Khi tu xong thì mọi việc đều vất vả, dù là ngồi ăn thì phải nhai nuốt cũng vất vả. Thà là ngồi bất động, không làm gì cả, không hao gì cả. Khi tiếp duyên với các con thì cơ thể bị hao năng lượng. Nói chuyện cũng hao năng lượng, cho nên Thầy ít tiếp duyên, ít nói chuyện.
Khi tâm thanh tịnh thì không đắm nhiễm trong các việc ăn ngủ nghỉ. Thân tâm đã thanh tịnh rồi thì không còn bất tịnh. Cho nên, dù ở tuổi nào mà thân tâm thanh tịnh thì mọi người, kể cả người phụ nữ cũng không còn bất tịnh.
Tâm đã trong sạch nên tới bữa ăn không còn ô nhiễm ăn uống nữa. Tâm còn phiền não giận hờn thì biết mình chưa thanh tịnh. Thân tâm bất tịnh là do chưa ly dục. Khi đã ly dục sạch rồi thì làm sao còn bất tịnh. Mà tâm đã thanh tịnh thì không thể trở lại mất thanh tịnh được. Từ lúc tâm được bất động rồi thì bao lâu đi nữa tâm cũng vẫn bất động. Bất động cứ kéo dài. Bất động tức là thân tâm đã thanh tịnh. Ngồi yên bất động trong nhập định thì không bị hao, không bị mất gì cả vì đã có từ trường Định che chở và có Thiền duyệt thực. Cho nên, Thầy có thể ngồi yên bất động trong bao lâu cũng được, không bị tiêu hao hình vóc cơ thể bởi lẽ năng lượng được các lỗ chân lông thu hút trong không khí bù đắp cho sự sống của Thầy trong khoảng thời gian đó. Sự sống có trong không khí làm cho Thầy vẫn sống bình thường. Chỉ có pháp Tứ Thiền mới tịnh chỉ hơi thở nhưng hơi ấm còn, sống bằng hơi ấm mới không cần ăn mà vẫn sống. Các pháp thiền khác không tịnh chỉ hơi thở được.
Người chưa nhập định được thì đừng nghe nói vậy rồi nhịn ăn. Khi chưa nhập được Tứ Thánh Định thì phải có ăn mới sống. Tu viện không dạy nhịn ăn, không dạy tiết thực, chỉ dạy pháp Phật tu cho tâm bất động để làm chủ sự sống chết. Cho nên, các con cố gắng tu sao cho có tâm bất động, rồi ở trên tâm bất động nhờ phương pháp tác ý hằng ngày thì lúc nào cũng ở trên tâm bất động và khi tâm bất động ở trên tứ niệm xứ đủ bảy ngày đêm thì có đủ tứ như ý trong đó có định như ý. Chỉ có vậy thôi. Muốn được vậy thì phải ở trong thất và suốt ngày lo việc đuổi các niệm bằng pháp tác ý với thời gian bảy tháng. Cứ tác ý, tác ý hoài cho đến khi tâm bất động. Các niệm ác pháp sạch thì tâm tự nhiên bất động, không cách nào không bất động, muốn không bất động cũng không được.
Một khi tâm đã được bất động do kết quả của pháp tác ý sạch các dục, tâm thanh tịnh, không còn các chấp thủ, thì sự bất động kéo dài mãi đến bao nhiêu lâu tâm vẫn bất động. Đúng trạng thái bất động đó thì bao nhiêu lâu tâm cũng vẫn bất động. Bao nhiêu lâu, bao nhiêu năm cũng bất động, sống trong trạng thái bất động.
Khi tâm vừa bất động đủ bảy ngày đêm thì các con đã có đủ Tứ Thần Túc rồi, đã sống trong trạng thái bất động rồi. Không phải các con cố gắng kéo dài trạng thái bất động mà phải tác ý cho sạch các niệm thì tâm tự nhiên bất động, không còn động nữa. Nếu các con cố gắng bằng cách này hay cách khác kéo dài trạng thái tâm bất động là ức chế tâm. Phải tác ý mỗi khi có niệm và để tự nhiên cho tâm tự bất động.
Hiện giờ các con chỉ là người vô sự nhưng hầu như tâm chưa vô sự, cho nên cần cố gắng nhiều hơn để đạt cho được tâm vô sự. Chừng nào thật sự là vô sự thì các con sẽ thấy tâm các con ở đâu. Cho nên, bây giờ các con cố gắng nghe lời Thầy cứ tác ý cho giai đoạn của các con hiện giờ.
Tu sĩ hay cư sĩ cũng đều giải thoát y như nhau, không phải chỉ có người tu sĩ mới giải thoát, nhưng người cư sĩ phải tu như người tu sĩ, còn người tu sĩ phải giữ hạnh cho đúng người tu sĩ chứ không phải chỉ có chiếc áo thôi mà tâm thì cứ phóng ra, phóng dật hoài. Có nhiều vị tu sĩ lẽ ra khi đã ly gia cắt ái thì phải ở lì trong một tu viện nào đó để cố công tu, phải cắt đứt hết mọi liên hệ với người ngoài đời, với bà con, với phật tử.