Câu hỏi của Minh Nghĩa
Hỏi:Kính thưa Thầy! Một người học Phật phải nhìn cuộc đời như thế nào để không bị đắm chìm, lôi cuốn theo những lạc thú tầm thường của thế gian, nhưng cũng không bị người đời lên án là tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm v.v..
Đáp:Một người học Phật phải nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, nên không tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm.
Người học Phật phải có tri kiến nhân quả, tri kiến Thập Nhị Nhân Duyên, tri kiến Thập Thất kiết sử, tri kiến ngũ uẩn, tri kiến ngũ triền cái, tri kiến về các pháp bất tịnh, tri kiến các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tri kiến về lòng từ bi, hỷ, xả v.v..
Nếu có những tri kiến như vậy thì người này sẽ không bị đắm chìm, lôi cuốn theo những lạc thú tầm thường của thế gian. Muốn có những tri kiến này thì người học Phật nên nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy, vì trong đó dạy rất đầy đủ và dễ hiểu. Không nên nghiên cứu kinh sách phát triển vì kinh sách này sẽ gieo vào đầu óc của các bạn một thế giới ảo tưởng, mơ hồ, trừu tượng, phi đạo đức. Một khi các bạn đã chịu ảnh hưởng của nó thì các bạn giống như người nghiện thuốc phiện. Muốn bỏ mà rất khó bỏ.
Những người Cư sĩ Phật tử hiểu sao về Phật giáo có tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm không?
Về Phật giáo là phải có một tinh thần tích cực, tự lực trong sự tu tập các pháp môn; phải tích cực, tự lực chiến đấu với nội tâm của mình khi có ác pháp xâm chiếm để đem lại sự thanh bình cho tâm hồn; phải tích cực chiến đấu với ngoại pháp để đem lại cho mọi người một sự an ổn, một xã hội có trật tự.
Về Phật giáo có hai giới tu tập:
1/ Cư sĩ
2/ Tu sĩ
Cư sĩ thì phải tu theo pháp của người cư sĩ. Pháp của người cư sĩ tu tập là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người thì làm sao có sự tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm… được. Nếu tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm là làm khổ mình, khổ người thì đâu có đúng chánh pháp. Có lẽ người cư sĩ Phật tử đã hiểu sai pháp Phật, không hiểu về pháp tu tập của người tu sĩ. Phần nhiều người cư sĩ Phật tử mới vào đạo đều được dạy tu tập Thọ Bát Quan Trai và được tham dự học tu vào lớp Chánh kiến đầu tiên của Phật giáo.
Người cư sĩ chỉ sống có một ngày Thọ Bát Quan Trai như người tu sĩ mà thôi. Một tháng chỉ sống có một hoặc hai ngày thì đâu thể nào gọi là tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm được.
Phật dạy chúng ta biết ác pháp và thiện pháp, ác pháp thì nên tránh và diệt để đem lại cho mình cho người hạnh phúc an vui chứ đâu phải lãnh đạm, vô cảm.
Ví dụ: Trong bữa tiệc mọi người ép chúng ta uống rượu, chúng ta từ chối không tùy thuận theo các ác pháp này thì bảo rằng chúng ta lãnh đạm thì không đúng.
Chúng ta cương quyết làm được điều này là làm gương tốt đẹp cho người khác, để mọi người tránh thứ độc dược hại này.
Cho nên, đạo Phật không phải là đạo yếm thế, tiêu cực, lãnh đạm, vô cảm v.v.. Người hiểu đạo Phật yếm thế, lãnh đạm, vô cảm... là người hiểu sai đạo Phật.
Đạo Phật là đạo đức của loài người, nhờ đạo đức mới xây dựng thế gian này được an ổn và yên vui cho mọi người; nhờ đạo đức mà con người không làm khổ cho nhau. Vậy chúng ta là con người cần phải học đạo đức nhân bản – nhân quả. Nếu chúng ta không học đạo đức thì chúng ta tự làm khổ cho nhau và cuộc sống trên thế gian này trở thành địa ngục. Phải không các bạn? Bằng chứng hiện giờ chúng ta đã chứng kiến cảnh địa ngục: Chiến tranh, khủng bố, thiên tai hỏa hoạn, bão tố, động đất, sóng thần, lũ lụt v.v..
Ví dụ: Tình nghĩa vợ chồng là phải gần gũi nhau, chia sẻ nhau những nỗi buồn vui, thế mà xa lánh nhau, lạt lẽo, lãnh đạm tình chồng nghĩa vợ để gọi là tuyệt dục thì đức Phật đâu có dạy bao giờ. Mà đức Phật dạy không nên tà dâm, dâm dục phải tiết độ, vì tà dâm là làm hại gia đình mất hạnh phúc, dâm dục không tiết độ sẽ đem đến thân bệnh tật, mà thân bệnh tật, đau khổ thì sự an vui hạnh phúc gia đình mất.
Đạo Phật nói đời khổ là để vượt qua mọi sự đau khổ của cuộc đới, chứ không có nghĩa là trốn tránh khổ, nói cách khác cho đúng nghĩa của đạo Phật là làm cho đời hết khổ. Làm cho đời hết khổ là phải tích cực hết mình. Vì thế, mà đạo đức của đạo Phật là đạo đức không làm khổ mình, khổ người.