XXIX. Phẩm Khổ lạc

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn? Có người trước khổ sau vui, hoặc có người trước vui sau khổ, hoặc có người trước khổ sau cũng khổ, hoặc có người trước vui sau cũng vui.

Thế nào là người trước khổ sau vui?

Ở đây, có người sanh trong nhà ti tiện, hoặc dòng đồ tể, hoặc dòng thợ thuyền, hoặc sanh trong nhà tà đạo và các nhà bần khó khác, ăn mặc chẳng đủ. Người ấy sanh trong nhà kia nhưng không có tà kiến. Người ấy nhận thấy có bố thí, có người thọ, có đời này, đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, có cha, có mẹ, có A-la-hán v.v... lãnh thọ giáo pháp, cũng có quả báo thiện ác.

Nếu người ấy có nhà rất giàu, đã biết là quả báo do bố thí, quả báo không buông lung ngày xưa. Nếu người ấy thấy người người nhà không cơm áo, biết những người này không bố thí, hằng gặp bần tiện. 'Nay tôi lại gặp bần tiện không có cơm áo, đều do ngày trước không tạo phước, hoặc người đời hành pháp buông lung. Do quả báo ác hạnh này, nay gặp bần tiện, ăn mặc chẳng đủ'.

Nếu người ấy lại thấy Sa-môn, Bà-la-môn, tu pháp lành, liền đến sám hối, sửa đổi việc làm cũ; nếu lại có dư dả, đem chia đều cho người. Người ấy thân hoại mạng cung sẽ sanh cõi lành. Nếu sanh trong loài Người thì người ấy lắm tiền nhiều của, không thiếu thốn. Ðó là người trước khổ sau vui.

Hạng người nào trước vui sau khổ?

Ở đây, có một người sanh trong nhà hào tộc, hoặc dòng Sát-lợi, hoặc dòng Trưởng giả, hoặc con nhà dòng dõi, và các nhà phú quý, áo cơm đầy đủ. Nhưng người ấy hằng ôm tà kiến, tương ưng với biểu kiến. Người ấy có cái thấy thế này: không có bố thí, không có người thọ, cũng không quả báo đời này, đời sau, cũng không cha mẹ, không có A-la-hán, cũng không có người đắc chứng, cũng không có người có quả báo thiện ác. Người ấy có tà kiến này. Nếu người ấy lại có người phú quý liền nghĩ: 'Người này có tiền của từ lâu, đàn ông đã từ lâu làm đàn ông, đàn bà đã từ lâu làm đàn bà, súc sanh từ lâu làm súc sanh'. Người ấy không ưa bố thí, không giữ giới luật.

Nếu người ấy thấy Sa-môn, Bà-la-môn phụng trì giới liền nổi giận: 'Người này hư dối, sẽ có phước báo cảm ứng ở đâu?' Người ấy thân hoại mạng chung sẽ sanh trong địa ngục. Nếu được làm người sẽ sanh nhà bần cùng, không đủ áo cơm, thân thể lõa lồ, an mặc không đủ. Ðó là người trước vui sau khổ.

Hạng người nào trước khổ, sau khổ?

Ở đây, có người sanh nhà bần tiện, hoặc dòng đồ tể, hoặc dòng thợ thuyền, và các nhà hạ liệt, không đủ cơm áo. Người ấy sanh trong nhà kia. Sau người ấy ôm tà kiến, tương ưng với biểu kiến. Người ấy có kiến chấp này: không có bố thí, không có người thọ, cũng không có quả báo thiện ác đời này, đời sau; cũng không có cha mẹ, không có A-la-hán'. Người ấy không ưa bố thí, không giữ giới luật.

Nếu người ấy lại thấy Sa-môn, Bà-la-môn thì liền nổi giận đối với bậc Hiền Thánh. Người ấy thấy người nghèo cho là đã thế từ lâu, thấy người giàu cho là đã thế từ lâu, thấy cha xưa đã là cha; thấy mẹ xưa đã là mẹ. Khi thân hoại mạng chung, người ấy đọa sanh trong địa ngục. Nếu sanh người ấy làm người thì hết sức bần tiện, áo cơm chẳng đủ. Ðó là người trước khổ, sau khổ.

Thế nào là người trước vui, sau vui?

Ở đây, có người sanh nhà phú quý, hoặc dòng Sát-lợi, hoặc dòng Phạm chí, hoặc dòng Quốc vương, hoặc sanh dòng trưởng giả và sanh trong các nhà nhiều tiền lắm của. Chỗ sanh không bị thiếu thốn. Sau, người ấy lại có chánh kiến, không có tà kiến. Người ấy có chánh kiến như thế này: 'Có bố thí, có người thọ, có đời này, đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, cũng có quả báo thiện ác, có cha, có mẹ, có A-la-hán'.

Người ấy nếu lại thấy người thuộc nhà phú quý, lắm tiền, nhiều của, liền nghĩ: 'Người này do ngày xưa bố thí mà được'. Nếu lại thấy nhà bần tiện: 'Người này do ngày xưa chẳng bố thí'. Vậy nay ta có thể tùy thời bố thí, chẳng để sau sanh trong nhà bần tiện. Vì thế người ấy thường ưa bố thí cho người.

Người ấy nếu thấy Sa-môn, Bà-la-môn, đạo sĩ liền tùy thời thăm hỏi sức khỏe, cung cấp y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bịnh, đều bố thí cho. Khi mạng chung người ấy sẽ sanh lên Trời, chỗ lành. Nếu sanh trong loài Người thì người ấy sẽ vào nhà phú quý, lắm tiền nhiều của. Ðó là người trước vui, sau vui.

Bấy giờ có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

- Con thấy đời này có chúng sanh trước khổ, sau vui, hoặc có chúng sanh trước vui sau khổ, hoặc có chúng sanh trước khổ sau khổ, hoặc có chúng sanh trước vui sau vui.

Thế Tôn bảo Tỳ-kheo ấy:

- Có nhân duyên này khiến chúng sanh trước khổ sau vui, cũng lại có chúng sanh trước vui sau khổ, cũng lại có chúng sanh trước khổ sau khổ, cũng lại có chúng sanh trước vui sau vui.

Tỳ-kheo bạch Phật:

- Lại do nhân duyên nào trước khổ sau vui? Lại do nhân duyên nào trước vui sau khổ? Lại do nhân duyên nào trước khổ sau khổ? Lại do nhân duyên nào trước vui sau vui?

Thế Tôn dạy:

- Tỳ-kheo nên biết! Giả như có người thọ trăm tuổi, vừa đúng một trăm và khiến thọ trọn đông, hạ, xuân, thu. Này Tỳ-kheo, nếu trong một trăm năm người ấy tạo các công đức, trong trăm năm tạo các ác nghiệp các tà kiến thì vào lúc khác, người ấy hoặc mùa đông thọ vui, mùa hạ thọ khổ.

Nếu trong trăm năm công đức đầy đủ không từng có tà kém thiếu và trong khoảng trăm năm tạo các tà kiến, làm hạnh bất thiện thì người ấy trước thọ tội, sau thọ phước.

Nếu lại lúc nhỏ tạo phước, lúc lớn tạo tội thì đời sau, người ấy lúc nhỏ hưởng phước, lúc lớn chịu tội.

Nếu lại lúc nhỏ tạo tội, lúc lớn cũng tạo tội thì người ấy đời trước khổ mà sau cũng khổ.

Nếu lại lúc nhỏ tạo các công đức, phân đàn bố thí, lúc lớn cũng tạo các công đức, phân đàn bố thí thì người ấy đời trước vui sau cũng vui.

Này Tỳ-kheo! Ðó là nhân duyên này trước khổ mà sau vui, cũng do nhân duyên này trước vui mà sau khổ, cũng do nhân duyên này mà trước khổ sau cũng khổ, cũng do nhân duyên này trước vui sau cũng vui.

Tỳ-kheo ấy bạch Phật:

- Kính ngưỡng Thế Tôn! Nếu có chúng sanh muốn trước vui sau vui thì nên hành bố thí, cầu được trước vui sau cũng vui vậy.

Thế Tôn dạy:

- Ðúng vậy, Tỳ-kheo! Như lời Thầy nói. Nếu có chúng sanh muốn thành tựu Niết-bàn và chứng A-la-hán cho đến Phật quả thì nên ở trong đây hành bố thí, tạo các công đức. Như thế, Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

2. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn? Có người thân vui, tâm chẳng vui hoặc có người tâm vui, thân chẳng vui; hoặc có người tâm không vui, thân cũng không vui; hoặc có người thân vui tâm cũng vui.

Hạng người nào thân vui, tâm chẳng vui? Ở đây, phàm phu tạo phước, đối với bốn việc cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men khi bịnh tật, không có thiếu thốn nhưng họ lại chẳng thoát khỏi đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng lại chẳng khỏi trong đường ác. Ðó là hạng người thân vui, tâm chẳng vui.

Hạng người nào tâm vui, thân chẳng vui? Ðó là A-la-hán không tạo công đức. Ở đây, trong bốn việc cúng dường, vị ấy không thể tự lo xong, trọn không có được. Nhưng vị ấy thoát khỏi các đường ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Ví như La-hán Duy Dụ. Ðó là hạng người tâm vui, thân chẳng vui.

Hạng người nào thân chẳng vui, tâm cũng chẳng vui? Nghĩa là người phàm phu, không tạo công đức, không thể được bốn việc cúng dường y phục, thức uống ăn, giường nằm thuốc men chữa bịnh, hằng chẳng được thoát khỏi ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Ðó là hạng người thân chẳng vui, tâm cũng chẳng vui.

Hạng người nào thân vui, tâm cũng vui? Nghĩa là A-la-hán tạo công đức, bốn việc cúng dường khi bị thiếu thốn: y phục, thức uống ăn, giường nằm, thuốc men trị bệnh. Vị ấy thoát khỏi đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ví như Tỳ-kheo Thi-ba-la vậy. Ðó là hạng người thân vui, tâm cũng vui.

Này Tỳ-kheo! Thế gian có bốn người này. Thế nên Tỳ-kheo! Hãy tìm phương tiện, nên như Tỳ-kheo Thi-ba-la. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay Ta sẽ nói về bốn phước báo cõi Phạm thiên. Thế nào là bốn? Nếu có thiện nam, tín nữ hay dựng tháp chỗ chưa dựng tháp thì đó là phước báo đầu tiên cõi Phạm thiên. Lại nữa, thiện nam, tín nữ sửa chữa chùa cũ, đó là phước báo thứ hai cõi Phạm thiên. Lại nữa, thiện nam, tín nữ tạo sự hòa hợp Thánh chúng, đó là phước báo thứ ba cõi Phạm thiên. Lại nữa, nếu lúc Phật mới chuyển Pháp luân, chư Thiên và người đời khuyến thỉnh Ngài chuyển Pháp luân, đó là phước báo thứ tư cõi Trời Phạm thiên. Ðó là bốn phước hưởng cõi Trời Phạm thiên.

Bấy giờ các Tỳ-kheo khác bạch Thế Tôn:

- Phước của Phạm thiên rốt ráo nhiều hay ít?

Thế Tôn dạy:

- Lắng nghe, lắng nghe! Hãy khéo suy nghĩ! Nay Ta sẽ nói.

Các Tỳ-kheo đáp:

- Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Thế Tôn dạy:

- Ðất Diêm-phù-đề Ðông, Tây bảy ngàn do tuần, Nam, Bắc hai vạn một ngàn do tuần, đất hình dáng như chiếc xe. Chúng sanh ở đó có công đức bằng công đức của một Chuyển luân vương.

Ðất Cù-da-ni dọc ngang ba mươi hai vạn dặm, đất hình bán nguyệt. Tỳ-kheo nên biết, công đức nhân dân toàn cõi Diêm-phù-đề và một Chuyển Luân vương sánh bằng công đức một người cõi đó.

Lại nữa, Tỳ-kheo! Ðất Phất-vu-đệ, ngang dọc ba mươi sáu vạn dặm, đất hình vuông vắn, so phước của hai phương Diêm-phù-đề và Cù-da-ni thì chẳng bằng phước một người Phất-vu-đệ.

Tỳ-kheo nên biết! Ðất Uất-đan-việt ngang dọc bốn mươi vạn dặm, hình như mặt trăng tròn. Phước của nhân dân ba phương kia sánh chẳng bằng phước của một người uất-đan-việt.

Tỳ-kheo nên biết! So phước nhân dân bốn thiên hạ chẳng bằng đức của Tứ thiên vương.

So phước của nhân dân bốn thiên hạ và Tứ thiên vương thì không bằng phước một vị ở trời Ba mươi ba.

So bốn thiên hạ, Tứ thiên vương và Trời Ba mươi ba thì chẳng bằng phước một Thích-đề-hoàn-nhân.

So bốn thiên hạ, Tứ thiên vương, cùng Trời Ba mươi ba và Thích-đề-hoàn-nhân chẳng bằng phước một Diễm thiên.

So bốn thiên hạ, Tứ thiên vương, Trời Ba mươi ba, Thích-đề-hoàn-nhân và Diễm thiên thì chẳng bằng phước một vị ở Trời Ðâu-suất.

So với phước bốn thiên hạ đến Trời Ðâu-suất. thì không bằng phước của một Hóa tự tại thiên.

So phước từ bốn thiên hạ đến Trời Hóa tự tại thì không bằng phước một vị ở Trời Tha hóa tự tại.

So phước từ bốn thiên hạ đến Trời Tha hóa tự tại thì không bằng phước một Phạm thiên vương.

Tỳ-kheo nên biết! Ðây là phước Phạm thiên. Nếu có thiện nam, tín nữ muốn cầu phước đó thì đây là chừng mực. Thế nên, Tỳ-kheo, muốn cầu phước Phạm thiên, hãy tìm phương tiện thành tựu công đức này. Như thế, Tỳ-kheo hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

4. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Chúng sanh có bốn loại thức ăn để nuôi lớn. những gì là bốn? Ðoàn thực hoặc lớn hoặc nhỏ, cánh lạc thực (xúc thực), niệm thực, thức thực.

Thế nào gọi là đoàn thực? Ðoàn thực là thức ăn của người bây giờ, những vật có thể đưa vào miệng ăn nuốt. Ðó gọi là đoàn thực.

Thế nào gọi là cánh lạc thực (xúc thực)? Cánh lạc thực là áo quần, dù lọng, hương hoa, lò sưởi và dầu thơm cùng đàn bà sum vầy, khiến người ta vui thêm. Ðó gọi là cánh lạc thực.

Thế nào gọi là niệm thực? Ðó là những tư tưởng, ý nghĩ hoặc do miệng nói, hoặc do thân xúc chạm và các pháp được gìn giữ. Ðó gọi là niệm thực.

Thế nào gọi là thức thực? Là chỗ niệm hiểu, chỗ ý biết. Từ Phạm thiên cho đến Trời Hữu tưởng, Vô tưởng đều lấy thức làm món ăn. Ðó gọi là thức thực.

Này Tỳ-kheo! Ðó là có bốn loại thức ăn. Chúng sanh do bốn loại thức ăn này mà lưu chuyển sanh tử từ đời này đến đời sau. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy cùng lìa bốn thức ăn này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bốn loại biện tài. Thế nào là bốn? Nghĩa là nghĩa biện, pháp biện, từ biện và ứng biện.

Thế nào gọi là nghĩa biện? Nghĩa biện là lời nói của người này, người kia như Trời, rồng, quỷ thần nói đều có thể phân biệt được nghĩa. Ðó gọi là nghĩa biện.

Thế nào gọi là pháp biện? Như Lai thuyết Mười hai bộ kinh. Nghĩa là Khế Kinh, Kỳ dạ, Bổn mạt, Kệ, Nhân Duyên, Thọ ký, Tự thuyết, Tạo tụng, Sanh kinh, Phương đẳng, Hợp tập, Vị tằng hữu; và các pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, các pháp thật không thể phá hoại, có thể tổng trì. Ðó gọi là pháp biện.

Thế nào gọi là từ biện? Như chúng sanh ở trước có lời hay, dở; lời đàn ông, lời đàn bà; lời Phật, lời Phạm chí, Trời, rồng, quỷ thần, lời của A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la nói, tùy theo căn nguyên của họ mà thuyết pháp cho. Ðó gọi là từ biện.

Thế nào gọi là ứng biện? Lúc đang thuyết pháp không có khiếp nhược, không sợ hãi, hay làm vui hòa bốn bộ chúng. Ðó gọi là ứng biện.

Nay Ta sẽ dạy dỗ các Thầy! Nên như Ma-ha-Câu-hy-la. Vì sao thế? Câu-hy-la có bốn biện tài này, hay cùng bốn bộ chúng rộng phân biệt nói. Như ngày nay, Ta xem trong các chúng không có ai được bốn biện tài hơn Câu-hy-la. Như Lai có bốn biện tài này. Thế nên, hãy cầu phương tiện thành tựu bốn biện tài. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

6. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bốn việc trọn không thể tư duy. Thế nào là bốn? Chúng sanh bất khả tư nghì, thế giới bất khả tư nghì, nước rồng bát khả tư nghì, cõi Phật bất khả tư nghì. Vì sao thế? Vì không do (biết) chỗ này mà được đến Diệt tận Niết-bàn.

Thế nào là chúng sanh bất khả tư nghì? Chúng sanh này từ đâu đến? Từ đâu đi? Lại bắt đầu từ chỗ nào? Từ chỗ này chết sẽ sanh chỗ nào?' Ðấy là chúng sanh bất khả tư nghì (chẳng thể suy nghĩ).

Thế nào là thế giới bất khả tư nghì? Có những người tà kiến cho rằng thế giới đoạn diệt, thế giới chẳng đoạn diệt; thế giới hữu biên, thế giới vô biên, là mạng, là thân, chẳng phải mạng, chẳng phải thân; do Phạm thiên tạo ra; các đại quỷ thần làm ra thế giới v.v...

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Phạm thiên tạo nhân dân,
Thế gian quỷ làm ra
Hoặc rồng, các quỷ làm.
Lời này ai sẽ đúng?
Dục sân trói buộc mình
Cả ba đều cùng hạng.
Tâm chẳng được tự tại.
Thế tục có tai biến.

Này các Tỳ-kheo! Ðấy là thế gian bất khả tư nghì.

Thế nào là cõi rồng bất khả tư nghì? Thế nào? Trận mưa này là từ miệng rồng phun ra chăng? Vì sao thế? Giọt mưa không từ miệng rồng ra. Là từ mắt, tai, mũi ra chăng? Ðây cũng không thể nghĩ suy. Vì sao thế? Giọt mưa không từ mắt, tai, mũi ra mà là do ý nghĩ của rồng. Nếu rồng nghĩ ác cũng mưa, nghĩ thiện cũng mưa thì cũng do hạnh của mình mà làm mưa này. Vì sao thế? Nay trong núi Tu-di có Trời tên là Ðại Lực biết tâm niệm chúng sanh, cũng hay làm mưa. Nhưng mưa không từ miệng Trời kia ra, hay mắt, tai, mũi phun ra mà là đều do thần lực của Trời kia nên làm mưa được. Như thế, Tỳ-kheo! Cảnh giới rồng bất khả tư nghì.

Thế nào là cõi Phật bất khả tư nghì? Thân Như Lai là do cha mẹ tạo ra chăng? Ðây cũng chẳng thể nghĩ vậy. Vì sao thế? Thân Như Lai thanh tịnh không dơ ế, nhận khí của chư Thiên là do người tạo ra chăng? Ðây cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao thế? Vì vượt quá hành động của người.

Thân Như Lai là thân lớn? Ðây cũng chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao thế? Thân Như Lai là chẳng thể tạo ác, chẳng phải chỗ chư Thiên đến được.

Như Lai hưởng thọ ngắn chăng? Ðây cũng chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao thế? Như Lai có Tứ thần túc.

Như Lai trường thọ chăng? Ðây cũng chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao thế? Vì Như Lai đã chu toàn cho thế gian; cùng tương ưng với quyền phương tiện lành.

Thân Như Lai chẳng thể đo lường, không thể nói cao, nói thấp, âm thanh cũng chẳng thể có phép tắc. Phạm âm của Như Lai, trí tuệ biện tài của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, người thế gian không sánh kịp. Như thế, cảnh giới Phật bất khả tư nghì.

Như thế, Tỳ-kheo! Có bốn việc này không thể nghĩ bàn, không phải chỗ nghĩ bàn của người thường, mà bốn việc này chẳng phải cội rễ lành, cũng không do đây mà tu được Phạm hạnh, không đến được chỗ thôi dứt, cũng chẳng tới được Niết-bàn, chỉ khiến người cuồng loạn tâm ý, lầm lẫn khởi các nghi kết. Vì sao thế?

Tỳ-kheo nên biết! Quá khứ lâu xa, trong thành Xá-vệ này có một người nghĩ; 'Này ta nên suy nghĩ về thế giới'. Bấy giờ người ấy ra khỏi thành Xá-vệ, đến bên một ao hoa, ngồi kiết-già tư duy về thế giới: 'Thế giới này thành như thế nào, hoại như thế nào? Ai tạo thế giới này? Chúng sanh này từ đâu tới từ đâu ra sanh lúc nào?' Lúc người ấy đang suy nghĩ thì thấy trong ao hoa có bốn binh chủng ra vào. Người ấy liền nghĩ: 'Nay ta tâm ý cuồng loạn, lầm lẫn. Thế gian không có, nay ta lại thấy'. Người ấy trở vào thành Xá-vệ, trong làng xóm nói rằng:

- Chư Hiền nên biết! Thế gian không có mà nay tôi lại thấy.

Bấy giờ, nhiều người bảo người ấy:

- Thế nào là thế gian không có mà nay Ông thấy?

Người ấy đáp mọi người:

- Vừa rồi, tôi suy nghĩ xem thế giới từ đây sanh, mới đi ra khỏi thành Xá-vệ đến bên ao hoa nghĩ ngợi: 'Thế giới từ đâu lại? Ai tạo thế giới này? Chúng sanh này từ đâu đến, do ai sanh? Nếu người mạng chung sẽ đi về đâu?'. Tôi đang suy nghĩ thì thấy trong ao hoa có bốn binh chủng ra vào. Thế giới không có mà nay tôi thấy.

Mọi người bảo người ấy:

- Như Ông thật là cuồng loạn ngu si. Trong ao hoa làm gì có bốn binh chủng được? Trong số những người ngu ngốc trong thế giới, Ông ngu nhất.

Thế nên, Tỳ-kheo! Ta quán nghĩa này xong, nên nói với các Thầy. Vì cớ sao? Ðây chẳng phải là gốc lành công đức, chẳng tu được Phạm hạnh, cũng chẳng đến được Niết-bàn. Nhưng suy nghĩ như thế ắt khiến người tâm ý cuồng loạn. Tỳ-kheo nên biết! Người ấy thực thấy bốn binh chủng. Vì sao thế? Ngày xưa, chư Thiên cùng A-tu-la đánh nhau, chư Thiên thắng, A-tu-la thua. Bấy giờ A-tu-la sợ hãi, hóa hình hết sức nhỏ, chui qua lỗ ngó sen, mắt Phật mới thấy được, chẳng phải người khác thấy đến.

Thế nên, các Tỳ-kheo! Hãy suy nghĩ về Tứ đế? Vì sao thế? Tứ đế này có nghĩa, có lý, tu được Phạm hạnh, hành pháp Sa-môn, đến được Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo! Hãy xa lìa pháp của thế giới này. Hãy tìm phương tiện suy nghĩ Tứ đế. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

7. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bốn thần túc. Những gì là bốn? Tự tại tam-muội hành tận thần túc, Tâm tam-muội hành tận thần túc, Tinh tấn tam-muội hành tận thần túc, Giới tam-muội hành tận thần túc.

Thế nào là Tự tại tam-muội hành tận thần túc? Nghĩa là có các tam-muội tự tại, ý muốn tâm vui, khiến thân thể nhẹ nhàng lanh lợi, hay ẩn hình thật nhỏ. Ðó gọi là Tự tại tam-muội hành tận thần túc.

Thế nào là Tâm tam-muội hành tận thần túc? Nghĩa là tâm biết các pháp, biết khắp mười phương xuyên qua các vách đá đều không chướng ngại. Ðó gọi là Tâm tam-muội hành tận thức.

Thế nào gọi là Tinh tấn tam-muội hành tận thức? Nghĩa là tam-muội này không lười mỏi, cũng không sợ hãi, có ý dũng mãnh. Ðó gọi là Tinh tấn tam-muội hành tận thức.

Thế nào gọi là Giới tam-muội hành tận thần túc? Có các tam-muội biết tâm niệm chúng sanh, lúc sanh, lúc diệt thảy đều biết hết. Tâm có dục, tâm không dục, có tâm sân giận, không tâm sân giận; tâm có ngu si, tâm không ngu si; tâm có tật đố, tâm không tật đố; tâm có loạn, tâm không loạn; tâm có nhỏ mọn, tâm không nhỏ mọn; tâm có rộng lớn, tâm không rộng lớn; tâm có lượng, tâm vô lượng, tâm định, tâm không định; tâm giải thoát, tâm không giải thoát thảy đều rõ biết. Ðó gọi là Giới tam-muội hành tận thần túc.

Như thế, Tỳ-kheo! Có bốn thần túc này. Muốn biết tâm niệm của tất cả chúng sanh, hãy tu hành hữu thần túc này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

8. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bốn pháp khiến ái khởi lên. Những gì là bốn? Tỳ-kheo do y phục mà khởi ái. Do khất thực mà khởi ái. Do sàng tọa mà khởi ái. Do thuốc men mà khởi ái.

Ðó là, Tỳ-kheo! Có bốn pháp khiến ái khởi lên, có chỗ dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về y phục, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa được y, liền khởi sân giận, suy nghĩ, dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về thức ăn, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa khất thực được , liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về giường tòa, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người ấy lúc chưa được giường tòa, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.

Nếu có Tỳ-kheo dính mắc về thuốc men, Ta chẳng nói tới người này. Vì sao thế? Người này lúc chưa được thuốc men, liền nổi giận, suy nghĩ, dính mắc.

Tỳ-kheo nên biết! Nay Ta sẽ nói hai việc (về y phục), nên thân cận; và không nên thân cận.

Thế nào là nên thân cận? Thế nào là không nên thân cận?

Nếu được y phục, hết sức ưa thích y, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lại được y phục, khởi pháp lành, tâm không ái trước, thì đây nên thân cận.

Nếu lúc khất thực, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lúc khất thực khởi pháp lành thì đây nên thân cận.

Nếu lúc được giường tòa, khởi pháp bất thiện thì đây chẳng nên thân cận. Nếu lúc được giường tòa khởi pháp lành thì cũng nên thân cận.

Thuốc men cũng thế. Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy gần gũi pháp lành, trừ bỏ pháp ác! Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này: muốn khiến đàm việt, thí chủ được công đức, thọ phước vô cùng, được vị cam lồ.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Y phục dùng bố thí,
Uống ăn, giường, ngọa cụ,
Trong ấy chớ khởi yêu,
Chẳng sanh các thế giới.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

9. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay có bốn dòng sông lớn từ suối A-nậu-đạt chảy ra. Những gì là bốn? Ðó là Hằng-già, Tân-đầu, Bà-xoa, Tư-đà. Nước sông Hằng-già từ miệng trâu chảy ra về hướng Ðông. Nước Tân-đầu từ miệng sư tử chảy về hướng Nam. Nước Tư-đà từ miệng voi chảy về hướng Tây. Nước Bà-xoa từ miệng ngựa chảy về hướng Bắc. Bốn dòng sông lớn nhiễu quanh hồ A-nậu-đạt, Hằng-già vào biển đông, Tân-đầu và biển Nam, Bà-xoa vào biển Tây, Tư-đà vào biển Bắc. Bốn sông lớn vào biển rồi, không còn tên cũ, chỉ gọi là biển.

Ðây cũng như thế, có bốn dòng họ. Những gì là bốn? Dòng Sát-lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ. Ở chỗ Như Lai cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, không còn dòng họ cũ, chỉ gọi là Sa-môn Thích tử. Vì cớ sao? Chúng của Như Lai ví như biển lớn. Bốn dòng họ như bốn sông lớn, trừ bỏ kiết sử vào thành Niết-bàn Vô úy. Thế nên, các Tỳ-kheo! Có các vị thuộc bốn dòng cạo bỏ râu tóc, do niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo, họ sẽ bỏ tên cũ, tự xưng Thích tử. Vì sao thế? Nay Ta chính là Thích tử, từ trong dòng họ Thích xuất gia học đạo.

Tỳ-kheo nên biết! Muốn luận nghĩa sanh con, nên gọi là Sa-môn con dòng học Thích. Vì sao thế? Sanh đều do Ta sanh, từ pháp khởi lên, từ pháp mà thành tựu. Thế nên Tỳ-kheo! Nên cầu phương tiện được làm con dòng họ Thích. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

10. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bốn đẳng tâm. Thế nào là bốn? Từ, Bi, Hỉ, Xả (Hộ).

Do những gì mà gọi là Phạm đường?

Tỳ-kheo nên biết! Có Ðại Phạm thiên tên Thiên vô Dữ đẳng (Trời không ai bằng), không có ai cao hơn, thống lãnh cõi Thiên Quốc. Cung điện của vị ấy gọi là Phạm đường.

Tỳ-kheo! Có bốn Phạm đường này, thể lực có thể xem xét hết cõi Thiên quốc này. Thế nên gọi là Phạm đường. Thế nên, các Tỳ-kheo! Nếu có Tỳ-kheo muốn qua khỏi trời Dục giới, ở đất vô dục, Bốn bộ chúng ấy nên tìm phương tiện thành tựu bốn Phạm đường này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.