Cập nhật ngày : 01.09.2012 | |||
Người Phật tử tìm đến đạo Phật với biết bao kỳ vọng. Khi còn là một người chưa có khái niệm gì về Phật, Pháp, Tăng và Giới, trong chúng ta mỗi người đều sẵn có suy tư riêng của mình được chấp chứa bởi nhiều câu chuyện truyền khẩu trong nhân gian, hay mơ màng về những tích chuyện trong kinh sách mà ngày nay chúng ta mới rõ: Đó là kinh sách Đại Thừa hay còn gọi là kinh sách phát triển. Những câu chuyện truyền khẩu, những lời dạy trong kinh sách Đại Thừa từ bao lâu đã thần thánh, huyễn hóa đức Phật như ông Thần, ông Thánh siêu việt, có khả năng gánh vác nỗi khổ đau cho mọi người. Hoặc dạy phải tin tưởng các vị thầy Tổ như những người đã gần gũi gặp gỡ Phật, như người trung gian chuyển tiếp những lời của Phật để họ ban phước hay giáng họa cho con người. Thế là từ đó mang tâm lo lắng, sợ hãi triền miên hết kiếp này qua kiếp khác, đời này qua đời khác đã làm khổ đau bao nhiêu thế hệ. Cúng bái, lễ lạy, cầu xin, làm tuần thất cúng vong, tiễn linh, cầu giải oan, yểm bùa, niệm chú… đều là những việc mà đức Phật gọi là những trò nhảm nhí mê tín, điên đảo chẳng mang lại lợi ích gì. Đức Phật dạy đạo trí tuệ. Vậy thì ai đã mang những trò mê tín dị đoan đến thế giới này, lại còn nghênh ngang xưng danh Phật giáo? Hẳn là những người rất thiếu trí tuệ nên mới đặt ra những trò ma mị để lừa người mưu cầu hưởng lợi riêng tư. Thật là xấu hổ cho ai đã hành như thế. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem trí tuệ của thầy Tổ xưa nay ra sao? Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma
I. HÃY NGHE THẦY TỔ VẤN ĐÁP Những câu trả lời nổi tiếng: “Tôi không biết” 1- Được gọi là vị Tổ thứ 28 chân truyền của đạo Phật, và là vị Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa (Thiền Đông Độ), ngài Bồ Đề Đạt Ma (470-543) khi truyền đạo sang phương Đông, sau khi đến đất nước Trung Hoa, ngài có cuộc gặp gỡ đối thoại với vua Lương Võ Đế mà kinh sách còn ghi lại như sau: “Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp. Vũ Đế hỏi nhà sư Ấn Độ: "Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?" Đạt Ma đáp: "Không có công đức." - "Tại sao không có công đức?" - "Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật." - "Vậy công đức chân thật là gì?" Sư đáp: "Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được." Vua lại hỏi: "Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?" - "Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh." - "Ai đang đối diện với trẫm đây?" - "Tôi không biết."” Vâng! Lời đáp gọn nỏn: “Tôi không biết” của một vị Tổ rất đỗi tôn kính để trả lời một câu hỏi thật đơn giản mà đứa trẻ lên 3 cũng có thể trả lời rành rõ: ví dụ: “Dạ thưa, con là bé Bi” chẳng hạn. Ấy thế mà trong ngữ cảnh đang đối thoại với vua, vị Tổ này không còn nhận biết được mình là ai thì thử hỏi trí tuệ của Đạt Ma để đâu? Hòn đá hay là khúc cây mà không biết mình là ai nữa? Trong trường hợp này, ta không thể dùng một luận cứ nào mà biện minh cho sự ngu ngơ của Tổ được. Một người được coi là đắc đạo (tổ Bồ Đề) và một người phàm phu đang tầm cầu học đạo (vua Lương), nhưng vua nhận được một câu trả lời như thế thì suy nghĩ sao? Theo kinh sách đã ghi, sau câu trả lời vô nghĩa ấy, Bồ Đề Đạt Ma đã bị vua Lương sai lính dạy cho một bài học nên thân rồi đuổi cổ ra khỏi cung (đoạn trích trên đây đã cắt bỏ để giữ thể diện cho Tổ?...). Thế nên mới có việc 9 năm Tổ ngồi “diện bích tuyệt ngôn” ở Tung Sơn, Lạc Dương. Đó là vị Tổ thứ nhất, Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Chúng ta cùng tìm hiểu tiếp: 2- Hiện tại, trong thế giới Tây phương đang mê mẩn đắm say tin vào một vị Tổ người Tây Tạng, đó là ngài Đạt Lai Lạt Ma 14, người được xếp vào vị trí số 2/100 vị có ảnh hưởng nhiều nhất về tâm linh bên trời Tây. Nhưng thật không xứng đáng với niềm tin được trao gởi. Chúng ta hãy thử nghe vài câu trả lời của ngài Lạt Ma 14 khi được người Phật tử thưa hỏi. Câu hỏi thứ nhất: “Hoàn cảnh nào khó khăn nhất mà Đức Thánh Thiện phải chiến thắng?”(Giảng về Phật giáo ứng dụng). Ngài Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Tôi không biết”. Lại một câu trả lời đầy thất vọng cho người hỏi phải không thưa quý vị? Đối với sự nghiệp của mình, nếu là nhà hoạt động chánh trị hoặc một vị tỳ kheo tu tập pháp môn Phật giáo thì đều phải biết cách trả lời cho rõ ràng, bởi vấn đề nêu ra không khó khăn gì. Là một nhà chánh trị hay là một ông thầy tu? Đối vời ngài Lạt Ma, có lẽ chúng ta ai cũng hiểu: Ngài là cả hai. Chính vì vậy mà sự nghiệp nửa nọ nửa kia nên cả hai đều không đi tới đâu cả. Như thế chúng ta có đủ niềm tin vào một người có thừa danh vị, uy tín nhưng rất thiếu trí tuệ của Phật tử - hay không? Lại là người có uy tín rất “to” nữa. Xót thương thay cho Phật giáo bấy lâu, người tu thực đâu chẳng thấy, chỉ thấy người mượn đạo để làm danh. Tuy trả lời rằng không biết, nhưng ngài cũng có được mấy lời qua quýt như sau: “Tôi nghĩ thật khó để mà nói. Tôi nghĩ tùy thuộc vào những thời gian nào đấy, trên những trình độ nào đấy. Thí dụ, khoảng những năm ba mươi tuổi, tôi có một số thấu hiểu nào đấy về không tuệ, và rồi thì tôi đã phát triển cảm nhận của một khả năng để đạt đến niết bàn. Do thế, viễn ly đã trở thành, tôi nghĩ, thật là mạnh mẽ, nhưng rồi thì vào lúc ấy, tôi thấy rất khó khăn để nghĩ về tâm giác ngộ [bodhicitta]. Vào những năm bốn mươi tuổi, tôi đã học quyển sách của Tịch Thiên, cũng như Tràng Hoa Quý Báu của Long Thọ, và một số tác phẩm khác, và tôi nghĩ nhiều hơn về tâm giác ngộ. Dĩ nhiên, tôi vẫn không có kinh nghiệm chân thật về tâm giác ngộ hay tính không, nhưng, một cách so sánh, đôi khi bây giờ tôi có cảm nhận và niềm tin rằng nếu tôi có đủ thời gian, tôi có thể phát triển thích đáng tâm giác ngộ cũng như tính không. Vào một thời điểm khác, theo những kinh nghiệm vào lúc ấy, tôi cảm thấy không khó lắm. Do thế, tôi không biết, có nhiều khó khăn, và rồi cùng lúc ấy, như tôi đã đề cập phía trước, có nhiều khả năng để vượt thắng tất cả những chướng ngại ấy. Rồi thì, như một Đạt Lai Lạt Ma, có khó khăn của hoàn cảnh Tây Tạng. Điều ấy rất khó khăn; nó thật sự vượt ngoài sự kiểm soát của tôi, có phải không? Rất khó khăn. Để kết luận, những người tin tưởng vào giá trị tâm linh, đặc biệt Phật Pháp, nên học hỏi! Thực hiện đầy đủ những giá trị này trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Và cố gắng để trở thành một môn đồ tốt của Phật Pháp và của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị thầy của chúng ta. Chúng ta nên là những học trò tốt: điều ấy là quan trọng. Quý vị thấy, cho dù là một người tin tưởng hay không tin tưởng, cho dù có lý trí hay không, chúng ta đã sinh ra trên Trái đất này. Vì vậy, cho đến khi nào chúng ta còn hiện diện trên hành tinh này, hãy là một người biết phải trái, một người với trái tim nồng ấm. Nếu chúng ta có thể hữu dụng cho người khác, hãy là như thế, không có lý do gì để tạo nên những rắc rối nữa cho người khác!” Câu hỏi như thế và trả lời như vậy, chúng ta cùng suy tìm xem trí tuệ của ngài Lạt Ma thông thái đến mức nào? Câu hỏi thứ hai: “Tại sao chúng ta đến thế giới này?” Ngài Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Tự nhiên là tự nhiên. Không có câu trả lời”. (Giảng về Phật giáo ứng dụng). Chúng ta không thể chấp nhận một ông thầy tu đã giảng thuyết pháp biết bao năm với hàng tín đồ khắp thế giới mà trả lời một cách rất thiếu trách nhiệm đối với Phật tử như vậy. Chúng ta nên cảm thông tha thứ, nhưng cũng cần nghiêm trách một người mượn danh Phật giáo khá thành công, Phật tử rất đỗi tôn sùng, nhưng thật đáng tiếc, cũng thật đáng thương. Để tìm hiểu về trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã có một bài viết ngắn giới thiệu đến quý vị trong thời gian gần đây. Ở trên chúng ta đã nghe những câu trả lời “nổi tiếng” của hai vị Tổ đại diện thời xưa và thời nay. Đến đây, quý vị tiếp tục thấy một vài lời dạy của các Tổ cũng “nổi tiếng” không kém là bao. II. VÀ THẤY NHỮNG LỜI THẦY TỔ DẠY Về những lời dạy “nổi tiếng phá hoại” Phật giáo, dẫn Phật tử vào đường mê loạn, dối lừa miệng lưỡi truyền nối bao đời mà ngày nay vẫn đang còn đó, những lời ấy thì ngay khi đức Phật còn sinh thời Ngài đã lên tiếng cảnh báo rằng: “… Có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương Ngụy biện luận, khi bị hỏi vấn đề này hay vấn đề khác dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn? Ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn không như thật biết "Ðây là thiện" không như thật biết "Ðây là bất thiện". Vị ấy nghĩ: Tôi không như thật biết: "Ðây là thiện", không như thật biết: "Ðây là bất thiện" và nếu tôi trả lời: "Ðây là thiện" hoặc tôi trả lời: "Ðây là bất thiện", thời dục, tham, sân hoặc hận, khởi lên nơi tôi. Nếu dục, tham, sân hoặc hận, khởi lên nơi tôi, như vậy tôi có thể bị sai lầm. Nếu tôi sai lầm thì tôi bị phiền muộn. Nếu tôi bị phiền muộn sẽ thành một chướng ngại cho tôi. Như vậy, vì sợ sai lầm, vì chán ghét sai lầm, nên vị ấy không trả lời: "Ðây là thiện", cũng không trả lời: "Ðây là bất thiện". Khi hỏi đến vấn đề này hay vấn đề khác, vị ấy dùng lời ngụy biện trườn uốn như con lươn…” Không những “ngụy biện trườn uốn như con lươn” mà còn nguy hiểm hơn thế, họ ngang nhiên lật ngược những lời Phật dạy, vậy mà Phật tử bao đời vẫn cứ tin tưởng tụng đọc như con vẹt học nói để mua vui cho đời. Dẫn chứng lời ngụy thứ nhất: “Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá lợi tử! Sắc bất dị Không. Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không. Không tức thị Sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị. Xá lợi tử! Thị chư pháp Không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố Không trung vô sắc, vô thọ, tưởng hành thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới nãi chi vô ý thức giới; vô vô minh diệc, vô vô minh tận nãi chi vô lão tử diệc, vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo;…” Chắc quý Phật tử không lạ gì người dạy bài kinh “nổi tiếng phá” đạo Phật này là ai rồi. Trích đoạn bài kinh, chúng ta cùng cố gắng tìm hiểu xem chữ VÔ ở đây mang ý nghĩa gì? “VÔ sắc, thọ, tưởng, hành, thức; VÔ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý;” Thế cho nên bốn đại năm uẩn này (trở thành) là hòn đá, khúc cây. Thế cho nên mới “VÔ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… rồi VÔ Khổ, Tập, Diệt, Đạo” thì hoàn toàn hợp lý. Hòn đá, khúc cây thì còn biết gì là Khổ hay Tập, Diệt, Đạo nữa? Đức Phật dạy Khổ, Tập, Diệt, Đạo, bốn chân lý dạy cho con người hiểu rõ chân thực của cuộc đời và con đường dẫn tới an vui cho mọi người. Thế nhưng Tổ siêu phàm hơn Phật, ngụy lời “trườn uốn như lươn” sắc sắc, không không đọc hay như đám hát làm vui tai người và cuối cùng bỏ hẳn: “Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo” tức chẳng còn Phật đạo nữa. Thế cho nên, trải mấy mươi thế kỷ, Phật giáo như chìm trong mùa đông mây mù tuyết lạnh. Dẫn chứng lời ngụy thứ hai: Luận về Khổ trong Tứ Diệu Đế, thiền sư NH có lời dạy sau đây: “…Tây phương dùng chữ illbeing để dịch chữ Dukha. Illbeing là khó ở, có bệnh tật, có cái gì không suông chảy, bế tắc. Illbeing là đối lại với wellbeing. Wellbeing là sự sảng khoái, sự thông suốt, an vui, không có vấn đề. Chữ khổ ở đây có nghĩa là không thoải mái, không hạnh phúc, không thông thoáng, bị bế tắc, khổ đau. Khi mình học thì thầy có thể dạy rằng, sự thật thứ nhất, Khổ đế, có nghĩa đời là khổ. Nói đời là khổ thì cũng đúng nhưng chỉ đúng phần nào thôi và bắt buộc mình tin rằng đời chỉ có khổ. Đời chỉ là khổ thôi chứ không là cái gì khác, đó không phải là sự thật toàn vẹn. Giảng sự thật thứ nhất đời là khổ, life is illbeing là chỉ đúng phân nửa sự thật vì đời cũng có thể rất vui, có thể thoải mái, thông thoáng, nhẹ nhàng, không phải chỉ bế tắc sầu khổ mà thôi. Cho nên sự thật thứ nhất không phải đời là khổ. Sự thật thứ nhất là khổ đau đang có mặt và hạnh phúc cũng đang có mặt”… Vâng, thưa quý vị, Tứ Diệu Đế Phật dạy tuyệt vời như vậy, nhưng Tổ xưa, Tổ nay thi nhau công phá, quyết đập cho bằng, quyết phá cho xong, đập phá cho đạo Phật đến nát tan, cho ngày nào chỉ còn thuần đạo Tổ thì họ mới yên vui trong dục lạc, chẳng còn phải sợ trời cao đất thấp nào nữa hết. Trao đổi về lời dạy này của thiền sư NH, Phật tử PM đã có mấy lời sơ lược để mọi người cùng hiểu về trí tuệ của các vị Tổ tôn kính của chúng ta trong bài “Đối Thoại với tỳ-kheo Nguyên Hải”. Mời quý vị xem lại. Dẫn chứng lời ngụy thứ ba: Hòa thượng TTT (Thiền Tông), trong bài “Phật giáo Thiền Tông thực tế đến không ngờ”, khi giảng liên quan đến vua Trần Nhân Tôn lãnh đạo toàn dân chống lại quân Nguyên Mông đã dạy: “Nói đến đây, tôi nhớ Sơ Tổ Trúc Lâm ngày xưa hết sức kỳ đặc. Khi ở ngôi vua Ngài đã thâm nhập được lý Thiền, hiểu Phật pháp rất sâu. Lúc quân Nguyên kéo binh qua xâm lược nước ta, Ngài biết nếu ra lệnh cho quân dân đánh giặc thì phạm tội sát sanh, mình giết hoặc dạy người giết. Bây giờ làm sao? Chỗ này Ngài giải quyết rất lý thú, nhưng chúng ta ít để ý đến. Ngài nghĩ mình là người chịu trách nhiệm với muôn dân, ra lệnh thì người ta làm. Nhưng ra lệnh đánh giặc tức là cố ý sát hại, như vậy ý nghiệp đã thành. Ý cộng với miệng thân nữa thì định nghiệp không thể chuyển. Nên Ngài họp tất cả tướng sĩ lại trưng cầu ý kiến, do đó mà có hội nghị Bình Than. Ngài hỏi: - Giặc tới muốn cướp nước ta, vậy nên đánh hay nên hòa? Tất cả tướng sĩ đồng thanh hô to: - Đánh. Đó là lệnh của tướng sĩ bảo phải đánh, chớ không do ý của Ngài. Hỏi tướng sĩ không chưa đủ, Ngài triệu tập hết các bô lão trong nước họp hội nghị Diên Hồng, hỏi: - Giặc đến muốn cướp nước ta, nên đánh hay nên hòa? Các bô lão cũng khẳng định dứt khoát: - Đánh. Như vậy được lệnh của tướng sĩ, được lệnh của nhân dân, Ngài chỉ làm theo mệnh lệnh thôi, chớ đâu phải Ngài ra lệnh. Chúng ta thấy Ngài khôn chưa? Vừa tránh được định nghiệp cho mình, lại vừa rất dân chủ, được mọi người quí kính. Thật quá ư là khéo! Cho nên tuy đánh giặc, có thương tổn đến nhiều sinh mạng mà ngài không bị định nghiệp, sau này ngộ đạo thành Tổ.” Đoạn này người viết xin miễn bàn nhiều, chỉ thốt lên một tiếng than thở dài ngao ngán, chẳng biết vua Trần “khôn chưa?” hay “thật quá ư là khéo!”, để ngày nay HT cảm mà xuất ra những lời hết sức thơ ngây như thế. Trí tuệ và lòng Từ Bi, đức hy sinh vì dân tộc, vì nhân dân của vua Trần lại ích kỷ đến mức đó sao? Đẩy hết định nghiệp cho mọi người để mình vô tội mà sau này trở thành vị Tổ. Chắc vì học được tính khôn lanh kiểu chợ trời này nên HT mới trở thành vị Tổ kế thừa đầy danh vọng như hôm nay. Chúng ta hãy suy ngẫm kỹ, hẳn thực là vua Trần rất anh minh trong cuộc chống ngoại xâm, biết tổng hợp sức mạnh đoàn kết của toàn dân: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Còn ở đây, HT của chúng ta hôm nay thật là dại khờ, thiểu trí mới có những lời dạy sai lạ như vậy. Than ôi!!! Dẫn chứng lời ngụy thứ tư: Chúng ta cùng tham khảo trích đoạn lời dạy của HT TTT (Tịnh Độ Tông) trong bài giảng “Đừng Dính Đến Quyền Lợi” như sau: “Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn chịu để vượt qua. Không phải hàng xuất gia không bị dính mắc vào quyền lợi. Huống nữa, chính quyền lợi đó sẽ đem đến những tai họa cho thân mình. Mấy huynh đệ tuổi còn trẻ, đường còn dài, phải lưu ý lắm mới được. Nói đến đây, tôi nhớ lúc còn học tại chùa Báo Quốc ở Huế, nhân đọc Đại tạng đến quyển Trúc Song Tùy Bút của Đại sư Liên Trì, phần nói về “Con nhện con tằm”. Trong ấy nói hai con vật này đều nhả tơ, giăng lưới. Nhưng một con phải chết vì sự nhả tơ đó, còn một con thì lợi dụng sự nhả tơ để bắt mồi. Con tằm nhả tơ rồi bị đem đi luộc, còn con nhện cũng nhả tơ nhưng lại tự tại qua lại trên những sợi tơ đó, không bị vướng kẹt. Đại sư Liên Trì đưa ví dụ này nhằm để khuyên nhắc tất cả mọi người. Vì ai nấy đều có sự nghiệp. Người đời cũng có sự nghiệp, mà người xuất gia cũng có sự nghiệp; chỉ là lớn hay nhỏ mà thôi. Tuy vậy, mình nhớ tạo sự nghiệp phải được như con nhện, đừng như con tằm nhả tơ rồi phải chết trong kén.” Thưa quý vị! Trong chúng ta ai cũng biết con tằm nhờ công người nuôi dưỡng, cả đời tằm chỉ biết ăn lá dâu. Cuối đời thải hết uế nhơ để còn lại một bụng tơ mành vàng óng, tằm lại lặng lẽ rút ruột nhả tơ trả lại công ơn người chăm sóc, rồi sau đó mới “ra đi về cõi vĩnh hằng” không chút vấn vương. Còn con nhện thì sao? Tuy không nhờ công người nuôi dưỡng nhưng nhện kia chỉ suốt ngày đủng đỉnh rong chơi, nhả tơ giăng lưới bắt mồi. Thật tội nghiệp cho những con mồi vô phước, mắc lưới là làm mồi ngon nuôi nhện. Cứ thế tháng ngày trôi, nhện kia béo trục béo tròn, sinh con đàn cháu đống đời đời nối nhau làm cái nghề ác độc “giăng lưới giật giàm” lừa bắt chúng sanh. Giữa hai cuộc đời Tằm và Nhện như thế đấy! Thế mà một vị HT đã gần 80 tuổi hạ lại theo người xưa để ngợi ca hạnh của con nhện và khuyến khích những Phật tử trẻ nên theo. Thảo nào Phật giáo mấy mươi thế kỷ không còn nhận biết đâu là thiện, đâu là bất thiện nên chẳng thấy chút ánh sáng trí tuệ nào chiếu soi. Còn nữa đây, HT còn dạy như vầy: ... "Theo lời Phật, dù là hạng cực ác mà chịu hồi tâm tu theo pháp môn này (Pháp môn Tịnh Độ), trong một thời gian rất ngắn (10 niệm) cũng được vãng sanh. Đã được vãng sanh thời siêu phàm nhập thánh, thoát hẳn sanh tử, bất thối vô thượng Bồ đề”… (Bài Bớt duyên chuyên tâm niệm Phật) Đây là một lời nói dối đại nguy hiểm, rất ác độc. Nếu nghe theo, kẻ “vô văn phàm phu” cứ tha hồ mà làm ác gây tai họa cho đời, sau đó chỉ cần Nam mô A Di Đà Phật 10 biến là tội lỗi sạch không, lại được Phật A Di và thánh chúng đến rước về cõi Tây phương Cực Lạc nữa chứ. Một lời dạy hết sức mê muội đưa đến tai hại không thể lường trước được. Vậy mà suốt bao nhiêu thế kỷ, con người vẫn sợ hãi tin theo không đắn đo suy tính. Để kết thúc bài viết “Một Thoáng Buồn…” chúng tôi xin gửi tới quý vị tôn túc cùng toàn thể quý độc giả lời chúc an lành tốt đẹp nhất. Mong quý vị thông cảm và tha lỗi cho chúng tôi. Chúng tôi không phải vì ghét ganh đố kị, không oán thán hận thù, cũng không phải vì lo sợ ảnh hưởng gì đến lợi lạc của cá nhân mà viết ra những điều nghe, thấy này. Thật lòng, chúng tôi chỉ ước nguyện sao cho tất cả mọi người chúng ta, mỗi người đều trở về với đúng cội nguồn chân thiện mà đức Thích Ca giảng dạy. Hãy nói thật, xin quý thầy Tổ đừng dạy dỗ những lời nói dối nữa. Đây chỉ “Một Thoáng Buồn” chứ thực sự thì Phật giáo đã “Buồn mấy ngàn năm” rồi. Mong bình minh chân thật tỏa khắp muôn nơi để tất cả chúng sanh đều được vui hân hoan trong thế giới ngập tràn thiện pháp. |