THAY LỜI ĐẦU SÁCH
Kính thưa quí vị, “…Trên bước đường tu tập theo Phật Giáo để chứng đạt chân lí, mọi người tu hành đều phải lần lượt hành trì đúng theo qui trình này. Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy:
“Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama, trong sự lắng tai nghe pháp thì pháp nào được hành trì nhiều?”.
“Này Baharadvaja, trong sự lắng tai nghe pháp, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều. Nếu không có thân cận giao thiệp thì không có lắng tai nghe pháp. Vì có thân cận giao thiệp nên có lắng tai nghe. Do vậy trong sự lắng tai nghe, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều.” Muốn lắng tai nghe pháp hành mà không thân cận giao thiệp thưa hỏi thì làm sao lắng tai nghe pháp được. Phải không các bạn?
Cho nên sự thân cận giao thiệp với thiện hữu tri thức là điều cần thiết cho bước đường tu tập hành trì để đạt đến mục đích chân lí cứu cánh là một điều cần thiết.
Kính thưa các bạn! Trong đời tu hành của các bạn mà không có thiện hữu tri thức thân cận thì các bạn đã chịu thiệt thòi rất nhiều trên đường tu tập. Các bạn đừng nghĩ rằng cứ dựa vào kinh sách là các bạn biết cách thức tu tập. Hầu hết những danh từ trong kinh sách mà các bạn tự hiểu thì kiến giải ấy sẽ đưa các bạn vào chỗ chết, chỗ bệnh tật, điên khùng, loạn thần kinh v.v... Nếu không chết không bệnh tật thì các bạn tu hành chẳng tới đâu, chỉ sống trong tưởng mà thôi. Rồi đây các bạn cũng chạy theo danh lợi giống như người thế tục nhưng với chiếc áo tôn giáo.
Cho nên, thiện hữu tri thức là người đã tu tập xong. Còn những học giả dù họ có cấp bằng tiến sĩ Phật học mà tu hành chưa đến nơi đến chốn, họ vẫn là ác tri thức, sẽ hướng dẫn các bạn vào con đường phí công phí sức, uổng phí một đời người, chỉ còn muợn sắc áo tôn giáo làm cuộc sống danh lợi, ngồi mát ăn bát vàng thì có nghĩa lý gì là một tu sĩ Phật giáo, có đức, có hạnh, có giới luật tinh nghiêm… Trong cuộc đời tu hành gặp được một bậc thiện hữu tri thức là khó, gặp được chánh pháp cao minh chỉ rõ chân lí của loài người cũng không phải dễ. Cho nên kinh Pháp Cú dạy:
“Hạnh phúc thay đức Phật ra đời!” “Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh!” Sanh đồng thời với một người tu chứng chân lí đâu phải dễ và gặp được họ là một hạnh phúc vô cùng to lớn. Phải không các bạn? Vì vậy đức Phật dạy: “Trong sự lắng tai nghe, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều.” Bấy giờ chúng ta hãy nghe đức Phật dạy tiếp: “Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama, trong sự th ân cận giao thiệp, pháp nào được hành trì nhiều?” “Này Bharadvaja, trong sự thân cận giao thiệp, đi đến gần được hành trì nhiều. Nếu không đi đến gần thì không có thân cận giao thiệp. Và vì có sự đi đến gần nên có thân cận giao thiệp”. Cũng như quý Phật tử ở tận miền Bắc xa xôi hay có người còn ở xa hơn nữa, ở tận bên Mỹ, bên Öc, bên Đức, bên Pháp. Vậy mà họ phải về Việt Nam lên tận tỉnh Tây Ninh để tìm Thầy Thông Lạc thưa hỏi pháp tu hành.
Đó là sự đi đến gần… Kính thưa các bạn! Lời đức Phật dạy không sai: “Trong sự thân cận giao thiệp, đi đến gần được hành trì nhiều.” Thường khi đức Phật thuyết một bài pháp xong thì các cư sĩ ca ngợi tán thán đức Phật bằng cách: “Sa môn Gotama, thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì đã quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc”.
Theo Thầy thiết nghĩ đức Phật đâu có pháp môn gì mới đâu? Ngài dám nói thẳng những cái sai cái đúng; Ngài dám bài bác chú thuật thần thông của ngoại đạo; Ngài dám bài bác cúng tế, cầu siêu, cầu an của ngoại đạo; Ngài dám bài bác 62 hệ tư tưởng của ngoại đạo; Ngài dám bài bác thế giới siêu hình không có, chỉ là thế giới của tưởng tri. Cũng như bây giờ Thầy dựng lại những pháp môn gì của Phật mà Đại Thừa và ngoại đạo ném bỏ xuống, Thầy dựng lên, chứ Thầy đâu có pháp môn gì mới. Thầy cũng dám nói thẳng như Phật, mặc dù Phật còn có một giáo đoàn rất đông đảo và có cả nhiều vua chúa ủng hộ, còn Thầy có một mình, không có thế lực, không tiền bạc chỉ có một tâm nguyện muốn đem lại lợi ích cho loài người trên hành tinh này, một nền đạo đức nhân bản - nhân quả Phật giáo mà mọi người sống không làm khổ mình khổ người; và mọi người sống biết thương yêu nhau, thương yêu sự sống của muôn loài trên quả địa cầu này. Rồi đây, Thầy sẽ không còn một mình, mà có nhiều người, nhiều người khắp trên hành tinh này…” (Trích từ nguồn kinh sách Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã tu chứng biên soạn – Tu viện Chơn Như phổ biến .) Ghi Chú: Đức Phật dạy: Được thân người khó, gặp Phật ra đời khó, nghe được Chánh pháp của Phật khó, Sanh ra cùng thời với Minh Sư và gặp được bậc Minh Sư tu chứng triển khai Chánh pháp, hướng dẫn chúng ta tu tập cùng ngôn ngữ văn tự khỏi phải phiên dịch… lại càng khó hơn. Vậy mà những người Phật Tử ở Việt Nam chúng ta hiện giờ lại có được những phước duyên khó có đó… Thật là hy hữu diễm phúc thay cho Phật Tử Việt Nam phải không các bạn!
Kính bạch Thầy thương kính, chúng con các nhóm Nguyên Thủy ở Bình Định & Đồng Nai cùng nhau Trích Lục tiếp theo bộ sách “Người Phật Tử Cần Biết” quí giá này để phổ biến rộng rãi Phật tử khắp nơi “Thông suốt những gì cần thông suốt” trước khi “ôm pháp nhập thất tu tập ”. Nhất là ở phần ba của bộ sách này cần dựng lại đúng với (Chánh Pháp Của Đức Thế Tôn). Đã bị Đại Thừa ngoại đạo Bà La Môn đồng hóa ném bỏ.
Vì muốn rạng rỡ Chánh Phật Pháp dựng lại nền đạo đức nhân bản – nhân quả, đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Chúng con xin Trích Lục tiếp tập 5 (phần Chánh Pháp của Đức Thế Tôn) từ những nguồn Pháp bảo, Pháp âm Đức Trưởng Lão đã khai thị, được Phật tử khắp nơi ra công phổ biến trên các trang Web:
www.nguyenthuychonnhu.net , chonlac.org , tuvienchonnhu.com và những kinh sách Đức Trưỡng Lão biên soạn, nhà Xuất Bản Tôn Giáo đã liên kết với tu viện Chơn Như phát hành và phổ biến.
Với lòng thành kính, chúng con kính xin Đức Bổn Sư Trưởng Lão Thích Thông Lạc, Bậc Thánh Tăng đương đại của nhân loại hoan hỷ chỉ dạy và có gì sơ sót kính xin Thầy chỉ dạy để Phật tử chúng con có đủ thắng duyên tu hành đúng với Chánh Phật Pháp sớm làm chủ được 4 nỗi khổ: Sanh, già, bệnh, chết của kiếp làm người trong một đời này.
Phật tử Chúng con xin thành kính lễ Thầy ba lễ.
Qui Nhơn ngày 8-2-2009.
Giới luật như chiếc chìa khóa để mở cửa thiền định, người tu sĩ cũng như người cư sĩ tu tập thiền định mà không giữ gìn giới luật thì không bao giờ bước được vào cửa thiền định.
Thiền định của Phật giáo chỉ giành cho những người giới luật nghiêm chỉnh. Xin các bạn lưu ý.