Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 01 (1-2)

1. LÒNG THA THIẾT CẦU XIN THẦY ĐỪNG BỎ CÁC CON

Hỏi: Kính thưa Thầy, thưa cô Diệu Quang, chúng con cũng như tất cả chúng sanh muôn người như một, khi đã được đọc sách của Thầy, biết rõ chánh pháp của Phật, chúng con đều thầm ước nguyện rằng như bác cư sĩ H.N.H tác giả cuốn sách Tâm Nguyện có chỗ bác ấy viết: Chúng con mong Thầy ở lại mãi mãi với chúng con để chúng con có bè sang sông giải thoát, kẻo không thì sẽ chìm cả đám, vì lông cánh chúng con còn yếu quá. Vả lại chúng con gặp được pháp của Thầy quá muộn màng. Chúng con xin Thầy ở lại để dìu đắt chúng con cho đến ngày giải thoát.

Thầy ơi! Chúng con còn đang chơi vơi giữa hai dòng nước: Một là dòng nước thế gian và một là dòng nước pháp, hai tay còn nắm cả hai dòng nước thì làm sao lên bờ được, có phải thế không thưa Thầy? Vậy chọn lấy một dòng nước pháp, đó là bến bờ “vô ngã, vô lậu” và “minh.” Phải chia tay với dòng nước khổ đau, sanh ra muôn vàn thứ đau khổ và muôn kiếp luân hồi. Phải mạnh dạn lên như con cá nhảy ra ngoài vũ môn thì mới thực hiện được ước mơ làm chủ sanh tử luân hồi khổ đau. Có phải thế không thưa Thầy?

Trước lúc ra đi vào giai đoạn II, con xin lấy gia đình làm nơi xả và ứng dụng các pháp hướng để cho tâm được như đất và sửa những tính tình xấu xa đen tối của mình cho thanh tịnh thì con sẽ xin về gần Thầy, gần cô để Thầy và cô hướng dẫn cho con đi về bến bờ giải thoát. Con xin phép hạ bút.

Đáp: Tiếng kêu gọi tha thiết từ trong tận đáy lòng của các con mong muốn Thầy trụ thế lâu dài để dẫn dắt các con đi đến tận cùng bờ giải thoát. Các con có biết chăng? Thân nhân quả là thân đau khổ, là ổ bệnh tật, con người mang thân này như mang gông cùm có gì là hạnh phúc, đi đâu mang theo cái thân này như mang cả núi Thái Sơn.

Người phàm phu xem thân là quý trọng, luôn luôn trau dồi làm cho thân đẹp đẽ, ăn uống bồi bổ nuôi dưỡng thân, khiến thân mập mạnh khỏe, do thân mập mạnh khỏe sanh ra nhiều dục, do nhiều dục mà tạo ra nhiều ác pháp, do nhiều ác pháp nên con người phải chịu muôn vàn khổ đau, cho nên nguyên nhân là vì quá quý trọng thân nên đã tạo cho tâm hồn khổ đau. Mỗi lần có bệnh đau là sợ thân chết, do sợ thân chết nên tâm buồn bã, lo lắng, khổ đau.

Khi tu xong Thầy cảm thấy bỏ thân này sớm chừng nào tốt chừng nấy. Năm 1980, Thầy về thăm Hòa Thượng Thanh Từ được Hòa Thượng Thanh Từ trắc nghiệm bằng công án Thiền Tông:

- Ba cân gai là gì?

- Bạch Thầy: Lá cây rung trước gió.

Hòa Thượng Thanh Từ gật đầu. Lúc bấy giờ Thầy quỳ xuống xin Hòa Thượng cho Thầy nhập Niết Bàn

Hôm nay các con được đọc bộ sách ĐVXP, thấy rõ đường đi và cách thức tu tập của Phật giáo và những cái sai của kinh sách phát triển và Thiền Tông là nhờ ơn đức của Hòa Thượng, Người đã giữ Thầy ở lại để giúp Người chấn hưng Thiền Tông Việt Nam, trước lòng tha thiết của Hòa Thượng, Thầy ở lại. Nhưng 20 mươi năm chịu nhiều cay đắng và khổ đau vì các pháp bên ngoài và thân tứ đại vô thường, nếu không có nội lực vững vàng thì Thầy đã bị ngã gục trước các ác pháp cay nghiệt.

Đối với các con hiện giờ được gặp pháp môn chân chánh của Phật giáo và tu tập có lợi ích thiết thực như ngày hôm nay là công ơn của Hòa Thượng rất sâu dày. Đối với các con hiện giờ có được học và sống trong đạo đức nhân bản nhân quả không làm khổ mình khổ người, thường mang đến hạnh phúc an vui cho mình cho người thì công ơn của Hòa Thượng không thể nào quên được. Tại sao vậy?

Khi Thầy tu xong, Hòa Thượng khuyên Thầy nên đọc lại toàn bộ kinh sách Đại Thừa, Thiền Tông, kinh sách Nguyên Thủy và lịch sử Phật giáo. Suốt hơn hai năm trời, dùng trí tuệ ly dục ly ác pháp quan sát toàn bộ kinh sách của Phật giáo hiện giờ như núi, như rừng. Thầy đã phát giác ra được tất cả những điều sai trái, mê tín, dị đoan, phi đạo đức và mâu thuẫn trong kinh sách, nhất là kinh sách phát triển thì sự sai trái lừa đảo lường gạt tín đồ lại nhiều hơn, biến thành một truyền thống phong tục mê tín từ những người tri thức đến những người bình dân ít học.

Nhờ đó hôm nay các con mới biết được sự thật của Phật giáo, nếu không có Hòa Thượng sách tấn Thầy trên bước đường tu tập thì làm gì có ngày nay Thầy dám nói ra sự thật, dám nói ra sự thật là nhờ lời dạy của Hòa Thượng: “Phật pháp còn là còn người tu chứng.”Tóm lại công ơn của Hòa Thượng đối với các con rất sâu dày:

1, Khuyên Thầy ráng tu tập để cho Phật giáo được trường tồn, cũng giống như hiện giờ Thầy khuyên các con: ráng tu hành vì lợi ích cho mình cho mọi người trên hành tinh này và cho tất cả chúng sanh.

2, Khuyên Thầy ở lại giúp Hòa Thượng chấn hưng Thiền Tông Việt Nam.

3, Khuyên Thầy đọc lại kinh sách để xây dựng Thiền Tông Việt Nam theo đúng đường lối Phật giáo.

Sau khi bộ sách Đạo Đức Làm Người được ra đời, đến với các con thì Thầy xin trả chiếc thân cát bụi này cho cát bụi, chừng ấy các con đã có người thay thế Thầy để dìu dắt các con trên đường giải thoát mà không còn sợ sai lệch. Hiện giờ Thầy biết lúc nào đi, lúc nào ở, các con hãy yên tâm, Thầy không bỏ các con giữa đường đâu.

Khi Thầy mất đi là thầy đã thoát ra khỏi cái thân thường đau khổ này như thoát ra khỏi ngục tù, như vậy các con phải vui, phải mừng mới đúng, mới thương Thầy. Còn các con khóc, các con buồn là không thương Thầy phải không? Vì mang chiếc thân này khổ lắm các con ạ! Rời khỏi nó là một sự an vui vô cùng vô tận. Vì thế, các con nên vui đừng buồn, buồn là ác pháp các con ạ! Như vậy các con buồn là không xứng đáng là con của Thầy, phải thanh thản an lạc xem như không có việc gì xảy ra. Bởi vì các con phải hiểu luật nhân quả tuần hoàn, “Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.”

Vài hàng thăm và chúc các con vui mạnh tu tập xả tâm tốt. 

                                                                 Kính thư

                                                          Thầy của các con

 

2. TRẦN NHÂN TÔN

Chơn Như ngày 21 tháng 1 năm 2001

Kính bạch Thầy, con xin đê đầu đảnh lễ Hòa Thượng ba lạy, cúi mong Hòa Thượng từ bi hoan hỷ chỉ dạy cho con được ân triêm công đức.

Do nhiệt tâm cầu pháp có chút duyên lành từ nhiều kiếp. Nguyên do như thế con đã đón nhận bốn quyển sách ĐVXP và hai quyển Cầm nang Tu Phật của HT giảng dạy, từ một người bạn đưa cho con.

Lúc đầu con thấy tâm trạng bàng hoàng như người chới với giữa dòng sông pháp. Thật vậy, cũng bởi nghiệp ác gây tạo từ nhiều kiếp trước, cho nên quả báo kiếp này sinh ra đời gặp 20 điều khó như trong kinh Tứ Thập Nhị Chương dạy: “Được làm người khó, làm đàn ông khó, gặp Phật khó, gặp chánh pháp khó, gặp minh sư khó v.v...”

Phàm phu thức ám, nghiệp tập sâu dày (vô minh) ngăn che. Pháp Phật thì nhiều không lường khó thấy, chân giả lẫn lộn, chẳng biết đâu là cây tùng, đâu là cỏ dại.

Từ năm 1996 đến nay con hằng tu theo pháp môn tu thiền, tu tập tại gia dưới sự chỉ giáo của HT Thích Thanh Từ tại tu viện Trúc Lâm (Đà lạt). Qua nghiên cứu hai pháp môn của hai Hòa Thượng, theo thiển nghĩ riêng con, con thấy có nhiều điểm tương đồng, có chăng chỉ khác trên danh từ và pháp hành mà thôi. Bởi HT Thanh Từ là đệ tử của HT Thiện Hoa. Mà trong những quyển ĐVXP của HT lại hay dùng những câu pháp của HT Thiện Hoa áp dụng giảng dạy, cho nên một điều an ủi tự bảo với con rằng: “Tuy chưa gần nhưng cũng chẳng phải xa lạc...” Pháp môn tu thiền HT Thanh Từ khơi nguồn từ đời nhà Trần (vua Trần Nhân Tôn). Quyển Thánh Đăng Lục nói về năm vị vua thời Trần.

Vua Trần Nhân Tôn viên tịch, trà tỳ thu xá lợi loại to bằng hạt ngô được 500 viên, loại nhỏ thì vô kể. Lúc lâm bệnh Ngài nói: “Trong người bốc nóng, mồ hôi ướt đẫm, chỉ có cái khố mẹ sanh chưa hề ướt.”

Ngài hỏi Bảo Sái: “Bây giờ là mấy giờ? Giờ Tý là giờ Ta đi.” Như thế Ngài đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết chưa?

Nhắc lại mười điều Phật dạy: “Chớ nên tin …?” Con bâng khuâng? Song có một điều là Ngài đã từ bỏ ngai vàng, điện ngọc, vợ con thê thiếp, dứt áo ra đi lên núi Yên Tử xuất gia tu Phật. Điều đó chắc chắn có thật. Qua đấy Ngài đã làm chủ được cuộc sống (sanh y).

Đáp: Câu hỏi này có ba ý: 1, Xá lợi của Trần Nhân Tôn; 2, Biết giờ chết; 3, Bỏ cung vàng điện ngọc, thê thiếp, vợ đẹp con xinh, v.v…

Để trả lời câu thứ nhất về Xá Lợi, Thầy đã trả lời trong tập 9 ĐVXP rất kỹ, đó là lối lừa bịp của Thiền Đông Độ (để lại nhục thân, xá lợi). Phật tử nên đọc lại thì sẽ rõ sự lừa đảo này. Thầy có một người cháu con của một người anh ruột, cháu năm nay mới 19 tuồi ở thành phố Hồ Chí Minh, cháu không biết tu hành là gì cả, bị nghiện thuốc phiện mà chết, đem thiêu xác thì những mảnh xương vụn không cháy hết còn quá nhiều. Như vậy xá lợi đâu có nghĩa lý gì cho đường tu tập, nó chỉ là những mảnh xương vụn bất tịnh không có giá trị gì cả, chứ không phải chỉ có người tu thiền mới còn những xương này. Xá Lợi không phải là những hạt kim cương đâu con ạ!

Để trả lời câu thứ hai về sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết của vua Trần Nhân Tôn.

Chúng ta đọc sử về tôn giáo (Thiền phái Trúc Lâm) của Trần Nhân Tôn, chúng ta không tìm thấy ở Trần Nhân Tôn có một sự tu chứng thiền định làm chủ sanh, già, bệnh, chết thật sự như Phật. Sự chứng thiền của Ngài là chứng ngộ các công án thiền chứ không phải chứng thiền định làm chủ sự sống chết như thiền định của Đức Phật ngày xưa. Nếu quý vị nghiên cứu không lầm thì thiền phái Trúc Lâm là một mô hình rập khuôn theo Thiền Tông Trung Hoa, từ thơ văn đến công án không có gì là mới lạ, chỉ có pha trộn nghi thức tụng niệm sám hối giống như Tịnh Độ Tông nhưng Việt hóa nghi thức ấy.

Ngài biết giờ chết chứ không làm chủ giờ chết. Một nhà Nho họ không tu thiền định gì cả, nhưng họ chỉ sống đúng đức hạnh của Nho giáo: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đến khi chết họ vẫn biết ngày giờ vì họ sống trong thiện pháp. Một nông dân sống cần cù làm ăn lương thiện không tham lam trộm cắp của ai thường sẵn lòng giúp đỡ những người bất hạnh khác trong xã hội, đến khi sắp chết ông đi thăm mọi người, từ giã bà con quyến thuộc rồi về nhà đêm đó ông ngủ và chết luôn.

Nhà Nho và ông nông dân biết ngày giờ chết của mình là vì họ sống trong thiện pháp, tâm hồn thanh thản nên trực giác báo cho ông biết cái chết của mình.

Ông ngoại của Thầy là một ông đồ nho, trong cơn bệnh ngặt nghèo ông xem sách âm dương ngày giờ xung khắc hay hòa hợp và xác định tháng, ngày và giờ chết của ông cho những người thân biết. Đến khi chết ông đã xác định đúng, như vậy không sai một tí nào cả. Đây là biết giờ chết chứ không phải làm chủ giờ chết. Cho nên Trần Nhân Tôn biết giờ chết qua trực giác tưởng của mình mà thôi chứ không làm chủ sự chết, bên Tịnh Độ ngài Từ Vân cầu nguyện trong sám Từ Vân:

“Cầu cho tôi chết biết ngày

Biết giờ, biết khắc, biết rày tánh linh,

Cầu cho bệnh khổ khỏi mình,

In như thiền định họ Bàng thuở xưa.”

Các nhà Tịnh Độ chỉ cầu cho mình khi chết biết ngày, biết giờ là họ quá mãn nguyện, nhưng họ không biết cách sống như thế nào để đạt được ước nguyện ấy. Vì thế đôi khi các nhà tu Tịnh Độ cũng có người chết biết được ngày giờ chết của mình, nhưng cũng có nhiều người chẳng biết được gì cả, vẫn mờ mịt như đi trong đêm tối. Một nhà Nho, một nông dân không ước nguyện, không cầu mong mà họ chỉ sống đúng đạo đức làm người, đến khi chết họ cũng biết được ngày giờ chết của họ.

Trần Nhân Tôn trước khi chết biết được giờ có gì là lạ đâu. Biết giờ chết đâu có nghĩa là làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Vì thế, chúng ta thấy Ngài không có sử dụng thiền định làm chủ sanh tử trước giờ phút lâm chung như Đức Phật.

Để trả lời về sự bỏ ngai vàng thê thiếp của Trần Nhân Tôn. Đúng là Trần Nhân Tôn là một vị xuất gia “cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa, sống không gia đình, không có nhà cửa”, nhưng Ngài không phải là du tăng khất sĩ, không ba y một bát, không lấy gốc cây làm giường nằm, tâm hồn chưa phóng khoáng như hư không, chưa trắng bạch như vỏ ốc, vì còn lấy đỉnh Yên Tử làm đài quan sát để bảo vệ Tổ quốc. Như vậy vua Trần Nhân Tôn là một nhà đại chánh trị biết lấy núi Yên Tử làm quan sát đài để giữ gìn biên cương lãnh thổ, biết lấy tôn giáo làm tinh thần chiến đấu của toàn dân toàn quân để bảo vệ Tổ quốc quê hương. Bằng chứng là ba lần quân Nguyên xua quân đánh nước ta là ba lần chiến bại.

Vua Trần Nhân Tôn là một nhà đại chánh trị chứ không phải là một nhà đại tôn giáo, biết lấy mình sử dụng tôn giáo đúng cách để giải quyết nội bộ gia đình và đoàn kết toàn dân trong tinh thần Thiền Tông Phật giáo để chiến đấu với giặc mạnh (quân Nguyên) bảo vệ Tổ quốc quê hương. Vì thế sự ly gia cắt ái xuất gia tu hành của Ngài khác hơn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài biết lấy tôn giáo lãnh đạo đất nước, đem lại hòa bình cho quê hương, Ngài là một anh quân sáng suốt của dân tộc Việt Nam, biết hy sinh sự hưởng thụ cá nhân của mình để lo cho dân cho nước.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ, đi tìm sự giải thoát bốn sự đau khổ của con người. Ngài sống đời khổ hạnh lấy gốc cây làm giường nằm, thiểu dục tri túc, ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không, không còn lo việc nước việc nhà, là một du tăng khất sĩ rày đây mai đó, vì thế không có chùa to Phật lớn, đi xin ăn từng nhà, từng bữa. Ngài là ân nhân của nhân loại, của con người trên hành tinh này, Ngài không phải của riêng của một nước nào vì Ngài để lại cho thế gian Bốn Chân Lý của loài người. Trong bốn chân lý ấy có một chân lý là chương trình giáo dục đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người để xây dựng hành tinh sống này trở thành Thiên Đàng, Cực Lạc.

Vua Trần Nhân Tôn thì khác, dám bỏ ngai vàng điện ngọc thê thiếp để thành một vị tu sĩ Phật giáo là vì gia đình và Tổ quốc, là vì toàn dân Việt Nam phải thoát ra khỏi ách thống trị của ngoại bang. Ngài hy sinh cá nhân hưởng thụ trong cung vàng điện ngọc để bảo vệ được gia đình và Tổ quốc. Vậy các nhà sử học hãy nghiên cứu kỹ có đúng vậy không? Chúng tôi là những người tu sĩ Phật giáo thấy sao nói vậy, đứng trong tôn giáo Phật giáo mà nhìn ra phán xét cái sai cái đúng của Phật giáo chứ chúng tôi chẳng phải là nhà sử học nên không dám phán xét ai cả. Chúng tôi nói thẳng là vì Phật giáo phải được chấn chỉnh lại cho đúng để tránh khỏi mọi người nghi ngờ Phật giáo thế này thế khác mà tu hành chẳng ra gì

Vua Trần Nhân Tôn là một nhà chánh trị đại tài như chúng tôi đã nói ở trên, biết lấy mình làm tôn giáo để đoàn kết tinh thần toàn dân bảo vệ quê hương Tổ quốc trước giặc ngoại xâm mạnh như vũ bão. Vì thế, khi Nhà Trần bị diệt thì phái Thiền Trúc Lâm cũng suy vi và bị diệt theo, chỉ có một thời vang bóng “Trúc Lâm Tam Tổ.”

Xưa Đức Phật dạy mười điều: “chớ có tin …”. Bây giờ cư sĩ đã rõ được nguyên nhân bỏ cung vàng điện ngọc … của vua Trần Nhân Tôn cũng như Trần Cảnh (Trần Thái Tôn) vì trong gia đình bất an mà đi tu chứ không phải tìm đường thoát khổ như Đức Phật. Tam Tổ Trúc Lâm chưa có một vị nào làm chủ sanh, già, bệnh, chết như Phật, chỉ sống trong tưởng tri Thiền Tông: “Trong người bốc nóng, mồ hôi ướt đẫm, chỉ có cái khố mẹ sanh chưa hề ướt.” Đó là một công án của Thiền Tông giống như câu nói của Lục Tổ Huệ Năng: “Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền của Thượng Tọa Huệ Minh.”