7. CHỌN BẠN
Lời Phật dạy:
“Tìm không được bạn đường
Bằng mình hay hơn mình
Thà quyết sống một mình
Không làm bạn kẻ ngu.”
Kinh Pháp Cú, V- Balavagga - Phẩm Ngu
Giảng nghĩa:
Ca dao Việt Nam có câu:
“Thói thường gần mực thì đen,
Anh em bạn hữu ta nên chọn người”.
Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:
“Tìm không được bạn đường
Bằng mình hay hơn mình
Thà quyết sống một mình
Không làm bạn kẻ ngu.”
Đọc câu ca dao và bốn câu kệ trên đây cho chúng ta thấy rằng đời cũng như đạo Phật đều dạy chúng ta nên chọn thầy hay, bạn tốt, hoặc chọn bạn bằng mình hay hơn mình. Nếu thầy bạn kém hơn mình thì chẳng ích lợi gì cho mình, nhiều khi còn bị đắm nhiễm theo thói hư tật xấu của những người này. Thầy Tổ phạm giới, phá giới, sống không đúng Phạm hạnh và bạn bè thiếu đạo đức, do đó nhất định không nhận họ làm thầy Tổ, không làm bạn với kẻ ngu.
Những câu kệ này Đức Phật dạy chúng ta nên chọn một người bạn giỏi hơn mình, đó cũng là một vị thầy của mình để mình sẽ học hỏi được nhiều điều hay, điều tốt, còn chọn một người bạn dở hơn thì mình có học hỏi được gì đâu, đôi khi lại bị ô nhiễm tính xấu như gian tham, trộm cướp, nói láo, giết người, v.v...
Vào đạo tu học cũng nên chọn một vị thầy giới luật nghiêm túc, đức hạnh đầy đủ. Vì thế Đức Phật thường dạy:
“Này các tỳ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không được thân cận các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn Nhơn, không được nghe các bậc Chơn Nhơn, không được thân cận các bậc Chơn Nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn Nhơn, không tu tập các bậc Chơn Nhơn.”
Đoạn kinh trên đây Đức Phật khuyên chúng ta nên chọn những bậc Thánh, bậc Chơn Nhơn đạo hạnh như vậy để thân cận mới được lợi ích cho mình cho người khác. Bởi vì chúng ta thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn thầy, tìm bạn nên sự lầm lẫn của chúng ta đã phải trả một giá quá đắt cho cuộc đời tìm đạo tu hành.
Vào đạo với lòng tin Phật, tin thầy Tổ. Nhưng Phật đã mất đi rồi không còn gần gũi khuyên nhắc chúng ta nữa, chỉ còn thầy Tổ mà thôi. Nhưng thầy Tổ sống phạm giới, phá giới, Thánh hạnh thầy Tổ không còn thì biết tin và nương tựa vào ai nữa đây? Nhìn gương hạnh sống của thầy Tổ hiện giờ mà lòng chúng ta đau xót tận cùng vì giới luật đức hạnh của Phật dạy còn đây mà thầy Tổ thì ném bỏ vào sọt rác. Ôi, đau xót vô cùng! Còn biết nương tựa vào đâu nữa?
Thật là bất hạnh cho mọi người chúng ta biết chừng nào! Thầy hay khó gặp, bạn tốt khó tìm.
8. HẠNH VÀ MINH
Lời Phật dạy:
“Với Minh và với Hạnh, thành tựu hai pháp này. Này các tỳ-kheo, tỳ-kheo đạt đến cứu cánh của cứu cánh:
1- Cứu cánh an ổn khỏi khổ ách
2- Cứu cánh Phạm hạnh
3- Cứu cánh mục đích
Bậc tối thượng giữa chư Thiên và loài Người.”
Kinh Tăng Chi Bộ, tập 4, trang 663.
Giảng nghĩa:
Xét duyệt qua đoạn kinh này có ba cứu cánh:
1- Cứu cánh an ổn khỏi khổ ách là do chánh tri kiến. Chánh tri kiến là sự hiểu biết mọi vật như thật, do hiểu biết mọi vật như thật nên mọi khổ ách đều được hóa giải. Vì vậy gọi là cứu cánh an ổn khỏi khổ ách tức là Minh Giải Thoát.
2- Cứu cánh Phạm hạnh là do giới luật. Một tu sĩ sống đúng giới luật, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào là có giải thoát ngay liền. Giới ly dục ly ác pháp mà tâm ly dục ly ác pháp là tâm bất động. Tâm bất động là tâm không phóng dật. Do giới luật mà tâm được giải thoát nên gọi là Hạnh Giải Thoát tức là Cứu Cánh Phạm Hạnh.
3- Cứu cánh mục đích là tri kiến và giới luật. “Giới luật ở đâu là tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu là giới luật ở đó. Tri kiến làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh tri kiến.” Đó là cứu cánh giữa Minh và Hạnh nên gọi là cứu cánh mục đích.
Trên đây là nói về giai đoạn mới bắt đầu vào tu tập giới luật bằng tri kiến, còn ở giai đoạn hai và ba thì đoạn kinh này Đức Phật dạy “Minh và Hạnh.” Minh và Hạnh đạt được là cứu cánh của cứu cánh. Vậy Minh và Hạnh là gì?
Minh là trí tuệ Tam Minh; Hạnh là đức hạnh không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh, hay nói cách khác Hạnh là Giới luật. (Xem thêm nghĩa Minh Hạnh Túc). Cho nên người tu theo Phật giáo đầu tiên cần phải đạt được Đức Hạnh của Giới luật. Đức hạnh của giới luật đó là hạnh ly dục ly ác pháp. Hạnh ly dục ly ác pháp là hạnh bất động tâm. Hạnh bất động tâm là tâm định tỉnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng. Từ tâm này chúng ta mới có đủ năng lực nhập Bốn Thánh Định và thực hiện Tam Minh.
Như trên đã nói Hạnh tức là Giới luật rất quan trọng cho con đường tu tập theo Phật giáo. Phải không các bạn? Không có Giới luật thì thiền định và Tam Minh không bao giờ có. Vì vậy các bạn nên hiểu Hạnh là nền tảng đạo đức của Phật giáo, còn Minh là kết quả cuối cùng của con đường tu tập giải thoát của Phật giáo, nên Đức Phật bảo: “Này các tỳ-kheo, tỳ-kheo đạt đến cứu cánh của cứu cánh.”
Xin các bạn tu theo Phật giáo nên lưu ý điều này: Hạnh mà không sống đúng thì không làm sao có Minh. Người có Giới hạnh không thể nào tu tập lạc vào tà pháp ngoại đạo. Thấy ai sống không đúng giới hạnh thì biết ngay người ấy tu tập rơi vào tà pháp ngoại đạo.
Cho nên Minh và Hạnh là thước đo sự tu tập của Tăng Ni và cư sĩ, là tiêu chuẩn duyệt xét sự chứng quả của họ. Do đó những người tu giả, tu thật chúng ta đều biết rất rõ. Biết rõ để làm gì các bạn? Nếu người thật tu, thật chứng thì chúng ta xin được thân cận; nếu người tu giả thì từ giã xa lánh.
9. NIẾT BÀN
Lời Phật dạy:
“Hãy cầu vui Niết Bàn
Bỏ dục không nhiễm uế
Kẻ trí tự rửa sạch
Mọi cấu uế nội tâm.”
Kinh Pháp Cú.
Giảng nghĩa:
Tất cả các pháp trên thế gian đều vô thường, mà pháp vô thường là pháp khổ. Pháp khổ từ dục sinh ra. Dục là uế nhiễm, bất tịnh. Do đó chúng ta cần phải bỏ tất cả dục; dục hết là tâm bất động; dục hết là hết khổ, là tâm an vui. Trên thế gian không có pháp nào mang đến cho chúng ta chân hạnh phúc trọn vẹn, chỉ vì điên đảo mà chúng ta chạy theo các pháp vô thường tìm hạnh phúc trong đó, cũng giống như chúng ta tìm lông rùa, sừng thỏ, có nghĩa là tìm hạnh phúc trong các pháp vô thường thì không bao giờ có được. Vì thế Đức Phật dạy: “Hãy cầu vui Niết Bàn.” Vậy Niết Bàn là cảnh giới gì đây? Sao Đức Phật lại bảo chúng ta hãy cầu vui Niết Bàn?
Thưa các bạn! Niết Bàn không phải là một cảnh giới, cũng không phải là một thế giới siêu hình, cũng không phải cõi Thiên Đàng, Cực Lạc hay bất cứ một cõi Trời nào, cũng không phải Bản Thể vũ trụ, Phật Tánh. Niết Bàn là một trạng thái tâm hết tham, sân, si. Cho nên trong bốn chân lý của đạo Phật gọi nó là “Diệt Đế.” Diệt Đế là một trạng thái tâm không còn dục, không còn ác pháp; tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ; tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Trong tâm bất động như vậy nó có một niềm vui an lạc mà không có dục.
Vì nó mang cho mọi người một chân hạnh phúc như vậy nên Đức Phật dạy: “Hãy cầu vui Niết Bàn.” Nhưng muốn cầu vui Niết Bàn thì phải làm sao?
Thưa các bạn! Muốn cầu vui Niết Bàn thì đây là một con đường mà mọi người đều phải bước đi bằng trí óc và đôi chân của mình chứ không có người nào đi thay cho mình được. Đó là con đường Bát Chánh Đạo. Con đường Bát Chánh Đạo chia ra làm ba cấp tu tập:
- Cấp I thuộc về Giới Luật
- Cấp II thuộc về Thiền Định
- Cấp III thuộc về Trí Tuệ
Mỗi cấp đều có pháp học và pháp hành. Sau khi học và hành đúng, có nghĩa là phải trải qua ba cấp và tám lớp học thì tâm người ấy mới vô lậu hoàn toàn, chứng quả A-la-hán. Sự tu học của Phật giáo cũng giống như chương trình học thức ngoài đời gồm có ba cấp: Tiểu học – Trung học – Đại học. Mỗi cấp đều có nhiều lớp học, cuối năm học mỗi lớp đều có thi chuyển lớp. Cuối mỗi cấp đều có thi chuyển cấp hay thi tốt nghiệp của cấp đó. Ví như: Tiểu học có bằng Tiểu học; Trung học có bằng Trung học; Đại học có bằng Đại học. Trong các cấp tu hành của Phật giáo cũng vậy:
- Cấp I: Giới Luật. Khi học hết cấp này trọn vẹn thì được “cấp bằng” Nhập Lưu (Tu Đà Hoàn), còn chưa học hết cấp thì tùy ở sự hiểu biết, tu tập và giữ gìn giới luật được nhiều hay ít, ít thì Hướng Lưu; nhiều thì Dự Lưu.
- Cấp II: Tứ Thánh Định. Tu học hết cấp này trọn vẹn thì mới được “cấp bằng” Bất Lai, còn chưa trọn vẹn thì chỉ có “chứng chỉ” Thất Lai (Tư Đà Hàm) cao hơn một chút nữa thì có “chứng chỉ” Nhất Lai (A Na Hàm).
- Cấp III: Trí Tuệ Tam Minh. Tu học hết cấp này thì tâm vô lậu hoàn toàn được “cấp bằng” Niết Bàn (A-la-hán). “Cấp bằng” cao nhất trong đạo Phật là Niết Bàn. Vì thế Đức Phật dạy: “Hãy cầu vui Niết Bàn.” Xem thế, chúng ta thấy rất rõ con đường tu theo Phật giáo, tu tới đâu có kết quả tới đó. Kết quả là sự giải thoát đúng như thật trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Tu ít kết quả ít, tu nhiều kết quả nhiều, nhưng phải tu tập đúng pháp, đúng cách, cũng giống như chương trình học ngoài đời vậy, học tới đâu biết tới đó, học ít biết ít, học nhiều biết nhiều.
Muốn đạt được Niết Bàn theo như lời Phật dạy:
“Bỏ dục không nhiễm uế
Kẻ trí tự rửa sạch
Mọi cấu uế nội tâm”.
Thưa các bạn! Đọc ba câu kệ trên đây, chúng ta xét thấy pháp môn tu hành của đạo Phật rất đơn giản và cũng không khó hiểu. Phải không các bạn? Nhưng làm được việc này là một kỳ công. Vậy bỏ dục không nhiễm uế phải làm sao? Muốn bỏ dục không nhiễm uế hay tự rửa sạch mọi cấu uế nội tâm thì các bạn cần phải tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm, tức là hằng ngày phải ngăn ác diệt ác pháp, ly dục ly bất thiện pháp. Đó là những phương pháp rửa sạch mọi cấu uế ở nội tâm. Tuy lời nói trong kinh Pháp Cú đơn giản nhưng tu hành phải tận lực, nếu không tận lực tu tập thì khó đạt được kết quả như ý mong ước.
Điều mà các bạn cần nên lưu ý: đó là tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Thân Hành Niệm, các bạn không thiện xảo thì bị ức chế tâm. Và ức chế tâm là các bạn không xả tâm. Không xả tâm thì dục không bao giờ hết. Cho nên phải lưu ý và quan tâm khi hành pháp.