Cách đây mười hai năm chúng tôi đã dạy Thiền căn bản, một loại thiền của Phật Giáo Nguyên Thuỷ, nhưng chúng tôi giảng miệng thu băng, chứ không có viết thành sách, vì chúng tôi nghĩ rằng viết thành sách là điều kiện tạo danh và lợi dễ dàng trong giới Tăng Ni và Phật tử.
Đức Phật dạy: “có danh có lợi thì nên ẩn bóng”, do lời dạy này, nên khi tu chứng chúng tôi dạy miệng không ghi chép lại thành sách, mãi cho đến một hôm chúng tôi nhận được một cuốn băng cassette do một Phật tử trao và nhờ chúng tôi nhuận lại.
Thấy nhân duyên vừa đủ để nhuận lại bài giảng này, vì trước kia chúng tôi giảng vừa đủ để cho tu sĩ tại Tu viện Chơn Như chuyên tu, không được phổ biến, nên ý nghĩa được cô đọng lại trong pháp LY và XẢ. Những người ở tại tu viện Chơn Như được sự hướng dẫn trực tiếp của chúng tôi nên khi tu tập có sự gì không hiểu rõ thì trực tiếp thưa hỏi liền. Còn khi đã nhuận lại thành sách là một điều rất khó cho người thực hành. Tại sao vậy?
Vì kinh sách không thể hướng dẫn tu tập được. Một chữ mà người hiểu nghĩa này kẻ hiểu nghĩa khác, cho nên kinh sách hiện giờ thành kinh sách kiến giải quá nhiều.
Với tất cả các tôn giáo khác thì các đệ tử của các tôn giáo đó thường kiến giải bổ sung cho giáo lý Thầy Tổ của mình hoàn chỉnh hơn. Ngược lại, với Phật Giáo thì không thể làm thế được, vì tất cả đệ tử của đức Phật sau này không có ai hơn đức Phật. Cho nên lời Ngài dạy như đinh đóng cột, không ai thay đổi và thêm bớt được, vì thay đổi và thêm bớt là làm lệch ý của Phật. Làm lệch ý của Phật thì biến lời dạy của Ngài trở thành thế tục hóa hay bị các tôn giáo khác đồng hóa. Cho nên kinh sách Phật Giáo hiện giờ nói nhiều, lý luận hay song tu tập chẳng đến đâu, chỉ còn cầu cúng dưới nhiều hình thức mê tín dị đoan dưới nhiều hình thức tu tập ức chế tâm, khiến tâm rơi vào những trạng thái tưởng, rồi cho đó là định tưởng. Thật là điên đảo!
Do đó khi nhuận lại thành sách chúng tôi rất lo ngại, sợ mọi người hiểu lầm danh từ rồi tu sai lạc.
Ví dụ: “Tâm tùy tức”, tâm tùy tức có nghĩa là “tâm nương theo hơi thở”. Theo như nghĩa trong kinh sách Nguyên Thủy thì “Tâm tùy tức tức là tâm định trên thân”, có nghĩa là tâm hết phóng dật, khi tâm hết phóng dật thì tâm ở đâu? Tâm ở trên hơi thở vì hơi thở là thân hành nội của thân. Nếu tâm hết phóng dật mà không định trên thân thì tâm rơi vào Không. Tâm rơi vào Không là một trạng thái của tưởng định tức là Không Vô Biên Xứ Tưởng Định. Còn “tùy tức” của Lục Diệu Pháp Môn là do sự ức chế tâm, bắt buộc tâm phải nương theo hơi thở. Còn kinh sách Nguyên Thủy dạy tùy tức là do tâm Ly Dục Ly Ác Pháp, mà tâm đã ly dục ly ác pháp là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh nên tâm định vào thân gọi là “tùy tức”. Cho nên tùy tức trong kinh sách Nguyên Thủy và tùy tức trong kinh sách Đại Thừa không giống nhau. Do không hiểu ý nghĩa của danh từ trong kinh Nguyên Thuỷ nên người sau chế ra Lục Diệu Pháp Môn dùng để tu ức chế tâm. Pháp Lục Diệu cũng giống như thiền Minh Sát Tuệ bằng cách ức chế tâm, sau khi ức chế tâm được thì lại quán xét (Quán, Hoàn, Tịnh) hay là Minh Sát để xả tâm. Đó là lối tu tập đi ngược lại Giới - Định - Tuệ của Đạo Phật.
Bởi vậy khi nhuận lại thành sách, chúng tôi rất sợ những danh từ, người ta sẽ hiểu sai tu thiền của Đạo Phật mà trở thành tu thiền của ngoại đạo. Giáo pháp của Đức Phật là giáo pháp ly tham, đoạn ác pháp, mục đích là khắc phục tham ưu để con người được giải thoát từ ngay lúc đầu mới bắt tay vào sự tu tập là có kết quả ngay liền. Nếu không biết cách, chỉ tu sai một chút xíu là đã bị ức chế tâm.
Ví dụ ngồi tu tập Định Niệm Hơi Thở, nếu cứ mải lo tập, tập trung hơi thở thì bị ức chế tâm. Tu hơi thở mà quan sát Thân, Thọ, Tâm, Pháp nếu có một chướng ngại pháp nào hiện đến trong bốn chỗ này thì cố gắng khắc phục, đẩy lui như trong Tứ Niệm Xứ đã dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu, trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu, trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu và trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu”, nhưng khi bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp không có chướng ngại pháp thì tâm ở đâu? Tâm ở tại hơi thở. Tâm ở tại hơi thở mà không bắt buộc tâm ở tại hơi thở. Tâm định trên niệm của hơi thở, tức là không ức chế tâm vào hơi thở. Nên trong kinh Nguyên Thủy Phật gọi là “Định Niệm Hơi Thở” chứ không gọi là “Quán Niệm Hơi Thở”, vì Quán Niệm Hơi Thở tức là ức chế tâm vào hơi thở. Quán sổ tức, quán tùy tức cũng là pháp ức chế tâm. Chúng ta nên đọc lại bài kinh “Nhập Tức Xuất Tức” trong kinh Nguyên Thuỷ:
“Quán ly tham, tôi biết, tôi hít vô. Quán ly tham, tôi biết, tôi thở ra”. Có nghĩa là quán xét tâm để tâm không còn tham, sân, si nữa thì tâm sẽ biết hơi thở hít vô. Quán xét tâm để tâm không còn tham, sân, si nữa thì tâm sẽ biết hơi thở thở ra. Chứ không phải hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra, đó là cách thức tu tập ức chế tâm để tỉnh thức, chứ không phải xả tâm.
Bởi các nhà học giả tu chưa đến đâu mà lấy lý trí hữu hạn của mình đọc kinh sách Phật rồi viết ra đủ loại thiền khiến cho người sau tu hành chẳng ra gì.
Cũng pháp của đức Phật mà hiểu sai, tu thành pháp ức chế tâm. Cũng như nghe nói “sống Độc cư là bí quyết thành công của Thiền định”. Có người không hiểu độc cư như thế nào lại sống ức chế tâm mình, sống cô đơn chịu đựng, đến khi sức chịu đựng không nổi, bắt đầu thần kinh hưng phấn, nói loạn tưởng, giống như người điên.
Khi đã nhuận lại thành sách, quý vị muốn tu hành thì phải được gần Thiện Hữu Tri Thức, chứ không nên dựa vào kinh sách mà tu tập, trí tuệ hữu hạn của quý vị nhận thức không chính xác đâu, phải thưa hỏi với người có kinh nghiệm, có nghĩa là người ta đã tu và có kết quả thực sự. Tuy vậy khi nhuận lại chúng tôi cũng hết sức làm sáng tỏ pháp hành để quý vị tu tập có kết quả.
Khi muốn tu tập theo pháp môn này, chúng tôi xin quý vị nên viết thư hỏi chỗ nào nghi ngờ, nhất là pháp hành hỏi kỹ từng chữ nghĩa cho rõ ràng.
Quý vị nên nhớ, tu đúng thì không lâu, thời gian ngắn kết quả nhanh, còn tu sai mất thời gian mà không có kết quả. Tu đúng có xả tâm liền, tâm an ổn, thanh thản và vô sự. Tu sai thì chướng ngại pháp dồn dập tiến tới khiến cho thân tâm bất an, tu hành mãi dậm chân tại chỗ và cũng không biết cách thức nào tu tập tiến tới, chỉ còn biết an ủi “Tu hành phải nhiều kiếp như trong kinh Đại thừa dạy”.
Xin lưu ý quý vị, khi tu hành dậm chân tại chỗ, tức là tâm tham, sân, si có giảm bớt nhưng không hết và không biết cách làm chủ sanh, già, bịnh, chết là quý vị đã tu sai pháp thì phải mau tu tập sửa lại, không khéo mất thân rồi khó tìm lại được.
Kính ghi
Tu Viện Chơn Như
(Năm 2008)