Kì 1: Chánh Tín – Mê Tín (1-5)

1. TÂM LINH

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Khoa học chưa tìm ra “tâm linh vi diệu” của con người, chỉ biết con người do bộ não điều khiển và còn biết một số tế bào não chưa làm việc. Có phải vậy không thưa Thầy?

            Đáp: Đúng vậy, nếu khoa học nghiên cứu tìm cách đánh thức số tế bào não chưa hoạt động để được hoạt động thì sẽ thấy được tâm linh vi diệu của con người hoạt động rất là siêu việt. Nói tâm linh nhưng sự thật ra nó chẳng linh hiển gì cả, chỉ vì nó hoạt động ở trí vô hạn nên không còn không gian và thời gian chi phối, đó cũng là do tế bào não hoạt động điều khiển tạo ra những năng lực siêu việt kì lạ.

            Hiện giờ tế bào não hoạt động trong trí hữu hạn mà chúng ta gọi là ý thức. Ý thức là sự hiểu biết bị hạn chế trong không gian và thời gian nên con người sống không nhìn hiểu biết rõ sự vật và các pháp, thường lầm chấp sống với tưởng tri nên cho thế giới hữu hình và vô hình là thật có. Vì thế mới đắm đuối dính mắc chạy theo cái bóng giả tạo này, cho mọi vật và mọi sự việc là đúng sai, phải trái, tốt xấu v.v... rồi sanh ra ham thích dính mắc, giận hờn, thương ghét, đau khổ, phiền não... Cũng chỉ vì tưởng tri cái thế giới này có thật, trong con người có cái vĩnh hằng.

            Cái vĩnh hằng đó được gọi nhiều tên khác nhau: linh hồn, Phật tánh, Thể tánh, Bản thể vạn hữu, Nhất nguyên, Tánh không, Bát Nhã Ba La Mật, Chân không, Chân như, thần thức, thần hồn v.v... Từ chỗ hiểu sai lầm đó mới sanh ra chấp ngã, do chấp ngã nên làm việc gì cũng tích lũy cho ngã, thậm chí tu hành cũng tu cho ngã tức là tu để kiến tánh thành Phật, tu để trở về Nhất nguyên... Đó là một tư tưởng điên đảo mà đã truyền thừa từ khi con người có mặt trên hành tinh này và sự điên đảo tưởng tri này vẫn còn kế tiếp nhau mãi mãi.

 

                                                     2. MẠT NA THỨC VÀ A LẠI DA THỨC

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Mạt na thức như người giữ kho. A lại da thức ví như cái kho chứa nhóm tất cả chủng tử thiện ác.

            Khi người chết, thân, thọ, tâm, pháp đều hoại diệt chỉ còn Mạt na thức và A lại da thức đi đầu thai. Có phải vậy không thưa Thầy?

            Đáp: Đó là những danh từ trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A lại da thức và Mạt na thức), được xem là người giữ kho và cái kho tích trữ tạo thành nghiệp lực. Theo kinh Nguyên Thủy, nghiệp lực không có thức tức là không có cái biết. Do sự vô minh tương ưng nghiệp tái sanh luân hồi chứ không có cái thức đi tái sanh.

            Các nhà duy thức học chỉ tưởng ra mà thôi nên tưởng ra người giữ kho và cái kho đi tái sanh (Mạt na thức và A lại da thức đi tái sanh). Sự thật trong kinh Nguyên Thủy dạy không có thức nào đi tái sanh luân hồi, chỉ có nghiệp thiện, ác đi tái sanh mà thôi. Nghiệp thiện ác tức là do hành động nhân quả thiện ác tạo thành nghiệp. Kinh sách phát triển đã lầm lạc vì bị thế tục hóa, nên biến linh hồn mê tín trong dân gian thành thần thức và khéo lý luận đặt tên là Mạt na thức và A lại da thức đi tái sanh luân hồi để xây dựng thế giới linh hồn người chết, để sanh ra cái nghề tụng niệm, nếu không có linh hồn thì các thầy đều thất nghiệp.

            Phật giáo Nguyên Thủy đã dạy: “Trong thân người gồm có 5 uẩn: 1. Sắc uẩn; 2. Thọ uẩn; 3. Tuởng uẩn; 4. Hành uẩn; 5. Thức uẩn”.

            Sắc uẩn còn gọi là sắc ấm họat động gồm có sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, gọi chung là Sắc thức. Khi một người sống bình thường suy nghĩ, nói nín hay họat động làm bất cứ một việc gì, nói bất cứ một điều nào hay suy nghĩ bất cứ một điều gì thì sắc thức họat động tức là nhóm sáu thức trong đó có ý thức họat động. Ý thức còn gọi là Tri thức, là Tri kiến.

            Tưởng uẩn họat động khi nào lục thức ngưng họat động. Lục thức ngưng họat động là lúc chúng ta đang nằm ngủ chiêm bao. Trong giấc chiêm bao chúng ta cũng nghe, thấy, biết, ngửi, cảm giác rõ ràng. Cái biết trong chiêm bao gọi là Tưởng thức. Như vậy tuởng thức và ý thức là hai thức chỉ giống nhau là cái biết, nhưng cái biết này có thì cái biết kia dừng lại. Có đúng như vậy không quý vị?

            Thức uẩn họat động chỉ khi nào sắc uẩn và tưởng uẩn ngưng họat động. Muốn sắc uẩn và tuởng uẩn ngưng họat động thì phải nhập định thứ tư. Nhập định thứ tư là phải tịnh chỉ hơi thở. Khi tịnh chỉ hơi thở thì thức uẩn họat động. Thức uẩn họat động tức là Tam Minh. Tam Minh gồm có: Túc mạng Minh, Thiên nhãn Minh, Lậu tận Minh. Tam Minh còn gọi là “Tuệ”. Tuệ Tam Minh là một cấp học thứ ba, cấp học cao nhất của Phật giáo. Phật giáo có ba cấp học gồm có: “Giới, Định, Tuệ”. Như vậy Phật giáo không có Mạt na thức và A lại da thức. Có đúng như vậy không quý vị?

            Thọ uẩn là sự cảm thọ của ba thức, khi các thức họat động thì thọ uẩn có mặt.

            Hành uẩn là sự họat động của ba thức, khi ba thức hoạt động thì hành uẩn có mặt.

            Cho nên Mạt na thức và A lại da thức là tưởng tri của kinh sách phát triển tưởng ra, vốn để chia chẻ tâm thức con người ra nhiều mảnh. Đó là ý đồ làm lệch hướng của Phật giáo chân chánh, để biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín, đầy lý luận, đầy ảo giác tưởng tri..

 

3. TIÊNG KÊU CỨU GIỮA BIỂN KHƠI

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Thầy dạy không có thế giới siêu hình sao có người vượt biển, chỉ còn thấy trời nước mênh mông không biết đường nào đi cả. Quá sợ hãi trước cái chết giữa biển khơi nên mọi người đều niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, nhờ Ngài cứu khổ và dẫn đường thế mà đã vượt qua tai nạn.

            Những người này họ thuật lại khi ra giữa biển lúc ban đêm nhiều tiếng kêu cứu cho lên tàu, đợi đi với! Có người bệnh đi bệnh viện, bác sĩ cho uống thuốc không hết lại chỉ nghe lời dạy của mấy ông thầy cúng, địa lý dời mả đi chỗ khác thì hết bệnh. Theo những điều trên đây con tự nghĩ, không có thế giới siêu hình đối với người đã tu chứng vì đã vượt qua cảnh giới tưởng, còn những người phàm phu đang sống trong tưởng thì phải có thế giới siêu hình, cho nên không thể trả lời đúng hay không thưa Thầy? Xin Thầy chỉ dạy cho con rõ.

            Đáp: Tiếng kêu cứu giữa biển khơi không phải là những linh hồn người vượt biên chết giữa biển mà tiếng kêu thanh tưởng trong tâm của mọi người đang quá sợ hãi, đang gặp tai nạn trên biển thì tưởng của họ phát ra tiếng kêu cứu, khiến cho sự khiếp đảm của họ lại càng khiếp đảm hơn. Lúc bấy giờ, mọi người trước cái chết quá khiếp đảm, không còn biết nương tựa vào đâu, chơi vơi. Vì thế, mọi người trên tàu đặt hết trọng tâm nương tựa và an ủi tinh thần của mình, nhất là từ lâu đã được nghe về đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.

            Do đó chẳng ai bảo ai, mọi người đều tự động dồn hết lòng tin bám vào chiếc phao đức Quan Thế Âm nên nó trở thành một sức lực rất mạnh to lớn (gọi là tín lực). Nhờ tín lực của mọi người dẫn đường thoát nạn, hoặc ghe tàu hư hỏng mà nước không tràn vào. Chúng ta không hiểu điều đó nên cho rằng: có đức Quan Âm Bồ Tát gia hộ cứu nan. Sự thật không phải vậy mà là nhân quả của chúng ta chưa hết nên khiến trước cảnh quá khiếp đảm lòng tin của chúng ta tập họp trỗi dậy thành một tín lực dẫn dắt chúng ta thoát nạn mà thôi.

            Chúng ta thấy biết bao nhiêu người vượt biên đã chết giữa biển khơi? Họ phần đông là phật tử chắc làm sao họ cũng biết được Quan Âm Bồ Tát là một vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn do các kinh sách phát triển dựng lên và gieo rắc vào tư tưởng của họ. Trước những giờ phút sắp chết chắc họ sợ lắm nên niệm Quan Thế Âm không dứt. Thế sao họ lại chết, tại sao Quan Thế Âm không cứu khổ họ mà lại cứu những người khác?

            Kẻ sống thì nhờ niệm Quan Thế Âm cứu khổ, còn kẻ chết cũng niệm Quan Thế Âm sao lại không cứu khổ. Người vượt biên mà thoát nạn là nhờ nghiệp thiện chứ không phải nhờ ai cứu khổ. Vì cứu khổ như vậy là một việc làm phi đạo đức. Tạo nhân ác phải gặt lấy quả khổ tai nạn đi đến tử vong. Tạo nhân ác mà cố trốn tránh quả khổ là một việc làm vô đạo đức.

            Ngoài biển khơi, tiếng kêu của loài cá heo, cá ông rền rĩ, nếu người quá sợ hãi thì tiếng kêu ấy trở thành tiếng ma kêu quỷ khóc, chứ không phải linh hồn người chết oan kêu gọi.

            Dời mồ mả mà hết bệnh tức là nhân quả thiện của cả hai người:

1- Là người bệnh. 2- Của ông thầy.

            Nhân duyên của nhân quả do duyên dời mả hết bệnh thường trong Đông y có nói: “Phước chủ may thầy”, hay sách Đông y có câu: “Vận bĩ hoài sơn năng sát chúng. Thời lai bạch thủy cứu nhân gian.” Ở đây chúng ta phải hiểu không phải vì dời mả mà hết bệnh, mà do phước của người bệnh, bệnh sắp hết nên gặp cái may của ông thầy cúng chỉ vạch mê tín mà hết. Ấy cũng là duyên nhân quả giữa ông thầy và người bệnh ở tiền kiếp.

            Người tu theo đạo Phật phải tin sâu nhân quả. Vì con người sanh ra từ nhân quả, sống trong nhân quả và chết về nhân quả thì mỗi sự việc xảy ra trong cuộc sống này đều do nhân quả. Nếu ta biết cứu mình thoát tai nạn bệnh tật thì luôn sống trong mọi hành động thiện “không làm khổ mình, khổ người” thì không có bệnh tật tai nạn nào mà không qua được.

            Tin nhân quả, thì thế giới siêu hình không có, thế giới siêu hình không có thì không có sự mê tín dị đoan và không ai lường gạt mình được.

            Tin nhân quả, tai nạn, bệnh tật đến, tâm bất động không hề sợ hãi. Nhờ đó mà tai nạn, bệnh tật đều qua.

            Tin nhân quả, sẽ mang cho ta một tâm hồn giải thoát an lạc, thanh thản, yên vui, hạnh phúc của cuộc sống.

            Tin nhân quả, sẽ không làm khổ mình, khổ người, mang lại hạnh phúc cho mình cho người, tạo thế gian này là cảnh Thiên đàng, Cực lạc. Ngược lại, người không tin nhân quả thì thiếu đạo lý công bằng, thường sống trong cảnh thế giới siêu hình, cúng bái, cầu khẩn, van xin, mê tín dị đoan, lạc hậu, phi đạo đức, thường làm khổ mình, khổ người, tạo cảnh sống thế gian thành cảnh địa ngục.

            Tóm lại, tất cả những chuyện ma quái xảy ra đều do năng lực tưởng tạo ra chứ không có ma quái thật sự bên ngoài, mà chỉ có ma quái bên trong của mọi người do tưởng ấm của họ tạo ra. Vì thế Đức Phật gọi là: “ngũ ấm ma”. Trong ngũ ấm gồm có năm loại ma: 1, Sắc ấm ma; 2, Thọ ấm ma; 3, Tưởng ấm ma; 4, Hành ấm ma; 5, Thức ấm ma.

            1, Sắc ấm ma gồm có: Tất cả các bệnh nơi thân, tất cả các dục nơi tâm.

            2, Thọ ấm ma gồm có các cảm thọ nơi sắc uẩn, nơi tưởng uẩn, nơi tâm uẩn.

            3, Tưởng ấm ma có mười tám loại hỷ tuởng ma.

            4, Hành ấm ma gồm có các hành nơi thân, nơi tưởng và nơi tâm.

            5, Thức ấm ma gồm các ma của thức ấm.

            Cho nên trong năm loại ma này thường tác động và tạo nhiều điều đau khổ những ai tìm đường tu hành cầu giải thoát. Đó là năm loại ma ngũ ấm trong thân tâm của mỗi con người chứ không có ma bên ngoài, quý vị lưu ý.

 

4. NÉN TÂM HƯƠNG

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Hôm quy y lễ thọ giới, trong đạo tràng có một vị bảo rằng thắp hương lên để cho trang nghiêm, song có một vị lại bảo trong băng Thầy giảng không thắp hương vỏ cây, như vậy con ở giữa không biết theo ai bây giờ, cuối cùng con phải bị lôi cuốn để làm theo đa số tâm còn phàm phu (thắp hương) và như vậy con tùy thuận như thế có phạm vào đâu không? Xin Thầy chỉ giáo cho con để sau này có pháp nào tương tự chúng con còn biết tùy thuận.

            Đáp: Cây hương bằng vỏ cây đã ăn sâu vào lòng người trở thành phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc. Biết đó là sai, là mê tín, là không thật, nhưng muốn bỏ nó không phải là một việc dễ làm. Cũng như chúng ta biết tham, sân, si là khổ, là ba thứ độc của con người, muốn dẹp bỏ nó không phải là việc dễ, nó còn hơn gấp trăm ngàn lần cây hương vỏ cây. Thế mà cây hương vỏ cây chúng ta bỏ còn chưa được thì tâm tham, sân, si bỏ nó đâu phải dễ sao?

            Thế đã biết cái sai, cái bị kẻ khác lợi dụng lòng mê tín mà lường gạt chúng ta, vậy mà chúng ta không mạnh dạn quyết tâm dứt bỏ, huống là cái tâm tham, sân, si muôn đời trong thân chúng ta thì làm sao xả ly được. Cây hương vỏ cây xả ly không được, nó ở bên ngoài chứ đâu có ở trong tâm. Bởi vậy tu theo đạo Phật ta mới thấy rõ được tâm con người yếu đuối, biết cái sai mà không dám bỏ, không dám sửa. Cho nên Phật dạy: “Những gì cần vứt bỏ thì nên vứt bỏ.” Đâu phải thắp cây hương vỏ cây mà Phật chứng giám lòng của chúng ta mà chính chúng ta đã về đây tụ họp với lòng thành chỉ ngồi lắng nghe lời Thầy giảng về Tam quy, Ngũ giới cũng đủ là thắp nén hương lòng.

            Dù nơi đây không phải là một ngôi chùa kiến trúc kiên cố, đồ sộ vĩ đại, tường cao Phật lớn; dù nơi đây chỉ là một chòi tranh vách lá nhưng tâm thành các con tụ họp về đây nghe lời giảng nói Tam quy, Ngũ giới là các con tự mỗi người đã thắp nén hương lòng trang nghiêm trước Phật đài vô hình. Đối trước tượng Phật chúng ta giữ im lặng thân tâm hướng về tượng Phật đó là ta đã thắp nén hương lòng cúng dâng lên mười phương chư Phật.

            Chúng ta giữ gìn giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ, không bẻ vụn giới, lấy giới phòng hộ sáu căn, sống đời thiểu dục tri túc là ta đã thắp nén hương lòng cúng dâng lên chư Phật. Hàng ngày ta sống trong đạo đức nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh thì đó là ta đã thắp lên nén hương lòng cúng dâng chư Phật.

            Sống ngăn ác, diệt ác bằng pháp môn Tứ Chánh Cần, thường sanh khởi thiện pháp trong tâm, tăng trưởng thiện pháp, tâm hồn thanh thản, an lạc là ta đã thắp nén hương lòng cúng dâng lên chư Phật.

            Sống trầm lặng độc cư, luôn luôn tu tập chánh niệm tĩnh giác, thường khắc phục tâm ly dục ly ác đó là ta đã thắp nén hương lòng cúng dâng lên mười phương chư Phật.

            Sau này trong các buổi lễ họp, các con mạnh dạn dứt khoát làm đúng theo lời Phật dạy, đừng làm theo thói quen đã bị ảnh hưởng của ngoại đạo. Phải sửa lại tu tập cho đúng theo đạo Phật thì chẳng có lỗi, còn tu tập theo ngoại đạo là có lỗi với Phật giáo.

            “Tùy thuận là tùy thuận thiện pháp, không thể tùy thuận ác pháp, không thể tùy thuận những điều sai trái, không thể tùy thuận những điều mê tín, lạc hậu, không thể tùy thuận theo pháp của ngoại đạo mà dìm mất Chánh Phật pháp.”

            Người tu sĩ đệ tử của Phật sống rất tùy thuận nhưng lại rất cương quyết, mạnh mẽ, đập phá những cái sai. Ai có tu đúng, tu được thì nhờ, còn không tu được thì làm người cư sĩ, chứ mặc chiếc áo tu sĩ mà tu theo ngoại đạo khiến mọi người nghi ngờ và khinh chê Phật giáo thì không được. Đừng để một số người đông đảo làm hình tướng tu tập mà tu tập sai không đúng lời Phật dạy. Những người tu tập phá giới, phạm giới như vậy thì chúng ta không chấp nhận, yêu cầu Giáo hội Phật giáo và Ban Tôn giáo dùng mọi biện pháp bắt buộc những người này hoàn tục.

            Đạo Phật còn có người tu thì phải có người tu xứng đáng, phải tu đúng giáo pháp của Phật, còn lấy số đông mà tu sai, làm sai thì đừng nên có đạo Phật. Có mà chẳng ra gì thì chẳng nên có “đời chẳng giống đời, đạo chẳng giống đạo”, đạo Phật như vậy thì nên dẹp đi cho xong, đừng để lợi dụng đạo Phật lừa đảo người.

            Đạo Phật không cần đông người, chỉ cần số người giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, sống trong thiện pháp không làm khổ mình, khổ người, không lường gạt, không gây mê tín, không nói ba hoa thì đạo Phật như vậy mới có lợi ích thiết thực cho con người.

            Sau này cái gì các con đã học được đúng chánh pháp của Phật thì phải thực hiện cho đúng. Chuyện cây hương vỏ cây bên ngoài thân tâm mà các con còn xả không được thì làm sao xả tâm tham, sân, si được mà tu theo đạo Phật. Không xả tâm tham, sân, si mà tu theo đạo Phật thì rất uổng công. Ngày xưa Đức Phật đã đập phá bốn giai cấp ở Ấn Độ và đem lại quyền bình đẳng nam nữ trong thời nước Ấn Độ xa xưa còn lạc hậu, còn mê tín dị đoan rất nhiều mà Ngài còn làm được huống là chúng ta bây giờ. Bây giờ dân trí có sự hiểu biết càng cao, khoa học tiến triển đã phục vụ loài người đầy đủ vật chất và tiện nghi cho đời sống.

            Sự việc xẩy ra vừa rồi các con còn yếu kém, đôi mắt nhân quả chưa sâu, chưa vượt khỏi phong tục tập quán lạc hậu, còn mang đầy tính chất mê tín. Những gì học được của Phật ta hãy quyết tâm áp dụng làm cho bằng được chính là ta đã tự cứu mình thoát khổ. Nên Đức Phật dạy:

            “Đứng lại thì chìm xuống. Đi tới thì trôi dạt. Chỉ có vượt qua.” Chúng ta nên vuợt qua những điều sai trái làm hao tốn tiền của một cách nhảm nhí như cây huơng vỏ cây.

 

5. LÀM CHÙA, TÔ TƯỢNG, ĐÚC CHUÔNG

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Người đời truyền thuyết cho nhau làm thiện có ba việc: làm chùa, tô tượng, đúc chuông, ba việc này làm được thì công đức thật là vô biên vô lượng. Thưa Thầy có đúng không?

            Đáp: Đây không phải là truyền thuyết của người đời mà là kinh sách nhân quả của Phật giáo phát triển do Thượng tọa Thiền Tâm đã dịch ra Việt ngữ. Ca ngợi ba việc làm có công đức và phước báo lớn, đó là làm chùa, tô tượng, đúc chuông. Làm chùa, tô tượng, đúc chuông là một lối lừa đảo lường gạt phật tử nhẹ dạ dễ tin.

            Lịch sử đã ghi lại những nhà vua làm chùa, tô tượng, đúc chuông mà chết một cách rất xót xa như nói về làm chùa, tô tượng, đúc chuông của vua Bình Sa Vương ở Ấn Độ và vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa. Ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, Tịnh Xá Trúc Lâm không phải là của một nhà vua xây cất cúng dường cho Đức Phật sao? Thế mà ông chết đói trong ngục, đó là vua Bình Sa Vương.

            Vua Lương Võ Đế cất bảy mươi hai kiểu chùa, tô tượng, đúc chuông đầy đủ, thế mà ông bị giặc Hầu Nhân Bảo giết. Còn ở Việt Nam thì các vua nhà Lý đã xây dựng bao nhiêu chùa, tạc bao nhiêu tượng, đúc bao nhiêu chuông, thế mà dòng tôn thất nhà Lý bị chôn sống. Thời nhà Trần là thời vàng son nhất của Phật giáo Việt Nam, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử cũng xuất phát từ đó. Thế mà nhà vua cuối cùng phải tự tử một cách đau thương và thê thảm.

            Như vậy kinh sách phát triển đã từng kêu gọi mọi người làm chùa, tô tượng, đúc chuông thì sẽ được công đức vô lượng vô biên. Đó là lối lừa đảo làm tiền phật tử.

            Lịch sử từ Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam đã chứng minh sự lừa đảo của những kinh sách phát triển quá rõ ràng. Nên trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy: cúng dường bố thí cho đúng chánh pháp tức là cúng dường đúng đối tượng thì mới có lợi ích, còn bố thí cúng dường sai thì cũng giống như đem hạt giống tốt trồng trên đất xấu (đất cằn cỗi) thì hạt giống hư mà chẳng lợi ích gì, nhiều khi còn phi đạo đức tạo duyên cho kẻ khác làm ác. Đức Phật còn dạy cúng dường tứ sự cho bậc chân tu giới đức nghiêm chỉnh, thiền định sâu mầu được nhiều công đức và phước báo nhưng không bằng giữ gìn năm giới.

            Rõ ràng Phật đã dạy như vậy là không lừa đảo gạt người, chỉ có phước báo lớn là ta phải tự làm thiện, sống thiện, ăn ở thiện thì phước báo vô lượng vô biên, tức là tạo nhân quả tốt thì hưởng phước báo, chứ không phải xây chùa, tô tượng, đúc chuông là phước báo lớn, đó là ta bị những kẻ kinh doanh Phật giáo lừa gạt.

            Ta cúng dường bậc chân tu giới đức nghiêm chỉnh là để duy trì Phật giáo mãi mãi trên thế gian này. Vì Phật giáo có duy trì thì có những hình ảnh bậc chân tu làm gương hạnh thiện pháp để ta noi theo sống và làm việc thiện, tạo nên một xã hội không có con người làm khổ cho nhau (giải thoát).

            Đế Thiên, Đế Thích là một ngôi chùa được liệt vào một kì quan trong bảy kì quan thế giới. Hiện giờ người ta thấy kiến trúc đẹp đẽ của nó, chứ người ta đâu có nghĩ rằng bao nhiêu tiền của và mồ hôi xương máu của toàn dân nước Cămpuchia đã đổ vào bằng một sự cưỡng bức, ép buộc của nhà vua độc tài sùng đạo. Lẽ ra việc làm chùa, tô tượng, đúc chuông như nhà vua và dân chúng nước Cămpuchia thì công đức sẽ vô lượng vô biên. Có đâu dân tộc này lại bị diệt chủng gần hết và nghèo nàn, lạc hậu, hung ác như thế này.

            Thời gian đã qua cũng đủ xác chứng được những lời nói của Thầy về các pháp môn lừa đảo của các tông phái do kinh sách phát triển dựng ra. Cho nên việc cúng dường cất chùa, tô tượng, đúc chuông có phước báo lớn là một việc lừa đảo chỉ cần chịu khó suy nghĩ một chút là sẽ thấy rõ ràng. Tuy Thầy đã dẫn chứng những trang sử như vậy nhưng chắc gì quý vị đã tin. Hãy chờ đợi, nếu bây giờ quý vị còn kiến chấp chưa đủ điều kiện để tin lời Thầy đã nói thì ngày mai sẽ rõ.