Thư Trả Lời Các Câu Hỏi
Hỏi 1: Kính bạch Thầy, chúng con là những người mới vào tu, kinh điển Thầy giảng dạy quá nhiều, nhất là giáo án đường lối tu tập của đạo Phật rất là mênh mông, từ giới đức, giới hạnh, giới tuệ đến giới hành. Chúng con như người lạc vào rừng rậm, chẳng biết lối nào ra. Vậy ngưỡng mong Thầy từ bi thương xót chỉ vạch cho chúng con lối ra.
Đáp: Người mới bắt đầu tu tập theo Đạo Phật thì phải SỐNG ĐÚNG GIỚI LUẬT. Muốn sống đúng giới luật thì người tu sĩ phải HỌC GIỚI LUẬT CHO THÔNG SUỐT, mỗi giới luật phải biết đức hạnh giới luật ở đâu, và hành giới chỗ nào, để thân khẩu ý không phạm giới, giới luật không bị bẻ vụn, ngày ngày sống đúng giới hạnh.
Kế đến, lấy giới bổn PHÒNG HỘ 6 CĂN, không cho mắt dính sắc, tai dính tiếng, mũi dính mùi, lưỡi dính vị, va chạm dính thọ, ý dính pháp.
Kế nữa, phải tập sống đời sống THIỂU DỤC TRI TÚC.
Hằng ngày chia thời gian TU TẬP CÁC ĐỊNH:
1. Định Chánh Niệm Tĩnh Giác (Thân Hành Niệm).
2. Định Niệm Hơi Thở (ổn định hơi thở bình thường, tập tụ điểm).
3. Định Vô Lậu: quán, hướng, xả (bất tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã, v.v...).
4. Định Chánh Niệm Tĩnh Giác câu hữu Pháp Hướng Vô Lậu.
5. Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Pháp Hướng Vô Lậu.
6. Định Chánh Niệm Tĩnh Giác câu hữu với Định Niệm Hơi Thở.
Tất cả các pháp hành này đều nhắm vào diệt ngã, xả tâm ly dục ly ác pháp, để tâm được giải thoát (an lạc, thanh thản và vô sự).
Đây là GIAI ĐOẠN THỨ NHẤTmà một vị tu sĩ cần phải chấp hành nghiêm chỉnh, tu tập hằng ngày không được biếng trễ.
✿✿✿
Hỏi 2: Kính bạch Thầy, làm sao biết được tâm mình hết lậu hoặc.
Đáp: Tâm hết lậu hoặc là tâm thường quay vào trong thân, không phóng dật theo sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; trạng thái tâm lúc này thanh thản và an lạc, tâm tư phát khởi điều thiện đối với các pháp. Luôn nghĩ tốt về mọi người, không bao giờ có ý nghĩ xấu với người khác.
Ngược lại, tâm chưa hết lậu hoặc thường lo xa, suy tư chuyện này đến chuyện kia, khởi tâm ham muốn cái này cái kia hay sanh ra việc làm phá hạnh độc cư nói chuyện phiếm, thân tâm luôn hữu sự, đầu óc đầy ắp những sự việc.
✿✿✿
Hỏi 3: Kính bạch Thầy, con chỉ tu một pháp hướng: “Tâm như đất” hằng phút, hằng giây, hằng giờ; con liên tục hướng tâm mình như vậy, có hết lậu hoặc (phiền não) không thưa Thầy?
Đáp: Không, tu như vậy không bao giờ hết lậu hoặc (phá sạch phiền não).
✿✿✿
Hỏi 4: Kính bạch Thầy, con tập sống đúng giới luật của Phật, không vi phạm một lỗi nhỏ, hằng ngày con tu một pháp hướng: “Tâm như đất” có kết quả hết lậu hoặc không?
Đáp: Chỉ được 50% chứ không dứt hết lậu hoặc.
✿✿✿
Hỏi 5: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật và con nhìn cuộc sống bằng đôi mắt nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và con tu tập chỉ một pháp hướng: “Tâm như cục đất” hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây, như vậy tâm con có hết lậu hoặc không, thưa Thầy?
Đáp: Hết, tu như vậy tâm con sẽ ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm. Cuộc sống tâm hồn con sẽ an lạc, thanh thản như đất.
✿✿✿
Hỏi 6: Kính bạch Thầy, con sống không đúng giới luật, nhưng con tu Chánh Niệm Tĩnh Giác Định kết hợp với Định Vô Lậu hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, như vậy có diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp được chăng?
Đáp: Chỉ hoài công vô ích, con tu như vậy giống như người nấu cát mà mong thành cơm.
Hỏi 7: Kính bạch Thầy, con không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, nhưng con sống với đôi mắt nhìn đời bằng nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và tu tập định Chánh Niệm Tĩnh Giác câu hữu (kết hợp) với Định Vô Lậu, như vậy con có hết lậu hoặc không?
Đáp: Không, con tu như vậy chỉ được 50% mà thôi.
✿✿✿
Hỏi 8: Kính thưa Thầy, con sống đúng giới luật nghiêm chỉnh, nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả và tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác Định câu hữu với Định Vô Lậu. Như vậy, con diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp được chăng?
Đáp: Được, con tu như vậy tâm con sẽ hết lậu hoặc, thanh thản và an lạc.
✿✿✿
Hỏi 9: Kính bạch Thầy, con sống không đúng giới luật, con tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Định Vô Lậu. Kính thưa Thầy, con tu như vậy tâm con có hết lậu hoặc hay không?
Đáp: Không, con tu như vậy chỉ hoài công vô ích.
Hỏi 10: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật, con tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Định Vô Lậu, như vậy tâm con có hết lậu hoặc không?
Đáp: Con tu như vậy chỉ xả được tâm lậu hoặc 50%.
✿✿✿
Hỏi 11: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật, nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Con tu tập Định Niệm Hơi Thở câu hữu với Định Vô Lậu. Như vậy, con có diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp được không thưa Thầy?
Đáp: Được, con tu như vậy sẽ ly dục ly ác pháp, nhập Nhị Thiền rất dễ dàng; tâm lậu hoặc xa lìa để lại một trạng thái an lạc, thanh thản do ly dục sanh.
Hỏi 12: Kính bạch Thầy, con sống đúng giới luật, giữ gìn nghiêm túc không vi phạm một lỗi nhỏ, không bẻ vụn giới luật, nhưng con không tu Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Niệm Hơi Thở và Định Vô Lậu, như vậy con có hết lậu hoặc không?
Đáp: Không, đó là một lối ức chế tâm, hình thức thì giới luật nghiêm trì, nhưng tâm thì giới luật đã bẻ vụn. Tu như vậy chỉ hoài công, khổ hạnh cho mình chẳng ích lợi gì, giống như các vị sư Khất sĩ (lấy giới nén tâm) chẳng bao giờ ly dục ly ác pháp được, chỉ uổng một đời tu mang hình thức giới luật.
✿✿✿
Hỏi 13: Kính bạch Thầy, con không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh; con không tu các loại định mà chỉ sống nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, không làm khổ mình, không làm khổ người. Như vậy con có hết lậu hoặc hay không?
Đáp: Không, nếu sống nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, đó là con đã thực hiện đạo đức Nhân Quả đem lại cuộc sống an lành, hạnh phúc cho gia đình, đem lại cuộc sống hòa hợp an vui cho xã hội và đem lại trật tự phồn vinh cho đất nước, chớ không thể nào con hết lậu hoặc (tham, sân, si) được.
Hỏi 14: Kính bạch Thầy, con không sống đúng giới luật, không tu Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, con chỉ tập Định Niệm Hơi Thở diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền... Tam Thiền, Tứ Thiền có được không thưa Thầy?
Đáp: Không, con tu như vậy sẽ rơi vào tà thiền, tà định mà chẳng bao giờ nhập Tam Thiền được, nhập Tứ Thiền được. Những loại Thánh Định này không để một người còn mang tâm trạng phàm phu mà nhập vào được.
Một người chưa ly dục, ly ác pháp thì không thể nào nhập vào các Thánh Định này.
Vị tỳ kheo phá giới, phạm giới, ăn ngủ phi thời thì Bốn Thánh Định này chỉ là ngôn ngữ suông, chẳng ai nếm được mùi vị của nó.
Bởi vậy, một vị tỳ kheo tu sĩ Phật giáo phải sống đúng giới luật, phải nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, phải tu tập Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Niệm Hơi Thở thì mới ly dục ly ác pháp, mới diệt ngã xả tâm, mới nhập vào Sơ Thiền, v.v...
Đạt được trạng thái ly dục ly ác pháp này, người tu mới có thể nhập Nhị Thiền đến Tứ Thiền và Tam Minh.
Còn giai đoạn thứ nhất không thực hiện được; tâm chưa hết lậu hoặc (phiền não) mà gọi nhập Tam Thiền, Tứ Thiền, thì đó là một điều phỉnh gạt người khác.
Kính thư
Thầy của các con
✿✿✿