TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA DIỆU HIỀN

Tâm Thư Ngày 16-11-2000

I. CHỈ CÓ VƯỢT QUA

Hỏi: Kính thưa Hòa Thượng, xin Hòa Thượng chỉ dạy cho con được rõ:

Đứng lại thì chìm xuống, bước tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua”. Vậy bước tới và vượt qua khác nhau như thế nào? Con chưa hiểu hết ý ba câu này.

Đáp: Bước tới và vượt qua là hai danh từ khác nhau và nghĩa cũng khác nhau. Để nêu lên ví dụ thì con dễ hiểu hơn.

Ví dụ 1: Có người chửi mắng con; con không chửi mắng lại mà tâm con tức giận, phiền muộn, đau khổ, đó là nghĩa của sự đứng lại.

Ví dụ 2: Có người chửi mắng con; con liền chửi mắng lại, đó là nghĩa của sự tiến tới.

Ví dụ 3: Có người chửi mắng con; con không chửi mắng lại và cũng không giận hờn người đó, đó là nghĩa của sự vượt qua.

Vì sự nghiệp giải thoát của Phật giáo, đệ tử của đức Phật phải thông suốt lý này, nên cuộc sống hằng ngày không chấp nhận đứng lại, vì đứng lại là thiếu đạo đức đối với mình, tự làm khổ mình, không chiến thắng được hoàn cảnh hiện tại, không chuyển hóa được nhân quả; đó là những người thiếu tri kiến giải thoát, phi đạo đức nhân bản làm người. Người như vậy đối với đạo Phật được xem là người vô minh và hèn nhát.

Vì sự nghiệp giải thoát của đạo Phật, người đệ tử của đức Phật không chấp nhận tiến tới, vì tiến tới sẽ làm khổ mình, khổ người; làm khổ mình, khổ ngườilà người phi đạo đức nhân bản làm người. Người như vậy đối với đạo Phật được xem là người ngu si, người mê muội, người không tĩnh giác. Người như vậy được xem là một ác thú chỉ biết gầm hét, đánh đá, cắn xé nhau, tranh giành, chà đạp lên nhau vì vật chất, vì miếng ăn manh áo, v.v...

Vì sự nghiệp giải thoát của đạo Phật, người đệ tử chân chánh của đức Phật chấp nhận sự vượt qua, vì vượt qua là không làm khổ mình, khổ người; không làm khổ mình, khổ người là người có đầy đủ đạo đức nhân bản làm người; là người có trí tuệ tri kiến giải thoát; là người có đầy đủ trí tuệ nhân quả, biết chuyển hóa được nhân quả; là người khôn ngoan, minh mẫn tĩnh giác; là người đệ tử xứng đáng của đức Phật; là người biến cảnh thế gian thành Thiên Đàng, Cực Lạc; là người đầy đủ Phạm hạnh tâm bất động trước các ác pháp, là bậc chân nhân, là người giải thoát khỏi phiền toái của cuộc đời, là người làm chủ được sanh y; là người thiện hữu xứng đáng cho chúng ta làm bạn. Người như vậy là ngọn đuốc sáng soi đường cho chúng ta đi, là tấm gương soi để cho chúng ta soi chiếu lại mình.

✿✿✿

II. NHẪN NHỤC, TÙY THUẬN, BẰNG LÒNG

Hỏi: Kính bạch Thầy, có một công việc biết là sai, nhưng phải tùy thuận làm, cuối cùng thì phí công, phí của, chẳng lợi ích gì cho mình, cho người. Vậy phải tùy thuận như thế nào? và tùy thuận không bị lôi cuốn nghĩa là sao? Xin Thầy cho ví dụ.

Đáp: Biết việc làm không lợi ích cho mình, cho người, làm sẽ hoài công vô ích mà cứ làm, đó là người không trí tuệ, chứ không phải sống tùy thuận.

Biết việc làm không lợi ích cho mình, cho người, làm sẽ hoài công vô ích, vì thế không làm, nhưng không chống trái lại việc làm của người khác, mặc dù mình có góp ý nhưng có nghe hay không nghe đó là quyền của người khác, đó là sống tùy thuận.

Thấy việc ác không làm theo, nhưng không chống trái việc làm ác của họ, mặc dù chúng ta đã có lời khuyên, đó là sống tùy thuận.

Người ta chửi mắng mình; mình không chửi mắng lại người, nhưng trong lòng có phiền não tức giận là sống nhẫn nhục trong tùy thuận.

Người ta chửi mắng mình mà mình không chửi mắng lại, không giận hờn phiền não, đó là sống tùy thuận.

Người ta mời mình đi đánh bạc mà mình khéo léo từ chối không đi đánh bạc là người sống tùy thuận.

Người ta mời mình uống rượu mà mình lấy cớ bị bịnh không uống rượu được, đó là sống tùy thuận.

Tùy thuận mà không bị lôi cuốn phải sống như thế nào?

Ví dụ, mình là người ăn chay mà đi dự tiệc cưới, hay đám giỗ hoặc đám ma chay, khi ngồi vào bàn tiệc mình tìm bánh, trái cây để ăn, không ăn thịt, cá, đó là tùy thuận mà không bị lôi cuốn.

✿✿✿

III. TU CÓ ĐỐI TƯỢNG

Hỏi: Kính thưa Thầy, trong cuộc sống hằng ngày con phải va chạm rất nhiều người và sự việc khiến tâm con bất an. Có phải chăng, nếu con cứ gặp hoài là con không biết tránh duyên? Còn nếu con tránh gặp có phải là con tu không có đối tượng? hay tại con chưa biết tu?

Đáp:Đúng vậy, chính vì phần đông người ta tu theo đạo Phật, nhưng có mấy ai đã tu đúng theo giáo pháp của đức Phật; mọi người đã tu lạc vào giáo pháp Bà La Môn.

Giáo pháp của Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp”hay: “Các pháp ác chớ nên làm”. Nếu chúng ta cố tránh duyên thì làm sao có ác pháp đâu để tu tập; nhờ có ác pháp mới thấy được tâm giải thoát, “phiền não tức Bồ đề” là vậy.

Cho nên, người tu theo đạo Phật phải nghiên cứu và tìm hiểu cho rõ ràng lời dạy của đức Phật rồi mới tu tập, đừng vội cứ nghe đâu nói là Phật thuyết rồi cứ tin theo thì tiền mất tật mang mà còn phí công vô ích.

Có nhiều người hiểu lầm cần phải tránh duyên để sống một mình trong thất tu tập thiền định, sau một thời gian tu tập, chừng nào tâm có nội lực rồi mới tiếp duyên, đó là sự hiểu biết theo kiểu tu tập giáo pháp của Bà La Môn chứ không phải của Phật giáo.

Đức Phật dạy “sống độc cư”, không có nghĩa là sống tránh duyên, mà sống trong mọi hoàn cảnh, mọi duyên nhưng tâm KHÔNG PHÓNG DẬT, tức là sống ngăn ác, diệt ác pháp; tức là sống ly dục, ly ác pháp; tức là sống an trú trong Sơ Thiền.

Từ cuộc sống đó chúng ta suy ra, HẠNH ĐỘC CƯtức là sống trong các chướng ngại mà tâm không hề dao động.

Muốn được vậy, thì người tu theo đạo Phật cần phải có đối tượng để tu tập, vì tu tập trong đối tượng nên phải lấy giới luật làm sự sống, làm thành lũy bảo vệ, làm sự phòng hộ sáu căn, làm Phạm hạnh của bậc Phạm thiên.

Nếu tu tập không có đối tượng là tu theo ngoại đạo, là độc cư theo ngoại đạo, hành theo pháp ngoại đạo. Ngược lại, tu theo đạo Phật sống không tránh né các đối tượng mà tâm không phóng dật tức là sống độc cư, sống trầm lặng, vì thế, thiền định của đạo Phật là THIỀN XẢ TÂM, còn tất cả các loại thiền định khác đều là THIỀN ỨC CHẾ TÂM.

Trong hoàn cảnh của con mà tu tập theo đạo Phật thì phải được trang bị với trí tuệ giới luật, tức là đạo đức làm Người, làm Thánh; đạo đức làm Người, làm Thánh tức là đạo đức không làm khổ mình, khổ người.

Khi được trang bị với đạo đức như vậy mà con khéo áp dụng vào đời sống hằng ngày thì chính là con tu tập theo đạo Phật, và tu tập như vậy mới thật sự là thiền định.

Thiền định của đạo Phật là một loại thiền định thực tiễn giải thoát trong đời sống của chúng ta. Nếu đã tu tập theo đạo Phật thì chúng ta sẽ tìm thấy sự giải thoát ngay liền, tức là tâm chúng ta thanh tịnh, có nghĩa là tâm chúng ta không còn tham, sân, si và không còn phiền não, đau khổ, bất toại nguyện nữa.

Cho nên, người tu hành theo pháp môn của đức Phật càng có đối tượng, càng có chướng ngại pháp thì sự tu nhanh hơn người tu không có chướng ngại. Nhưng sự tu hành có chướng ngại pháp thì người tu sĩ phải có ý chí lớn - “cưỡi cá kình vượt sóng to” - phải có nghị lực dũng mãnh, phải có gan dạ phi thường, phải có bền chí dẻo dai thì mới tu nổi.

Đạo Phật tu không khó, nhưng khó ở chỗ này, các con nên nhớ lấy: “Tu sai một đường tơ, ngàn năm không thấy đạo”. Chỉ một đường tơ tu sai thì lạc đi hơn ngàn vạn dặm. Đừng nghĩ rằng pháp môn tu nào tu tới rốt ráo cũng về một chỗ. Đừng nghĩ chung chung như vậy không bao giờ có được, vì mỗi con đường đều dẫn về một con đường khác nhau.

Người ở đời muốn cho các tôn giáo hòa hợp, nên mới có những tư tưởng như vậy, nhưng các tôn giáo đều có một mục đích khác nhau, nhất là đối với đạo Phật không có thế giới chân thật; thế giới chỉ là duyên hợp thì làm sao về cùng một mục đích được.

✿✿✿

IV. CHỈ LỖI NGƯỜI PHẠM GIỚI

Hỏi: Kính thưa Thầy, thấy quý thầy tu phạm giới, nếu mình nói ra có phải là mình phạm giới hay không? Trong Bồ Tát giới dạy: “Nếu nói lỗi của tu sĩ sẽ bị tội đọa”. Một cư sĩ có thể nói lỗi của người xuất gia được không? trường hợp này mình phải làm thế nào?

Đáp: Bồ Tát giới là giới luật của các Tổ đặt ra để bịt miệng các cư sĩ, để mọi người không được nói lỗi của tu sĩ. Đó là lối hăm dọa để ngăn chặn người khác nói lỗi mình, để các vị tỳ kheo tăng và ni tự do phá giới luật Phật, đó là mục đích của Bà La Môn có chủ tâm diệt Phật giáo.

Vì như lời đức Phật dạy: “Giới luật còn là Phật giáo còn; giới luật mất là Phật giáo mất”. Do đó, Bà La Môn biết được như vậy nên chế ra Bồ Tát giới, có mục đích là diệt Phật giáo, tạo điều kiện cho tu sĩ Phật giáo phá giới bằng cách thêm bớt trong kinh sách nguyên thủy rất nhiều.

Các Bà La Môn rất khôn khéo bịa đặt ra câu chuyện để sau này chúng tỳ kheo phá giới mà không có tội: “Trong thời đức Phật còn tại thế, lúc bấy giờ có một vị tỳ kheo trời tối mờ mịt còn ôm bình bát đi khất thực để ăn tối, đến một nhà kia đứng trước cửa. Người chủ nhà mở cửa, thấy một bóng đen đứng lù lù; bà ta sợ hãi và té xỉu. Khi tỉnh lại, bà chửi tan nát vị tỳ kheo ấy. Do đó, khi hay được tin này đức Phật mới chế ra giới cấm ăn phi thời, ngày ăn một bữa”.

Câu chuyện trên đây để chứng minh đạo Phật chấp nhận ăn uống phi thời, nhưng vì lý do xảy ra ở trên nên buộc lòng đức Phật phải chế giới cấm ăn phi thời. Điều này thật vô lý! Bởi vì muốn ly tham, đoạn ác, nên người tu sĩ đạo Phật mới không ăn phi thời, vì ăn phi thời là tâm còn tham; tâm còn tham là đi ngược lại với đạo Phật.

Mười ba năm đầu, tuy không chế giới luật, nhưng chúng tỳ kheo và đức Phật không ăn phi thời, vì họ sống đúng Phạm hạnh, cho nên trong kinh thường nhắc đi nhắc lại: “Vì sự nghiệp giải thoát Ta mới sống đời sống Phạm hạnh”. Thưa quý vị, sống đời Phạm hạnh có ăn phi thời không?

Giới luật còn là có người tu chân chánh; giới luật mất là không có người tu chân chánh, vì thế, hiện giờ thắp đuốc lên đi tìm một bậc chân tu của Phật giáo khắp năm châu bốn biển vẫn khó mà tìm thấy được.

Đối với Phật giáo, một người cư sĩ có quyền nêu rõ những vị tỳ kheo phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới mà không có lỗi gì cả. Tại sao vậy?

Tại vì những người dám chỉ thẳng lỗi của người xuất gia, là những người biết xây dựng tốt nhiều mặt cho đạo và cho đời:

1. Giúp cho các vị tỳ kheo trở lại tu tập theo con đường chân chánh: “Giới luật nghiêm chỉnh”.

2. Giúp cho các vị tỳ kheo không còn mượn chiếc áo đạo tạo cuộc sống thế gian.

3. Giúp cho các vị tỳ kheo không còn lừa đảo tín đồ và mọi người.

4. Khiến cho Phật giáo được hưng thịnh và trường tồn.

5. Khiến cho mọi người không còn khinh chê Phật giáo.

6. Khiến cho mọi người dù là người không tôn giáo cũng luôn luôn kính trọng Phật giáo.

Như vậy, sự chỉ trích và chỉ thẳng tội lỗi phạm giới của những vị tỳ kheo có ích lợi như vậy thì quý vị nghĩ sao? Dù cho thật sự có tội, nhất định chúng ta cũng không sợ phải không hỡi quý bạn? Là vì làm lợi ích cho đời, cho đạo quá rõ ràng.

Nếu chúng ta che dấu những vị tỳ kheo phạm giới, phá giới thì chúng ta có lỗi rất nặng, đó là tội a dua a tòng theo Bà La Môn diệt Phật giáo, và tội ác nặng nhất là làm mất đạo đức nhân bản của loài người.

✿✿✿

V. “ĐỐI CẢNH VÔ TÂM CHỚ HỎI THIỀN”

Hỏi: Kính thưa Thầy, “đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” và “tâm bất động trước các pháp” có phải giống nhau không?

Đáp: Không, “đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” và “tâm bất động trước các pháp” là hai pháp khác nhau như một trời một vực.

Câu “đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” có nhiều nghĩa như:

1. Tâm chai lì vì chịu đựng quá nhiều sự bất hạnh, nên lì mặt ra như không có chuyện gì xảy ra cả, nghĩa là quá quen thuộc với các ác pháp.

2. Tâm lọt vào chỗ không ngơ (như như) trở thành cây đá chẳng còn phân biệt giống như một cỗ máy. Hòa Thượng chùa Phước Hậu tu Tịnh độ ức chế tâm lọt vào chỗ như như, nên Hòa Thượng có để lại một bài kệ:

Kinh điển Phật truyền tám vạn tư

Tu hành không thiếu cũng không dư

Đến này chừng đã như quên hết

Chỉ nhớ trên đầu một chữ “Như”

Câu chuyện Hòa Thượng lội qua sông sau đây chắc nhiều phật tử nghiên cứu Thiền và Tịnh Độ tông cũng đã biết. Người ta kể lại, khi Hòa Thượng lội qua sông và lên bờ thì Hòa Thượng quên mặc quần áo, cứ để trần truồng mà đi; người thị giả chạy theo gọi Hòa Thượng mặc quần áo thì Hòa Thượng mới nhớ.

Tu hành mà trí tuệ quên như vậy thì quý vị nghĩ sao? có giống như người máy không? Đó chính là “đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Thiền định như vậy chúng ta tu để làm gì, để trở thành người mất trí ư?!

3. “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”, đó là một cụm từ rất kêu của Thiền tông dùng để nói lý thuyết, chứ không phải sự sống thiền là như vậy.

Thiền tông không ngờ, khi tu tập đến chỗ chẳng niệm thiện niệm ác, tưởng là đối cảnh vô tâm, nào ngờ lại trở thành lẫn trí. Trong khi chúng tôi về học và tu thiền ở Chân Không trong khóa tu thứ nhất, ở đấy có một vị Đại diện Phật giáo tại Tỉnh Vĩnh Long đồng tu học với chúng tôi. Không biết ông tu thế nào, nhưng sau này chúng tôi được biết ông trở thành người lẫn trí.

Trong cuộc đời tu hành của chúng tôi có biết bao nhiêu bạn tu thiền Đông Độ, nhưng chúng tôi chưa từng thấy người nào “đối cảnh vô tâm”, là vì tất cả quý vị hiện giờ đều hữu tâm. Hữu tâm như thế nào?

Chùa to, Phật lớn, xe cộ đầy đủ, nói chung về vật chất thế gian có vật gì thì quý thầy đều có đầy đủ như: tủ lạnh, máy điều hòa, radio, cassette, tivi, v.v... Như vậy làm sao gọi quý thầy là vô tâm được.

Bất Động Tâm Định là tên gọi một kết quả thiền định xả tâm của đạo Phật, để chỉ cho một quá trình tu tập đức hạnh và giới luật của bậc Thánh tăng, để diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp, chứ không phải là những danh từ suông như Thiền tông dùng “đối cảnh vô tâm”.

Bất Động Tâm Định là chỉ cho một trạng thái vô1 tham, sân, si của một hành giả tu tập đúng giáo pháp nguyên thủy, mà xưa kia đức Phật đã thành tựu viên mãn và đã từng dạy cho các đệ tử của mình.

Vậy khi chúng ta bị đánh rất đau, thì lúc bấy giờ chúng ta có VÔ TÂMđược hay không? Trái lại, BẤT ĐỘNG TÂMkhi bị đánh chúng ta không vô tâm nên biết đau rất rõ, nhưng chúng ta không giận người đánh, không phiền não cho số phận của mình, mà chúng ta biết nhân quả rất rõ, biết thiện ác không sai, biết tâm mình không dao động trước cái đau. Đó là tâm bất động trước các pháp.

Tóm lại, khi tu tập tâm hết tham, sân, si thì gọi là BẤT ĐỘNG TÂM TRƯỚC CÁC PHÁP,nó còn có một cái tên khác nữa là Vô Tướng Tâm Định; Vô Tướng Tâm Định đó là một trạng thái hoàn toàn giải thoát của đạo Phật. Chính nó là Niết Bàn của chư Phật.

✿✿✿

VI. KHỞI NIỆM THOẢI MÁI

Hỏi: Kính bạch Thầy, hằng ngày con cứ tác ý “khởi niệm thoải mái”, rồi xem niệm nào là niệm tham, sân, si thì con quán xét từ bỏ, nếu niệm nào là thiện, có lợi cho mình, cho người thì con tiếp tục theo niệm ấy. Bạch Hòa Thượng, đó có phải là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp không? Nếu con có hiểu sai, xin Hòa Thượng giảng cho con rõ.

Đáp:Đúng vậy, con đã hiểu đúng; cách thức tu tập thiền định của đạo Phật là như vậy, nên sự tu tập này đức Phật gọi là Định Tư Cụ, có nghĩa là phương pháp tu tập thiền định.

Con tu như vậy con có thấy kết quả giải thoát đau khổ không? Nếu có kết quả giải thoát tâm con không còn buồn rầu, sợ hãi, giận hờn, phiền toái, đau khổ, v.v... thì con đã tu đúng.

Nếu có thật sự như vậy tức là con đã ngăn và diệt được ác pháp; con hãy cố gắng tiếp tục tu tập để tạo cho mình một cảnh sống thiên đàng tại thế gian này. Hãy tự thắp đuốc lên mà đi con ạ! Không ai thay thế đi cho con được, mà phải chính con.

✿✿✿

VII. NHÂN QUẢ

Hỏi: Kính bạch Thầy, từ khi thầy Thông Vân bịnh, về Châu Đốc, sau ba, bốn ngày đầu thầy đã bình phục trí nhớ như cũ, chỉ có sức khỏe hơi kém. Từ khi bình phục, thầy giữ giới ăn một bữa trở lại và dạy chúng con theo đường lối của Hòa Thượng: “Tâm như cục đất”. Thầy còn định cho phật tử thọ Bát Quan Trai theo cách của Hòa Thượng. Lúc nào tâm trí của thầy cũng hướng về Hòa Thượng. Từ khi con theo thầy Thông Vân học đến nay, con thấy thầy hơn hẳn những vị thầy mà con đã biết. Nhất là về giữ gìn giới luật.

Bạch Hòa Thượng, tại sao thầy ấy lại phải trả một cái quả nặng? (Trước đây vài năm, thầy cũng đã một thời gian bịnh như vậy) bịnh này có còn tái phát nữa hay không? và làm sao để dứt trừ nó được? Con hỏi là vì chúng con quý thương thầy Thông Vân, chứ không phải cầu Hòa Thượng làm thầy bói. Mong Hòa Thượng thương xót mà giải thích cho chúng con hiểu.

Đáp:Bịnh của thầy Thông Vân là bịnh thần kinh bại liệt do nghiệp căn đời trước. Đời trước thầy cũng dạy người tu thiền định nhưng lại là thiền định ức chế tâm, nên có một số người thần kinh yếu kém, do sự tu tập ức chế tâm quá mạnh nên rối loạn thần kinh thành bịnh như thầy ấy hôm nay vậy.

Hiện giờ có một số người đang theo tu thiền Đông Độ, Mật tông và Tịnh Độ tông; họ đã bị bịnh thần kinh bại liệt, nhưng chúng ta không biết là vì các chùa đều bưng bít.

Vấn đề quan trọng là ở chỗ nhân quả. Nếu trong đời sống tu hành, chúng ta dạy người tu thiền mà có một người bị bịnh này thì chúng ta phải một lần trả quả thuộc về bịnh này, nếu có hai người bị bịnh thì phải trả quả hai lần, nếu có 3 người, 4 người, 5 người thì phải trả quả 3, 4, 5 lần bịnh này.

Cho nên Thầy khuyên các con muốn tu hành thiền định thì hãy chọn cho kỹ lưỡng. Pháp nào ức chế tâm dừng vọng tưởng, tập trung quá mạnh thì không nên tu tập, nếu lỡ thần kinh yếu kém bị bịnh thì rất khổ cho mình và cho những người thân thương của mình.

Bịnh này khi nào thầy Thông Vân trả hết nghiệp thì không còn tái phát nữa.

Muốn dứt trừ bịnh này bằng cách chuyển nghiệp thì thầy Thông Vân phải dạy phật tử tu tập thọ Bát Quan Trai xả tâm, chứ không nên dạy tu tập thọ Bát Quan Trai ức chế tâm, đồng thời thầy Thông Vân phải tu tập có đối tượng để xả tâm ly dục ly ác pháp, chứ không nên tu tập không đối tượng, vì tu tập không đối tượng thầy sẽ bị ức chế tâm và bịnh cũ tái phát. Tu tập như vậy có nghĩa là thầy sống tiếp duyên với mọi người bình thường, nhưng lúc nào cũng giữ gìn phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý và trên bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp thường xuyên quán xét và đẩy lui các chướng ngại pháp; tu tập rất bình thường nhưng lại không bị ức chế tâm, kết quả sẽ mang đến cho thầy một tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Nhờ sống chuyển nghiệp - dạy phật tử tu tập Bát Quan Trai - và biết cách phòng hộ và tu Tứ Niệm Xứ xả tâm thì bịnh thầy Thông Vân không bao giờ tái phát.

Pháp môn tu hành của đức Phật là pháp môn xả tâm tham, sân, si, nhưng người tu không thiện xảo cũng sẽ bị ức chế tâm,và như vậy là tu sai pháp.

Giới luật là một đạo đức, nếu chúng ta sống không biết cách xả tâm thì đạo đức kia chỉ là một thứ đạo đức giả, có nghĩa là ức chế tâm chịu đựng dưới hình thức giới luật. Mà đã ức chế tâm dưới mọi hình thức nào thì cũng có thể bị bịnh bại liệt thần kinh.

Thầy gửi lời thăm và chúc con vui mạnh, tu tập xả tâm tốt.

Kính thư

Thầy của các con

✿✿✿