XIN Ý KIẾN TRIỂN KHAI GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI

Tâm Thư Ngày 02-5-2006

BỨC TÂM THƯ GỬI NHÀ CHỨC TRÁCH

Kính gửi: Ông (Bà)...... Như mọi người đều biết, lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu rất chăm lo việc giáo dục đạo đức, xây dựng con người mới. Trước lúc vĩnh biệt chúng ta, trong di chúc, Bác cũng thiết tha căn dặn toàn Đảng toàn dân điều này.

Trong đời sống, con người vô đạo đức hành động của họ không khác gì một con thú vật.

Một gia đình thiếu đạo đức là một gia đình đau khổ.

Một xã hội thiếu đạo đức là một xã hội mà mọi người sống gian ác, xảo trá, lường gạt, bon chen chà đạp lên nhau để cướp miếng ăn, của cải vật chất và danh lợi. Ở đó, đồng tiền được xem là trên hết.

Một đất nước không có đạo đức là một đất nước không phồn vinh thịnh trị, mưa không thuận gió không hòa, thường xảy ra trộm đạo cướp của giết người, bạo loạn binh đao xung đột khiến cho đất nước đó không an bình.

Khi đạo đức bị băng hoại, lương tri và lương năng cũng biến mất. Nhà nước phải dùng pháp luật để ngăn cấm và trừng trị những kẻ phạm tội, nhưng pháp luật là pháp luật. Với những người vô đạo đức thì họ chẳng bao giờ sợ pháp luật. Khi được trả tự do họ lại chứng nào tật ấy nhất là những người đã thành đầu trộm đuôi cướp, du côn du đãng.

Vì vậy, đạo đức và việc giáo dục đạo đức rất quan trọng đối với cuộc sống hằng ngày của con người.

Từ xưa đến nay, con người đã nói rất nhiều về đạo đức. Mỗi xã hội loài người lại có những yêu cầu và chuẩn mực riêng về đạo đức, nhưng những đạo đức ấy chưa đủ, chưa mang đến sự bình an cho loài người. Nhất là hôm nay với sự tiến bộ vượt bực của khoa học toàn cầu đang vào thời kỳ công nghiệp hóa. Vật chất càng nhiều, đời sống con người càng đầy đủ tiện nghi thì tâm tham đắm đòi hỏi càng nhiều. Tâm tham đắm và đòi hỏi càng nhiều thì đạo đức sẽ mất dần, con người sẽ phải chuốc khổ đau nhiều hơn.

Có người lầm cho rằng vật chất càng nhiều; cuộc sống tất phải hạnh phúc. Điều này không đúng. Vật chất càng nhiều sẽ càng nhiều bon chen, đua đòi; con người sinh tâm hung ác giết hại lẫn nhau; ai ai cũng nghĩ đến danh lợi. Người ta sẽ không còn nghĩ đến đạo đức. Khi đã vì danh lợi, lúc ấy, con người chẳng khác một con thú hung dữ.

Trên hành tinh này, hôm nay đạo đức đang xuống dốc không riêng ở một nước nào. Nạn khủng bố giết người vô tội vạ, những hành động man rợ, tham nhũng, sa đọa, phi nhân tính ngày càng gia tăng.

Vì thế với chúng ta, việc giáo dục đạo đức xây dựng con người mới là việc làm của toàn Đảng toàn dân, của mọi ngành, của mọi nhà, mọi người là sự kết hợp trong nhà trường và ngoài nhà trường, là trách nhiệm và hành động thiết thực của mọi người dân yêu nước.

Muốn chấm dứt khổ đau của con người trên hành tinh này, thì không có phương cách nào tốt hơn là xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả tự mỗi người sống không làm khổ mình khổ người.

Với tấm lòng thiết tha yêu thương con người, yêu cuộc sống, yêu đất nước quê hương. Tu Viện chúng tôi soạn bộ sách “Đạo đức Làm Người” gồm 24 tập.

Bộ sách “Đạo Đức Làm Người” ra đời là ngăn chặn những hành động ác - làm khổ mình khổ người. Nó nhằm quân bình vật chất và tinh thần giúp cho cuộc sống bình ổn an vui.

Bộ sách xác định cho chúng ta biết hành động thế nào là thiện, thế nào là ác.

Bộ sách “Đạo Đức Làm Người” sẽ chỉ bày cho chúng ta đạo đức vệ sinh: Vệ sinh môi trường sống, vệ sinh đời sống đối với mình, với người, vệ sinh cơ thể, vệ sinh tư tưởng, v.v... Nó còn dạy cho chúng ta đạo đức giao thông, đạo đức hiếu sinh, đạo đức buông xả (không tham lam trộm cắp) đạo đức chung thủy; đạo đức thành thật và uy tín; đạo đức khôn ngoan; đạo đức cha mẹ với con cái; đạo đức con cái với cha mẹ; đạo đức chồng đối với vợ; đạo đức vợ đối với chồng; đạo đức thầy đối với học trò; đạo đức học trò đối với thầy; Đạo đức lời nói; cách xưng hô nói chuyện với mọi người, những văn hóa giao tiếp ứng xử hằng ngày, v.v...

Trên đây là hai tập (một và hai) của bộ sách “Đạo Đức Làm Người” 24 tập, được Nhà Xuất bản Tôn giáo - Ban Tôn giáo Chánh phủ cùng Tu Viện Chơn Như là đối tác liên kết xuất bản lần lượt giới thiệu trong năm 2006 - 2007.

Chúng tôi xin trân trọng kính gửi tới Ông (Bà)...... nghiên cứu xem xét nội dung sách đạo đức, và cho biết ý kiến giúp đỡ chúng tôi trong việc triển khai giáo dục đạo đức con người theo định hướng của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, con người mới. Góp phần thiết thực xây dựng những khu dân cư văn hóa.

Tại Long Thành - Đồng Nai có người hiến cúng 2 ha đất vườn cây ăn quả nên Tu Viện Chơn Như có nguyện vọng đang xin cấp cho giấy phép để xây dựng một điểm ở Long Thành - Đồng Nai, lấy tên là “Trung tâm An dưỡng Chơn Lạc”.

Đây là một tổ chức từ thiện nhằm đáp ứng yêu cầu nghỉ ngơi của người có tuổi hoặc người yếu sức. Nếu có giấy cho phép của địa phương hoặc cơ quan, Trung tâm có thế tiếp nhận an dưỡng.

Về vật chất, người an dưỡng ăn thức ăn chay thanh tịnh hợp lý.

Về tinh thần, được nghỉ ngơi, tập pháp thư giãn, tâp tĩnh giác - thiền định, học đạo đức theo chương trình nội dung bộ sách “Đạo Đức Làm Người” đã được xuất bản.

Chúng tôi thiết tha mong được sự nghiên cứu xem xét nguyện vọng và được sự chỉ đạo cổ vũ quan tâm giúp đỡ của Ông (Bà)...... để chúng tôi được tham gia tích cực trong sự nghiệp xây dựng đạo đức con người mới, cuộc sống mới, cũng như đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người để có một cuộc sống mọi người thực sự ấm no, hạnh phúc.

Kính thư

Viện chủ Tu Viện Chơn Như

Trưởng lão Thích Thông Lạc

✿✿✿