Hỏi 1: Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được biết, về việc trao Y Bát như thế nào.
Đáp: Đọc hết trong tạng kinh Nikya, không thấy chỗ nào đức Phật trao Y Bát và chỉ định người thừa kế Phật làm Tổ thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư, v.v... Lúc sắp Niết Bàn, Phật dạy các đệ tử: “Này các tỳ kheo, hãy lấy Giới Luật và Giáo Pháp của ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành; đừng lấy ai làm Thầy, làm chỗ nương tựa, mà phải tự mình thắp lên ngọn đuốc mà đi”. Việc TRUYỀN TRAO Y BÁTtrong kinh sách Đại thừa là do các Tổ dựng lên câu chuyện NIÊM HOAtrên núi Linh Thứu, Tổ Ca Diếp mỉm cười. Câu chuyện này trong kinh Pháp Hoa để tạo nguyên nhân sản xuất ra cuốn sử 33 vị Tổ sư thiền Ấn Độ và Trung Hoa, lấy YBÁT(vật hữu hình) làm ẤN CHỨNG, tạo niềm tin cho tín đồ với mục đích TRUYỀN TÂM ẤN (vật vô hình).
✿✿✿
Hỏi 2: Đức Phật khi còn tại thế, có trao y bát cho các đệ tử và truyền tâm ấn không?
Đáp: Không! Y bát là những vật dụng tầm thường trong đời sống hằng ngày, đâu có gì quan trọng trong việc tu hành, nhất là giới luật đức hạnh nhân bản - nhân quả lại không cho phép tu sinh dính mắc vào những vật dụng thuộc về pháp hữu vi. Vả lại, Phật giáo có cái nhìn như thật, nên các pháp hữu vi đều vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta cả. Cho nên, việc trao y bát và truyền tâm ấn là một việc bịa đặt của người sau. Chúng ta là những người tu theo bốn chân lý của Phật giáo, thì không nên tin vào những điều ảo tưởng, mơ hồ không thật, trừu tượng ấy.
✿✿✿
Hỏi 3: Y bát còn có ý nghĩa gì cao siêu mà con chưa hiểu, xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con.
Đáp: Y là những vật dụng dùng để mặc cho kín thân, và bát là vật dụng dùng để ăn uống hằng ngày do phật tử cúng dường. Khi y rách hay bát bể, thì phật tử cúng dường thay cái khác. Cho nên, những vật dụng tầm thường như vậy không có gì là cao siêu và thần thông cả. Các tăng sinh nên hiểu: “Đạo Phật là đạo như thật đạo của con người, cho nên nó không có gì là cao siêu huyền bí cả. Nó chỉ cho con người biết đâu là đạo đức của con người, để làm con người sống thật là con người; và đâu không phải là đạo đức con người, để mọi người biết đó là con thú vật mang hình người”. Nhờ biết sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sinh, nên con người sống được bình an, yên vui và hạnh phúc hơn các loài động vật khác. Ngược lại, con thú vật sống trong khổ đau và thường tranh đấu làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh...
Đạo Phật là đạo như thật, nên những gì cao siêu, thần thông hoặc nói về thế giới siêu hình thì không phải là của Phật giáo, mà của các tôn giáo khác. Bởi những tôn giáo xây dựng trên thế giới siêu hình là không phải tôn giáo của con người; nó là tôn giáo của thần tiên, của thế giới ảo tưởng. Những người đầu óc giàu tưởng tượng như các nhà Đại thừa và Thiền tông, mới biến chiếc y thượng của Tổ phủ trùm một khu đất rộng lớn cò bay thẳng cánh, và cái bát dùng thọ thực hằng ngày thu hết cả dòng họ Thích của đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào mà không chật. Đó là một ảo tưởng tuyệt vời của các Tổ ngày xưa huyền thoại dựng nên.
✿✿✿
Hỏi 4: Tổ đường có phải là Giảng đường hay không? 100 giới chúng học có giới 67 cấm không thọ thực trên Giảng đường. Vậy Tăng đoàn thọ thực trong Giảng đường có phạm giới hay không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Một ngôi chùa nào cũng đều có những nơi thờ riêng biệt:
1. Nơi thờ tượng Phật ngồi thiền dưới cội bồ đề gọi là ĐIỆN PHẬT, còn gọi là ĐẠI HÙNG BỬU ĐIỆN.
2. Nơi thờ tượng Phật khổ hạnh trên núi Tuyết gọi là TỔ ĐƯỜNG.
3. Nơi thờ tượng Phật thọ trai gọi là TRAI ĐƯỜNG.
4. Nơi thờ tượng Phật đang thuyết giảng kinh Tứ Diệu Đế cho năm anh em Kiều Trần Như, gọi là GIẢNG ĐƯỜNG.
Ở đây, Tu Viện không có Giảng đường, không có Trai đường, chỉ có điện Phật và Tổ đường, vì thế, tu sinh mượn Tổ đường làm Giảng đường để học hỏi triển khai tri kiến giải thoát; mượn Tổ đường làm Trai đường để học hỏi triển khai oai nghi tế hạnh về ăn uống, có ngày có giờ định kỳ, chứ không phải lúc nào, ngày nào cũng ăn ngả, nằm ngồi trên Tổ đường, thì các con lấy giới luật ra hỏi. Ở đây, mượn Tổ đường để học tập ăn uống, chứ không phải lấy Tổ đường làm chỗ ăn uống. Chỗ ăn uống của tu sinh nơi gốc cây, bóng mát, nơi khe suối, trong am thất của tu sinh, v.v... Cho nên, mượn Tổ đường học tập thọ trai thì không có lỗi gì cả. Và đó cũng là nói lên được sự tiết kiệm tiền của đàn na thí chủ, không xây cất nhiều nhà cửa; thay vì cất Trai đường, thì nên cất thất cho tu sinh ở để che mưa nắng, lợi ích nhiều hơn. Phải không quý vị?
✿✿✿
Hỏi 5: Bát dùng để ăn cơm có phải là Bát Chánh Đạo không?
Đáp: Không! Bát là một vật dụng dùng để ăn cơm, uống nước thì làm sao là Bát Chánh Đạo được. Bát Chánh Đạo là một chương trình giáo dục đào tạo con người từ phàm phu, tu hành chứng quả vô lậu A La Hán, thì có liên hệ gì với vật dụng dùng để ăn uống đâu. Tội nghiệp thay cho những người giàu tưởng tượng, lấy bát ăn cơm mà gọi là Bát Chánh Đạo! Tội nghiệp thay, họ không hiểu Bát Chánh Đạo là gì. Chỗ này đáng thương, mong rằng họ sẽ không lầm lạc nữa.
✿✿✿
Hỏi 6: Chẳng may làm vỡ mất bát, thì con đường Bát Chánh Đạo có mất theo không? Người tu sĩ làm vỡ bát, có còn tu theo đạo giải thoát của Phật được nữa không?
Đáp: Bát vỡ là một việc tự nhiên, vì các pháp hữu vi thì hữu hoại. Trong cuộc đời tu hành của Phật có biết bao lần bể bát, vậy mà Phật vẫn tu chứng quả giải thoát và dạy người Bát Chánh Đạo, và Thầy cũng bao lần bể bát, mà vẫn triển khai Bát Chánh Đạo dạy các tu sinh tu học. Vậy bát vỡ có mất Bát Chánh Đạo chỗ nào đâu? Cho nên các pháp đều vô thường, bể bát là một việc quá tầm thường trong các pháp thế gian, còn Bát Chánh Đạo là pháp xuất thế gian, đâu nên lấy pháp thế gian so sánh với pháp xuất thế gian. Con hỏi câu này có ý nghĩa gì?
✿✿✿
Hỏi 7: Khi thọ thực có được uống nước không? Khi thọ thực uống nước có phạm giới không?
Đáp: Không có giới luật nào cấm uống nước trong khi ăn. Vậy các tu sinh khi ăn cần uống nước, hay uống nước canh là một việc sinh hoạt bình thường, không có phạm vào những oai nghi đức hạnh và giới luật nào hết. Chỉ khi nào ăn cơm mà uống rượu thì phạm giới.
✿✿✿
Hỏi 8: Câu kinh: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”; câu này có phải Phật thuyết hay không?
Đáp: Câu “Ưng Vô Sở trụ nhi sinh kỳ tâm” này trong kinh KIM CANG. Kinh Kim Cang thuộc về kinh sách Đại thừa. Kinh này do các Tổ thuyết và biên soạn. Phật không có thuyết kinh này. Kinh này là kinh tưởng, không phải là kinh dạy tu tập giải thoát chuyển đổi nhân quả, làm chủ sinh tử luân hồi. Chúng ta theo Phật giáo không nên tu theo kinh sách Bà La Môn, loại kinh sách này sẽ làm mất hạt giống lành trong Phật giáo.
Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, đó là dạy chúng ta diệt ý thức, mà diệt ý thức thì chúng ta trở thành đời sống thực vật, chứ có giải thoát được những gì? Cho nên kinh này dạy chúng ta tu hành để trở thành gốc cây, cục đá, v.v... Tu hành để trở thành cục đá, gốc cây vô phân biệt như vậy, thì tu hành có ích lợi gì? Chúng ta hãy suy ngẫm cho kỹ, kẻo uổng phí một đời người.
✿✿✿
Hỏi 9: Câu chuyện Thất Chơn Nhân Quả của Trung Hoa như thế nào?
Đáp: Câu chuyện Thất Chơn Nhân Quả là câu chuyện huyền thoại của Tiên đạo, nói chuyện tu đắc đạo của pháp vô vi. Nó đâu có liên hệ gì đến pháp môn tu hành của Phật giáo, tại sao con hỏi nó làm gì? Giáo pháp này không phải là nền đạo đức nhân bản - nhân quả, thì nó có ích lợi gì cho các con?
Các con đừng mơ mộng hão huyền theo Tiên đạo, các con tu tập sẽ được những gì với pháp môn này? Nó sẽ mang lợi ích gì cho bản thân các con? Tu hành phải chọn đúng chánh pháp có lợi ích thiết thực cho bản thân rồi mới tu, chứ nếu các con còn mơ mộng Tiên đạo, thì theo Phật giáo tu hành để làm gì? Hãy về đi mà tìm Tiên đạo tu hành.
Vì Tiên đạo là Tiên đạo, và Phật đạo là Phật đạo. Tiên đạo và Phật đạo không có liên hệ nhau chút nào cả. Tiên và Phật là hai ngả đường không thể đi chung với nhau được. Các con đừng nghe theo các nhà hòa đồng tôn giáo như Thông Thiên Học, tu Tiên rồi mới tu Phật, có nghĩa Tiên thấp hơn Phật. Hiểu Phật giáo và Lão giáo như vậy là không hiểu gì cả. Thiền sư Vạn Hạnh là một nhà sư Đại thừa, lấy ba tôn giáo Nho, Lão, Phật phối hợp lại, thành một tôn giáo Việt Nam. Trong bài kệ của Ngài có câu: “VẠN HẠNH DUNG TAM TẾ”. Như vậy, chứng tỏ Thiền sư chưa nắm vững nền đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo, chưa biết Phật giáo có một giáo lý đạo đức chân thật của loài người, nên Ngài đã biến Phật giáo thành một tôn giáo có nền giáo lý cao siêu, theo kiểu Đại thừa thần giáo.
Theo Thầy hiểu: Nhân đạo (Nho giáo), Tiên đạo (Lão giáo), Phật đạo (Phật giáo) là ba tôn giáo này không thể sắp xếp theo thứ bậc từ thấp lên cao. Mỗi tôn giáo có một ý nghĩa riêng, một đạo đức riêng, nhằm giáo dục và xây dựng con người với mục đích độc lập riêng: như Nho giáo để phục vụ cho chế độ cai trị phong kiến; như Lão giáo phục vụ cho cá nhân tiêu cực yếm thế; như Phật giáo phục vụ cho nhân loại. Xem qua giáo lý đạo đức của ba tôn giáo này với mục đích phục vụ khác nhau, nên không bao giờ giống nhau được.
Nhân đạo (Nho giáo) dạy con người tề gia, trị nước, bình thiên hạ. Giáo lý và đạo đức Nho giáo phục vụ cho chế độ quan, vua. Còn Tiên đạo dạy con người tu tập pháp vô vi yếm thế tiêu cực, bỏ đời, sống trong rừng trong núi tiêu dao ích kỷ, chỉ lo cho cá nhân của mình, còn loài người ra sao cũng mặc. Ngược lại, đạo Phật dạy người tu học đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh, là để mọi người LÀM LỢI ÍCH CHO NHAU, và mỗi người ai cũng làm chủ sự sống chết của mình và chấm dứt sự luân hồi tái sinh.
Ba tôn giáo không có một mục đích chung, nên làm sao mà dung hợp được. Phật giáo vì loài người; Lão giáo vì cá nhân; Khổng giáo vì giai cấp thống trị. Vì thế, chúng ta học Phật là muốn làm chủ những sự khổ đau trên thân tâm của mình, chứ không phải học Phật để làm Tiên, làm Phật, v.v...
✿✿✿
Hỏi 10: Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ cách lạy lễ như thế nào đúng, và như thế nào sai?
Đáp: Lạy đứng, lạy ngồi, lạy quỳ đều được cả. Tất cả những lạy lễ này đều do đạo Bà La Môn và đạo Nho. Còn Phật giáo chỉ lạy lễ như thế nào mà mang đầy đủ ý nghĩa tôn kính là được.
Mỗi dân tộc trên hành tinh này đều có nghi lễ tôn kính khác nhau, khi chào hỏi bằng cách chấp tay cúi đầu chào, bằng cách khoanh tay cúi đầu chào, bằng cách ôm nhau hôn, bằng cách hai tay nắm nhau, v.v... Khi lạy lễ cũng vậy, đứng lạy, quỳ lạy, ngồi lạy và nằm lạy, v.v... Riêng ngồi cũng có nhiều cách ngồi, như ngồi theo người Nhật Bản, người phụ nữ Việt Nam, người Trung Hoa, người Ấn Độ, v.v...
Dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa theo Nho giáo, nên lạy đứng; chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ theo Bà La Môn giáo, nên lạy quỳ, lạy ngồi, lạy nằm. Đối với Phật giáo, lạy đứng, lạy ngồi hay lạy quỳ, lạy nằm đều là hành động tôn kính lễ nghĩa, không có gì phải dạy thêm. Đạo Phật không có vẽ vời cách lạy riêng biệt; đạo Phật quan trọng là chỗ sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Cho nên chúng Tăng lạy lễ như thế nào cũng tốt, nhưng khi sống trong Tăng đoàn thì phải lạy lễ cho giống nhau, đừng người lạy cách này, người lạy cách khác thì trong Tăng đoàn khó coi.
Ví dụ: Lạy đứng thì phải lạy đứng hết, còn quỳ lạy thì phải quỳ lạy hết, còn ngồi lạy thì ngồi lạy hết, hay nằm cũng vậy, phải lạy giống nhau. Lạy như vậy mới gọi là Tăng đoàn hòa hợp chúng.
✿✿✿
Hỏi 11: Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ, thế nào là “Nhị nguyên”?
Đáp: NHỊ NGUYÊN và NHẤT NGUYÊNlà ảnh hưởng giáo lý Đại thừa, pháp môn BẤT NHỊ thuộc kinh Duy Ma Cật. Chúng ta tu hành theo Phật giáo là phải sống như thật, vì đạo Phật là đạo như thật của loài người; nó không bao giờ dùng triết lý bất nhị. Cho nên đạo Phật là đạo chân lý, đạo sự thật, chứ không phải là đạo triết lý. Đạo triết lý là ngoại đạo, chỉ những người chưa thông suốt Phật giáo nên mới đem triết lý Bất Nhị mà áp dụng trong Phật giáo. Đó là một điều hết sức làm sai lạc. Bởi vì mọi người ai ai cũng sống trong NHỊ NGUYÊN, chứ chưa có mấy ai sống trong NHẤT NGUYÊNbao giờ. Đó là một triết lý ảo tưởng, do các nhà Đại thừa dựng lên để tranh luận hơn thua, bài bác giáo lý của hệ phái khác hay của các tôn giáo khác. Bây giờ các con thưa hỏi nó, để dùng bài bác người khác phải không? Đạo Phật không chấp nhận tranh luận hơn thua, bài bác nhau, dùng triết lý BẤT NHỊbài bác nhau thì xấu lắm các con ạ! Đó là lối sống không thật với chính mình, vì mình có sống được với NHẤT NGUYÊNbao giờ chưa, mà đem NHẤT NGUYÊNbài bác người khác là NHỊ NGUYÊN.
Ngày xưa, trong thời đức Phật còn tại thế, chúng tỳ kheo vấn chiếc y NHỊ NGUYÊN nhiều nhất, vì vải đi xin nhiều màu, chứ đâu có một màu như chúng ta bây giờ. Cho nên, dùng Nhất Nguyên để chỉ trích người khác Nhị Nguyên thì không nên, vì khi chúng ta khởi tâm phân biệt thấy hai màu, là chúng ta đã ở Nhị Nguyên rồi. Đã ở Nhị Nguyên còn nói ai Nhị Nguyên được sao? Phải không các con?
Còn không khởi tâm phân biệt, thì chúng ta chẳng khác gì gốc cây, cục đá. Tu để trở thành gốc cây, cục đá thì giải thoát hay sao?
Cho nên, Nhị Nguyên chỉ là một thứ triết lý để tranh luận hơn thua, chứ chẳng có lợi ích thiết thực gì cả.
✿✿✿
Hỏi 12:Kính bạch Thầy, tu sinh có duyên đi ra ngoài, có được vấn y thượng, mang dép không?
Đáp:Được, nếu không mang dép, đi chân trần trên đường tráng nhựa thì chân sẽ bị phòng dộp. Vả lại, trong giới luật của Phật không có cấm mang dép, mà chỉ cấm mang dép đi vào nơi Giảng đường, điện thờ Phật, nơi tháp thờ Phật. Trong 100 giới chúng học, Phật cho mang dép chớ không có cấm. Vậy vấn y thượng, mang dép là có tri kiến minh mẫn, vì thời đại chúng ta đi ra đường là đường cao ráo tráng nhựa, không như ngày xưa trong thời đức Phật đi đường đất lầy lội, thế mà Phật còn không có cấm mang dép, thì ngày nay tại sao lại có giới luật cấm mang dép là sao? Vị Tổ nào cấm? Nếu vị Tổ nào cấm, tức là vị Tổ đó không thức thời, không có đủ tri kiến minh mẫn. Vậy làm Thầy, Tổ mà không sáng suốt thì rất tội nghiệp. Các sư bên Nam tông nguyên thủy đi đâu thì mang theo dù, khi nắng khi mưa đều có dù che. Cho nên, đạo Phật không chủ trương đầu trần, chân đất.
✿✿✿
Hỏi 13:Kính thưa Thầy, Khi mặc y thượng đại tiểu tiện như thế nào, lúc ở trong tu viện cũng như khi đi ra ngoài?
Đáp:Trong giới luật dạy về oai nghi đi đại, tiểu tiện thì phải cởi y thượng ra, xếp lại bỏ vào túi bát, chỉ còn mặc y trung và y hạ mới đại, tiểu tiện, dù ở trong tu viện cũng như ra ngoài tu viện, hoặc trên đường di chuyển đều phải cởi y thượng ra. Mặc y thượng mà đại tiểu tiện thì bất tiện mà còn phạm giới về oai nghi tế hạnh.
Khạc nhổ, đại tiểu tiện phải trong phòng vệ sinh, không được khạc nhổ, đại tiểu tiện bên ngoài, trong ao hồ, trên cỏ, nếu khạc nhổ, đại tiểu tiện bên ngoài, trong ao hồ, trên cỏ thì phạm giới. Nếu khạc nhổ, đại tiểu tiện bên ngoài, trong ao hồ, trên cỏ thì phải chọn nơi kín đáo, rồi đào một cái lỗ nhỏ, để khạc nhổ hay đại tiểu tiện rồi lấp lại thì không phạm giới, còn tiêu tiểu xung quanh thất mình mà không vào phòng vệ sinh và không đào lỗ là phạm giới, là người thiếu đức vệ sinh môi trường sống, là không xứng đáng đoàn viên của Tu Viện Chơn Như.
✿✿✿
Hỏi 14:Kính thưa Thầy! Khi tu sinh đã thọ thực xong, bát đã đậy nắp, lại có người cúng dường thêm bánh, trái cây có được ăn nữa không?
Đáp:Không, khi đã ăn xong uống nước rồi mà còn ăn nữa là tham ăn, người ngoài đời người ta còn không ăn như vậy, huống chi chúng ta là tu sĩ. Người tu sĩ đi tìm cầu sự giải thoát sao lại không làm chủ cái ăn, nếu ăn thêm được thì giới luật đâu có cấm. Người ăn thêm được xem là ăn hai lần; ăn hai lần thì phạm giới luật.
✿✿✿
Hỏi 15:Kính thưa Thầy! Người tu sĩ có thể dùng đũa gắp thức ăn được không?
Đáp:Được, không có giới luật nào cấm dùng đũa gắp thức ăn, như vậy, dùng muỗng, đũa, nĩa, v.v... không có phạm giới. Mỗi nước trên thế gian này về ăn uống có những hành động khác nhau như: Người Ấn Độ dùng tay bốc cơm ăn, giống như những đồng bào thiểu số sống trong rừng sâu, bộ lạc; người Việt Nam, người Trung Hoa dùng đũa ăn cơm; người Pháp dùng nĩa, dao, muỗng ăn cơm, v.v... Ăn uống như thế nào giữ gìn vệ sinh là tốt nhất.
Còn ăn uống đó là quyền tự do, ai muốn ăn cháo hỗn tạp thì trộn, còn ai không muốn ăn trộn thì cứ để tự nhiên rồi dùng đũa gắp mà ăn, không được phê bình nhau, vì trong giới luật Phật không có cấm ăn riêng loại cứng, loại mềm. Ai muốn ăn sao cũng được, nhưng ăn phải lưu ý: phải ăn trong chánh niệm tĩnh giác, ăn phải nhai chậm chạp, khoan thai nhẹ nhàng, không được ăn uống vội vàng hấp tấp; ăn để biết từng tâm niệm của mình còn dục hay đã hết dục.
Dùng đũa gắp thức ăn cũng là một phương pháp tu tập chánh niệm tĩnh giác. Bởi tu tập chánh niệm tĩnh giác là tu trong tất cả hành động cuộc sống của con người. Cho nên giới luật Phật không theo văn hóa phong tục của nước Ấn Độ, mà chỉ cấm những oai nghi tế hạnh thô tháo của con người.
✿✿✿
Hỏi 16:Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ cách thức ăn uống.
Đáp:Trong giới đức chánh niệm tĩnh giác, khi ăn uống phải chánh niệm tĩnh giác, nhẹ nhàng khoan thai trong mỗi hành động khi nhai, khi nuốt, khi gắp, khi múc thức ăn, không nên phát ra tiếng kêu, không nên khua bát, khua đũa.
Nói chung, tất cả những hành động từ khi đi khất thực, ôm bát như thế nào cho đúng oai nghi của người đi khất thực, khoan thai nhẹ nhàng, đừng có những hành động của người ăn xin đưa bát trước bụng, đứng trước cửa nhà người hoặc trước những gian hàng buôn bán, đó là sự bắt buộc người ta cúng dường giống như người ăn mày. Người khất sĩ không làm những hành động luồn cúi ăn xin cho được miếng ăn.
Về vấn đề ăn uống như thế nào cũng tốt, nhưng phải chánh niệm tĩnh giác trong từng hành động ăn, trong khi ăn phải nghiêm chỉnh, không được nói chuyện, cười đùa trong bữa ăn.
✿✿✿
Hỏi 17:Kính thưa Thầy, trước khi cúng thực phẩm chúng ta phải làm sao?
Đáp:Về phần cúng là tượng trưng cho lòng biết ơn của chúng ta đối với những người đã chết, còn riêng người chết thì đã tiếp tục tái sinh luân hồi, còn đâu mà ăn hay hưởng hơi thực phẩm của con người. Chúng ta có thân mới ăn uống để nuôi thân, còn họ đã mất thân thì ăn uống để làm gì?
Trước khi cúng dường những thực phẩm như bánh, trái cây, kẹo, mứt, chúng ta chỉ sắp lên khay hay nắp bát, ngay ngắn có thứ tự, để tỏ lòng thành kính biết ơn. Chỉ khi nào ăn chúng ta mới lột vỏ trái cây, lột giấy bánh mứt, còn nếu lột trước cũng không sao, nhưng phải giữ vệ sinh. Tùy tiện mỗi người khi ăn như thế nào cũng tốt, nếu đem bánh, mứt, kẹo, trái cây: cam, quít, bưởi, chuối, mít trộn chung trong cơm, canh, đồ chiên, đồ xào, đồ nấu để ăn cũng không sao, vì trong giới luật Phật không có cấm, ăn như thế nào cũng được. Cúng như thế nào cũng được, nhưng chúng ta phải giữ gìn đúng nề nếp văn hóa văn minh, đừng sống theo kiểu ăn lông ở lỗ thiếu vệ sinh của người tiền sử.
Đạo Phật lúc nào cũng hợp với thời đại, dù thời đại đó có văn minh đến đâu thì đạo Phật vẫn đi trước. Vì thế đạo Phật không bao giờ lỗi thời, chỉ có những người không hiểu đạo Phật là chân lý của loài người; không hiểu nền đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo mới thấy nó lỗi thời mà thôi. Vì thế, những oai nghi tế hạnh của Phật giáo cần phải học.
✿✿✿
Hỏi 18:Kính thưa Thầy, “THỌ BÁT” nghĩa là gì? Và ích lợi về việc Thọ Bát như thế nào?
Đáp:THỌ BÁT là ăn cơm trong bát, ăn theo hạnh của Phật, ăn theo hạnh của người khất sĩ. Thọ Bát có nghĩa muốn ăn một vật gì đều bỏ vào bát rồi mới dùng muỗng, đũa lấy thức ăn bỏ vào miệng rồi mới ăn, không được ăn những món ăn lấy ngoài bát, như lột chuối rồi cắn ăn, hoặc lấy bánh cầm nơi tay rồi đưa vào miệng ăn, ăn như vậy không được gọi là THỌ BÁT, cho nên, dù bánh, kẹo, mứt, trái cây đều được lột vỏ, giấy, lá rồi bỏ vào bát múc ăn.
Lợi ích về việc Thọ Bát là ăn uống rất cẩn thận, không giống như loài động vật, không ăn cào ăn cấu. Thọ Bát là ăn uống có oai nghi tế hạnh nhẹ nhàng, khoan thai, từ tốn, tĩnh giác, v.v... từ hành động bỏ thực phẩm loại cứng, loại mềm vào bát, rồi cũng nhẹ nhàng dùng muỗng múc ăn từ tốn một cách nghiêm trang chậm chạp. Thọ bát có nghĩa là ăn trong sự tu tập tĩnh giác xả tâm, chứ không phải ăn uống như người thế gian.
✿✿✿
Hỏi 19:Kính thưa Thầy! Ba muỗng cơm hòa chúng là sao?
Đáp:Trong đạo Phật có LỤC HÒA, chứ không có TAM HÒA. Vậy con nên hỏi sư Trưởng đoàn. Tam Hòa xuất phát từ hệ phái Khất sĩ, vậy các con nên hỏi để học thêm ba muỗng cơm hòa chúng. Trong kinh sách Phật không thấy Phật dạy.
✿✿✿
Hỏi 20:Kính bạch Thầy! Mỗi tháng có hai ngày cạo tóc, đó là giới luật của Phật hay là thường lệ cạo tóc như vậy thành thói quen, nếu lỡ không cạo có phạm lỗi gì không?
Đáp:Mỗi tháng có hai ngày cạo tóc không phải là “GIỚI LUẬT”, mà là “LỆ”, vì thế nếu quên không cạo tóc cũng không sao cả, nhưng khi sinh hoạt trong Tăng đoàn thì phải cạo tóc đúng kỳ để sự sinh hoạt có hình sắc hòa hợp. Ngày xưa sáu năm khổ hạnh Phật không có cạo tóc râu, còn Thầy những năm tháng quyết liệt tu hành nên không có thì giờ cạo tóc râu, khi chứng đạo xong về thăm Hòa thượng Thanh Từ thì ít ai nhận ra Thầy được.
✿✿✿
Hỏi 21:Một người tu sĩ có cất giữ tiền bạc để đi xe, tàu được hay không? Có người nói: Thầy hoan hỷ tùy thuận cho chư Tăng cất giữ tiền bạc.
Đáp:Không! Giới luật Phật đã cấm: “NGƯỜI TU SĨ KHÔNG NÊN CẤT GIỮ TIỀN BẠC”. Cất giữ tiền bạc là phạm giới. Người tu sĩ cất giữ tiền bạc không xứng đáng là đệ tử của Phật. Nói Thầy tùy thuận là không đúng, vì Thầy không tùy thuận về sự cất giữ tiền bạc, và cũng không phạt vạ bắt lỗi ai hết. Bởi đạo Phật là đạo tự giác, tự nguyện giữ giới luật, chứ không ai bắt buộc. Ai tu hành giữ gìn giới luật Phật nghiêm chỉnh thì được lợi ích cho họ, còn ai tu hành phạm giới thì tu hành chỉ phí công, chẳng có lợi ích gì mà còn làm hại Phật giáo. Giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì tu hành có lợi ích cho mình, làm rạng danh Phật pháp, chứ riêng Thầy có lợi ích gì. Cho nên Thầy không phạt vạ, chỉ nhắc nhở khuyên bảo; ai nghe cũng tốt, không nghe cũng tốt.
Hỏi 22:Hình ảnh ngồi thọ thực như thế nào?
Đáp: Theo bản đồ ngồi thọ thực dưới đây thì sẽ rõ:
TƯỢNG PHẬT | ||
Trưởng đoàn | Phó đoàn | |
Chúng tăng …... | Chúng tăng …... |
Trưởng đoàn ngồi đầu dãy chư Tăng bên tay trái; Phó đoàn ngồi đầu dãy chư Tăng bên tay phải.
✿✿✿
Hỏi 23: Tọa cụ dùng như thế nào?
Đáp: Tọa cụ là một miếng vải có chiều dài 2m; chiều ngang 0,8m dùng để trải ra để nằm; xếp đôi lại để ngồi thiền hoặc thọ thực. Thường chúng tăng dùng chiếc y thượng đã rách không dùng nữa nên bỏ ra, được vá may lại làm thành tọa cụ. Tọa cụ của Phật và chúng Thánh tăng ngày xưa là chiếc y thượng rách, dùng xếp lại để nằm hoặc ngồi, chứ không như tọa cụ của các sư Khất sĩ và các Thiền sư bây giờ, là một chiếc gối mềm hoặc một miếng vải có kích thước 45cm x 60cm dùng để ngồi thiền hay thọ thực.
Nếu chúng tăng dùng tọa cụ thì nên dùng một miếng vải cũ có chiều dài kích cỡ thước tấc như trên đã dạy, để thực hiện đời sống sống du tăng rày đây mai đó, lấy đất làm giường, lấy trời làm nhà. Còn chiếc tọa cụ có kích thước 45cm x 60cm thì chỉ dùng để ngồi, nên không phù hợp.
Khi ông A Nan trả lời vua A Xà Thế về việc sử dụng y áo, tọa cụ và vải lau chân của chư tăng bằng chiếc y thượng, đã khiến cho nhà vua kính phục đức hạnh tiết kiệm của chúng Thánh tăng trong thời đức Phật. Người tu sĩ Phật giáo sử dụng những vật tùy thân càng ít càng tốt, càng thể hiện rõ nét HẠNH THIỂU DỤC TRI TÚC.
✿✿✿
Hỏi 24: Ngày họp Tăng đoàn và ngày thỉnh nguyện sự sinh hoạt ý nghĩa giống nhau. Tại sao vậy?
Đáp: NGÀY HỌP TĂNG ĐOÀN là để họp mặt học hỏi nhau những oai nghi tế hạnh còn thiếu sót. Nhất là về những bài học đức hạnh trong lớp chưa thông suốt, được nêu ra và trao đổi với nhau những ý nghĩa hay đẹp và những đức hạnh cao thượng để cùng nhau cùng sống, cùng thực hiện một đời sống thánh thiện.
NGÀY THỈNH NGUYỆN SÁM HỐI là ngày kiểm thảo những lỗi lầm sai trái, để cố gắng khắc phục sửa sai để trở thành người tu sĩ tốt; người tu sĩ chứng quả vô lậu. Cho nên hai ngày ấy nó có ý nghĩa khác nhau, đâu có giống nhau được.
Học tập đạo đức, sinh hoạt đoàn và thỉnh nguyện chỉ có một buổi trong ngày, còn nửa ngày mặc sức mà giặt y áo.
✿✿✿
Hỏi 25: Tất cả các tu sinh khi không hiểu một điều gì, hỏi thầy Giảng viên hoặc sư Trưởng đoàn không trả lời được, có được quyền viết thư hỏi Thầy không?
Đáp: Được, khi không hiểu một điều gì, quý tăng sinh được quyền viết thư thưa hỏi Thầy, được trình lên thầy Giảng viên hay sư Trưởng đoàn.
✿✿✿
Hỏi 26: Sư Trưởng đoàn có nhiệm vụ gì trong đoàn?
Đáp: Sư Trưởng đoàn có nhiệm vụ hướng dẫn những oai nghi tế hạnh trong giới luật Phật thuộc hệ phái Khất sĩ, và làm gương hạnh cho chúng tăng nương theo mà sống cho đúng oai nghi tế hạnh của Phật và chúng Thánh tăng ngày xưa. Vì giới luật Trưởng đoàn được giảng dạy cho đoàn viên.
Hỏi 27: Tu sĩ thỉnh nguyện sám hối mà cứ phạm lỗi mãi thì làm sao? Có phạt vạ gì không?
Đáp: Người tu sĩ phạm giới tuy thỉnh nguyện sám hối, hứa hẹn cố gắng sửa lỗi mà cứ lỗi nào tật nấy không sửa, thì người tu sĩ như vậy thiếu đức xấu hổ, không còn cách nào giúp họ được, chỉ còn cách khuyên họ về sống đời Cư sĩ, vì làm Tu sĩ như vậy sẽ là hình ảnh phỉ báng Phật pháp. Người không biết xấu hổ vì những lỗi lầm của mình là người không thể theo Phật giáo tu hành, vì đạo Phật là đạo ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện, cho nên người lầm lỗi là người làm khổ mình khổ người, là người làm ác. Làm ác mà không chịu sửa thì người ấy còn dùng vào đâu được nữa. Phải không các tăng sinh?
✿✿✿
Hỏi 28: Trong những buổi thỉnh nguyện sám hối, tăng sinh nào được thỉnh nguyện sám hối trước?
Đáp: Trong buổi thỉnh nguyện phát lồ sám hối, người Trưởng đoàn phát nguyện trước, kế người Phó đoàn và sau đó theo thứ tự tăng sinh; người nào ngồi trước thỉnh nguyện trước; người ngồi sau thỉnh nguyện sau.
✿✿✿
Hỏi 29: Nghi thức Thọ Trai theo sư Trưởng đoàn có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy.
Đáp: Nghi thức Thọ Trai nên làm theo sự hướng dẫn của sư Trưởng đoàn, vì sư Trưởng đoàn sẽ hướng dẫn theo đúng oai nghi tế hạnh nghi thức thọ trai của người Khất sĩ. Vậy các tăng sinh hãy làm theo gương hạnh của Trưởng đoàn.
Đến đây, Thầy xin thăm và chúc Tăng đoàn ngày càng lớn mạnh.
Thầy của các con
Thích Thông Lạc
✿✿✿