Khi các con tu thấy mình ngồi trong 30 phút mà tâm yên lặng, bất động thì đó là đã nắm được tâm bất động. Khi được như vậy thì các con đừng mong, đừng cố gắng kéo dài thời gian làm cho nó bất động. Như bất động được 30 phút rồi ráng cho được một giờ, được một giờ thì ráng cho được hai giờ... Không phải như vậy, không nên làm như vậy, mà cứ để cho nó tự nhiên, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Ba mươi phút cũng được, mười phút cũng được. Hôm nay tâm bất động một giờ mà ngày sau chỉ mười lăm phút, hay nửa giờ cũng đừng cho là bị thối thất, bị tu không tiến bộ. Đừng quan trọng tiến hay lùi. Điểm cốt yếu là tâm phải hoàn toàn bất động trong thời gian đó. Bao lâu cũng được. Không cố định thời gian đã đạt được. Cố gắng đạt cho bằng thời gian đó là đã ức chế tâm. Hôm nay được mười phút thì nó tự bất động trong mười phút đó chứ ta không bắt buộc nó. Mà ngày sau được 30 phút thì nó cũng tự nhiên đạt thời gian đó chứ ta nào có bắt buộc nó đâu. Nó tự như vậy chứ ta không bắt buộc nó, không điều khiển bất động. Hay bữa khác chỉ vài phút là có niệm, mới ngồi đã có niệm rồi, thì cũng chẳng sao. Không vui cũng không buồn. Tại cái tâm mình ly dục ly ác pháp chưa hết nên nó có niệm như vậy. Không cố gắng đạt thời gian đã được bất động nào vì làm vậy là ức chế tâm, ức chế ý thức. Không thể không niệm khi tâm còn dục, khi tâm còn ác pháp.
Vậy thì phải xả tâm ly dục ly ác pháp cho thật sạch thì sẽ không niệm, tâm sẽ bất động. Càng ly dục và ác pháp nhiều thì tâm càng bất động dài lâu. Chỉ cần ly sạch dục và ác pháp thì ngồi xuống, tác ý “Tâm phải bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, tâm liền bất động từ giờ này qua giờ khác rất dễ dàng. Các con tu đúng như vậy thì thời gian chứng đạo chỉ trong vòng một năm hay sáu bảy tháng chứ không kéo dài lâu đâu. Các con đâu tu để trở thành cái gì, mà chỉ tu xả tâm; tu sao cho các con cũng như người bình thường nhưng các ác pháp không tác động vào tâm các con được. Khi mình biết đó là ác pháp thì mình không để cho nó tác động vào tâm. Mình cũng như một người bình thường, nhưng không có ác pháp nào lọt vào tri kiến giải thoát. Có tri kiến về nhân quả, tâm không bị động, không bị xâm chiếm bởi ác pháp. Khi biết đó là ác pháp như giận hờn, thương ghét... thì mình đâu để cho tâm bị động vì hiểu đó là do nhân quả. Bằng tri kiến giải thoát, bằng pháp Như lý tác ý thì khi có ác pháp như giận hờn, thương ghét... tới thì sẽ bị chận ngay từ ngoài cửa, tâm sẽ yên lặng nhờ tri kiến giải thoát, nhờ ý thức giải thoát. Phải tác ý khi có những niệm như thế, đừng cho mình có tri kiến giải thoát là ngon, đã chận nó từ ngoài cổng. Không phải vậy đâu, các niệm như vậy cứ khởi ra hoài, không hết đâu, nó ngầm đó rồi nó sẽ xâm chiếm vô. Cho nên phải tác ý, tác ý cho nó tạo thành cái lực và cuối cùng cái lực đầy đủ thì làm chủ được thân tâm và giải thoát. Cố gắng tu chừng sáu bảy tháng thôi, không lâu đâu. Bền chí, đừng để cho một người nào đến nói chuyện với mình, chỉ sống một mình.