Đọc qua lời giới thiệu của HT Thích Minh Châu trong Trung Bộ Kinh, những người có tâm huyết với tiền đồ Phật giáo hiện nay không khỏi bàng hoàng khi biết kinh tạng Nikaya không phải nguyên thủy trăm phần trăm, mà chỉ “gần nguyên thủy” thôi!.. Do đó, dịch giả khuyên độc giả nên cân nhắc, bằng chính sự tìm hiểu và chứng nghiệm của bản thân để thấy “đoạn nào là thật sự nguyên thủy”. Vì “đạo Phật là đạo đến để mà thấy”, “đạo của người có mắt”. Đọc tiếp lời giới thiệu của HT Thích Minh Châu, người Phật tử lại càng bàng hoàng hơn khi biết “ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật”… “dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn”….
Điều ngạc nhiên là những phát hiện của HT Thích Minh Châu khi dịch Đại tạng Nikaya đã xuất hiện từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng đến nay vẫn ít người biết đến… Cũng không thể trách nếu có người cho rằng Đại thừa chỉ là Bà La Môn giáo, khi mà những tư tưởng tà giáo này đã được cấy ghép từ trong trứng nước, nghĩa là từ lần kết tập đầu tiên bằng văn tự, và được bồi đắp tinh vi hơn bởi những hậu nhân… Bởi thế, Nếu có người biết gạn lọc “đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải là nguyên thuỷ” bằng chính sự chứng nghiệm bản thân mà người ấy gọi là “dựng lại chánh pháp” cũng là điều đáng trân qúy…
Dưới đây là nguyên văn đoạn trích dẫn “Lời giới thiệu” Trung Bộ Kinh của HT Thích Minh Châu:
“Chúng tôi dịch Kinh Pàli, không vì mục đích muốn ủng hộ hay không muốn ủng hộ một học phái nào, một lập trường nào. Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những Kinh điển có thể được xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dầu là Ấn Ðộ, Trung Hoa hay Việt Nam. Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên cho độc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, từ mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình tìm hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì Ðạo Phật là Ðạo đến để mà thấy chớ không phải Ðạo đến để nhờ người thấy hộ, Ðạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải Ðạo của người nhắm mắt; Ðạo của người thấy, của người biết (Passato Jànato), không phải là Ðạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm.”
“Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch.”
Gần đây có dư luận cho rằng quý Tôn túc, Hòa thượng phản đối “Lời giới thiệu” vì nó “chứa đựng nhiều sai lầm”!?... Bản thân HT Thích Minh Châu cũng đã “nhận sai lầm” và tuyên bố từ bỏ “Lời giới thiệu” nêu trên?!!! Thậm chí có độc giả còn cương quyết đòi Ban biên tập Thư Viện Hoa Sen xóa bỏ “Lời giới thiệu” đang được đăng trên website này… http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-471_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/
Điều lạ là một sự kiện lớn như thế mà người ta chỉ “rỉ tai”, “nghe nói” thôi! chứ không tổ chức những cuộc hội thảo, công khai minh bạch để rộng đường dư luận…
Một điều tế nhị là đa số qúy Tôn đều dịch Đại tạng từ Hán tạng A-hàm. Chỉ duy nhất mỗi mình HT Thích Minh Châu là dịch từ tạng Pali. Trong qúa trình dịch thuật, HT Minh Châu thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa hai tạng này. Nếu tạng Pali mà còn chỉ “gần nguyên thủy” thôi, chứ chưa phải “nguyên thủy” trăm phần trăm, thì Hán tạng A-hàm còn xa đến cỡ nào?... Chính cái khoảng cách này là đất dụng võ cho các tư tưởng tà giáo… Một vấn đề tế nhị có thể bộc phát thành sự kiện “rỉ tai”, “nghe nói” trong dư luận cũng là điều dễ hiểu…
Thiết tưởng, một cuộc hội thảo nằm trong tầm tay qúy ngài, sao qúy ngài không tổ chức để tham khảo ý kiến của các thức giả, mà chỉ vận động hành lang, tạo áp lực buộc HT Thích Minh Châu phải từ bỏ đưa con tinh thần của mình…
Riêng đối với chúng tôi. HT Thích Minh Châu không chỉ là một cao tăng, Ngài còn là một thức giả, một trí giả, một học giả uyên thâm với học hàm Giáo sư và học vị Tiến sĩ… Công trình dịch thuật tạng kinh Pali thành Đại Tạng Kinh Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về mặt tôn giáo, nó còn có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều ngành học thuật khác như văn hóa, chính trị, xã hội, văn học, triết học cổ đại Ấn Độ… Vì thế công trình dịch thuật của Ngài không dành riêng cho Phật giáo mà còn là một tài liệu tham khảo quan trọng cho những người làm công tác khoa học, đặc biệt đối với khoa học xã hội nhân văn... Với một bậc Thiện tri thức như thế, chẳng lẽ lại thiếu trách nhiệm trước những gì mình đã nói, đã viết... Nếu thực sự Ngài đã rút lại "lời giới thiệu" của mình, bất kể lý do nào, tự thân Ngài cảm thấy mình đã viết sai, hay vì áp lực của một thế lực nào đó mà ngài đã khước từ những gì mình đã viết, thì không chỉ cá nhân tôi, mà nhiều Phật tử khác cũng sẵn sàng rút lại hai chữ “kính trọng” dành cho ngài từ trước đến nay…