27- CÁI THẤY, CÁI NGHE, CÁI CẢM THỌ, CÁI TƯỞNG, CÁI THỨC TRI KHÔNG PHẢI LÀ CỦA CON NGƯỜI

LỜI PHẬT DẠY

“Vậy này Bàhiya, Ngươi cần phải học tập như sau: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe.

Trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiya, Ngươi không là chỗ ấy. (Tạng kinh Phật Tự Thuyết trang 298) CHÚ GIẢI:

Trong kinh Đại Thừa và Thiền Tông thường cho rằng:

Cái biết, cái thấy, cái nghe là Phật tánh, còn ở kinh này đức Phật lại dạy khác: “Cái biết, cái thấy, cái nghe không phải là Ngươi, là của Ngươi”. Sau khi ngộ được lý này, Bàhiya là một tu sĩ ngoại đạo đã giác ngộ được Niết Bàn và chứng quả A La Hán.

Câu chuyện xảy ra trong thời đức Phật như sau: “Bà La Môn Bàhiya được mọi người cung kính, tôn trọng, cúng dường… nên Ông nghĩ rằng: “Với ai là bậc A La Hán hay đang đi trên đường A La Hán, thì Ta là một trong những vị ấy”. Được biết những tư tưởng này, có một người thân của Bà La Môn Bàhiya nói: “Này Bàhiya, Ngươi không phải là A La Hán và cũng không phải người đa ng đi trên con đường A La Hán. Ngươi không có đạo lộ ấy. Ngươi nên đến yết kiến Tôn Giả Gotama bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác thì người sẽ rõ”.

Sau khi đến gặp Tôn Giả Gotama ba lần hỏi đạo, trong khi đức Phật đang đi khất thực, nên không thể giảng nói dài dòng được. Vì thế đức Phật chỉ thẳng: “Cái biết, cái thấy, cái nghe không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta”. Khi được đức Phật trả lời như vậy thì Bàhiya đã hiểu rõ con đường dẫn đến giải thoát không có gì hơn là các pháp trên thế gian này không có vật gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta chỉ cần buông xuống biết là ngay đó chứng quả A La Hán.

“Buông xuống đi! Buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi có ích gì.

Thở ra chẳng lại còn chi nữa.

Vạn sự vô thường buông xuống đi” Buông xuống hết tất cả các bạn còn có cái gì, các bạn có biết không?

Buông xuống hết chỉ còn là một tâm thanh thản, an lạc và vô sự các bạn ạ! nơi đó là quả vị A La Hán.

Sau khi được Phật khai ngộ xong, thì hôm ấy Bàhiya đã bị bò húc chết. Trong lúc bị bò húc ông không bối rối sợ hãi chỉ bình tỉnh giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự, vì lúc bấy giờ thân tâm này không phải là ông, là của ông, là bản ngã của ông, nên ông thanh thản, an lạc và vô sự trong trạng thái ấy . (Đại Bát Niết Bàn).

Khi đám tang Ông xong nhiều người đến hỏi Phật: “Bà La Môn Bàhiya chết đi về đâu”? Đức phật xác định: “Với thành tâm thưa hỏi pháp, với lòng tin bất diệt của Bà La Môn Bàhiya khi nhận ra tất cả các pháp không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì ông chỉ còn nhận ra trạng thái tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Nhờ sống trong trạng thái tâm bất động ấy. Ông đã Nhập vào Đại Bát Niết Bàn và chấm dứt tái sanh luân hồi. Các bạn hãy đọc kỹ lưỡng lại đoạn kinh này: “Này các Tỳ kheo Hiền trí là Bàhiya đã hành trì tùy pháp, đúng pháp và không có phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp.

Này các Tỳ kheo, Bàhiya đã nhập Niết Bàn” .

Tóm lại người tu theo Phật giáo đâu phải tu tập khó khăn như người ta tưởng mà chỉ cần biết buông xả cho thật sạch dục và ác pháp. Thì quả A La Hán ở tại đó.

Thường trong kinh điển Phật giáo có người nghe Phật thuyết pháp xong liền chứng đạo. Điều này có thật hay không? Điều này có thật. Vì có nhiều người đã tu chứng quả A La Hán mà không biết cứ nghĩ rằng quả A La Hán là cao siêu, là tu tập khó chứng lắm, nhưng không ngờ nó lại ở trong tầm tay của mọi người. Người tu hành chỉ cần biết buông xả từ bỏ tâm tham, sân, si thì ngay đó là Niết Bàn, là chứng quả A La Hán.

Trong Thanh Tịnh Đạo có một vị Thượng Tọa tu chứng quả A La Hán mà không biết, đến khi nhờ người thị giả đỡ ngồi dậy thì biết ngay đó là mình đã chứng quả A La Hán.

Các bạn hãy đọc một đoạn trong Luận Thanh Tịnh Đạo số 135 trang 74 nói về một vị trưởng lão bệnh đang nằm chờ chết. Tăng chúng và phật tử đến hỏi thăm Ngài tu hành có đắc địa vị siêu thế (A La Hán) không? Ngài bảo: “Ta không đắc địa vị siêu thế nào hết” .

Khi ấy có một vị Tỳ kheo trẻ tuổi làm thị giả theo hầu Ngài và bảo: “Bạch Đại Đức mọi người vì tưởng Ngài đã đắc Niết Bàn nên mới đi hàng chục dặm đường để đến đây hỏi thăm Ngài, Ngài trả lời như vậy, họ sẽ vô cùng thất vọng.

Tu hành như Ngài không lẽ chỉ chết như một phàm phu thường tình thì đau lòng lắm!

Vị trưởng lão trả lời: “Này Hiền giả vì muốn gặp đức Thế Tôn tương lai (Metteyya) nên ta không nỗ lực để đắc tuệ giác. Vậy bây giờ Hiền giả hãy đỡ ta ngồi dậy may ra có đắc chăng?

Vị Tỳ kheo liền đỡ Ngài dậy rồi đi ra. Khi vị Tỳ kheo ấy vừa ra khỏi, Trưởng Lão liền đắc quả A La Hán, và khảy móng tay ra hiệu Tăng chúng tụ lại bạch Ngài:

- Bạch Đại Đức, Ngài đã làm một việc rất khó, là hoàn thành Thánh quả vào lúc lâm chung.

- Chư Hiền việc ấy không khó. Nhưng Ta sẽ bảo cho chư Hiền biết là việc gì khó thật sự. Chư Hiền, từ khi xuất gia cho đến ngày nay, Ta không thấy có một hành vi nào Ta làm mà không ý thức, không có Chánh niệm kèm theo”.

Đọc đoạn luận trên đây chúng ta nhận xét câu: “Từ khi xuất gia cho đến ngày nay Ta không thấy có một hành vi nào, Ta làm mà không ý thức, không có chánh niệm kèm theo” Đọc xong đoạn luận này chúng ta rất thấm thía cái khó của người tu hành theo đạo Phật không phải chỗ nhập Bốn Thánh Định, thực hiện Tam Minh chứng quả A La Hán mà ở chỗ Tỉnh Giác Chánh Niệm. Có tỉnh giác chánh niệm ta mới buông xả sạch dục và ác pháp. khi buông xả sạch dục và ác pháp là chứng quả A La Hán, chứ không phải còn tu tập pháp môn nào cả. Đạo Phật thì chỉ có tu tập bấy nhiêu thôi.

Vị Trưởng lão này đã trình bày cho chúng ta thấy pháp hành và kết quả của chánh niệm tỉnh giác. Nhưng Ngài không biết đó là chứng quả A La Hán nên chờ đợi đức Thế Tôn tương lai để xác định chỗ tu của Ngài.

Trong khi Ngài bệnh đau đang nằm chờ chết, không ngồi dậy nổi, mới khởi ý nhờ vị Tỳ kheo trẻ tuổi đỡ dậy, trong khi mọi người đến thăm.

Khi khởi ý muốn ngồi dậy, đó là Ngài đang sử dụng “DỤC NHư Ý TÚC ” nhưng Ngài không biết. Khi được ngồi dậy Ngài thấy mình không còn bệnh đau yếu đuối nữa. Ngài mới biết mình đã chứng quả A La Hán vô lậu. Vì vô lậu nên tác ý muốn ngồi dậy bệnh liền biến mất và Ngài tự tại ra đi.

Chính chỗ này là chỗ tâm thanh thản, an lạc và vô sự là quả A La Hán mà có ai ngờ đâu. Khi sử dụng năng lực của Tứ Thần Túc thì mới biết mình chứng quả A La Hán.

Hoặc có người chỉ thẳng cho ta thì ta mới nhận ra trạng thái tâm thân thanh thản, an lạc và vô sự là trạng thái chứng quả A La Hán.

Trong thời đức Phật còn tại thế có nhiều vị Bà La Môn đã tu tập được tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Nhưng không biết đó là quả A La Hán nên khi nghe đức Phật khai ngộ thì họ mới nhận ra. Khi đã nhận ra mới biết mình đã chứng quả A La Hán. Cho nên có những đoạn kinh khi đức Phật giảng xong là có người chứng quả A La Hán ngay liền, là vì họ tu tập rất lâu mới chứng đạt được chỗ tâm Chánh Niệm Tỉnh Giác như vị Trưởng lão trong Luận Thanh Tịnh Đạo đã nói: “Việc chứng quả A La Hán không khó, nhưng Ta sẽ bảo cho chư Hiền biết là việc gì khó thật sự. Chư Hiền, từ khi Ta xuất gia cho tới ngày nay, Ta không thấy có một hành vi nào ta làm mà không ý thức, không có chánh niệm kèm theo” .

Vị Trưởng lão tu như vậy, sống như vậy, làm sao không chứng quả A La Hán được. Phải không các bạn? .

Cho nên các bạn đừng hỏi chứng quả A La Hán. Mà hãy hỏi các bạn có Tỉnh Giác Chánh Niệm trong từng hành động của các bạn chưa?

Quả A La Hán không khó mà khó ở chỗ Chánh Niệm Tỉnh Giác xin các bạn hãy lưu ý điều này để sự tu tập của các bạn có kết quả tốt đẹp.