VỀ VIỆC BIÊN SOẠN KINH SÁCH

Tâm Thư Ngày 11-9-2007

Kính gửi: Các con thân thương! Hỡi các con thân thương! Các con hãy ghi nhớ những lời dạy này:

Về việc biên soạn kinh sách, khi tu hành chưa xong, các con đừng nên biên soạn kinh sách, mà hãy dành tất cả thời gian để cố gắng học tập những gì cần học tập; để cố gắng tu tập những gì cần tu tập; để cố gắng sống đúng đức hạnh những gì chưa đức hạnh; để cố gắng hộ trì và bảo vệ chân lí những gì chưa hộ trì và bảo vệ chân lí; để cố gắng ly dục, ly ác pháp những gì chưa ly dục, ly ác pháp; để cố gắng giữ gìn tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, những gì chưa giữ gìn được tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; để cố gắng giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự, những gì chưa giữ gìn được tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Bởi đó là con đường cứu cánh, giúp các con vượt qua biển khổ sinh tử, luân hồi.

Chừng nào các con tu tập làm chủ sinh tử, chấm dứt luân hồi, chừng đó, các con mới đủ trí tuệ và kinh nghiệm viết và biên soạn kinh sách. Kinh sách viết ra do tu chứng quả A La Hán mới có một giá trị vô giá, vì nó lợi ích thiết thực và gần gũi với đời sống loài người. Vì vậy mỗi đoạn, mỗi lời trong kinh sách đó đều là những hành động thiết thực chủ động, mang tính đạo đức nhân bản - nhân quả, thường làm lợi ích cho mình, cho người và cho tất cả chúng sinh. Ngược lại, các con tu hành chưa chứng đạo mà viết kinh sách là các con nuôi bản ngã, đó là một tai hại rất lớn cho bản thân của các con trong khi đang tu tập. Hầu hết mọi người viết kinh sách với mục đích rõ ràng, không thể che dấu được ai cả. Bởi người tu hành chưa chứng đạo, tâm còn tham, sân, si, mạn, nghi dẫy đầy nên viết kinh sách là vì cầu danh, cầu lợi, chứ không phải vì lợi ích cho con người. Cho nên kinh sách viết như vậy, chứ không có một người nào chịu trách nhiệm khi có người theo sách đó tu tập lỡ bệnh tật điên khùng thì chịu lấy. Tác giả không chịu thay cho quý vị đâu!

Người tu hành chưa chứng đạo viết kinh sách bản ngã thường to lớn, là do tâm chạy theo danh, lợi. Người tu hành mục đích là phải biết diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp. Thế mà các con tu chưa xong lại viết kinh sách, đó là triển khai bản ngã to lớn thì còn tu tập được những gì, hỡi các con?

Nếu một người tu chưa chứng đạo viết kinh sách, thì kinh sách đó là kinh sách vay mượn những kiến tưởng giải trong kinh sách Đại thừa, Thiền tông, Bà La Môn, tức là dùng lời, dùng ý của các vị tổ sư xưa và nay. Người tu chưa chứng đạo viết kinh sách chỉ viết theo trí tuệ của người khác, chứ các con có biết gì mà viết. Các con giống như người thợ may khéo tay chấp vá nhiều miếng vải; miếng này màu đỏ; miếng kia màu xanh, rồi bên nọ miếng màu vàng; bên kia miếng màu tím, v.v… Chiếc áo có nhiều màu như vậy thì chỉ có những người trình độ kiến thức văn hóa khoa học thiên nhiên còn kém thì mới chấp nhận, nhất là chịu ảnh hưởng văn hóa lạc hậu, ưa thích màu mè sặc sỡ của dân tộc bộ lạc thiểu số sống trên những cao nguyên thì ưa thích lắm. Cho nên, kinh sách tưởng giải là kinh sách màu mè bên ngoài, dễ quyến rũ những người nhẹ dạ mù quáng cả tin.

Một người có kiến thức văn hóa đạo đức Phật giáo nguyên thủy thì những kinh sách này không thể lừa dối họ được. Các con cứ đọc lại kinh sách Đại thừa, thiền Đông Độ, Nam tông do thầy tổ và các sư viết, toàn là những kinh sách lấy lời, lấy ý của hệ phái này và bắt chước kiến tưởng giải của các hệ phái kia và nhất là dựa vào 62 luận thuyết của Bà La Môn Giáo viết ra. Cho nên kinh sách đó không phải là kinh sách Phật giáo, mà là kinh sách phát triển do thầy tổ chịu ảnh hưởng tư tưởng kiến tưởng giải của Lục Sư Ngoại đạo. Vì vậy, khi viết và biên soạn ra kinh sách có những điều các con cần lưu ý:

Viết những điều đã có kinh nghiệm tu tập của chính các con đã tu tập được, đã làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt sinh tử luân hồi. Nói tóm lại là các con tu tập đã chứng quả A La Hán xong thì mới viết kinh sách, còn chưa chứng quả A La Hán thì đừng nên viết một điều gì cả các con ạ! Bởi vì khi tu chưa chứng đạo mà viết sách là một tai hại rất lớn cho đời, vì viết cái mình không biết chỉ do trí tưởng tượng, thật là tai hại vô cùng. Sách viết như vậy là viết sách giết người, giết mình. Giết người là tạo ra sự mê tín mù quáng cho người, làm hao tốn tiền bạc của người (cầu cúng), làm hao sức lực tu tập (niệm Phật) và đôi khi ngồi thiền có thể đi đến bệnh tật rối loạn thần kinh (thiền định); giết mình là bị danh lợi lôi cuốn vào các ác pháp, nhất là làm mất chủng tử tu hành. Cho nên, chỉ vì danh một chút xíu mà các con giết bao thế hệ loài người. Các con có biết không?

Các con cứ nhìn xem kinh sách Đại thừa, Thiền tông và kinh sách Nam Tông do các sư tu hành chưa đến đâu viết. Đó là một loại kinh sách giết người, giết mình. Các nhà Đại thừa, Thiền tông và các sư Nam tông viết kinh sách giống như các nhà học giả, nghiên cứu kinh sách Nguyên thủy của Phật rồi viết theo sự hiểu biết bằng tưởng giải của mình. Cho nên nếu ai chịu khó xét cho kỹ thì kinh sách đó chỉ là lấy ý, lấy lời bằng những tưởng giải trong kinh sách nguyên thủy, nên nghĩa lý thực hành tu tập không đúng như lời Phật dạy. Bởi kinh sách do nghiên cứu sưu tập viết ra là một tai hại rất lớn cho đời. Vì thế, kinh sách này đâu dám tuyên bố tu tập chứng đạo A La Hán trong 7 ngày, 7 tháng, 7 năm như trong kinh nguyên thủy của Phật dạy.

Nói về chứng đạo thì kinh sách này không dám nói chứng đạo mà còn bài bác, chống đối lại những kinh sách nguyên thủy của Phật giáo, họ cho kinh sách nguyên thủy Phật giáo là kinh sách ngoại đạo, là phàm phu thiền và còn nói lớn tiếng: “TU CÒN THẤY CHỨNG ĐẮC LÀ CHƯA CHỨNG ĐẮC”. Cuối cùng họ còn khẳng định con đường tu tập của họ: “VÔ SỞ ĐẮC”. Đó là những ngôn từ che đậy những kinh sách không có lợi ích thiết thực, Vì thế, những kinh sách này chẳng bao giờ dám to tiếng tuyên bố tu chứng đạo vô lậu, làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi bao giờ.

Chờ khi nào các con tu tập chứng đạo xong rồi viết kinh sách, thì những kinh sách đó mới có một giá trị vô giá, vì nó mang lại lợi ích rất lớn đối với mọi người tu tập (Kinh sách này thuộc loại kinh sách quý hiếm, nó là kinh nghiệm sống của người tu chứng quả A La Hán, giống như kinh sách Pháp Cú của Phật vậy).

Bởi vậy, viết những điều nghiên cứu trong kinh sách rồi nghĩ tưởng theo tưởng giải của mình, có nghĩa là các con không có kinh nghiệm tu hành chứng đạo, nhưng vì háo danh, vì muốn tỏ ra mình hiểu biết Phật pháp hơn thiên hạ, hoặc vì muốn làm thầy thiên hạ, muốn dạy đời, nên tưởng tượng ra mà viết hoặc lấy lời, lấy ý của những người khác trong các kinh sách của các hệ phái tôn giáo khác. Kinh sách viết như vậy không có giá trị và không lợi ích thiết thật cho đời, kinh sách như vậy không tu hành được, đó là kinh sách tưởng.

Khi tu tập chưa xong, kinh nghiệm tu hành chưa có, chỉ dựa vào những kiến tưởng giải của những học giả xưa và nay còn ghi lại trong kinh sách Đại thừa, Thiền tông, Nam tông rồi các con dựa theo đó nghiên cứu viết ra làm sách của mình. Thật xấu hổ lắm các con ạ! Tại sao xấu hổ các con? Lấy của người làm của mình là ăn cắp, mà ăn cắp là xấu hổ chứ sao. Các con có biết không?

Những loại kinh sách này đem ra áp dụng tu tập để làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì kết quả chắc chắn sẽ không bao giờ làm chủ bốn sự đau khổ này được. Bởi kinh sách này là kinh sách vay mượn nhiều kinh sách kiến tưởng giải, không do kinh nghiệm tu tập, các con ạ!

Giới thứ hai trong NGŨ GIỚIcó dạy không nên tham lam trộm cắp, vậy mà các con ăn cắp văn, ăn cắp ý của người khác để viết thành sách của mình, thì đó là phạm giới, các con có biết không? Cuốn sách chỉ nhai đi, nhai lại những ý mà kinh sách Đại thừa và Thiền tông đã nói rất nhiều lần nên nó có gì mới lạ đâu, loanh quanh thêm thắt làm ra vẻ mới mẻ, như vẽ rắn thêm chân, chứ có mới mẻ chỗ nào đâu.

Kinh sách như vậy mà đưa lên mạng, khiến cho mọi người phải mất nhiều thì giờ đọc thì thật là tội nghiệp. Bây giờ, những loại kinh sách này rất nhiều loại. Khi bước vào một cửa hàng buôn bán sách lớn ở TP Hồ Chí Minh hay TP Hà Nội, nhìn lên kệ sách thì thấy đủ loại kinh sách Đại thừa, Tiểu thừa, Nam tông như rừng, nhất là Thiền tông thì đủ các loại thiền như: thiền Nhật Bản, thiền Mỹ, thiền Tây, thiền Trung Hoa, thiền Trúc Lâm Việt Nam, thiền Thái Lan, thiền Miến Điện, v.v… Thật là rừng thiền, nhìn vào không biết chọn cuốn sách nào mà đọc, để có lợi ích.

Kinh sách dạy tu hành để chứng thiền, chứng đạo giải thoát mà bày bán la liệt như vậy thì các con nghĩ sao về những loại kinh sách này? Nó có một giá trị chân thật chứng đạo hay là một loại kinh sách “DỎM”?

Muốn biết chắc điều này, thì các con lần tìm đến những tác giả và xin diện kiến, rồi quan sát đời sống của họ thì các con biết ngay liền. Tác giả viết sách thiền mà chẳng nhập thiền nhập định được, thì đó là thiền gì? Các con cần lưu ý để tránh xa, không khéo uổng phí một đời tu hành mà chẳng ra gì.

Đến đây, Thầy xin chấm dứt buổi nói chuyện hôm nay và kính chúc thăm các con thân tâm được dồi dào sức khỏe, và nhớ luôn sống với lòng yêu thương và tha thứ mọi người, để tâm các con được thanh thản, an lạc và vô sự.

Thân thương chào các con

✿✿✿