôi lược dẫn lại đây thì quý vị đều đã biết. Đó là chuyện Bồ tát khổ hạnh nơi rừng sâu, một câu chuyện bịa đặt không hợp lý của kinh sách phát triển.

“Một hôm Bồ tát đang tu tập như thường ngày trong rừng thì gặp một đoàn người đi săn của nhà vua và tùy tùng đuổi theo con nai. Đến chỗ vị Bồ tát khổ hạnh đang tu thì bóng con nai nhà vua đang săn đuổi bị mất hút. Nhà vua bèn hỏi Bồ tát:

- Nhà ngươi có biết con nai Ta đang săn, nó chạy đi lối nào không?

Mặc dù biết rất rõ nhưng Bồ tát không mở miệng nói câu nào. Vì Bồ tát đang tu hạnh “Độc Cư” nên ngài chỉ mím môi bặm miệng không nói.

Nhà vua tức giận sai lính xẻo tai, cắt tay, chân vị Bồ tát và còn hỏi vị Bồ tát:

- Ta hành hạ nhà ngươi như vậy, nhà ngươi có tức giận Ta không?

Vị Bồ tát lắc đầu và nói: “Trái lại tôi còn thương nhà vua nhiều hơn”. Và sau đó tất cả những phần thân thể bị cắt rời của Bồ tát lại trở về lành nguyên như cũ”.

Đây là một câu chuyện bịa đặt rất ngu si của kinh sách phát triển, ngu si như chính vị Bồ tát đang tu khổ hạnh này. Mục đích họ muốn ca ngợi hạnh nhẫn nhục và cách thị hiện thần thông “siêu việt” của các vị tu sĩ ngoại đạo hoàn toàn trái với con đường Phật dạy.

Qua câu chuyện trên, đức Trưởng Lão đã dạy chúng ta: người tu sĩ phải biết thiện xảo trong tu tập và phải biết khéo Im Lặng Bậc Thánh đầy trí tuệ mới đúng là người tu theo Chánh Pháp.

Để trả lời câu hỏi của nhà vua trong trường hợp trên, Ngài dạy vị tu sĩ chỉ cần trả lời rõ ràng:

"- Thưa Đại vương, tôi là người tu hành theo đạo Phật, tôi phải giữ gìn rất nhiều Giới, trong đó có giới không nói dối và giới không sát sanh.

- Nếu tôi chỉ đúng đường con nai chạy, Đại vương sẽ giết chết con nai và như vậy tôi phạm tội gián tiếp sát sanh.

- Nếu tôi chỉ không đúng đường, con nai không bị giết nhưng tôi phạm vào tội nói dối.

Do vậy, xin Đại vương cho phép tôi được im lặng không nói, Đại vương có quở trách hay xử phạt như thế nào tôi cũng xin chịu".  

Nghe trả lời vậy, nhà vua quỳ xuống đảnh lễ bậc tu sĩ có Trí Tuệ thật đáng kính.

Thế mới hay. Câu chuyện thật đơn giản như vậy mà biết bao nhiêu thế hệ không thể nhìn ra sự thực nền đạo đức Nhân bản – Nhân quả mà đức Phật đã dạy. Họ đã quá tham đắm và u mê.

            Chúng ta càng thêm lòng tin tưởng vào đức Phật xưa và Trưởng Lão Thông Lạc ngày nay.