10. THIỀN ỨC CHẾ TÂM
Hỏi: Kinh bạch Thầy, theo thiển nghĩ của con: “Đi xa từ gần, lên cao từ thấp, muốn dễ phải khó.” Phải chăng HT Thích Thanh Từ đã bỏ qua chân lý này nên Ngài đã áp dụng pháp môn tu thiền dùng pháp hành ngồi cô lập tứ chi dẹp vọng (ức chế tâm) Ngài cho là thù thắng.
Nhưng qua trắc nghiệm con thấy đúng là bế tắc. Ngồi một ngày ba thời, mỗi thời hai tiếng cô lập thân tâm, dẹp vọng, chân thì đau mà vọng chẳng dẹp được, nó còn mống lên, như thế có phải tự mình làm khổ mình không?
Đáp: Đúng vậy, ngồi thiền như vậy là ức chế cả thân tâm tự mình làm khổ mình. Trong kinh sách Nguyên Thủy Đức Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp” để được giải thoát, thế mà ngồi đau chân khổ sở mà không chấp nhận nó là ác pháp sao?
Tu không giải thoát đã tự làm khổ mình thêm mà cứ tu, đó có phải là vô minh không? Tu không tìm thấy sự giải thoát ngay liền thì không đúng với đường lối đạo Phật. Xưa Đức Phật dạy: “Pháp Ta không có thời gian, tu tập sẽ có kết quả ngay liền.” Vậy mà ngồi thiền đau chân như ai bẻ giò bẻ cẳng thì làm sao có kết quả ngay liền được? Đó là tu sai pháp Phật rồi, tự làm khổ mình mà không biết. Như vậy là chúng ta đã tu theo pháp môn của ngoại đạo.
Tu theo đạo Phật dù ít dù nhiều ta cũng tìm thấy sự giải thoát ngay liền, cho nên Đức Phật nêu lên mười điều kiện: “Chớ có tin, chớ có tin …,” chỉ tin vào pháp thiện, pháp tu tập không đau khổ. Vậy mà mọi người tu trong đau khổ mà vẫn tin là pháp giải thoát. Thật là buồn cười cho những người vô minh mà cứ tưởng mình là minh.
11. BẬC PHI HÀNH BIẾN HÓA
Hỏi: Kính bạch Thầy, chương I (Tứ thập nhị chương) dạy: Từ thân xuất gia tu hành bốn chân đế, chứng A-la-hán, là bậc phi hành biến hóa (biến hóa tự tại) sống lâu vô cùng, ở đâu thì chuyển động cả đất trời ở đấy, như vậy có đúng không?
Đáp: Đoạn kinh này xác định bậc A-la-hán như vậy là rất đúng, vì khả năng tu chứng của bậc A-la-hán là một siêu nhân không thể lấy trí hữu hạn mà hiểu thấu năng lực siêu việt ấy được. Vậy mà các Tổ dám dựng lên câu chuyện ông Ca Diếp và Ông Phú Lâu Na tranh chấp về sự việc bỏ những giới nhỏ nhặt để hạ bệ các bậc A-la-hán đại đệ tử của Đức Phật.
Đối với bậc A-la-hán về việc bỏ những giới nhỏ nhặt mà ông A Nan quên hỏi Phật là bỏ những giới luật nào thì quá dễ. Chỉ cần hai vị A-la-hán này nhập vào Niết Bàn hỏi Phật thì rõ ràng, có đâu mà lại tranh chấp hơn thiệt để mang tiếng là bậc A-la-hán tư tưởng vẫn bất đồng nhau. Theo chúng tôi thiết nghĩ về vấn đề bỏ những giới nhỏ nhặt, điều đó không khó đối với ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na, chỉ có người sau không hiểu mới có câu chuyện vô lý này.
Như chúng ta đã biết từ giới luật mà sanh ra chư Phật và A-la-hán, ngoài giới luật ra thì không có Phật và A-la-hán. Vậy mà giới luật nào lại bỏ được. Giới luật là hành động đạo đức của chư Phật và A-la-hán, dù là giới luật nhỏ nhặt nhất nó cũng là hành động đạo đức làm người làm Thánh. Chỉ có những người không hiểu giới luật mới xem thường giới luật để chạy theo dục vọng thế gian mới bày trò bỏ những giới nhỏ nhặt không hợp thời để tự tung, tự tác phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới mà không ai dám chỉ trích chê trách phê phán họ.
Người muốn tu chứng quả A-la-hán thì phải sống đúng giới luật tức là phạm hạnh của một vị Thánh Tăng, ngoài phạm hạnh của một vị Thánh Tăng ra thì không thể nào chứng quả A-la-hán được. Tóm lại bậc A-la-hán là bậc siêu nhân như trong kinh đã dạy điều đó là đúng sự thật, chứ không phải như các Tổ hiểu theo trí hữu hạn nên nói bậc A-la-hán còn tranh chấp, chỉ có Phật mới là hết tranh chấp.
Bậc A-la-hán là bậc vô lậu hoàn toàn, họ thường sống trong tâm bất động, không có một ác pháp nào làm động tâm họ được. Họ là người ra khỏi tam giới, không còn bị quy luật nhân quả chi phối.
12. PHẬT VÀ A-LA-HÁN
Hỏi: Kính bạch HT, trong sách HT giảng: “Phật và A-la-hán chứng quả như nhau (không có cao thấp). Thế sao về danh từ không chung là một mà lại còn tách bạch ra hai?
Đáp: Phật và A-la-hán đều chứng quả như nhau, nhưng Phật là người sáng lập ra đạo Phật nên gọi được là Phật, còn A-la-hán là những người tu chứng giải thoát như Phật nhưng phải theo giáo pháp của Đức Phật, vì thế nên không được gọi là Phật, chỉ được gọi là A-la-hán mà thôi.
Vì nếu gọi tất cả A-la-hán là Phật thì cũng không sao, nhưng lòng người muốn phân biệt danh từ A-la-hán và Phật như vậy là vì họ muốn tỏ lòng tôn kính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hơn, là vì Đức Phật là người đã dầy công tu tập mới sáng lập ra đạo Phật và để lại cho loài người một giáo pháp đạo đức tuyệt vời, công ơn ấy rất lớn.
Phật và A-la-hán khác nhau là ở những chỗ mà chúng tôi đã nêu ở trên, vì thế danh từ gọi Phật và A-la-hán phải khác nhau. Cho nên Phật có thể gọi mình là A-la-hán, nhưng A-la-hán không thể gọi mình là Phật được. Đạo Phật duy nhất chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đấng giáo chủ, ngoài Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra thì không có một đấng giáo chủ nào khác cả, nếu có một đấng giáo chủ nào khác là do con người sau bịa đặt ra. Vì thế trước và sau Phật Thích Ca Mâu Ni thì không có một vị Phật giáo chủ nào cả.
Những vị Phật độc giác là phải tự mình tìm lấy pháp tu hành không theo một giáo pháp nào cả nhưng tu chứng giải thoát như Phật Thích Ca Mâu Ni, có nghĩa là phải làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi thì mới được gọi là Độc Giác Phật.
13. NGŨ NHÃN CÒN QUÁ ÍT
Hỏi: Vả lại tu Tứ Thánh Định chứng Tam Minh là quả vị A-la-hán, sao chỉ nói có thiên nhãn Minh mà không nói ngũ nhãn như kinh Kim Cang: nhục nhãn, tuệ nhãn, Phật nhãn…?
Đáp: Phật tử nên phân tích rõ những danh từ dùng trong kinh sách Phật, nói thiên nhãn mà không nói minh tức là chỉ có thiên nhãn mà thôi, nhưng nói thiên nhãn minh thì có nghĩa khác. Trong Thiên Nhãn Minh là một trí tuệ siêu không gian và thời gian nên nó đầy đủ cả ngũ nhãn và còn nhiều hơn nữa mà kinh Kim Cang chỉ có nêu lên ngũ nhãn thật là quá ít.
Ngũ nhãn gồm có: 1, Nhục nhãn; 2, Thiên nhãn; 3, Tuệ nhãn; 4, Pháp nhãn; 5, Phật nhãn.
Trong Thiên Nhãn Minh gồm có: Giới nhãn, định nhãn, tuệ nhãn, nhân quả nhãn, vô lậu nhãn, nhục nhãn, thiên nhãn, Phật nhãn tức là A-la-hán nhãn, túc mạng minh nhãn, Thánh đức nhãn, đại thần lực nhãn, đại uy lực nhãn, đại minh lực nhãn, lậu tận minh nhãn v.v…
14. BỐ THÍ
Hỏi: Chương 11 kinh Tứ thập nhị: Bố thí của. Từ bố thí cho một người hiền bằng bố thí cho 100 người ác, đến thết (cúng dường) 1000 ức vị Tam Thế Chư Phật không bằng thết một vị: Vô niệm, vô trụ và vô chứng. Như vậy là như thế nào, xin HT chỉ dạy cho chúng con được rõ?
Đáp: Đúng là kinh phát triển dạy bố thí phi đạo đức chứ kinh sách Nguyên Thủy không có dạy như vậy. Quý phật tử hãy suy nghĩ lời dạy này có đúng đạo lý không? Bố thí cho một trăm người ác phước báo bằng bố thí cho một người thiện. Kinh sách phát triển dám lấy một người thiện mà so với một trăm người ác. Theo thiển ý của chúng tôi dù lấy một ngàn, một vạn, một triệu, mười triệu hay trăm triệu, vạn triệu cho đến vô lượng người ác cũng không thể so sánh với một người thiện. Vì thiện và ác là hai đường song song không thể gặp nhau trên một điểm nào cả thì làm sao so sánh được, hễ có cái thiện thì không có cái ác, có cái ác thì không có cái thiện. Thế sao các nhà Đại Thừa lại dùng thiện ác mà so sánh như vậy, đây là các nhà Đại Thừa tưởng giải để lừa đảo người không biết, chứ người biết thì kinh sách phát triển sẽ bị lật tẩy ra khỏi môi trường tôn giáo Phật giáo.
Đã bảo rằng Tam Thế Chư Phật, có nghĩa là ba đời chư Phật. Ba đời chư Phật là những người tu hành đã thành Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Những người này đã giải thoát hoàn toàn, thế mà một ngàn ức vị Phật như vậy không bằng một vị vô niệm, vô trụ, vô chứng.
Vậy chúng ta tìm hiểu một vị vô niệm, vô trụ, vô chứng như thế nào mà các nhà Đại Thừa ca ngợi tán thán như vậy.
Vô niệm như thế nào? Vô niệm là không có niệm thiện niệm ác trong đầu (Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền), công án Thiền Tông.
Vô trụ như thế nào? Vô trụ là tâm không trụ bất cứ một nơi nào cả (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm), kinh Kim Cang
Vô chứng là gì? Vô chứng là không thấy mình chứng đắc, còn thấy mình chứng đắc là chưa chứng đắc (Vô sở đắc), kinh Kim Cang.
Theo các nghĩa trên đây chúng ta xác định một người tu theo Đại Thừa và Thiền Tông khi thành tựu họ hoàn toàn vô niệm, vô trụ, vô chứng. Một người được cúng dường xứng đáng hơn 1000 ức vị Phật trong ba đời. Như vậy vị vô niệm, vô trụ, vô chứng là một vị Phật tối thượng phước báo hơn gấp 1000 lần Phật Thích Ca Mâu Ni. Bởi vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sống còn niệm, còn trụ, còn tu chứng. Tại sao chúng ta biết như vậy? Tại vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.” Như vậy chứng tỏ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn niệm thiện, không như Thiền Tông chẳng niệm thiện niệm ác.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn dạy chúng ta tăng trưởng thiện pháp tức là còn trụ trong thiện pháp để tăng trưởng nó lớn lên, do đó chúng ta biết Đức Phật Thích Ca còn trụ trong thiện pháp vì lợi ích cho chúng sanh. Còn chúng ta trụ trong thiện pháp là để không làm khổ mình khổ người.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự xưng mình tu chứng: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật,” hay khi chứng đạo Đức Phật đã nói lên bài kệ nầy:
“Thiên thượng thiện hạ.
Duy ngã độc tôn,
Nhất thiết thế gian,
Sanh, lão, bệnh, tử.”
Đối với kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người chưa vô niệm, vô trụ, vô chứng tức là người chưa chứng đạo. Người chưa chứng đạo mà làm Giáo Chủ sáng lập ra Phật giáo, còn người vô niệm, vô trụ, vô chứng lại không phải là giáo chủ. Vậy Phật giáo Đại Thừa và Thiền Tông là Phật giáo gì?
Dù không đối tượng ác pháp nhưng thiện pháp vẫn còn mãi mãi, vì thiện pháp là nền tảng đạo đức làm người, là nền móng giải thoát của đạo Phật, cho nên người tu sĩ đạo Phật nào cũng đều phải trụ vào đó để không làm khổ mình khổ người tức là tu giải thoát, tức là làm lợi ích cho chúng sanh.