(Thầy trả lời câu hỏi của cô Liễu Thắm - Ninh Bình)
Tu Định niệm hơi thở thì cứ ở trên Định niệm hơi thở mà tác ý thì những chướng ngại trên thân tâm phải hết. Thí dụ con bị buồn ngủ thì trên định niệm hơi thở tác ý: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô. Với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra” thì nó phải hết buồn ngủ thôi.
Phật đã trang bị cho chúng ta đủ các pháp. Tâm các con còn lăng xăng này kia thì: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô. Quán ly tham tôi biết tôi thở ra”... “Quán ly sân...” “Quán ly si...”. Tất cả những cái đó đều ở trên các đề mục Định niệm hơi thở.
Khi tu Định niệm hơi thở ít nhất mỗi đề mục con phải tu trong một tuần lễ rồi mới chuyển qua đề mục kế. Sau khi tu từng đề mục một tuần cho đến khi hết cả 19 đề mục rồi ngồi lại xem cái tâm đã xả đến đâu, cái tâm bất động yên lặng đến mức độ nào. Nếu trong 30 phút tự nó yên lặng chứ không dùng phương pháp nào ức chế nó, vì con chuyên tu trên Định niệm hơi thở, thì tu định niệm hơi thở lần thứ ba, cho đến khi ngồi lại không còn niệm nữa thì đường tu Định niệm hơi thở của con đã tu xong. Nếu sau mỗi lần tu Định niệm hơi thở mà tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh, không niệm thì tu lại lần nữa. Cứ còn có niệm thì tu lại cũng chỉ trên Định niệm hơi thở thôi cho đến khi không khởi niệm mới thôi là vì tu đã xong, đã chứng đạo.
Con chỉ tu trên Định niệm hơi thở thôi vì trong pháp này có đầy đủ hết tất cả các pháp, chứ bây giờ con tu pháp này rồi qua pháp khác thì sẽ làm các pháp lộn xộn.
Con tu Định niệm hơi thở đợt thứ nhất xong cả 19 đề mục rồi qua lần thứ hai, thứ ba... cho đến lần thứ mười. Như vậy con giam mình ở tu viện trên ba năm ròng (ghi thêm: 3 năm 7 tháng 2 tuần) và chỉ chuyên tu pháp Định niệm hơi thở thì sẽ chứng đạo và như vậy đâu lâu. Tránh làm tâm phóng dật, tu Định niệm hơi thở đợt này xong tiếp tục tu đợt khác.
Trong khi tu mà có những chướng ngại gì là do con tu sai với pháp, như đã ức chế tâm, sai pháp, không đúng trên pháp Định niệm hơi thở chứ nếu không thì không bao giờ có những hiện tượng như nặng đầu, tức ngực, khó thở, ...
Pháp Định niệm hơi thở dạy rất rõ: “Hít vô tôi biết tôi hít vô. Thở ra tôi biết tôi thở ra”; hít; thở. Đó là nhiếp tâm lần thứ nhất. Còn an trú tâm trong năm hơi thở thì tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”, rồi hít vô, thở ra. Cứ năm hơi thở tác ý lại.
Nghĩa là mình nhiếp tâm hay an tịnh tâm mình trong năm hơi thở. Đến khi con tác ý: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô. Quán ly tham tôi biết tôi thở ra” thì để cho tâm tự nó ly tham, con không làm gì hết. Không còn lo gia đình hay nghĩ nhớ gì hết. Cũng đừng ghi chép gì hết.
Khi đến giờ ăn mà không thấy muốn ăn. Sau khi quán ly tham xong thì “Quán từ bỏ tâm tham...” rồi “Quán đoạn diệt tâm tham...”. Biết bao nhiêu đề mục của Định niệm hơi thở mà con tu. Định niệm hơi thở khởi đầu là tu hơi thở. Rồi cũng Định niệm hơi thở tu nhiếp tâm cho được trong năm hơi thở bằng câu tác ý “Hít vô tôi biết tôi hít vô. Thở ra tôi biết tôi thở ra”. Rồi cũng Định niệm hơi thở tu an trú tâm trong năm hơi thở với câu tác ý: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Khi đã an tịnh rồi cũng Định niệm hơi thở, nhưng không còn tác ý nữa mà chỉ lắng nghe sự an tịnh của tâm thôi. Rồi cũng Định niệm hơi thở mà tác ý: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô. Quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, rồi “Quán đoạn tâm tham tôi biết tôi hít vô. Quán đoạn tâm tham tôi biết tôi thở ra”, rồi “Quán diệt tâm tham tôi biết tôi hít vô. Quán diệt tâm tham tôi biết tôi thở ra”. Rồi tâm sân cũng tu như tâm tham. Khi tu giải thoát các lậu hoặc này thì cũng chỉ tu khởi đầu bằng năm hơi thở và để cho tâm tự ly tham, ly sân, si... Khi đã giải thoát lậu loặc xong, không còn ái kiết sử, thì cũng định niệm hơi thở: “Quán tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô. Quán tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra”.
Con thấy mình có duyên với Định niệm hơi thở thì ôm định niệm hơi thở tu. Sau mỗi lần thì tâm lậu hoặc của con giảm bớt. Con tu mỗi lần đủ cả cả 19 đề mục cho đến lần thứ mười thời gian tu nhanh cũng phải ba năm.
Mỗi khi buồn ngủ thì không cần đi kinh hành mà chỉ tác ý: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô. Với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra” rồi dùng hơi thở thật chậm và thật dài mà phá cơn buồn ngủ. Phật đã dạy hơi thở dài hơi thở ngắn như thế thì làm gì còn buồn ngủ được. Tất cả những ác pháp khác cũng bị phá sạch. Phật trang bị cho chúng ta, đã dạy đủ hết, giờ chúng ta chỉ còn tu thôi.
Trong khi tu hơi thở, con chỉ biết hơi thở vô ra ở chỗ mũi chứ không tập trung tâm ở mũi, hay chót mũi, hay ở bất kỳ đâu. Con cứ tác ý cho đúng với câu tác ý trong Định niệm hơi thở hoài, đừng tác ý sai, đừng tự đặt ra câu tác ý khác, thì sự tác ý liên tục đó làm cho con có nội lực. Mỗi đề mục con tu một tuần lễ mà tu như vậy cả 19 đề mục, một lượt là 19 đề mục thì thời gian là 19 tuần lễ mới xong, mà con tu mười lần như vậy thì cái lực ý thức của con sẽ trở nên Tứ thần túc. Nhớ là chỉ hít thở sau khi tác ý câu tác ý xong. Và chỉ biết hơi thở vô ra ở cửa mũi, không tập trung tâm ở chỗ nào khác thì không sinh chướng ngại trên thân. Tác ý mỗi năm hơi thở, lúc nào cũng tác ý thì lực ý thức rất mạnh. Một tuần lễ tu chỉ một đề mục. Hơi thở dài một tuần lễ, hơi thở ngắn một tuần lễ. Tu ba mươi phút xả nghỉ ba mươi phút, vô tu ba mươi phút khác. Qua tuần lễ khác tu đề mục khác. Mỗi đề mục chỉ tu trong một tuần và chỉ tác ý câu trong đề mục thôi. Không tác ý tâm bất động vì con không tu tâm bất động. Chỉ ôm pháp Định niệm hơi thở tu, không tu pháp nào khác hết. Các tu sinh khác, như các Thầy, các Cô thì họ tu trực tiếp ngay với tâm bất động, người ta không dùng hơi thở như con, cho nên Thầy lo cho họ khi tâm nhiếp vào hơi thở thì họ đâu biết như thế nào đúng hay sai nên Thầy chỉ cho họ để cái tâm của họ ở chỗ đúng của pháp tu tâm bất động để họ không bị rơi vào sự ức chế tâm, không rơi vào chỗ sai rồi sinh ra những cảm thọ như nặng đầu, nhức đầu, hay cơ thể bị bất an... Còn con chỉ có duy nhất pháp Định niệm hơi thở với câu tác ý thay đổi theo từng đề mục thì không có gì làm con bất an. Nếu có là do tập trung sai. Chỉ đặt tâm ở mũi để biết hơi thở vô ra tại đó và chỉ chú tâm vào hơi thở thì không sai, đừng tập trung tâm nơi nào khác thì không làm sao có sự gây cảm giác bất an thân.
Khi đặt tâm ở hơi thở ở mũi rồi hít vô chậm chậm, thở ra cũng chậm chậm, đó là hơi thở dài. Ở đây không tập trung tâm chỗ nào mà chỉ tập trung trong hơi thở vô ra, điểm ở mũi chỉ là nơi để cảm nhận hơi thở đi qua, đi ngang không phải là tập trung tâm tại đó. Không tập trung tâm ở chóp mũi, hay điểm chóp mũi, cũng không ở giữa trán hay đỉnh đầu, không tập trung tâm ở bụng để thấy hơi thở vô ra thì cơ bụng phình xọp theo pháp tu của Miến Điện. Không tập trung tâm ở bất cứ chỗ nào mà chỉ tập trung tâm vào hơi thở. Ở đây chỉ thấy hơi thở vô ra, không thấy gì khác hết.
Tối ngày chỉ tu tập theo 19 đề mục Định niệm hơi thở thôi, không tu tập gì khác hết. Tu hết cả 19 đề mục Định niệm hơi thở lượt này xong thì tu lượt khác, mỗi đề mục một tuần, lúc nào cũng tác ý đúng với câu tác ý của đề mục mà tu cho đủ số 10 lượt như vậy thì có kết quả to lớn lắm, lực ý thức cũng mạnh không đo lường được.
Người không tu theo Định niệm hơi thở mà chỉ tu tâm bất động thì họ ngồi yên lặng chờ niệm, có khi cả nửa giờ hay lâu hơn, họ không có cơ hội để tác ý nhiều. Còn con tu định niệm hơi thở phải tác ý hoài vì đó là pháp của định niệm hơi thở, tu cứ 5 hơi thở tác ý một lần và tu trong 30 phút, xả nghỉ 30 phút tu lại; tu đúng một tuần lễ thì thay qua đề mục khác cũng tu như vậy trong một tuần. Đi cho hết cả 19 đề mục Định niệm hơi thở rồi trở lại tu lượt khác. Nội tâm tham con phải tu “Quán ly” rồi “Quán từ bỏ” rồi “Quán đoạn diệt” là như vậy con phải tu trong 3 tuần với tâm tham. Rồi tâm sân, rồi tâm si, mỗi loại tâm ác pháp đó con cũng phải tu tâm trong ba tuần. Tu xong cả ba tâm này mới chuyển qua đề mục khác. Mỗi đề mục con tu 30 phút, xả nghỉ 30 phút và tu đủ mỗi thời khoá ba giờ trong cả bốn thời khoá.
Nhưng vì tập trung hơi thở trở thành thói quen nên khi xả nghỉ nó cũng cứ tập trung trong hơi thở cho nên con cần tác ý cho nó buông hơi thở ra. Nhưng chỉ được một lát, nó lại quay về biết hơi thở, khi đó con cần tác ý lại. Cứ mỗi khi nó quay về biết hơi thở thì con phải tác ý để thư giãn, trong xả nghỉ thì phải xả nghỉ, cho đến khi tâm không còn bám trong hơi thở, không để cho tâm lúc nào cũng tập trung trong hơi thở. Pháp thư giãn rất quan trọng cho nên phải tu cho đúng pháp thư giãn. Phải tập thư giãn. Giờ tu không chịu tu mà giờ thư giãn lại ôm pháp tu. Cái tâm làm việc trái ngược như thế. Trong khi nghỉ mà tâm vẫn bám vào hơi thở thì cũng phải tác ý cho tâm rời hơi thở trở lại trạng thái bình thường.
Pháp của Phật là pháp dẫn tâm vào đạo. Phải dẫn tâm vào chỗ thư giãn. Nghỉ là nghỉ, không tu pháp nào cả. Giờ mình tu pháp thư giãn mà không tu được thì sẽ làm cho mình mệt, sẽ làm chướng ngại thân tâm. Khi tu thì phải tu cho nhiệt tâm, cho có chất lượng trong từng giây, từng phút, từng giờ.
Định niệm hơi thở không tu kèm với bất kỳ pháp tu nào khác. Chỉ tu định niệm hơi thở thôi. Khi buồn ngủ thì tác ý: “Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi hít vô. Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi thở ra”, rồi hít vô chậm chậm, thở ra cũng chậm chậm theo hơi thở chậm và dài thì cơn buồn ngủ phải lui, con được tỉnh táo trở lại, không đi kinh hành, chỉ tu Định niệm hơi thở thôi, chỉ dùng hơi thở của Định niệm hơi thở để phá hôn trầm chứ không phải con tu định niệm hơi thở. Tại cái pháp Định niệm hơi thở đã sẵn sàng đủ hết các đề mục để giúp con diệt trừ tất cả các lậu hoặc, các tham ưu trên thân tâm đúng theo Phật pháp.