Bây giờ Thầy bắt đầu giảng trạch phần thứ 2 trong giai đoạn 1 của thiền định. Các con hãy lắng nghe cho kỹ, chỗ nào chưa thông suốt thì ghi chép lại rồi thưa hỏi cô Diệu Quang, để khi bắt đầu tu tập là phải tu tập cho đúng cách, không được tu hành sai như năm rồi. Phần thứ 2 trong giai đoạn 1 của thiền định là ly bất thiện pháp.
Ly là gì? Ly nghĩa là lìa xa, rời xa. Bất thiện pháp là gì? Bất thiện pháp là tham, sân, si, mạn, nghi, những thói quen, tật xấu, những điều suy nghĩ, những lời nói, những hành động của thân và làm mọi việc đem đếncho mình khổ, người khác khổ. Bất thiện pháp còn gọi là pháp ác, pháp hung dữ, pháp khổ đau. Vậy, muốn lìa xa các pháp ác thì các con phải rèn luyện, tu tập mình bằng ba đức:
1. Nhẫn Nhục.
2. Tùy Thuận
3. Bằng Lòng.
Các con nên lưu ý ba đức tính giải thoát này là để lìa xa các pháp ác, rất là khó tu.
1. Nếu không biết rõ tu tập cho đúng cách thì sẽ hoài công, vô ích.
2. Nếu không đủ nghị lực, bền chí, gan dạ, kiên trì, thì cũng bỏ cuộc giữa đường tu hành.
3. Nếu không cầu xin pháp chỉ thẳng, đập thẳng, đánh mạnh mẽ của Thiện hữu tri thức thì cũng khó lập được ba đức này vững vàng.
Thầy thường nhắc nhở với các con: nhẫn một việc nhẫn khó nhẫn, làm một việc làm khó làm đó là nhắc các con ly dục, ly bất thiện pháp. Để vào thiền định là một việc tu tập rất khó vô cùng. Cũng như Thầy đã dạy, đường đi khó là vì chưa biết đường, các con bây giờ cũng vậy, khi chưa biết cách tu giải thoát mà cứ tu theo kiến giải, tưởng giải của các nhà học giả thì đó là đường đi khó, vì chưa biết đường. Cố đi mà đường chẳng thu ngắn lại, vẫn mờ mịt vì đi loanh quanh, lòng vòng, mà chẳng có lối ra.
Khi đã biết đường, thì dù đường đi có khó đến đâu, nhưng vẫn đến đích. Cũng như bây giờ, các con đã biết rõ cách tu thì sự tu tập có khó đến đâu các con cũng sẽ thành tựu, vì mỗi bước đi của các con là quảng đường sẽ thu ngắn lại.
Trước khi bắt tay vào việc tu tập cụ thể ở phần II này, ly ác pháp, thì các con phải tu tập dứt điểm ở phần I là ly dục. Nghĩa là, các con phải hoàn thành tâm mình ly dục hoàn toàn, nghĩa là diệt ngã. Vì thế, bây giờ Thầy sẽ giảng trạch rõ người ly dục dứt điểm và không dứt điểm để các con hiểu tu tập cho đúng cách:
- Nếu một người chưa ly dục hoàn toàn mà vội ly ác pháp thì đó chỉ là một hành động điên rồ, tu tập nén tâm, chịu đựng, an phận.
- Nếu một người còn đang sống trong cảnh dục lạc thế gian, tâm chưa ly dục mà thường theo học hỏi những thiện pháp trong kinh sách, đó chỉ mới là gieo chủng tử ly dục, ly ác pháp của đạo giải thoát mà thôi. Chớ không phải sự học hỏi đó, sự hiểu biết đó là ly dục, ly bất thiện pháp được.
- Nếu một người còn đang sống trong cảnh dục lạc thế gian, tâm chưa ly dục mà thường theo học hỏi những điều thiện pháp trong kinh sách để tích luỹ sự hiểu biết các pháp giải thoát của Đạo Phật thì người này sẽ nuôi lớn lớn bản ngã, chứ không ly dục, ly ác pháp được.
- Nếu một người còn đang sống trong cảnh dục lạc thế gian, tâm chưa ly dục mà thường học hỏi những thiện pháp trong kinh sách để làm kiến giải riêng của mình, rồi dùng đó để tu quán xả ly ác pháp và tâm ham muốn của mình, thì không bao giờ ly dục, ly ác pháp được, mà đó chỉ là lối tu tập đè nén tâm mình, hoặc tránh né hay trốn chạy tâm ham muốn và ác pháp mà thôi.
- Nếu một người còn đang sống trong cảnh dục lạc thế gian mà tu Thiền định thì chẳng bao giờ có nhập được định. Nếu có nhập được thì chỉ rơi vào tà thiền, tà định mà thôi.
Bởi vậy, nếu một người tâm còn sống trong dục lạc thế gian mà tu đức nhẫn nhục, thì chẳng nhẫn nhục được gì, mà ngược lại, đó là lối tu tập nén tâm làm cho tâm thêm đau khổ.
- Nếu một người dùng hình thức bề ngoài để ly dục, mà tâm không ly dục, vội tu đức nhẫn nhục, thì cũng chẳng tu nhẫn nhục được gì. Trái lại còn thêm tâm hồn đau khổ. Như các con đã từng nói sự tu hành xả tâm phải “bằng máu và nước mắt”. Đó là tu sai, do nén tâm chịu đựng mà thấy sự khổ như vậy.
Thầy nhắc lại để các con hiểu, ly dục là lìa xa cái tâm ham muốn, chứ không phải ly vật dụng. Một người sống ở rừng núi chẳng có vật dụng gì, như loài khỉ, vượn, người này ly vật dụng, chứ không ly tâm dục. Loài vật cũng vậy, ly vật dụng, chứ không phải ly tâm dục của nó.
- Người nghèo khó không có một vật tùy thân, không phải người này là ly dục.
- Một người có đầy đủ vật chất trên thế gian này nhưng không dính mắc vào những vật chất đó, thì đó là người ly dục.
- Người ăn thực phẩm dở mà không đòi ăn thực phẩm ngon, không thích ngon, không chê dở, đó là người ly dục.
- Người ăn thực phẩm ngon mà không đòi ăn thực phẩm dở, đó là người ly dục.
- Người ăn thực phẩm dở mà đòi ăn thực phẩm ngon là người không ly dục. Ngược lại cũng vậy.
- Người không thèm thực phẩm này, thực phẩm khác là người ly dục.
- Người còn thèm ăn cái này, cái khác là người chưa ly dục.
- Người ở trong cảnh động mà không đòi ở cảnh tịnh là người ly dục.
- Người mặc chiếc áo đạo, xuất gia tu hành mà tâm còn ham muốn cảnh thế gian là người chưa ly dục.
- Người xuất gia tu hành mà tâm còn làm những việc cầu danh ở thế gian là người chưa ly dục.
- Ở trong cảnh động, cảnh chướng tai gai mắt mà không bị động, không gai mắt, không chướng tai là người ly dục.
- Người nào luôn giữ tâm được thanh thản là người ly dục.
- Người không giữ được tâm thanh thản, tâm hay sanh chuyện này chuyện kia là người chưa ly dục.
- Người thấy người có áo mới mà đòi hỏi áo mới là người chưa ly dục.
- Người thấy người khác có áo mới mà không đòi hỏi áo mới là người sống an phận thủ thường, chưa phải là người ly dục.
- Người thấy người khác có áo mới, mình cũng có áo mới mà không ham thích là người ly dục.
- Người đứng núi này trông núi nọ là người chưa ly dục.
- Người sống trong cảnh tu hành này mà đòi hỏi cảnh tu hành khác là người chưa ly dục.
- Người sống trong hoàn cảnh này mà đòi ở hoàn cảnh khác là cũng người chưa ly dục.
- Người sống trong hoàn cảnh này mà vui trong hoàn cảnh này là người ly dục.
Còn biết bao nhiêu điều so sánh về vấn đề ly dục và không ly dục. Ở đây, Thầy chỉ nêu ra một vài vấn đề cụ thể để các con hiểu rõ trong khi tu tập ly dục cho đúng cách [1].
Bây giờ Thầy trở lại bài giảng Ly Bất Thiện Pháp. Muốn tu tập ly bất thiện pháp thì ta phải dùng ba đức:
1. Nhẫn nhục
2. Tuỳ thuận
3. Bằng lòng
Muốn tu tập ba đức nhẫn nhục - tùy thuận - bằng lòng thì phải đứng trước mọi hoàn cảnh, mọi sự vật, mọi đối tượng, các con phải tu tập Pháp hướng tâm, còn gọi là pháp dẫn tâm.
Pháp hướng tâm như thế nào? Pháp hướng tâm là pháp dẫn tâm vào một lý chân chính, giải thoát của đạo. Pháp chân chính giải thoát của đạo là gì? Pháp chân chính giải thoát của đạo là chỉ thẳng vào mọi duyên, mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc xảy ra đều hiểu biết rõ nó là vô thường, khổ, và không có thực thể bản ngã trong đó; do các duyên hợp lại mà thành, và duyên tan là mất hết, không còn có cái gì tồn tại. Khi đã hiểu rõ như vậy và thấy rõ như thật, thì dùng Pháp hướng mà nhắc tâm như vầy:
1. “Cái tâm từ đây về sau không được kiến chấp các duyên là thật, mà phải thấy nó vô thường, khổ, vô ngã". Nên không còn phiền não, đau khổ trong tâm không còn nữa.
2. “Các duyên tan hợp theo nhân quả, diễn biến luân hồi nên không có thật thể bản ngã, toàn là vô thường, khổ, vô ngã. Vậy từ đây về sau cái tâm không được chấp duyên là ngã, mà hãy bỏ xuống đi, không còn được giận hờn, phiền não, đau khổ."
3. “Đời sống của con người là duyên tan hợp của nhân quả, cho nên không có bản ngã chân thật, toàn là vô thường và đau khổ. Vậy từ đây cái tâm phải bỏ xuống, không được chấp cái ta nữa, vì chấp cái ta là tạo thêm đau khổ và ác pháp trong tâm”.
4. “Ai theo các duyên nhân quả, tạo ác, là phải thọ lấy cái quả khổ, ta không dại gì đem khổ vào thân. Từ nay, cái tâm hãy bỏ xuống đi để được an vui, thanh thản”.
Các con hãy cố gắng động não, triển khai những trí tuệ nhân quả, duyên tan hợp để thấu rõ lý Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của đạo thì chừng đó các con mới nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng được. Đây là pháp dẫn tâm, lập đức nhẫn nhục, dẫn tâm vào tam ấn của Đức Phật theo duyên tan hợp, diễn biến luân hồi của nhân quả. Khi có một niệm khởi ra trong đầu thì các con mau dẫn tâm vào lý giải thoát, giữ tâm thanh thản. Muốn giữ tâm cho được thanh thản các con phải nhắc tâm như thế này khi có một niệm tào lao khởi lên:
1. “Cái tâm phải thanh thản, không được nghĩ ngợi tào lao,vì nghĩ ngợi tào lao thì tâm bị phân chia ra tan nát khó mà vào thiền định được”.
2. Khi biết tâm mình thường dễ giận hờn, phiền não, đau khổ thì phải dẫn tâm như thế này: “Cái tâm phải thanh thản, không được giận hờn, đau khổ, phiền não nữa, vì đau khổ, phiền não là các pháp ác”.
3. Khi có một niệm thương nhớ, lo sợ thì phải dẫn tâm như thế này: “Cái tâm thanh thản, không được thương nhớ, lo sợ vì các pháp đều là do duyên tan hợp theo nhân quả nên không có gì là của mình. Vậy hãy bỏ xuống, đừng thương nhớ lo sợ, vì thương nhớ lo sợ là ác pháp, là pháp làm đau khổ trong tâm hồn của mình”.
4. Khi tâm không có niệm khởi, đang ở trong trạng thái thanh thản, thì hãy dẫn tâm như thế này: “Cái tâm phải thanh thản trong trạng thái thanh thản, vì có thanh thản thì tâm mới có nội lực. Tâm có nội lực thì mới nhập thiền định”.
Trên đây là pháp hướng tâm thanh thản để giữ tâm thanh thản. Muốn giữ tâm thanh thản thì phải nương vào hơi thở tuỳ tức, thỉnh thoảng lại nhắc tâm thanh thản một lần. Trên đây là giữ tâm thanh thản trong hơi thở. Lúc nào, giờ nào, ngày nào, hễ có rảnh là dẫn tâm vào thanh thản. Đó là tu pháp hỷ, mà cũng là chính cách thức dẫn tâm trong trạng thái thanh thản này là dẫn tâm tập nhập Sơ thiền, để lập đức nhẫn nhục, ly ác pháp. Tâm có thanh thản thì tâm mới có bình tĩnh, sáng suốt. Tâm có bình tĩnh sáng suốt thì tâm mới có nhẫn nhục được. Tâm nhẫn nhục được thì tâm mới có tuỳ thuận. Tâm có tùy thuận được thì tâm mới có bằng lòng. Tâm có bằng lòng được thì tâm mới xả được. Tâm có xả được thì tâm mới được ly ác pháp. Tâm có ly được ác pháp thì tâm mới có an vui, hạnh phúc. Tâm có an vui hạnh phúc là tâm nhập Sơ thiền.
Trên đây là pháp hướng dẫn tâm thanh thản để ly các ác pháp, nhập Sơ thiền lập đức nhẫn nhục.
3.2.1 Đức nhẫn nhục
Bây giờ Thầy dạy các con tu tập pháp ý tứ, ly ác pháp, lập đức nhẫn nhục.
1. Bắt đầu các con tu tập ý tứ, ý hành niệm. Khi tâm khởi một niệm, các con phải quan sát niệm đó, phân tích, tìm nguyên nhân và mục đích của nó, nó đến với các con với sự việc gì? Khi thấu rõ các pháp ác thì nó đều tan biến. Đây gọi là tu tập ý tứ, ý hành niệm, ly ác pháp, lập đức nhẫn nhục.
2. Khi các con muốn nói ra một lời nào đó, thì các con phải khởi ra một ý niệm trước. Khi ý niệm khởi xong, các con quan sát ý niệm đó, tìm nguyên nhân, mục đích của nó. Khi đã thấu rõ ý niệm đó, các con mới nói ra lời. Đây là tu tập ý tứ khẩu hành niệm để ly bất thiện pháp lập đức nhẫn nhục.
3. Khi thân các con muốn làm một điều gì thì các con phải khởi ra ý niệm của việc làm đó, rồi cũng tìm ra nguyên nhân, mục đích của nó. Khi đã tìm xong, biết đó là thiện pháp thì bắt đầu thân mới làm việc. Đó là tu tập ý tứ thân hành niệm để ly các ác pháp, để lập đức nhẫn nhục.
4. Khi thân làm việc gì, thì phải ý tứ cẩn thận, kỹ lưỡng trong việc làm đó, không làm bừa bãi, không làm dối trá. Đây là tu tập cẩn thận ý tứ kỹ lưỡng thân hành niệm để ly bất thiện pháp, thực hiện đức nhẫn nhục.
5. Khi tu tập ý tứ ý hành niệm, khẩu hành niệm, và thân hành niệm thì dùng tư tuệ quán sát ý niệm, lời nói, việc làm, biết rõ đúng sai, thiện ác, có lỗi, không lỗi, phạm giới không phạm giới, diệt ngã hay nuôi ngã, xả tâm hay dính mắc v.v… Đây là tu tập triển khai tư tuệ trong ý hành niệm, khẩu hành niệm, thân hành niệm để ly dục, ly ác pháp, để tu luyện tập đức nhẫn nhục.
Tóm lại, đức nhẫn nhục giúp cho con trở thành người hiền hoà, bình tĩnh và sáng suốt; ôn tồn, nhã nhặn và từ ái. Nó giúp cho con người từ phàm phu trở thành bậc Thánh nhân. Đức nhẫn nhục giúp các con xa lìa các ác pháp trong và ngoài tâm, diệt sạch bản ngã, tiêu trừ tánh hung ác, nham hiểm, tỵ hiềm, ganh ghét. Đức nhẫn nhục còn mang đến cho các con một niềm an vui, an lạc hạnh phúc đời đời, không còn biết sợ hãi, oán thù ai hết. Đức nhẫn nhục còn mang đến cho các con những lời nói hiền hòa, những hành động nhẹ nhàng, êm ái; những ánh mắt dịu hiền, đầy lòng thương yêu đối với mọi người. Đức nhẫn nhục đi đến đâu thì chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ mất tiêu và thường mang đến nguồn an vui ở đó. Đức nhẫn nhục đi đến đâu thì an lạc đi đến đó cho mọi người.
Đến đây Thầy xin dừng lại, hôm nào có dịp Thầy sẽ xin giảng tiếp để các con tu tập đức tùy thuận.
3.2.2 Đức tùy thuận
Bây giờ Thầy giảng trạch đức tùy thuận để các con hiểu rõ hơn.
Đức tùy thuận là một phương tiện ly bất thiện pháp, xả ngã rốt ráo. Nếu một người còn chấp một chút ngã cũng không tu tập đức tùy thuận đúng cách được. Ở đời, người ta ai cũng muốn làm thầy thiên hạ, chỉ huy thiên hạ, luôn luôn thấy mình hay, giỏi hơn thiên hạ, nên ít ai tùy thuận ai được. Bởi tùy thuận là một đức hạnh cao quý để xây dựng, rèn luyện con người trở thành người khiêm hạ, luôn luôn biết làm cho người khác vui lòng. Nó cũng xây dựng, rèn luyện con người thành người có ý tứ trong công việc làm, không để cho thất bại. Nó cũng xây dựng, rèn luyện con người trở thành người biết tôn trọng ý kiến của người khác. Nó cũng xây dựng, rèn luyện con người thành người biết học hỏi cái hay cái dở của người khác. Nó cũng xây dựng, rèn luyện con người trở thành người sáng suốt và bình tĩnh trước mọi ý kiến của người khác.
Điều quan trọng nhất trong sự tu tập đức tùy thuận là xây dựng rèn luyện con người để trở thành người đầy đủ nghị lực, gan dạ, chấp nhận mọi ý kiến người khác, để trở thành người nhỏ nhất, mà cũng là người lớn nhất.
Vậy, đức tùy thuận là gì?
Tùy là dựa theo, làm theo. Thuận là hòa thuận, không chống trái nhau. Tùy thuận là dựa theo, làm hòa hợp với ý kiến, việc làm của người khác, mà không chống trái nhau. Ở đời, vì thiếu đức tùy thuận lẫn nhau, ai cũng cố chấp ngã, chấp kiến nên mới sanh ra biết bao nhiêu sự chống trái lẫn nhau, tạo nên cảnh nghịch ý trái lòng. Do đó gây ra biết bao ác pháp, khiến cho mình khổ, người khổ. Vì thế, chúng ta là những tu sĩ của Đạo Phật phải cố gắng tu tập và rèn luyện đức tùy thuận. Muốn rèn luyện và tu tập đức tùy thuận để ly ác pháp và diệt bản ngã thì các con phải luôn luôn thực hiện:
1. Làm theo ý muốn của người khác, bất cứ người nào, ở giới nào, giai cấp nào, già hay trẻ, bé hay lớn, nam hay nữ, sang hay hèn, hay vua quan trong xã hội. Đó là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, xả ngã.
2. Không được làm theo ý kiến của mình, dù ý kiến của mình có đúng một trăm phần trăm. Đó là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, xả ngã.
3. Làm theo ý kiến của thiện hữu tri thức mà không làm theo ý kiến của mọi người, thì đó không phải là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp. Đó là tu tâm sợ hãi. Ở đây chúng ta phải hiểu, làm theo ý của thiện hữu tri thức mà không làm theo ý của mọi người khác là tu tập tâm sợ hãi; làm theo ý của thiện hữu tri thức và cũng làm theo ý của mọi người khác, đó mới chính là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, xả ngã.
4. Trước khi muốn làm việc gì đều thưa hỏi thiện hữu tri thức và mọi người khác, không được tự ý làm. Vì có tự ý là có hành động nuôi dưỡng bản ngã và ác pháp. Như thế thì không thể nào tu tập đức tùy thuận được.
5. Khi thưa hỏi xong, phải làm đúng ý của mọi người. Đó là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, diệt ngã.
6. Khi thưa hỏi xong để tu tập đức tùy thuận, nhưng khi làm có sự sơ sót, bị la rầy, liền tức khắc chuyển sự tu tập tùy thuận qua tu tập đức nhẫn nhục, để ly ác pháp. Có như vậy gọi là tu tập đức tùy thuận trong đức nhẫn nhục.
7. Luôn luôn phải tôn kính mọi ý kiến của người khác, vì có tôn kính ý kiến của người khác ta mới tùy thuận được ý kiến của người khác mà không làm theo ý kiến của mình. Đó gọi là ly dục, ly bất thiện pháp.
Điều quan trọng và cần thiết cho sự tu tập này là phải luôn luôn tỏ lòng tôn kính mọi ý kiến và việc làm của người khác. Đó là những ý kiến và việc làm đúng, còn những ý kiến và việc làm sai của họ thì chúng ta tùy thuận nhưng không để bị lôi cuốn. Tùy thuận là để ly ác pháp, nhưng không để lôi cuốn trong ác pháp. Bởi vậy, tu tập đức tùy thuận rất khó, tùy thuận mà không bị lôi cuốn là một việc làm rất khó khăn vô cùng, không phải việc dễ làm. Chỉ có sống độc cư, tránh các duyên, và bảo vệ tâm, giữ gìn sáu căn thì mới ly dục ly ác pháp dễ dàng mà thôi.
Đức tùy thuận có hai chiều, tùy thuận người mà con phải tùy thuận ở mình nữa. Như Thầy đã dạy, tùy thuận là tôn kính mọi ý kiến, mọi việc làm của người khác. Còn tùy thuận ở mình mà tôn kính như vậy thì không khéo mình lại nuôi tâm ham muốn, chạy theo dục, nuôi ác pháp, nuôi ngã mình. Tùy thuận mình là tùy thuận ở sức lực, ở khả năng, không nên làm quá sức, vượt khả năng của mình. Không khéo tùy thuận mình để trở thành lười biếng, không khéo tùy thuận mình để thành nuôi dục, nuôi ngã. Điều quan trọng này các con lưu ý.
Khi giảng đến đây, các con đã hiểu đức tùy thuận là để ly ác pháp, diệt ngã. Mục đích của nó không phải ở ý kiến và việc làm, mà chính là để được tâm hồn giải thoát, an vui, thanh thản; và cũng là bước đầu ngăn chặn và chấm dứt các duyên nhân quả, không cho tiếp diễn theo nghiệp lực của nó.
3.2.3 Đức bằng lòng
Bây giờ Thầy dạy các con đức bằng lòng. Đức Bằng lòng tu tập rất khó. Nếu chưa hiểu cách tu, thì dù các con có thực hiện được đức Nhẫn nhục, đức Tùy thuận mà tâm chưa bao giờ bằng lòng thì chẳng được an ổn, yên vui.
Tâm các con chưa được an ổn yên vui thì tâm còn trong ác pháp, trong tâm dục.
1. Muốn tu tập đức bằng lòng thì phải lập hạnh tôn kính, kính trọng mọi người. Xưa, Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát lập hạnh kính trọng mọi người, ông gặp ai lớn hay nhỏ, giàu sang hay nghèo đói, vua chúa hay quan dân, ...ông cũng đều cúi đầu đảnh lễ như đức Phật. Nhờ tu hạnh tôn kính nên tâm hồn ông lúc nào cũng ly được ác pháp, đời sống ông thanh thản, an vui trong đức bằng lòng. Vì có bằng lòng, mọi duyên, mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh, mọi việc làm đều xa lìa các ác pháp, được giải thoát thành Phật.
2. Muốn tu tập đức bằng lòng thì phải có Chánh kiến. Muốn có chánh kiến thì tâm phải ly dục, ly bất thiện pháp. Nhưng bây giờ tâm các con còn chưa ly dục, ly bất thiện pháp, còn đang tu tập đức Bằng lòng để ly ác pháp thì tâm các con làm sao có Chánh kiến được? Không có chánh kiến thì làm sao phán xét mọi người đúng - sai? Không có chánh kiến thì làm sao hiểu người, hiểu mình bằng chánh kiến được. Vì vậy, muốn tu tập đức bằng lòng cho đạt được chỉ có con đường duy nhất là phải can đảm, dũng mãnh nhìn nhận tất cả ý tưởng, lời nói, việc làm của người khác là đúng, là tốt, là thiện. Nhờ thế, các con sẽ thực hiện được đức bằng lòng dễ dàng.
Như Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát, dù người đó hung ác, dù người đó ngu khờ, dù người đó đê hèn nhất trong xã hội, Ông vẫn kính trọng mọi người như tôn kính Đức Phật. Đó là hạnh bằng lòng, để thực hiện sự giải thoát trong tâm của mình. Khi thực hiện được đức bằng lòng thì các con đã ly được ác pháp trong, ngoài tâm. Ly được ác pháp trong, ngoài tâm thì bây giờ các con mới có Chánh kiến.
Thầy đã dạy: chỉ có tâm ly dục – ly ác pháp mới hiểu được mình, được người bằng Chánh Kiến.
Tóm lại, muốn tu tập ba đức, ba hạnh ăn - ngủ - độc cư, nhẫn nhục - tùy thuận - bằng lòng để ly dục, ly bất thiện pháp, điều cần thiết và quan trọng nhất là phải triển khai trí tuệ vô sư, ly dục, ly bất thiện pháp.
3.2.4 Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ
Theo Đạo Phật có ba loại trí tuệ: văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ:
a. Văn Tuệ
Văn tuệ là gì? Văn tuệ là trí tuệ hiểu biết bằng cách tích lũy kiến giải, tưởng giải của cổ nhân trong kinh sách, hoặc nghe thuyết giảng, hoặc học thuộc lòng. Trí tuệ này gọi là trí tuệ tránh né, trốn chạy các dục, các ác pháp. Trí tuệ này còn gọi là sở tri chướng. Người càng học tập, nghe thuyết giảng và tích lũy nhiều sự hiểu biết thì ngã chấp, kiến chấp sâu dày, thường nuôi lớn bản ngã to lớn. Trí tuệ này rất nguy hại cho người tu hành đạo giải thoát của Đạo Phật. Xưa Ông A Nan vì có trí tuệ thông minh này nên sự tu hành rất chậm lụt.
b. Tư Tuệ
Tư tuệ là gì? Tư tuệ là trí tuệ suy tư, nghĩ ngợi, tìm tòi, nghiên cứu, khai triển sự hiểu biết của riêng mình, không vay mượn trong kinh sách. Nó còn gọi là trí thông minh. Tư tuệ là trí tuệ thông minh của riêng mình để phát minh những điều chưa ai tìm được;để hoá giải tâm đau khổ, phiền não, sân hận, tỵ hiềm, nhỏ nhen, ích kỷ; để thực hiện ba đức, ba hạnh cho rốt ráo. Bởi vậy tư tuệ là trí tuệ thông minh rất cần thiết cho sự tu tập ở giai đoạn I, tu ly dục ly bất thiện pháp. Nếu các con không chịu triển khai trí tuệ thông minh này theo như lời cô Út đã từng chỉ dạy thì các con khó mà thực hiện được ba đức, ba hạnh. Nếu không thực hiện được ba đức, ba hạnh thì làm sao ly dục, ly bất thiện pháp được? Đó là trí tuệ thông minh, vô sư của mọi con người, nên phải động não, làm việc thì mới triển khai được nó.
c. Tu Tuệ
Tu tuệ là gì? Tu tuệ là trí tuệ do tu tập thiền định sanh ra. Trí tuệ này còn gọi là Trí Tuệ Vô Sư Tam Minh, gọi tắt là Trí Tuệ Vô Lậu. Trí tuệ này là trí tuệ siêu đẳng, viên mãn, thành tựu được đạo giải thoát của đức Phật. Trí tuệ được khai mở khi thiền định viên mãn, vì thế là trí tuệ này được xem như là trí tuệ cuối cùng của Đạo Phật. Nó chứng minh rõ ràng sự làm chủ, nó chấm dứt sự khổ đau trong sanh tử luân hồi của chúng ta. Nó không có giúp ích gì trong sự tu tập ly dục, ly bất thiện pháp. Nó chỉ là một sự minh xác chân thật, kiểm nghiệm sự thành tựu tu tập của chúng ta mà thôi.
Tóm lại của đoạn văn này thì ba trí tuệ: Văn, Tư, Tu, chỉ có Tư Tuệ là một thứ trí tuệ cần thiết và không kém phần quan trọng sự tu tập ly dục, ly bất thiện pháp ở giai đoạn thiền thứ nhất. Nếu một người chưa ly dục, ly bất thiện pháp thì không thể nào nhập định được. Mà không nhập định được thì làm sao khai mở trí tuệ vô sư vô lậu được? Do thế, Minh Cảnh đã hiểu lầm: cứ tu tập thiền định, từ thiền định phát sinh ra trí tuệ vô sư, từ trí tuệ vô sư vô lậu sẽ diệt sạch bản ngã, không còn lậu hoặc nữa.
Như Thầy đã dạy ở trên, ba trí tuệ chỉ có chỉ có Tư Tuệ là quan trọng và ích lợi trong sự tu tập, Văn Tuệ là sở tri chướng, Tu Tuệ là để xác minh sự tu tập kết quả cho rõ ràng. Nếu một người tu tập cẩn thận, có ý tứ, thận trọng giữ gìn từng lời nói, hành động, việc làm biết sống hoà hợp thương yêu và tha thứ cho nhau, không tỵ hiềm ganh ghét, không tranh đua hơn thiệt, không châm biếm mỉa mai, giữ gìn kỷ luật Tu viện nghiêm túc, không vi phạm lỗi lầm, đó là người ly dục, ly bất thiện pháp. Sống như vậy là tạo hoàn cảnh yên tịnh, thanh nhàn để cùng nhau tu hành. Sống mà nay tạo duyên này, mai tạo duyên khác, khiến cho hoàn cảnh bất an, mất thanh tịnh thì mình tu khó, mà người khác tu cũng khó.
Người nuôi lớn bản ngã là người thường thấy lỗi người khác, không thấy lỗi mình, thấy cái sai của người khác, không thấy cái sai của mình, người ấy không ly dục, ly bất thiện pháp.
Đến đây Thầy xin chấm dứt bài pháp hôm nay. Các con hãy ghi nhớ kỹ, cố gắng tu tập. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Sự giải thoát đau khổ đang chờ các con ở phía trước nếu các con tu tập đúng lời Thầy dạy.
3.2.5 Thầy trả lời các câu hỏi của quý tu sinh[2]
Khi giảng đến đây, Thầy đã nhận được một số nhật ký thời khóa tu tập của các con, trong đó có nhiều câu hỏi về cách thức tu tập ly dục ly ác pháp. Thầy xin trả lời từng người một.
Cô Liên Pháp hỏi đạo:
Con thở 4 giây một hơi thở, như vậy có thở dài lắm không và có trở ngại gì cho việc thiền định của con không?
Trả lời:
Một hơi thở 4 giây không dài lắm và không có gì trở ngại cho thiền định, tùy sự ổn định ở hơi thở đó, không bị rối loạn cơ thể thì đó là hơi thở rất tốt.
Trả lời câu thứ 2: Về hạnh độc cư. Hạnh độc cư rất khó tu tập, vì vậy Thầy đã chia làm 3 giai đoạn tu tập, con hãy nghe lời giảng trong băng theo đó mà tu.
Trả lời câu hỏi thứ 3: Về việc xả tâm. Xả tâm tức là ly dục, ly bất thiện pháp. Thầy đang giảng trạch ở trong băng. Hãy nghe lại kỹ để tu tập cho đúng. Về việc xả tâm ly dục, ly ác pháp đòi hỏi ở trí thông minh rất nhiều nên cần phải động não suy tư để tự triển khai trí thông minh tạo thêm ly dục ly ác pháp nhanh chóng và dễ dàng.
Những điều con đã trình bày trong tập nhật ký thời khóa, cách thức tự triển khai trí tuệ xả tâm của con điều này cô Diệu Quang đã từng chỉ thẳng các con tự triển khai trí tuệ này để buông xả ly dục ly ác pháp.
Tự Hạnh hỏi đạo:
Câu 1: Về hơi thở. Qua sự trình bày về hơi thở, con đã tu tập tốt, có chất lượng cao, hãy cố gắng tiếp tục tu tập, rèn luyện hơi thở theo sự hướng dẫn của cô Diệu Quang, có gì trục trặc cần phải thưa hỏi liền để điều chỉnh cho kịp, tu hành đúng, không mất thời gian.
Câu 2: Về việc xả tâm. Về việc xả tâm con phải nghe lời dạy của Thầy trong băng để biết cách tu cho rõ ràng.
Câu 3: Về khai triển trí tuệ, cách thức trình bày lý luận của con để tự xả tâm. Đó là điều tự triển khai trí tuệ buông xả ly dục ly ác pháp. Điều này rất cần thiết và quan trọng ở giai đoạn Ly: Ly dục, ly bất thiện pháp. Như Thầy đã giảng: Muốn xả tâm ly dục ly ác pháp, phải có nhiều phương cách tu tập, rèn luyện, toàn bộ giáo điển của đạo Phật đều dạy tu tập ở giai đoạn này hơn 90%, còn lại là Thiền Định và Trí Tuệ. Vì thế Thầy mới dạy các con lập 3 đức, 3 hạnh như Ăn, Ngủ, Độc Cư, Nhẫn Nhục, Tùy Thuận, Bằng Lòng. Tu tập 3 đức, 3 hạnh này chưa đủ, các con còn phải tu tập pháp hướng tâm, pháp tỉnh giác, pháp ý tứ, pháp cẩn thận, pháp kỹ lưỡng, pháp thanh thản, pháp trụ tâm, pháp gom tâm và còn tập luyện ổn định đề mục Thiền hơi thở để có một nội lực dũng mãnh hầu đến giai đoạn diệt và xả tu tập được dễ dàng hơn. Các pháp này được Thầy giảng rộng để các con hiểu rõ và biết cách tu tập cho đúng. Hãy cố gắng tu tập đều đều, cô Diệu Quang đang tuyển chọn, nếu thấy được là đưa các con lên lớp thứ 2 của Thiền định.
Từ Huyện hỏi đạo:
Câu 1: Hoàn cảnh xảy đến tâm con đang dao động, con tu tập lui lại theo lời cô Diệu Quang dạy. Tu tập căn bản là điều cần thiết, tu tập đúng, tập chậm, tập kỹ là có kết quả tốt trên đường rèn luyện thân tâm. Tập nhiều, tập nhanh, tập không kỹ lưỡng là không có kết quả, uổng công, tu tập vô ích. Có hoàn cảnh nghịch xảy ra mới biết được sự tu tập của mình nhưng đừng lấy đó làm buồn, làm hối tiếc mà phải lấy đó rút tỉa kinh nghiệm ưu khuyết để tu tập tốt hơn. Người ta bảo thất bại là mẹ thành công, hãy nghe lời dạy trong băng của Thầy để thiết lập một đường lối tu tập cho đúng cách, chỗ nào chưa thông, chưa hiểu thì hỏi lại cô út Diệu Quang.
Việt Trí hỏi đạo:
Câu 1: Muốn được trạng thái tâm rất vắng lặng, không bị một niệm xen vào khi đang thở, đó là trạng thái tùy thức.
Câu 2: Tâm bị động, vài ba hôm sau con mới nhiếp tâm tốt lại, lúc đó con mới cảm thấy tâm con yên lặng phăng phắc. Thưa Thầy như vậy nó có rơi vào định tưởng không?
Đó là trạng thái tâm phục hồi sau khi bị động không phải định tưởng
Câu 3: Người xả tâm, tâm chưa làm chủ được tức là tâm chưa xả, vậy nên nghe theo lời giảng trong băng của Thầy để thiết lập
(Băng 2)
Câu 1: Về xả tâm, hãy nghe lời dạy trong băng của Thầy để biết cách tu tập cho đúng, cái nào tu trước, cái nào tu sau, cái nào tu chính, cái nào tu phụ để xả tâm ly dục, ly bất thiện pháp.
Câu 2: Về hoàn cảnh xảy ra. Mọi hoàn cảnh xảy ra trên bước đường tu tập là để thử thách và trắc nghiệm lại sự tu tập của mình, con phải lấy đó rút tỉa kinh nghiệm ưu khuyết tu tập tốt hơn, đừng lấy đó hối tiếc mà phải lấy đó làm đà tiến thủ tu tập, trước khi thành công đều phải có thất bại. Sau khi nghe băng phải vạch đường lối tu tập rõ ràng, cái trước cái sau, cái phụ cái chính.
Câu 3: Tất cả hành vi thân khẩu ý của mình đều phải ý tứ thân hành niệm thì tâm mới thanh tịnh được, thưa Thầy như vậy có đúng không?
Đây mới là trí hành niệm thanh tịnh của tâm. Còn tu tập có nhiều điều tập luyện tâm mới được thanh tịnh. Phải nghe lại lời dạy trong băng của Thầy.
Câu 4: Im lặng mãi là nén tâm chớ tâm không thanh tịnh, thưa Thầy có phải vậy không?
Im lặng mãi là á khẩu là câm, hình thức đó là nén tâm, cần phải tránh xa. Muốn tâm thanh tịnh phải tu tập nhiều phương cách, trong đó có tập ít nói.
Câu 5: Phân tích, hiểu thấu suốt, quán sắc bén, thưa Thầy đó có phải là pháp tu xả tâm không?
Trả lời: Phân tích hiểu thấu suốt, quán sắc bén là pháp môn tự khai triển trí tuệ buông xả ly dục ly bất thiện pháp. Và cô út Diệu Quang đã từng chỉ thẳng đập mạnh để các con tự khai triển nó.
Câu 6: Về lời nói. Điều quan trọng trong việc xả tâm diệt ngã là tịnh khẩu. Pháp tu tịnh khẩu tập ít nói, khi nói phải cẩn thận, trong lời nói không được nói cười đùa, không được nói tếu, không được nói châm chọc, không được nói mỉa mai, không được nói móc lò. Nói phải suy nghĩ kỹ rồi mới nói. Lời nói rất quan trọng, nếu không suy nghĩ kỹ lời nói ra sẽ làm mất giá trị đạo đức của chính người nói. Nên con phải cẩn ngôn, lời nói ra càng nuôi dưỡng bản ngã to lớn hơn, nên cẩn thận ý tứ tư duy lời nói để diệt ngã xả tâm.
Đào hỏi đạo:
Sau thời gian tu tập con được cô Út Diệu Quang chỉ thẳng, đập mạnh phá vỡ màng vô minh đen tối ngã chấp, hôm nay con có tiến bộ rất nhiều trong sự giữ gìn không đi đây đó, trong sự không khoe khoang, trong sự không xảo trá, luôn chân thật, không giận giữ, không phiền não đau khổ, mọi mặt này đều có tiến bộ. Vậy từ đây con hãy cố gắng hơn, tu tập cẩn thận kỹ lưỡng hơn để trở thành người chân thật, khi mà ôn tồn nhã nhặn…đầy đủ đạo hạnh của người tu sĩ. Con hãy nghe kỹ lời dạy trong băng để thiết lập được đường lối tu hành trước sau rõ ràng.
Về phần tu tập hơi thở, con đã nhiếp tâm tốt nên thưa hỏi cô Diệu Quang để được kiểm tra kỹ rồi mới tiến lên giữ thân tâm bất động. Cô Diệu Quang đang chọn người tu tốt về đức hạnh cũng như về hơi thở để đưa lên lớp thiền định thứ 2, tập luyện đóng mở 6 căn, con hãy cố gắng giữ gìn tu tập xả tâm, diệt ngã, lập đức lập hạnh cho rốt ráo để được tuyển chọn để tu ở lớp cao hơn. Đừng nên tự mãn ở sự tu tập của mình vì đường tu tập còn xa, sự ly dục ly ác pháp còn nhiều, chưa phải bao nhiêu đó đã hết được, phải cố gắng và cố gắng hơn.
Từ Đức hỏi đạo:
Phần thưa hỏi về bệnh tật của con, Thầy sẽ trực tiếp trả lời.
Minh Cảnh hỏi đạo:
Cô Út thương con như một bà mẹ, biết rõ bản ngã của con to lớn như núi, nó to lớn công phu theo sự tu tập thiền định của con, vì trong Tu viện bên nữ con là người tu tập thiền định lâu, ngồi lâu, nhiếp tâm nhiều năm tháng nên có vững vàng hơn mọi người. Và do những điều tu tập này mà con cứ ngỡ rằng mình tu đúng nên bản ngã của con to lớn và cũng vì thế mà lòng tự đắc của con càng cao và con không bao giờ chịu nghe lời cô út Diệu Quang sửa sai. Cứ dựa vào Thầy, cho cô Út Diệu Quang chẳng biết gì về pháp tu nhưng con phải biết một người mà Thầy đề nghị hướng ra để dẫn dắt các con tu tập là phải có đủ bản lãnh, chứ nếu không chắc Thầy không giới thiệu cô Út dạy các con. Cô út Diệu Quang rất biết tâm niệm con nhưng không nản chí, cố tìm mọi kẽ hở của con để đập phá, cái ngã chấp vô minh đen tối muôn đời mà con chẳng biết, thường lý luận che đậy diệt ngã xả tâm. Càng đập phá thì tâm con càng bị nén, rồi dùng hạnh không nói của hạnh độc cư mà Thầy đã dạy để nén tâm hơn nữa. Thay vì xả tâm, chỉ vì con chưa nhận rõ đường lối tu tập của Phật của Thầy ở giai đoạn đầu. Con chỉ chấp ở giai đoạn thứ 2 và thứ 3 là định và trí tuệ vô lậu nên sự hiểu lầm này con đã nuôi lớn ngã của mình, tu tập nhiều lý luận.
Cuối cùng, qua phần oai nghi tế hạnh, con là người không được trọn vẹn đầy đủ. Con nên biết toàn bộ giáo lý của đức Phật hơn 90% đều dạy cách ly dục ly bất thiện pháp, chớ không phải tu điên tu khùng như con chỉ biết ngồi thiền nhiếp tâm ở giai đoạn diệt và giai đoạn trí tuệ vô sư, vô lậu, Phật xả tâm không nén tâm vì thế Phật đã sống 6 năm khổ hạnh ly dục ly bất thiện pháp, con hãy xét lại kỹ, từ ngày tu theo Phật con thường sống theo ý muốn của mình, từ cái ăn cái mặc, cái thở, cái ngủ đều theo ý muốn của con vì vậy càng nuôi lớn dục. Hình thức bên ngoài con ly vật dụng nhưng nội tâm bên trong con không ly ý muốn của mình, ý muốn là tâm dục của con.
Hãy nghe lời dạy của Thầy trong băng mà thiết lập một đường lối tu tập có đầu có đuôi, có dễ có khó, chớ không phải tu lộn xộn như thế này được nữa. Đừng có nhắm vào thiền định mà không có định gì được cả mà hãy nhắm vào đức hạnh, giới luật của Phật để xả tâm, để ly ác pháp. Tu tập phải biết cách tu cái gì, làm cái gì, xả cái gì, ứng phó cái gì, đương đầu cái gì, ly như thế nào, diệt như thế nào, xả như thế nào. Những bức thư con đã trình bày trong tập Nhật ký thời khóa về sự ly dục, ly bất thiện pháp và về hơi thở, cách thức tu tập chưa có cụ thể, còn lộn xộn, đầu đuôi chưa phân minh. Cũng vì thế mỗi lần bị động hay bị trắc nghiệm thì tâm con bất an, thường nén tâm chịu đựng hoặc ôm hơi thở chịu đựng, hoặc dùng ý niệm thiện Phật pháp và nhờ thời gian làm giảm đi sự bất an đó. Vì thế con cần phải thiết lập một đường lối cách thức tu tập phải rõ ràng để đương đầu với mọi việc, mọi sự đều được hóa giải ngay, không thể để nén tâm tức nước vỡ bờ như đã xảy ra trong lần trắc nghiệm trong lần thi trước.
Mỗi lần Thầy nhắc cô Diệu Quang hãy xem cô Cảnh nhiếp tâm tốt mà tuyển thi chọn cô tu tập lớp trên nhưng mỗi lần tuyển thi thì con đều bị rớt, cuối cùng con cứ tưởng mình là xả tâm diệt ngã nhưng hoàn toàn tâm ngã còn chấp khư khư. Bây giờ con không nên quan tâm về việc tọa thiền mà phải nỗ lực tu tập ly dục ly bất thiện pháp. Cốt tủy thiền định hay nói một cách khác nền tảng thiền định của đạo Phật là ở chỗ ly dục, ly bất thiện pháp. Nếu không hiểu nên thưa hỏi kỹ lại cô Diệu Quang để tu tập xây dựng một con người đạo đức chơn thật, giải thoát trong đạo Phật. Đừng thưa hỏi lòng vòng mà phải thưa hỏi đúng cách, thưa hỏi lòng vòng là chỉ đem những kiến giải, tưởng giải trong kinh sách ra hỏi thì không đúng. Thưa hỏi ngay chỗ tu của mình, chỗ làm sai của mình, chỗ không đúng của mình thì được giảng dạy ngay. Còn hỏi lòng vòng không đúng cách thì không được giảng dạy.
Huệ Ân hỏi đạo:
Thưa Thầy và cô Út, diệt ngã có phải là khi nghe bài học thử thách với ai, con tưởng đó là của mình nên lấy đó quán xét lỗi mình và vui vẻ nhận lỗi để sửa như vậy có phải là xả tâm, diệt ngã không?
Đúng vậy, đó là lấy lỗi người sửa lỗi mình hoặc ngừa lỗi mình để tiến tu diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp. Còn trực tiếp ngay lỗi mình thì cũng phải tự quán xét nhận ra lỗi lầm, nhận ra điều sai quấy để sửa mình, diệt ngã xả tâm. Mới bắt đầu tu tập 3 đức, 3 hạnh để diệt ngã xả tâm ly dục ly bất thiện pháp thì pháp quán về nhân quả là cần thiết, vì càng quán về nhân quả thì trí tuệ vô sư tương tuệ của chúng ta sẽ phát triển hiểu rõ đường đi lối về của nhân quả. Còn nếu không chịu mà cứ dựa vào những lời của Thầy dạy về những nhân quả thì không rõ đường đi của nhân quả, không rõ sự diễn biến của nhân quả, không rõ các duyên nhân quả đang trùng trùng khởi xung quanh chúng ta. Cho nên muốn tu tập 3 đức, 3 hạnh để ly dục xả ngã, ly ác pháp thì phải khai triển trí tuệ nhân quả, phải suy xét thấu đáo nhân quả, từng đó cái Thầy chưa dạy chúng ta đã thông suốt và thông suốt hơn những điều Thầy đã dạy vì vậy mới thấu rõ là đường đi lối về của nhân quả.
An Tịnh hỏi đạo:
Xét qua nhật ký thời khóa tu tập của con, giữa khuya là giờ tu kém nhất, thường bị hôn trầm thùy miên, do đó đến giờ này con phải tập siêng năng dậy sớm đúng giờ, phải động thân, phải đi kinh hành nhiều và luôn nhớ hướng tâm tỉnh giác, phải dẫn tâm vào một đối tượng mà tâm thích như đọc kinh, nghiên cứu pháp tu, hoặc tư duy các lỗi lầm, hoặc quán xét các đề mục tu hành thì mới mong chiến thắng được sự thùy miên hôn trầm của con.
Diệu Hảo hỏi đạo:
Cần lấy tất cả lỗi của người bạn đồng tu quán xét để tự triển khai trí tuệ xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp. Lấy những lỗi lầm của bạn đồng tu để ngăn ngừa tâm mình không cho phạm phải những lỗi lầm đó là ly dục ly ác pháp. Về tu tập hơi thở cần phải tập kỹ, tập hơi thở đúng, tập phải có chất lượng tập trung cao, không được tu lờ mờ, không được tu lấy lệ, phải luôn nhắc tâm, không được để tâm mê trong hơi thở, phải tu cho thật là tu, tu cho có sức chủ động, điều khiển hơi thở và trụ tâm vững chắc, không cần ngồi nhiều, chỉ 1 phút có chất lượng chủ động điều khiển tâm là tốt nhất.
Diệu Hảo con phải nhớ kỹ những điều này, đừng thích ngồi nhiều mà tu sai con đường Thầy đã dạy, tu ít mà chất lượng cao, tu nhiều mà lờ mờ thì phí uổng thời gian. Tuổi con cũng quá già yếu sắp chết nay chết mai nên phải tu cho đúng để thời gian thu ngắn lại, con đường tu mau kết quả.
Tú hỏi đạo:
10 hơi thở trong nửa phút, thời công phu nào cũng tốt, đó là một sự tu tập có tiến bộ. Trong hơi thở có tỉnh giác cao mới đạt được như vậy.
Về phần xả tâm thì con còn yếu lắm nên phải hệ thống cách thức tu tập như Thầy đã dạy trong băng, cái nào tu trước, cái nào tu sau, một ngày tu bao nhiêu thứ, tu cái gì, tập cái gì. Muốn tu tập ly dục ly bất thiện pháp xả tâm diệt ngã con phải luôn luôn dè dặt ý tứ từng lời nói, trước khi nói phải tư duy rồi mới nói. Đối với người khác, không được nói cười đùa, không được nói mỉa mai, không được nói móc lò, phải cẩn thận trong lời nói, phải tập suy nghĩ kỹ rồi mới nói. Lời nói rất quan trọng nếu không suy tư kỹ lời nói ra không lấy lại được và nó sẽ làm mất giá trị của con người nên phải cẩn ngôn. Lời nói ra càng nuôi dưỡng bản ngã càng thêm to lớn nên cần phải ý tứ tư duy lời nói để diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp. Đây là phương cách bảo vệ tâm qua khẩu nghiệp, để xả tâm ly dục ly ác pháp, con phải thường xuyên tu tập giữ gìn khẩu nghiệp để diệt ngã xả tâm rốt ráo.
Diệu Hồng hỏi đạo:
Về phần xả tâm diệt ngã, con đã được cô Út Diệu Quang tuyển thi đập phá nhờ đó con đã ly được ác pháp và xả được ngã nhưng chưa trọn vẹn đâu, còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để xả cho thật rốt ráo. Trong tập nhật ký thời khóa con đã trình, từ ngày con được cô út Diệu Quang đập vỡ màn vô minh ngã chấp, con đã nhận ra được ánh sáng giải thoát với một niềm tin mãnh liệt. Nhưng từ đây về sau con đều phải nhận mọi người là thiện hữu tri thức không phải chỉ riêng có cô út Diệu Quang mà tất cả đều là cô út Diệu Quang, có như thế tâm con mới xả ngã và ly ác pháp rốt ráo.
Về hơi thở, con tu rất tốt nhưng phải cẩn thận tỉnh giác từng hơi thở, phải siêng năng hướng tâm, phải giữ gìn thân bất động, phải trụ tâm 1 điểm duy nhất từ bắt đầu tọa thiền cho đến xả thiền phải tỉnh giác hoàn toàn trong hơi thở, không có gì trong hơi thở. Có gì chưa rõ về hơi thở hoặc tăng thêm con nên thưa hỏi cô Diệu Quang để được chỉ dạy cặn kẽ về cách thức tu tập và muốn biết cách thức sống độc cư, hoặc nghe lời dạy trong băng của Thầy ghi chép kỹ, nhớ kỹ, thực hành đúng, không nên tu sai cảnh độc cư. Như con đã biết thời gian đối với con rất là quý báu vì tuổi càng cao sức càng yếu, đường tu tập của con còn xa, phải hỏi kỹ để tu tập cho đúng thu ngắn được thời gian.
Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, Thầy tóm lại, phàm là con người tất yếu phải có sự sai lầm nhưng có sai lầm mà biết tu sửa thì sẽ trở thành những bậc thánh nhân.
Đạo Phật là một tôn giáo không có chỗ để con người dựa lưng, nương tựa. Chỉ có con người biết tu sửa những lỗi lầm của mình mà giáo pháp của đức Phật đã vạch ra để chỉ dạy cho, nhờ có sự tu sửa đúng lời dạy của đức Phật thì chính mình đã tự cứu mình thoát cảnh khổ đau và hưởng được sự an vui, hạnh phúc. Một lần, hai lần ba lần chưa sửa được thì hãy tiếp tục bền chí tu sửa 10 lần, trăm lần, ngàn lần sẽ có kết quả tốt. Đừng lấy việc tu sửa một hai lần chưa được mà bỏ cuộc thì đó là người hèn kém, thiếu nghị lực, thiếu bền chí. Trong cuộc đời của chúng ta đã có biết bao nhiêu người tu sửa được, từ ngàn xưa đức Phật và các đệ tử của ngài và hiện tại trong đời nay chúng ta cũng có người tu sửa được, tất nhiên các con cũng tu sửa được, không có gì phải nản chí.
Giác Quang hỏi đạo:
Hỏi:
Kính bạch Trưởng Lão Thích Thông Lạc!
Xin Thầy cho phép con được hỏi: Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: “Không cho phép một vị tu sĩ nói mình tu chứng quả, dù vị đó đã thật chứng cũng phải giữ bí mật mà không được nói ra cho tín đồ biết”. Con được biết Trưởng Lão đã làm chủ được sinh, lão, bệnh, tử trong những thời pháp được phát hành trong đĩa, như vậy có trái lời Phật dạy không, hay là do kinh sách phát triển của mấy tổ biên soạn cấm chế?
Thành kính đảnh lễ Trưởng Lão - Con, Giác Quang.
Đáp:
Kinh Thủ Lăng Nghiêm dựng lên một Phật tánh ảo tưởng (tánh thấy, tánh nghe, tánh biết) của ba Thức trong nhóm sáu Thức của thân tứ đại. Vì thế làm sao người ta tu chứng được, do không ai tu chứng nên kinh khéo che đậy: “Người nào tu chứng mà nói mình tu chứng là chưa tu chứng”.
Xưa Đức Phật tu chứng Ngài đã tuyên bố ngay liền:
“Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian. Sinh lão bệnh tử”.
Tạm dịch:
“Trên trời dưới trời. Khắp trong thế gian.
Ta (là) người duy nhất. (Làm chủ) sinh, già, bệnh, chết”
Đức Phật đã xác định pháp môn tu tập của Ngài chứng đạt làm chủ thân tâm cụ thể thiết thực lợi ích cho loài người như vậy, chứ đâu như “kiến tánh thành Phật” của Thiền Tông và Đại Thừa. Cho nên qua lời xác định này của Phật các Tổ Đại Thừa quá sợ hãi bốn câu kệ trên. Các Tổ hữu ý nên chỉ lấy hai câu đầu trong bài kệ bốn câu dựng lên huyền thoại Phật đản sinh: Khi Đức Phật vừa sinh ra đi bẩy bước, tay chỉ trời, tay chỉ đất và nói: “Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn”.
Đó là một điều đã làm của các Tổ. Dám cắt xén lời Phật dạy thành câu chuyện không thực tế, thiếu thiết thực, không khoa học.
Đạo Phật ra đời không dạy người tu làm Tiên, làm Phật, không dạy người tu thần thông phép thuật để làm trò du hý, không ích lợi, lừa đảo người.
Đạo Phật ra đời dạy người sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh: “Chư ác mạc tác chúng thiện phụng hành” hoặc “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp”, hoặc “Ly dục, ly ác pháp, nhập Sơ thiền” hoặc “Thấy lỗi mình không thấy lỗi người”... Con đường tu tập theo giáo pháp ngyên thủy của đức Phật mà trong kinh Nikaya dạy là làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi một cách cụ thể rõ ràng. Từng bước tu tập có pháp dẫn tâm, có tri kiến chỉ đạo hẳn hoi, chứ không như kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông dạy tu tập nhiếp tâm ức chế tâm một cách chung chung, tu mà không biết mình tu tới đâu, giống như người đi trong đêm tối không đèn đuốc mờ mịt. Pháp môn nguyên thủy của đạo Phật luôn đem lại sự lợi ích cho loài người một cách thiết thực cụ thể không mơ hồ trừu tượng như kinh sách phát triển.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một loại kinh tưởng, kinh không phải Phật thuyết mà do các Tổ biên soạn mượn danh Phật thuyết để mọi người lầm lẫn tin tưởng. Cho nên kinh khéo léo che đậy bưng bít, khiến cho Phật tử không biết vị tỳ kheo nào tu chứng, vị tỳ kheo nào tu chưa chứng. “Kẻ nào tu hành còn thấy mình tu chứng là chưa chứng”- Vô sở đắc!
Người tu chứng nói ra mình tu chứng là nói sự thật thì có mắc tội gì trong Giới luật của đạo Phật đâu! Phải không quý Phật tử? Ngày xưa khi đức Phật tu chứng, Ngài cũng tuyên bố cho mọi người biết, như vậy có sai chỗ nào đâu? Chỉ có những người chưa tu chứng mà nói mình tu chứng mới là mắc tội vọng ngữ trong Giới luật Phật. Có đúng không quý Phật tử?
Do kinh sách Đại Thừa để lại những điều phi Phật pháp khiến chúng ta mới thấy sự cố ý diệt Phật giáo của các Tổ. Các Tổ đã để lại một pháp môn làm hao tài tốn của, tốn công sức của bao nhiêu thế hệ mai sau, tu hành chẳng ra gì. Hình ảnh đau đớn nhất của Phật giáo hiện nay là các sư thầy không sống đúng Giới luật, không lo tu chứng đạo mà người nào cũng tu danh (bằng cấp), tu lợi (tiền bạc), tu xây chùa to, tu đúc tượng Phật lớn, và chạy theo ngũ dục lạc ăn ngủ phi thời. Cho nên thời nay tìm một vị tu hành làm chủ sinh, già, bệnh, chết rất khó.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một loại kinh chịu ảnh hưởng kinh sách Vệ Đà do kiến giải của các Tổ Bà La Môn. Xin quý Phật tử hãy trở về nghiên cứu những kinh điển nguyên thủy của Phật giáo được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt với đầy đủ nghĩa lý vì bản dịch của Ngài còn giữ song ngữ để đối chiếu.
Đây là lời nói chân thật của một người tu hành đã làm chủ được sanh, già, bệnh, chết, nếu quý vị tin thì sẽ có lợi ích cho quý vị còn không tin thì thôi chẳng có sao cả.
Thăm và chúc Giác Quang mạnh, nhớ sống đúng Giới đức hiếu sinh, không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh thì ngay đó là giải thoát.
Thiện Tâm hỏi đạo:
Sáu Cái Biết Có Phải Là Tánh Biết Không?
Thưa Đức Trưởng Lão Thông Lạc.
Có nhiều điều con muốn hỏi Thầy, nhưng con ngại mất thời gian của Thầy và con thấy sức tu của con còn kém, cho nên con sẽ cố gắng suy tư nhiều hơn trước khi hỏi. Nhưng con cúng xin phép Thầy cho con ghi những câu hỏi ra đây để khi nào có dịp con sẽ gởi những câu hỏi này cho Thầy. còn chuyện trả lời thì tùy Thầy, vì Thầy biết lúc nào trả lời, lúc nào không. Có lẽ cái tính ham muốn hiểu biết của con mạnh quá, cho nên hay thắc mắc.
Xin Thầy hoan hỷ tha tội cho con.
Câu hỏi 1:
Đức Phật có dạy: “Cái thấy, cái nghe không phải của ta, không phải là của ta và không phải là bản ngã của ta”.
Vậy cái thấy ở đây có phải là cái biết của tính thấy hay không?
Cái nghe ở đây có phải là cái biết của tính nghe hay không?
Cái biết ở đây có phải là cái biết của ý thức hay không?
Nếu phải thì có thể gộp chung là cái biết không phải là ta, không phải là của ta và không phải là bản ngã của ta? Cái biết ở đây là cái biết của 6 thức. Vậy tại sao không thấy đức Phật nói về cái biết của mùi, vị và xúc?
Xin Thầy giải thích rõ hơn cho con về điều này.
Đáp:
Đức Phật đã dạy sáu thức rõ ràng:
1. Cái thấy ở đây là cái thấy của mắt gọi là cái thấy của nhãn căn, chứ không phải cái biết của tính thấy nào cả.
Cái thấy biết ở đây là cái thấy biết của mắt gọi là nhãn thức.
2. Cái nghe ở đây là cái thấy của tai gọi là cái nghe của nhĩ căn, chứ không phải cái biết của tính nghe nào cả.
Cái nghe biết ở đây là cái nghe biết của tai gọi là nhĩ thức.
3. Cái biết ở đây là cái biết của ý thức, chứ không phải cái biết ở đây là cái biết của tính biết nào cả.
Cái biết ở đây là cái biết của ý căn nên gọi là nhãn thức.
Phật thường day: Sáu căn, sáu trần và sáu thức, nhưng quý vị không lưu ý nên không nhớ. Sáu căn, sáu thức, sáu trần gồm có:
1. Nhãn căn là con mắt. Nhãn thức là cái biết của con mắt. Nhãn trần là hình sắc của vạn vật.
2. Nhĩ căn là lỗ tai. Nhĩ thức là cái biết của lỗ tai. Nhĩ trần là âm thanh của vạn vật.
3. Tỷ căn là lỗ mũi. Tỷ thức là cái biết của lỗ mũi. Tỷ trần là hương vị của vạn vật.
4. Thiệt căn là miệng lưỡi. Thiệt thức là cái biết của miệng lưỡi. Thiệt trần là mùi vị của vạn vật.
5. Thân căn là cơ thể. Thân thức là cái cảm giác của cơ thể. Thân trần là tính mềm cứng nóng lạnh của vạn vật.
6. Ý căn là bộ óc (tri thức). Ý thức là sự phân biệt của bộ óc. Ý trần là từng tâm niệm quá khứ, vị lai và hiện tại.
Sáu căn, sáu trần, sáu thức mới đầy đủ 18 giới của Phật giáo để tạo thành duyên những Xúc, Hữu, Thủ, Sinh, Ưu bi sầu khổ già chết. Muốn biết rõ các duyên này, nên đọc Thập Nhị Nhân Duyên. Người ta ít nói về Mùi, Vị và Xúc, thì đó là một sự thiếu sót, chứ trong kinh Phật dạy rất đầy đủ. Nhưng khi chúng ta học thì hay nhắc đến Sắc, Thinh, Hương (mùi) là xong, còn ít ai nói đến Vị (cay, đắng, ngọt, bùi), Xúc (cảm giác êm, ấm, cứng, mềm), Pháp (những niệm trong tâm, vọng niệm).
Câu hỏi 2:
Khi ăn cơm có phải bắt buộc phải ngồi dưới đất hay không? Vì con thấy mỗi lần ngồi dưới đất ăn cơm thì kiến nhiều quá, cho nên con chuyển sang ngồi trên ghế, con không biết có phạm giới hay không?
Đáp:
Ngồi dưới đất ăn là khất sĩ vì Đức Phật đã buông xả sạch, sống không nhà cửa, không gia đình, không có của cải tài sản tiền bạc, chỉ còn ba y một bát, đi xin về ăn hàng ngày. Vì thế khi xin có thức ăn, liền tìm nơi nào có bóng mát ngồi ăn cho tiện, còn ngồi ăn trên bàn ghế lại thêm có bàn ghế thì đâu gọi là đời sống ba y một bát. Khi có Phật tử cúng dường tại nhà mời Phật và chúng Thánh Tăng đến thọ trai thì Phật và chúng Thánh Tăng vẫn ngồi trên bàn ăn uống hẳn hoi, nhưng ăn rồi thì đi về, còn bàn ghế thì chủ nhà sẽ dọn dẹp. Cho nên ăn ngồi dưới đất tiện hơn ngồi trên bàn, vì ăn rồi chỉ có đi rửa bát là xong, không có lau bàn, lau ghế, cho nên rất tiện lợi, không thêm bận rộn, khiến cho đời sống luôn luôn vô sự. Mục đích sống giải thoát ra khỏi cuộc đời này là tâm phải Vô Sự. Ngồi dưới đất hay ngồi trên bàn ghế không có phạm giới, nhưng ngồi dưới đất ăn cũng là Phạm hạnh của người tu. Đó là một oai nghi diệt ngã xả tâm. Một tế hạnh buông xả. Có bàn ghế mà ngồi dưới đất ăn là không thức thời cố chấp.
Câu hỏi 3:
Nhân quả của một người đặt tình thương không đúng chỗ là gì?
Đáp:
Đặt tình thương không đúng chỗ là đặt tình thương theo thất tình, lục dục. Đó là đặt tình thương theo ác pháp, tình thương đó là tình thương trong đau khổ, khổ mình, khổ người. Con có biết thất tình, lục dục là gì chưa?
Thất tình gồm có: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục.
Lục dục gồm có: Nhãn dục, Nhĩ dục, Tỷ dục, Thiệt dục, Thân dục, Ý dục.
Khi đặt lòng yêu thương phải quan sát kỹ lòng yêu thương ấy có rơi vào bảy tình sáu dục này không? Nếu rơi vào thì lòng yêu thương này sẽ có sự khổ đau.
Ví dụ: lòng ghen tuông cũng là lòng yêu thương do ái dục, nên làm mình khổ, người khác khổ. Lòng yêu thương ấy gọi là lòng yêu thương khổ.
Câu hỏi 4:
Ví dụ bố thí sai thì nhân quả là gì? Bố thí vì lòng yêu thương, nhưng sau đó biết rằng bố thí nhầm cho đối tượng thì nhân quả là gì? Ví dụ một lần con đang chạy xe ở thành phố Vũng Tàu, con thấy một anh thanh niên nằm bên lề đường quằn quại ôm bụng trông rất tội nghiệp như người đau dạ dày. Con ngừng xe lại và quay lại ân cần hỏi thăm và tính chở anh ta đi bệnh viện, anh ta không đi mà vẫn nằm ôm bụng rên la. Đến giờ con phải đi làm cho nên con cho anh ta tiền gọi xe đến bệnh viện và tiền chữa bệnh, và nhờ ông chủ nước ngay đó nếu cần thì gọi xe dùm, rồi con đi làm. Sau vài tháng con thấy anh ta ở Sài Gòn cũng với tình trạng như vậy. Lần này con đặt câu hỏi không biết thật hay giả đây? Nhưng con nghĩ thôi, thật hay giả thì coi như đã giúp một lần và tự an ủi rằng ít ra mình không thờ ơ trước những cảnh khổ của người khác và con tiếp tục đi không dừng lại nữa. Con đặt giả thuyết nếu như anh ta đóng kịch thì coi như việc con làm là đặt tình thương không đúng chỗ, sai lệch. Vậy thì có đáng trách là con thiếu tỉnh giác hay không?
Đáp:Bố thí không đúng pháp là bị người lừa gạt, nên không làm lợi ích cho mình, vì mình bị gạt; không làm lợi ích cho người vì tạo duyên cho người làm ác nhiều hơn (lường gạt người khác).
Trong đức bố thì đều do lòng yêu thương, nó là nhân quả thiện, nhưng nếu thiếu trí tuệ quan sát đối tượng được bố thí không thiện mà bố thí thì đó là nhân quả ác vì tạo duyên cho người làm ác nhiều hơn. Trường hợp của con bố thí bị lừa gạt như đem hạt giống tốt gieo trên đất xấu khô cằn cỗi.
Theo Phật giáo Nguyên Thủy bố thí phải có trí tuệ nhân quả. Khi thấy một người tàn tật hay gặp một người bị tai nạn, hoặc một người ốm đau không tiền thang thuốc, đi bác sỹ, hay đi bệnh viện. Đây là nhân quả của những người này, họ đang trả vay, nhưng có nhân duyên kiếp trước nên kiếp này mới gặp ta trong hoàn cảnh này. Vậy ta nên giúp đỡ họ như thế nào cho đúng pháp?
Thấy người tàn tật biết rõ họ thật sự tàn tật thì giúp đỡ, còn gặp họ ở giữa đường thì ta nên tránh, vì người tàn tật đều có chỗ ở do các nhà từ thiện hoặc nhà nước, còn tàn tật ở ngoài đường là giả dối, người tàn tật ở ngoài đường đi xin ăn làm nhục đất nước đó. Chúng ta không nên cho những người ăn xin ngồi đường. Người tàn tật bất hạnh trong xã hội đều có nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà nuôi những người khuyết tật, nhà tình thương nuôi dạy trẻ lang thang v.v... Đó là trách nhiệm của Nhà nước, của những nhà từ thiện. Như vậy đâu có cớ nào lại có người ăn xin ngoài đường. Người bố thí cho kẻ ăn xin ngồi đường là không đúng pháp, đó là bố thí vô tình tạo thêm những người lừa gạt người khác và cũng vô tình làm nhục đất nước (đất nước ăn mày).
Còn bố thí cho người bệnh tật thì không nên trao tiền cho họ mà đưa họ vào bệnh viện, đi bác sỹ, nếu bác sỹ bảo đó là bệnh thật thì chúng ta mới bỏ tiền ra bố thí, còn nếu chúng ta bận việc không đưa đi bác sỹ hay bệnh viện thì không nên bố thí. Bố thí là giúp người mà giúp người thì phải đem hết lòng ra giúp, chứ không thể bố thí theo kiểu lấy có. Bố thí như vậy là tạo duyên cho kẻ ác làm ác thêm (lừa đảo).
Câu hỏi 5:
Thật ra mà nói, con chưa hiểu rõ cách làm sao để tránh trường hợp đặt tình thương không đúng chỗ. Ví dụ trong tu viện có 2 người con thấy rất thương họ, đó là cô Nguyên Thanh và sư Chơn Niệm. Tại sao con thương họ? Vì con thấy mọi người ai cũng không thích hai người này.
Đáp:
Đặt tình thương đúng chỗ là đặt tình thương trong thiện pháp, nhưng tình thương của Phật giáo là tình thương đa hướng, nên hướng thiện hay hướng ác đều đặt tình thương được cả. Thương yêu, thương xót, thương hại mọi người, chứ không phải thương nhân quả của mọi người. Cho nên nhân quả họ làm là họ phải gánh chịu, còn riêng chúng ta thương thì chúng ta chỉ mong họ thấy được nhân quả để đừng sử dụng nhân quả ác làm khổ mình khổ người. Nguyên Thanh và Chơn Niệm đều đáng thương vì chúng ta biết chắc là hai người chuyển mình theo không kịp lớp tu học, nên có những cảm nghĩ và hành động sai lệch khiến cho họ phải lìa xa các lớp học, vì vậy mà mọi người không thương.
Câu hỏi 6:
Con chỉ có dịp học chung với sư Chơn Niệm khóa đạo đức này thôi, nhưng con không xem trọng những gì Sư làm sai, nói sai mà chỉ để ý đến những mặt tốt của Sư để học hỏi thôi và lấy Sư làm đối tượng trong lớp để xả tâm. Nhưng hình như con đặt tình thương không đúng chỗ thì phải vì con thấy mọi người đều khuyên Sư sửa cái này sửa cái kia, còn con thì không nói trước lớp mà chỉ gặp riêng thôi để tránh làm mất sự đoàn kết trong lớp. Và con thấy rất tội nghiệp cho Sư khi bị Thầy đưa ra quyết định vừa rồi.
Xin Thầy chỉ dạy cho con biết làm sao để biết là mình đặt tình thương không đúng chỗ và sai lệch. Thật tình mà nói, ai con cũng thấy thương hết, và con không muốn để trong tâm hình ảnh xấu về ai cả.
Đáp:
Hình ảnh xấu xa của họ là hình ảnh của nhân quả ác. Đã biết là nhân quả thì còn để ý hành động ác đó để làm gì. Cho nên thương người mà thấy cái xấu của người khác thì làm sao thương người được, cái khó nhất là thấy cái tốt của người khác, cái dễ nhất là thấy cái xấu của người khác.
Học đạo đức mới thấy rõ mình là người thiện hay là người ác, nếu mình thấy lỗi người, nói lỗi người thì mình là người bất thiện, người ác; nếu thấy lỗi người mà không nói lỗi người, không bới móc lỗi người khác là người thiện.
Câu hỏi 7:
Giới đức và giới hạnh phân biệt như thế nào?
Đáp:
Muốn phân biệt giới đức và giới hạnh thì nên phân biệt đức và hạnh. Đức là chỉ cho những tính thiện, còn hạnh chỉ cho những oai nghi tế hạnh thuộc về hành động thiện. Cùng một danh từ đạo đức, có lúc ta gọi là đức, có lúc ta gọi là hạnh, do sự công dụng đạo đức lúc ở đức hay lúc ở hạnh mà gọi; do sử dụng danh từ đạo đức lúc dùng làm chủ từ thì gọi là Đức; lúc dùng làm động từ thì gọi là Hạnh. Cho nên phân biệt giới đức và giới hạnh đòi hỏi chúng ta phải có tri kiến thấm nhuần đức hạnh thì biết lúc nào là đức và lúc nào là hạnh. Cho nên chúng ta càng học đạo đức thì càng thấm nhuần.
Ví dụ 1: “Thương người như thể thương thân”, câu này dạy Đức Hiếu Sinh khẩu hành...
Ví dụ 2: Chúng ta nên thương yêu mọi người vì mọi người quá đau khổ trong cơn bão số 9 vừa qua. Câu này dạy Đức Hiếu Sinh khẩu hành...
Hai câu trên là lời kêu gọi nên nó mang tính chất đạo đức, nên gọi là Đức.
Ví dụ 3: Chúng ta đem thực phẩm, quần áo cứu trợ cho đồng bào bị hỏa hoạn tại chợ Quy Nhơn. Câu này dạy Hạnh Hiếu Sinh thân hành.
Tại sao câu này gọi là Hạnh Hiếu Sinh? Vì đó là hành động đi cứu trợ.
Câu hỏi 8:
Nằm giường cao là sao? Trong phòng con có cái giường, khi con ngồi lên thì “hổng chân”, vậy thì có phải gọi là cao không Thầy?
Đáp:
Để biết giường cao hay thấp, trong Giới luật có dạy kích cỡ rõ ràng: Giường cao là giường làm cao hơn tám ngón Như Lai. Mỗi ngón Như Lai bằng 1 tấc, vậy tám ngón Như Lai là tám tấc, giường làm cao hơn tám tấc là giường cao, người tu sĩ không được nằm. Trong Giới luật, có người dịch là tám lóng tay Như Lai, mỗi lóng tay 2 phân. Như vậy giường chỉ cao có 1 tấc 6 phân. Giường cao có 1 tấc 6 thì không thể gọi là giường mà gọi là phản. Cho nên theo Thầy nghĩ tám ngón Như Lai là đúng, còn tám lóng Như Lai là sai.
Câu hỏi 9:
Xin Thầy cho con biết khi 2 người cúi chào nhau, con thấy có người chào rất sâu (90 độ), có người (20 - 30 độ), còn con chào nghiêng đầu 45 độ, vậy thì chào sâu là chào bao nhiêu độ vậy hả Thầy?
Đáp:
Chào nhau 45 độ là vừa.
Câu hỏi 10:
Xin Thầy chỉ dạy cho con hiểu rõ đoạn văn cuối trong bài “Có sống đạo mới vui đời” có nghĩa là gì?
Đáp:
Đạo Phật lấy Giới luật đức hạnh làm cuộc sống của mình, cho nên người nào sống Đạo đức Nhân Bản - Nhân Quả không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì cuộc đời họ mới có sự an vui chân thật, vì thế câu kinh này dạy: “Có sống đạo mới vui đời”. Đạo đức là giới luật đức hạnh.
Câu hỏi 11:
“Nhìn nhận sự tương quan sinh tồn, chí nhân khổ cái khổ của người, vui cái vui của muôn loài, nên lợi người trước mình. Cái vui này là cái vui vô lượng”.
Theo con hiểu khi thấy ai khổ mình cố gắng giúp người ta hết khổ trước và khi thấy ai vui thì lúc đó mình mới vui, nghĩa là chỉ nên nghĩ đến người trước. Tâm mình đã thanh thản rồi, bất động rồi thì đâu còn vui buồn gì nữa, nhưng mình lấy các đối tượng khổ vui của người khác để sống hòa đồng biết thương yêu người, giúp đỡ họ và an vui với họ. Có sống với người, tạo thêm niềm vui cho người cho mình thì cuộc sống thêm vui chứ sao phải không Thầy? Đâu phải nói là tu xong rồi không còn biết vui buồn gì nữa thì có lẽ trở thành cây đá rồi. Xin Thầy giải thích rõ cho con thêm.
Đáp:
Đúng! Con nói rất đúng. Người tu sĩ Phật giáo thấy cái ác, cái khổ của người liền tìm cách khuyên ngăn đừng làm ác và giúp cho người thoát khổ, để đem lại cho người nguồn vui hạnh phúc, chứ không làm cho người khổ hoặc bới móc chuyện xấu của người, hoặc nói xấu hoặc nói thêu dệt, thêm bớt hoặc nói ly gián v.v... Cho nên người tu sĩ Phật giáo lấy cái vui của người và lấy cái thiện để chuyển hóa cái khổ của người để làm nguồn vui chung cho mình, cho người. Người tu sĩ Phật giáo không có cái vui riêng cho mình. Vì vui buồn đối với người tu sĩ Phật giáo chỉ là pháp vô thường nên chẳng vui cũng chẳng buồn, lúc nào thân tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự mà thôi.
Câu hỏi 12:
Vì Phật dạy không làm khổ mình, khổ người. Khi mình hy sinh cứu người và cứu vật, bị tật nguyền hay hy sinh mà không muốn làm khổ mình thì mình phải quán xét làm sao?
Đáp:
Người tu sĩ Phật giáo đã biết thân, thọ, tâm và pháp là vô thường, không có cái nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì hy sinh giúp người thoát khổ, thoát chết, nhưng tâm vẫn bất động. Mà tâm bất động thì thân này có chết, có tật nguyền, có sao đi nữa thì họ có buồn khổ đâu. Cho nên họ dám xông pha vào lửa đỏ, vào sóng to lũ lụt để cứu người mà không hề sợ hiểm nguy đến tính mạng của mình như những câu chuyện: Vết thẹo của người mẹ, Con chim ưng của Thành Cát Tư Hãn, và cái chết thản nhiên của cô gái Evin trong chiếc tàu từ từ chìm xuống đáy biển mang theo cô... Khi quán xét các pháp vô thường thì vết thẹo trên gương mặt của người mẹ, cái chết của con chim ưng và cái chết của cô Evin thì đâu có nghĩa gì nữa. Còn những người không hiểu các pháp vô thường thì cho đó là làm khổ mình, nhưng khi họ hiểu các pháp vô thường, vô ngã thì tâm họ bất động. Tâm họ bất động thì cái thọ khổ không tác động vào tinh thần sắt đá của họ.
Tu hành muốn đạt được chỗ tâm bất động không phải dễ, nhất là khi chúng ta đứng trước các loại cảm thọ của thân mà tâm bất động, đó là một loại Thiền định xả cảm thọ thì tâm mới bất động dễ dàng. Chỗ này nói thì dễ nhưng tu tập cho đúng pháp mới đạt được.
Tâm bất động có hai phần:
- Tâm bất động thuộc về tâm do tri kiến giới luật đức hạnh.
- Tâm bất động thuộc về thân do tri kiến tỉnh thức Định Tứ Thiền.
Nhờ nhập vào Tứ Thiền, sức định lực của Tứ Thiền quét sạch các cảm thọ nên tâm không còn cảm nhận thọ khổ, vì thế tâm mới bất động dễ dàng.
Còn có một tâm bất động, đó là ý chí ngút ngàn xem thường các cảm thọ, mặc dù tâm chưa có Thiền định nhưng nhờ Tín lực “chết bỏ” không sợ các cảm thọ nên thản nhiên trước sự đau đớn tận cùng của sức chịu đựng bản thân.
Câu hỏi 13:
Phải chăng mình nghĩ rằng mình rất tự hào về những điều mình đã làm, không hối tiếc, không coi trọng cái thân này. Dù cho cái thân có tàn tật thì cũng không sao. Nhưng nếu cái thân này bị tàn tật do cứu người mà làm khổ gia đình mình phải chăm sóc cho mình thì mình lại làm khổ người thân của mình, vậy thì làm sao đây? Xin Thầy chỉ dạy rõ cho con biết. Vì Đức Phật nói “phải hùng lực cứu người, cứu vật”. Vậy trước khi cứu người cứu vật có phải tư duy suy nghĩ hay không?
Đáp:
Người tu sĩ Phật giáo bao giờ cũng trang bị tri kiến hiểu biết của mình đầy đủ, để khi lâm trận chỉ còn chiến đấu và giành phần thắng về mình... Như quý vị đã biết: Lớp học Giới luật đức hạnh là lớp trang bị kiến thức không những để học những bài học và còn áp dụng những bài học đạo đức đó vào đời sống hàng ngày để khi hữu sự tức là có sự việc xảy ra là tự ứng phó một cách tự nhiên tức là phản xạ tự nhiên, chứ không cần phải quán xét suy tư, vì quán xét suy tư thì quá chậm.
Trang bị đức hiếu sinh cho các con, khi các con hy sinh cứu người, thân các con có tàn tật hay nằm bệnh viện, những người thân có nuôi các con, có giúp đỡ cho các con bất cứ sự nặng nhọc nào thì họ cũng vui sướng có người con hay người thân có tâm hồn yêu thương cao cả, biết hy sinh vì mọi người; tuy cơ thể có các cảm thọ khổ, song tinh thần các con hạnh phúc vô cùng. Một cháu bé 13 tuổi cứu thoát 11 người chết đuối. Một chàng thanh niên xông vào lửa đỏ cứu 6 người thoát chết thiêu, chàng bị phỏng nặng nhưng tinh thần chàng rất hạnh phúc và mọi người ai cũng quý trọng. Trong thời gian chữa trị, mọi chi phí thuốc men chàng đều được mọi người lo lắng đầy đủ.
Làm việc thiện trong hoàn cảnh nào cũng có đầy đủ phước báo, cho nên nhân nào quả nấy, chúng ta cứ hành thiện, cứ thương yêu mọi người rồi mọi người sẽ thương yêu chúng ta.