Tâm Thư Ngày 20-10-2006
TU LẠI TỪ ĐẦU
Kính gửi: Kim Tiên.
I/ Ngồi thiền vắng bặt vọng niệm là thiền ức chế tâm, thuộc về Thiền Đông Độ. Con nên lưu ý.
1- Khi ức chế không nổi thì vọng niệm tuôn trào: “vọng niệm trở lại nhiều”.
2- Còn lúc bặt vọng niệm thì không suy tư được, chỉ suy nghĩ về “đề mục” đang tu, đó là ý thức vô phân biệt. Tu hành như vậy là làm liệt ý thức, không lợi ích, đó là lối tu theo thiền Đông Độ, chỉ cố gắng diệt vọng niệm (chẳng niệm thiện niệm ác). Phật giáo nguyên thuỷ không chủ trương diệt vọng niệm ý thức, mà diệt niệm ác bằng ý thức, lấy ý thức làm chủ (ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp). Con đã tu sai rồi, hãy sửa lại, đừng tu tập pháp đó nữa.
II/ Nghe và cảm nhận hơi thở như một loạt bong bóng đẩy lên chìm xuống, trạng thái này là tưởng tức do con tu hơi thở sai, không theo 16 đề mục hơi thở của Phật dạy; tu theo pháp môn Minh Sát phồng xẹp thở theo cơ bụng nên bị thinh, thọ tưởng của hơi thở. Phải đình chỉ ngay cách tu tập này.
III/ Do tu ức chế tâm, không xả tâm, nên khi tiếp xúc và va chạm với mọi người thì con bị chao đảo như bị say sóng, đó là do con không tu Định Vô Lậu. Không tu Định Vô Lậu mà chỉ tu ức chế tâm nên con bị mất ngủ. Tu ức chế tâm mà không nhập vào Không Vô Biên Xứ được, nên có sự phản ứng của ý thức, vì thế con không làm chủ được tâm (nên vừa ngồi thì tâm ý mãnh liệt muốn đứng dậy).
Người mới vào tu phải giữ gìn giới luật nghiêm túc; để giữ gìn giới luật nhiêm túc mà không bị ức chế thân tâm thì phải tu quán các đề mục như:
1- Quán thân bất tịnh
2- Quán pháp vô thường
3- Quán thọ thị khổ
4- Quán tâm vô ngã
Còn khi tu ức chế tâm vắng bặt vọng niệm, rồi sau đó tu quán là con bị tưởng tuệ.Con nên theo lớp học Chánh Kiến để quán đúng chánh pháp của Phật thì sẽ cảm nhận sự giải thoát của thân tâm, còn quán như con là tu quán chung chung, nên kết quả ít lắm.
Để đẩy lui được bệnh khổ thì con nên tu tập đề mục thứ năm của Định Niệm Hơi Thở. Đây mới là pháp làm chủ bệnh của Phật: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đó là đề mục của hơi thở để trị bệnh khổ của Phật giáo. Còn con tu nhìn thẳng vào cảm thọ đó là phương pháp của các Tổ.
Đọc bức thư thứ hai của con Thầy thấy con đã tu sai pháp hết rồi, nên mới đưa đến tình trạng rối loạn thân tâm như con đã trình trong thư.
Thiền của Phật mà từ xưa đến giờ người ta đã quan niệm sai. Cứ dùng pháp ức chế tâm cho hết vọng niệm.
Thiền của Phật do từ giới luật mà có định; do từ giới luật mà có định là phải sống đúng đức hạnh không làm khổ mình, khổ người, sống như người bình thường nhưng giới luật nghiêm túc, không vi phạm những lỗi nhỏ nhặt, nhờ đó tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ là định của Phật, chứ không phải tu tập cho hết vọng niệm. Con có hiểu chưa?
Con đã bỏ hết cuộc đời, bỏ mặc chồng con để tu hành, thế mà con tu được những gì đây? Thầy thương cho các con, tội nghiệp cho các con nhưng biết làm sao bây giờ.
Hãy bắt đầu tu lại từ đầu, hãy vào lớp Chánh Kiến, lớp Chánh Tư Duy rồi lần lượt tu học đến lớp Chánh Định thì mới chứng quả A La Hán vô lậu hoàn toàn.
Tu mà tâm không thanh thản, an lạc và vô sự là tu sai hết rồi con ạ!
Phật dạy: “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, tức là thấy ngay sự giải thoát, không thấy ngay sự giải thoát là tu sai con ạ!
Thầy ước nguyện cho tất cả chúng sanh ngộ được chánh pháp của Phật để tu tập giới luật, đừng tu tập ức chế tâm không vọng niệm. Ức chế tâm không vọng niệm là một điều sai trong Phật pháp. Xin mọi người lưu ý.
Thăm và chúc con thân tâm thường an lạc, nhớ xả tâm tốt.
Thầy của con
✿✿✿