Khi không niệm thì chỉ trụ tâm vào thân, đừng trụ tâm vào đâu hết, đừng trụ tâm vào hơi thở, đừng nương hơi thở theo kiểu quán hơi thở. Chỉ có một chỗ trụ không sai, đó là trên thân quán thân. Khi bất động tự nhiên thì các con cảm thấy như thế nào? Các con thấy cảm nhận toàn thân trong từng hơi thở ra vào rất nhẹ nhàng nhưng các con không được trụ trong hơi thở cũng không được trụ trong không. Tâm không phóng dật ra ngoài thì nó phải ở trên thân chứ sao, mà trên thân thì nó phải biết thân chứ. Thì đó là cái ý thức của chúng ta đang quay vô biết thân nó.
Trong khi đó chúng ta không dùng trên thân quán thân để ức chế nó, mà chúng ta để tự nhiên. Coi nó quán thân lâu mau như thế nào. Khi không quán thân mà tâm ở trên thân một cách tự nhiên thì cứ để như vậy. Hoàn toàn tự nhiên, không dụng ý, không dụng công buộc tâm ở yên một nơi nào.
Không nhiếp tâm vào đâu hết. Không nhiếp tâm vào hơi thở, vào thân hay thân hành nào. Nó đang tự nhiên ở trên thân thì cứ để cho nó ở tự nhiên như thế, chỉ biết thật rõ là nó không bị ý thức của chúng ta buộc nó nhiếp vào thân hay thân hành nào bằng sự chú ý của chúng ta. Làm được vậy, giữ được vậy thì tâm sẽ từ từ ở trên thân dài lâu mà vẫn tự nhiên chứ không cần có dụng công dưới hình thức nào.
Các con phải tự khép chặt đời sống độc cư của các con thì nó mới quán thân thật sự. Nếu còn nếp sống tiếp duyên, còn nói chuyện, còn nhìn ngó ra ngoài, còn phóng dật... mà dụng công dùng tâm quán thân là bị ức chế. Tâm ở trên thân lâu dài hay chỉ một chốc cũng không sao, vẫn tốt. Bởi tứ niệm xứ là hành động tự nhiên, chứ không phải dùng thân để quán. Trong tám chánh đạo, Phật nói Chánh Niệm là Tứ niệm xứ. Tứ niệm xứ là phải tự nhiên không một chút gì ức chế, nhưng mình phải sống trong thất, không phóng dật thì tâm mới ở trên thân. Mà ở trên thân thì tâm phải cảm nhận toàn thân chứ không trụ tâm vào đâu hết.
Nếu theo thói quen tập trung một chỗ nào thì sai. Tâm chỉ biết duy nhất hơi thở là sai. Không được tập trung tâm trong hơi thở. Không được dùng thân để quán. Nếu trong khi giữ tâm bất động mà chỗ nào trên thân có cảm thọ khác lạ là bởi có sự tập trung vào chỗ đó, phải xả ra. Phải để nó tự nhiên. Nếu bây giờ chỉ biết duy nhất hơi thở là sai. Không phải tu hơi thở, mà tu pháp tác ý.
Mới vào tu thì tu ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ “Hít vô tôi biết tôi hít vô, Thở ra tôi biết tôi thở ra”. Tập một thời gian để mình rèn luyện sự hô hấp, thở hơi thở như thế nào, dài hay ngắn cũng được, không bị rối loạn, không bị có khó chịu trên cơ thể. Rồi nương vào hơi thở để “Quán ly tham, quán ly sân, quán ly si”. Rồi “Quán từ bỏ...”, “Quán đoạn diệt...”. Đó là pháp tu của người mới tập tu, mới vào tu. Người mới vô không thể ngồi quét được, không quét nỗi, cho nên phải dùng các đề mục định niệm hơi thở để quán sát tâm, xả bớt các dạng thô tham sân si, bằng không thì bị ức chế. Vì vậy, phải bằng phương pháp xả tham sân si thô qua 19 đề mục của định niệm hơi thở. Sau khi tu thuần thục các đề mục định niệm hơi thở rồi, khi đó ngồi lại thấy tâm mình im lặng bất động một cách thản nhiên rồi thì mới bắt đầu vào tu Tứ niệm xứ.
Các con tu đã lâu, đã sống độc cư được rồi thì dùng pháp tác ý để quét từng cái tâm niệm vi tế tham sân si. Tâm niệm tham sân si vi tế là khi người nào nói oan ức gì, mặc dù các con thản nhiên nhưng trong tâm còn những tham sân si vi tế. Chỉ có pháp tác ý mới quét, mới diệt hết các vi tế này, cho nên tâm mới thanh tịnh hoàn toàn. Thầy thấy ở đây có một số người sống độc cư tu tập tốt, cho nên khi đã sống không còn buồn khổ trong giai đoạn độc cư thì tới giai đoạn kế là giai đoạn xả ra, giữ tâm bất động. Cứ cố gắng tiếp tục phòng hộ các căn, giữ hạnh độc cư cho nghiêm. Trong khi đi, đứng, ngồi, nằm đều dùng pháp Như lý tác ý, đừng vì bất kỳ lí do gì mà phá hạnh độc cư, mà không phòng hộ các căn, đừng cố gắng giữ tâm bất động mà cứ để tự nhiên và có tư tưởng ý nghĩ nào thì chỉ dùng pháp Như lý tác ý. Trong thời gian này, những người đó phải sống trong khu vực môi trường giúp họ giữ tâm bất động, không tiếp duyên, không bị động. Sống ly dục ly ác pháp thật sự thì tâm sẽ ở trên thân. Cho nên, khi các con muốn để tự nhiên cho tâm quán thân được thì các con phải khép chặt đời sống độc cư, không phóng dật. Nếu còn sống phóng dật, còn tiếp duyên mà dụng công cho tâm quán thân là các con đã dùng ý thức ức chế ý thức, là sai.