Tôi nghe như vầy:[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà, trú ở thành Vương xá.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đến nhà thợ gốm[02], nói rằng:
“Này thợ gốm, Ta nay muốn tạm trú ở phòng làm đồ gốm một đêm, ông có thuận chăng?”
Thợ gốm trả lời:
“Con chẳng trở ngại gì, nhưng đã có một Tỳ-kheo trú trong đó trước rồi. Nếu vị ấy thuận thì xin tùy ý”.
Lúc ấy, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi[03] đã trú ở trong phòng làm đồ gốm ấy trước rồi.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ra khỏi nhà thợ gốm, đi vào phòng làm gốm, nói với Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi rằng:
“Này Tỳ-kheo, Ta nay muốn tạm trú một đêm ở phòng làm gốm, thầy có thuận chăng?”
Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:
“Thưa Hiền giả, tôi không trở ngại. Vả lại, ở phòng làm gốm này có chỗ ngồi bằng cỏ đã trải xong, Hiền giả muốn ở lại thì tùy ý”.
Nghe vậy, Đức Thế Tôn từ phòng làm gốm đi ra ngoài rửa chân rồi mới trở vào, lấy ni-sư-đàn trải lên chỗ ngồi bằng cỏ mà ngồi kiết già, suốt đêm yên lặng tĩnh tọa, định ý.
Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi cũng suốt đêm yên lặng tĩnh tọa, định ý.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn suy nghĩ như vầy: “Tỳ-kheo này đi đứng tịch tĩnh, thật kỳ lạ, thật hiếm có. Ta hãy Tỳ-kheo này, ‘Thầy của bạn là ai? Y theo ai mà bạn xuất gia, học Đạo, thọ Pháp?’.” Nghĩ như vậy rồi, Thế Tôn bèn hỏi:
“Tỳ-kheo, Thầy của bạn là ai? Y theo ai mà bạn xuất gia, học Đạo, thọ Pháp?”
Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:
“Này Hiền giả, có Sa-môn Cù-đàm, dòng họ Thích, đã từ bỏ tông tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học Đạo, đã giác ngộ Vô thượng Chánh tận giác[04]. Vị ấy là Thầy của tôi. Tôi y theo vị ấy mà xuất gia học Đạo, thọ Pháp”.
Thế Tôn lại hỏi:
“Tỳ-kheo, đã từng thấy Thầy chưa?”
Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:
“Chưa thấy”.
Thế Tôn hỏi:
“Nếu gặp Thầy, bạn có nhận ra không?”
Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:
“Không biết. Nhưng, này Hiền giả, tôi nghe rằng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Ngài là Thầy của tôi. Tôi y theo Ngài mà xuất gia, học Đạo, thọ Pháp”.
Khi ấy, Thế Tôn lại suy nghĩ như vầy: “Thiện nam tử này y theo Ta mà xuất gia, học Đạo, thọ Pháp. Ta nay có nên thuyết pháp chăng?”
Suy nghĩ như vậy rồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi:
“Này Tỳ-kheo, nay Ta sẽ thuyết pháp cho thầy, phần đầu toàn thiện, phần giữa cũng toàn thiện và phần cuối cũng toàn thiện; có nghĩa, có văn đầy đủ, thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó gọi là ‘Phân biệt sáu giới’[05]. Thầy hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ.
Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:
“Xin vâng”.
Đức Phật bảo rằng:
“Này Tỳ-kheo, con người[06] có sáu giới tụ, có sáu xúc xứ, có mười tám ý hành, có bốn trụ xứ. Nếu ai an trú vào đó sẽ không nghe đến chuyện sầu não[07]. Sau khi không nghe chuyện sầu não thì ý không chán ghét, không ưu sầu, không lao nhọc, không sợ hãi. Như vậy, có sự khuyên bảo là đừng buông lung trí tuệ, hãy thủ hộ chân đế và trưởng dưỡng huệ thí[08]. Này Tỳ-kheo, hãy học về tối thượng, hãy học về chí tịch[09], như vậy là phân biệt về sáu giới.
“Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu giới tụ, nhân gì mà nói như thế? Đó là, giới của đất, giới của nước, giới của lửa, giới của gió, giới hư không và giới của thức. Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu giới tụ là nhân đó mà nói.
“Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu xúc xứ[10], do nhân gì mà nói như thế? Đó là, này Tỳ-kheo, xúc con mắt thấy sắc, xúc tai nghe tiếng, xúc mũi ngửi mùi, xúc lưỡi nếm vị, xúc thân cảm xúc, xúc ý biết pháp. Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu xúc xứ là do nhânn đó mà nói.
“Này Tỳ-kheo, nói con người có mười tám ý hành[11], do nhơn gì mà nói như thế? Đó là, này Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, quán[12] sắc rồi an trú nơi hỷ, quán sắc rồi an trú nơi ưu, quán sắc rồi an trú nơi xả. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ý nhận thức pháp, quán pháp rồi an trú nơi hỷ, quán pháp rồi an trú nơi ưu, quán pháp rồi an trú nơi xả. Này Tỳ-kheo, như vậy sáu hỷ quán[13], sáu ưu quán, sáu xả quán hợp lại là mười tám ý hành. Nói rằng con người có mười tám ý hành là do nhơn đó mà nói.
“Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có bốn trụ xứ[14], do nhơn gì mà nói như thế? Là chân đế trụ xứ, huệ trụ xứ, thí xả trụ xứ và tịch tĩnh[15] trụ xứ. Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có bốn trụ xứ là do nhơn đó mà nói.
“Này Tỳ-kheo, thế nào là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ? Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội địa giới, được chấp thọ nơi hữu tình[16]. Nội địa giới là thế nào? Là tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, xương, gân, thận, tim, gan, phổi, lá lách, ruột già, bao tử, phổi, tương tự như thế, trong thân này còn những thứ khác nữa. Những gì đượïc thâu nhiếp trong thân thuộc về chất cứng, tính cứng ở bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình là nội địa giới’. Này Tỳ-kheo, dù là nội địa giới hay ngoại địa giới đều gọi chung là địa giới. Tỳ-kheo đó dùng trí tuệ quán biết như thật rằng ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã[17]’. Tâm vị ấy không nhiễm trước địa giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Nếu có Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội thủy giới, được chấp thọ nơi hữu tình. Nội thủy giới là gì? Là não tủy[18], nước mắt, mồ hôi, nước mũi, mủ, máu, mỡ, tủy, nước giải, đờm, nước tiểu, tương tự như thế, trong thân này còn có nhiều thể khác nữa. Những gì được thâu nhiếp trong thân, thuộc về chất nước, tính nước nhuần thấm ở bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình, đó là nội thủy giới’. Này Tỳ-kheo, nội thủy giới hay ngoại thủy giới đều gọi chung là thủy giới. Tỳ-kheo ấy dùng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã’. Tâm vị ấy không nhiễm trước thủy giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Nếu có Tỳ-kheo nào phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội hỏa giới được chấp thọ nơi hữu tình. Nội hỏa giới là gì? là cái làm cho thân phát nhiệt, thân nóng, thân phiền muộn, thân âm ấp, làm tiêu đồ ăn thức uống, tương tự như thế, trong thân này còn những thứ khác nữa, những gì được thâu nhiếp trong thân thuộc về lửa, tức lửa làm nóng ở bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình. Đó là nội hỏa giới’. Này Tỳ-kheo, dù nội hỏa giới hay ngoại hỏa giới đều gọi chung là hỏa giới. Vị ấy dùng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã’. Tâm Tỳ-kheo ấy không nhiễm trước hỏa giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Nếu có Tỳ-kheo nào phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội phong giới được chấp thọ nơi hữu tình. Nội phong giới là thế nào? Là gió thổi lên, gió thổi xuống, gió ngang hông, gió co thắt, gió nhảy lên, gió phi đạo, gió cử động tay chân, gió ở hơi thở ra, thở vào, tương tự như thế, trong thân này còn các thứ khác nữa. Những gì được thâu nhiếp trong thân, thuộc về gió, tánh gió, lưu động bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình. Đó là nội phong giới’. Này Tỳ-kheo, dù ngoại phong giới hay nội phong giới đều gọi là phong giới. Tỳ-kheo ấy dùng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã’. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Nếu có Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội không giới, được chấp thọ nơi hữu tình. Nội không giới là gì? Là lỗ trống ở mắt, lỗ trống ở tai, lỗ trống ở mũi, lỗ trống ở miệng, cái khiến cho cổ họng cử động, tức để cho thức ăn được nhai và nuốt từ từ đi qua cổ họng, đi xuống rồi ra ngoài, tương tự như thế, trong thân này có những thứ khác nữa thuộc về hư không. Ở chỗ hư không ấy không bị da, thịt, xương, gân lấp kín. Đó là nội không giới’. Này Tỳ-kheo, dù nội không giới hay ngoại không giới đều gọi chung là không giới. Tỳ-kheo dùng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã’. Tâm vị ấy không nhiễm trước không giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo nào biết như thật về năm giới này, sau khi biết như thật, tâm không nhiễm trước chúng thì được giải thoát, chỉ còn có các thức mà thôi. Đó là những thức nào? Là thức về lạc, thức về khổ, thức về hỷ, thức về ưu và thức về xả[19].
“Này Tỳ-kheo, nhơn lạc xúc mà sanh lạc thọ[20], vị ấy cảm giác lạc thọ. Khi đã cảm giác lạc thọ, vị ấy biết mình cảm giác lạc thọ. Nếu Tỳ-kheo nào diệt lạc xúc, sau khi diệt lạc xúc này, nếu có lạc thọ do lạc xúc sanh, lạc thọ ấy cũng diệt, tĩnh chỉ; biết như vậy rồi, mát lạnh.
“Này Tỳ-kheo, nhơn khổ xúc sanh ra khổ thọ, vị ấy cảm giác khổ thọ. Sau khi đã cảm giác khổ thọ, vị ấy biết đã cảm giác khổ thọ. Nếu Tỳ-kheo nào diệt khổ xúc, sau khi diệt khổ xúc, nếu có khổ thọ do khổ xúc sanh, vị ấy cũng diệt tĩnh chỉ; biết như vậy rồi, mát lạnh.
“Này Tỳ-kheo, nhơn hỷ xúc sanh ra hỷ thọ, vị ấy cảm giác hỷ thọ. Khi đã cảm giác hỷ thọ, vị ấy biết đã cảm giác hỷ thọ. Nếu Tỳ-kheo nào diệt hỷ xúc, sau khi diệt hỷ xúc này, nếu có hỷ thọ do hỷ xúc sanh, vị ấy cũng diệt, tĩnh chỉ; biết như vậy rồi, mát lạnh.
“Này Tỳ-kheo, nhơn ưu xúc sanh ra ưu thọ, vị ấy cảm giác ưu thọ. Khi đã cảm giác ưu thọ, vị ấy biết đã cảm giác ưu thọ. Nếu Tỳ-kheo nào diệt ưu xúc, sau khi diệt ưu xúc này, nếu có ưu thọ do ưu xúc sanh, vị ấy cũng diệt, tĩnh chỉ; biết như vậy rồi, mát lạnh.
“Này Tỳ-kheo, nhơn xả xúc sanh ra xả thọ, vị ấy cảm giác xả thọ. Khi đã cảm giác xả thọ, vị ấy biết đã cảm giác xả thọ. Nếu Tỳ-kheo nào diệt xả xúc, sau khi diệt xả xúc này, nếu có xả thọ do xả xúc sanh, vị ấy cũng diệt, tĩnh chỉ; biết như vậy rồi, mát lạnh.
“Này Tỳ-kheo, nhơn các xúc ấy sanh ra các thọ ấy. Khi đã diệt các xúc ấy thì các thọ ấy cũng diệt. Vị ấy biết rằng, thọ này từ xúc mà có, lấy xúc làm gốc, lấy xúc làm tập khởi, từ xúc sanh ra, lấy xúc làm đầu mối, y cứ nơi xúc mà hiện hành.
“Này Tỳ-kheo, cũng như mồi lửa, nhơn cái dùi, sự nỗ lực của ngườøi và sức nóng mà lửa phát sanh. Này Tỳ-kheo, khi các dùi cây ấy tách rời nhau thì lửa mà từ đó phát sanh, sức nóng của lửa và sự chấp thọ của hữu tình, tất cả đều tắt biến, vắng bặt, im lìm và dùi cây ấy trở nên nguôïi lạnh. Cũng vậy, này Tỳ-kheo, các xúc ấy thế này hay thế kia, sanh ra các thọ như thế này hay thế khác. Diệt các xúc ấy thì các thọ ấy cũng diệt. Như vậy là đã biết thọ này từ xúc mà có, lấy xúc làm gốc, lấy xúc làm tập khởi, từ xúc sanh ra, lấy xúc làm đầu mối, y cứ nơi xúc mà hiện hành.
“Nếu Tỳ-kheo nào không nhiễm trước ba thọ này, mà giải thoát, thì Tỳ-kheo ấy chỉ còn có xả cực kỳ thanh tịnh.
“Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng, ‘Ta với xả thanh tịnh này nhập vào vô lượng không xứ[21]; tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó. Ta với xả thanh tịnh này nhập vào vô lượng thức xứ[22], vô sở hữu xứ, phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó’.
“Này Tỳ-kheo, cũng như thợ luyện kim lành nghề, dùng lửa đốt thỏi vàng, dát cho thật mỏng, rồi lại bỏ vào lò nung, đốt lửa đều đặn và đúng độ, luyện kỹ cho đến lúc tinh ròng, rất mềm mại và có ánh sáng. Này Tỳ-kheo, thứ vàng này là do thợ vàng đã đốt lửa đều đặn và đúng độ, luyện kỹ thật tinh ròng, rất mềm mại và có ánh sáng. Như vậy rồi, tự thợ vàng ấy làm theo ý mình, như làm dây đính vào tơ lụa để trang sức áo mới, làm nhẫn tay, vòng tay, xuyến, chuỗi, lưới tóc... Cũng vậy, này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng: ‘Ta với xả thanh tịnh này nhập vào vô lượng không xứ; tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó. Ta với xả thanh tịnh này nhập vào Vô lượng thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó’.
“Tỳ-kheo ấy lại nghĩ, ‘Ta với xả thanh tịnh này, mà y vào vô lượng không xứ, như vậy thuộc pháp hữu vi. Là pháp hữu vi thì vô thường. Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ. Nếu cái gì là khổ thì biết là khổ’. Sau khi biết khổ, vị ấy xả, không còn di chuyển nhập vô lượng không xứ nữa.
“‘Ta với xả thanh tịnh này, mà y vào Vô lượng thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, vẫn là thuộc pháp hữu vi. Là pháp hữu vi thì vô thường. Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ. Nếu cái gì là khổ thì biết là khổ’. Sau khi biết khổ, vị ấy xả, không còn di chuyển nhập Vô lượng thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ nữa.
“Này Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo nào đối với bốn xứ này bằng tuệ mà quán sát, biết như thật, tâm không thành tựu, không di chuyển nhập, thì bấy giờ vị ấy không cần phải làm gì, và cũng không có gì để tư niệm, nghĩa là những gì liên hệ dến hữu và vô hữu[23]. Vị ấy cảm giác về thân tối hậu chấp thọ[24] thì biết cảm giác về thân chấp thọ cuối cùng; cảm giác về mạng chấp thọ tối hậu[25] thì biết cảm giác về mạng chấp thọ tối hậu; và biết khi thân hoại mạng chung, thọ mạng chấm dứt, những gì được cảm thọ, tất cả đều tịch diệt, tịch tịnh, tĩnh chỉ và biết là trở thành rất mát lạnh[26].
“Này Tỳ-kheo, ví như đèn sáng là nhờ dầu và nhờ bấc. Nếu không có ai đổ thêm dầu, nối thêm bấc, như vậy khi dầu và bấc có trước đã cháy hết mà những cái sau không được tiếp nối sẽ không còn gì để chấp thọ nữa. Tỳ-kheo ấy cũng thế, cảm giác về chấp thọ thân tối hậu thì biết cảm giác về chấp thọ thân tối hậu; cảm giác về chấp thọ sanh mạng tối hậu thì biết cảm giác về chấp thọ sanh mạng tối hậu; và biết rằng, khi thân hoại mạng chung, sanh mạng chấm dứt thì tất cả những gì được cảm thọ thảy đều tịch diệt, tịch tịnh, tĩnh chỉ và biết là trở thành rất mát lạnh.
“Này Tỳ-kheo, như thế vị ấy được gọi là Tỳ-kheo tối thắng chánh tuệ, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận, lậu tận. Tỳ-kheo ấy thành tựu như vậy là thành tựu tối thắng chánh tuệ xứ[27].
“Này Tỳ-kheo, sự giải thoát này an trú nơi chân đế, không bị di động. Chân đế là pháp như thật. Giả dối là pháp hư vọng. Tỳ-kheo ấy thành tựu tối thắng chân đế xứ[28].
“Này Tỳ-kheo, với thí xả, nếu trước kia có oan gia cố cựu thì bấy giờ vị ấy phóng xả, lìa bỏ, giải thoát, dứt trừ. Này Tỳ-kheo, đó là Tỳ-kheo tối thắng chánh huệ thí, là xả ly tất cả mọi sự ở đời, hoàn toàn vô dục, tịch tĩnh, tĩnh chỉ. Này Tỳ-kheo, thành tựu như thế là thành tựu tối thắng huệ thí xứ.
“Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào tâm bị dục, nhuế và si làm cho ô uế, không được giải thoát, Tỳ-kheo ấy tận diệt tất cả dâm, nộ, si, vô dục, tịch tịnh, tĩnh chỉ, chứng đắc tối thắng, tịch tĩnh. Này Tỳ-kheo, thành tựu như thế là thành tựu tối thắng tịch tĩnh xứ.
“Này Tỳ-kheo, ai nghĩ rằng ‘Tôi đang là’, ấy là tự đề cao[29]. Rằng ‘Tôi sẽ hiện hữu’, ấy là tự đề cao. Rằng “Tôi sẽ không hiện hữu, cũng không phải không hiện hữu’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ có sắc’, ấy là tự đề cao.
‘Tôi sẽ không có sắc’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ có tưởng’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ không có tưởng’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ không có tưởng, không không có tưởng’, ấy là tự đề cao. Đó làø cống cao, là kiêu ngạo, là phóng dật.
“Này Tỳ-kheo, nếu không có tất cả những sự tự đề cao, cống cao, kiêu ngạo, phóng dật ấy thì ý tịch tĩnh.
“Này Tỳ-kheo, nếu ý tịch tĩnh thì không chán ghét, không ưu sầu, không lao nhọc, không sợ hãi. Vì sao? Vì Tỳ-kheo ấy đã thành tựu pháp nên không còn chán ghét, không chán ghét thì không ưu tư, không ưu tư thì không sầu não, không sầu não thì không lao nhọc, không lao nhọc thì không sợ hãi. Nhơn không sợ hãi nên sẽ đắc Niết-bàn, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’”.
Đức Thế Tôn thuyết pháp này xong, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn ly trần cấu, phát sanh pháp nhãn và các pháp. Bấy giờ, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn thấy pháp, đắc pháp, chứng pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi hoặc, không còn ai hơn, không tùy thuộc ai nữa, không còn do dự, đã an trú vào quả chứng đắc; đối với pháp của Thế Tôn, chứng đắc vô úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật mà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con ăn năn! Bạch Thiện Thệ, con ngay từ đầu như ngu, như si, như khờ dại, như không hiểu biết, không nhận ra Bậc Lương Điền mà không tự biết. Vì sao? Vì con đã gọi Như Lai –Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác– là “Hiền giả[30]“. Mong Đức Thế Tôn cho con sám hối. Sau khi sám hối, con sẽ không còn tái phạm nữa”.
Đức Thế Tôn đáp:
“Này Tỳ-kheo, ngươi quả thực ngu si, quả thực là khờ dại, không hiểu biết nên đã gọi Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, là “Hiền giả”. Này Tỳ-kheo, nếu ngươi tự sám hối, đã thấy và phát lồ, gìn giữ không tái phạm nữa, như thế, này Tỳ-kheo, đối với pháp luật của bậc Thánh như vậy là tăng ích chứ không tổn hại, vì đã tự sám hối, đã tự thấy và phát lồ, gìn giữ không tái phạm nữa”.
Đức Phật, thuyết như vậy. Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
-ooOoo-
Tôi nghe như vầy:[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi, phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là phân biệt về sáu xứ. các ngươi hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ”.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, chúng con xin vâng lời”.
Đức Phật, bảo rằng:
“Này các thầy Tỳ-kheo, sáu xứ, nên biết, là bên trong vậy[02]; sáu xúc xứ[03] nên biết bên trong; mười tám ý hành[04] nên biết bên trong; ba mươi sáu đao kiếm[05] nên biết bên trong. Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này, vô lượng thuyết pháp nên biết bên trong. Có ba ý chỉ[06], là những điều mà bậc Thánh phải tu tập. Sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng[07], đó là bậc Vô thượng Điều ngự con người[08], là điều ngự người thú hướng tất cả phương’. Như vậy là phân biệt lục xứ.
“Nói rằng, ‘sáu xứ nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như thế? Đó là xứ là mắt; xứ là tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nói rằng ‘sáu xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.
“Nói rằng ‘Sáu xúc xứ nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là xúc con mắt thì thấy sắc, xúc lỗ tai thì nghe tiếng, xúc của mũi thì ngửi mùi, xúc của lưỡi thì nếm vị, xúc của thân thì cảm giác, xúc bởi ý thì biết pháp. Nói rằng ‘sáu xúc xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.
“Nói rằng ‘Mười tám ý hành nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là Tỳ-kheo mắt đã thấy sắc rồi phân biệt sắc mà an trụ nơi hỷ, phân biệt các sắc mà an trụ nơi ưu, phân biệt các sắc mà an trụ nơi xả. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý đã biết pháp rồi phân biệt pháp mà an trụ nơi hỷ, phân biệt pháp mà an trụ nơi ưu, phân biệt pháp mà an trụ nơi xả. Đó gọi là phân biệt sáu hỷ, phân biệt sáu ưu, phân biệt sáu xả. Tổng thuyết là mười tám ý hành. Nói rằng ‘mười tám ý hành nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.
“Nói rằng ‘Ba mươi sáu loại đao kiếm nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Có sáu hỷ y trên đắm trước, có sáu hỷ y trên vô dục[09]; có sáu ưu y trên đắm trước, có sáu ưu y trên vô dục; có sáu xả y trên đắm trước, có sáu xả y trên vô dục.
“Thế nào là sáu hỷ y trên đắm trước? Thế nào là sáu hỷ y trên vô dục? Mắt thấy sắc rồi phát sanh hỷ, nên biết, có hai loại, hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.
“Thế nào là hỷ y đắm trước? Sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, lạc tương ưng với dục[10]; cái chưa được thì muốn được, đã được thì truy ức, rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên đắm trước.
“Thế nào là hỷ y trên vô dục? Biết sắc vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên vô dục.
“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi sanh hỷ, nên biết có hai loại, hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.
“Thế nào hỷ y trên đắm trước? Pháp được biết bởi ý, khả hỷ, ý niệm, pháp ái, lạc tương ưng với dục; cái chưa được thì muốn được, đã được thì truy ức, rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên đắm trước.
“Thế nào gọi là hỷ y trên vô dục? Biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả pháp trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên vô dục.
“Thế nào là sáu ưu y trên đắm trước? Thế nào là sáu ưu y trên vô dục? Mắt thấy sắc rồi phát sanh ưu, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.
“Thế nào là ưu y trên đắm trước? Sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, û ý niệm, sắc ái, lạc tương ưng với dục, cái chưa được mà không được, đã được nhưng trong quá khứ bị phân tán, hoại diệt, biến dịch nên sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên đắm trước.
“Thế nào là ưu y trên vô dục? Biết sắc là pháp vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, pháp hoại diệt. Truy ức như vậy rồi nghĩ rằng ‘Ta lúc nào thì thành tựu, an trú nơi xứ mà các bậc Thánh đã thành tựu, an trú?’ Do ước nguyện chứng nhập tối thượng ấy mà lo sợ[11], sầu khổ nên phát sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên vô dục.
“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi sanh ưu, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.
“Thế nào là ưu y trên đắm trước? Pháp được biết bởi ý, khả hỷ, niệm, pháp ái, lạc tương ưng với dục, cái chưa được mà không được, cái đã được nhưng trong quá khứ bị phân tán, hoại diệt, biến dịch nên sanh ưu. Ưu ấy gọi là ưu y trên đắm trước.
“Thế nào là ưu do vô dục? Biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả pháp trước kia và bây giờ đều vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi nghĩ rằng ‘Ta lúc nào thì thành tựu, an trú vào xứ mà các bậc Thánh đã thành tựu, an trú?’ Do ước nguyện chứng nhập tối thượng ấy mà lo sợ, sầu khổ nên phát sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên vô dục.
“Thế nào là xả y trên đắm trước? Thế nào là xả y trên vô dục? Mắt thấy sắc phát sanh xả, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.
“Thế nào là xả y trên đam mê? Mắt thấy sắc rồi phát sanh xả. Phàm phu ngu si hoàn toàn[12] không đa văn, không trí tuệ, đối với sắc có xả nhưng không xuất ly sắc. Đó là xả y trên đam mê.
“Thế nào là xả y trên vô dục? Biết sắc vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi an trụ nơi xả. Nếu vị nào dốc lòng tu tập xả như thế, thì đó là xả y trên vô dục.
“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi phát sanh xả, nên biết rằng có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.
“Thế nào là xả y trên đam mê? Ý nhận thức, phát sanh xả. Phàm phu ngu si, hoàn toàn không đa văn, không trí tuệ, đối với pháp có xả nhưng không xuất ly pháp. Đó là xả y trên đắm.
“Thế nào là xả y trên vô dục? Ý biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết pháp trước kia hay bây giờ đều là vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi an trụ nơi xả. Ai dốc lòng tu tập xả ấy, thì đó là xả y trên vô dục.
“Đó là sáu hỷ y trên đắm trước, sáu hỷ y trên vô dục; sáu ưu y trên đắm trước, sáu ưu y trên vô dục; sáu xả y trên đắm trước, sáu xả y trên vô dục. Tổng thuyết là ba mươi sáu thứ đao kiếm nên biết bên trong. Do nhơn đó mà nói như thế.
“Nói rằng ‘Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là, đối với sáu hỷ y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu hỷ y trên đắm trước ấy thì hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.
“Đối với sáu ưu y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu ưu y trên đám trước này, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.
“Đối với sáu xả y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu xả y trên đắùm trước này, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.
“Có loại xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc[13]; có loại xả chỉ có một xúc, không sai biệt xúc.
“Thế nào là xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc? Nếu xả đối với sắc, đối với thanh, đối với hương, đối với vị, đối với xúc, thì xả ấy có vô lượng xúc, sai biệt xúc.
“Thế nào xả chỉ có một xúc, không sai biệt xúc? Là xả hoặc y vào vô lượng không xứ, hoặc y vào vô lượng thức xứ, hoặc y vào vô sở hữu xứ, hoặc y vào phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thì xả ấy chỉ có một xúc, không sai biệt xúc.
“Đối với xả có một xúc, không sai biệt xúc, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này. Đối với xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia. Thủ vô lượng, y vô lượng, trú vô lượng, tức là đối với xả có một xúc, không sai biệt xúc, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này. Đối với xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.
“Nói rằng ‘Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này’ là nhơn đó mà nói.
“Nói rằng ‘Vô lượng thuyết pháp nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như thế?
“Như Lai có bốn đệ tử, có tăng thượng hành, tăng thượng ý, tăng thượng niệm, tăng thượng tuệ, có biện tài, thành tựu biện tài bậc nhất, thọ đến một trăm tuổi. Như Lai thuyết pháp cho đệ tử ấy suốt cả một trăm năm, ngoại trừ lúc ăn lúc uống, lúc đại tiểu tiện, lúc ngủ nghỉ và lúc tụ hội; những pháp mà Như Lai thuyết kia, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, bằng tuệ mà quán nghĩa một cách nhanh chóng, không có hỏi lại Như Lai về pháp nữa. Vì sao? Vì pháp được Như Lai giảng thuyết không có giới hạn, không thể cùng tận, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, cho đến lúc bốn đệ tử lâm chung.
“Cũng như bốn hạng người bắn giỏi, cùng kéo mạnh dây cung mà bắn một lượt, khéo học kỹ, khéo biết rõ. Cũng vậy, Thế Tôn có bốn đệ tử, có tăng thượng hành, tăng thượng ý, tăng thượng niệm, tăng thượng tuệ, có biện tài, thành tựu biện tài bậc nhất, thọ đến một trăm tuổi. Như Lai thuyết pháp cho đệ tử ấy suốt cả một trăm năm, ngoại trừ lúc ăn lúc uống, lúc đại tiểu tiện, lúc ngủ nghỉ và lúc tụ hội; những pháp mà Như Lai thuyết kia, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, bằng tuệ mà quán nghĩa một cách nhanh chóng, không có hỏi lại Như Lai về pháp nữa. Vì sao? Vì pháp được Như Lai giảng thuyết không có giới hạn, không thể cùng tận.
“Nói rằng ‘Vô lượng thuyết pháp nên biết bên trong’, là nhơn đó mà nói.
“Nói rằng ‘Có ba ý chỉ, là những điều mà bậc Thánh phải tu tập. Sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng’, do nhơn gì mà nói như thế?
“Như Lai thuyết pháp cho đệ tử là vì mến yêu, mưu cầu nhiều thiện lợi và hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, bảo rằng ‘Đây là lợi ích, đây là khoái lạc, đây là lợi ích khoái lạc’. Nếu các đệ tử kia mà không cung kính, không thuận hành, không xác lập nơi trí, tâm không thực hành pháp và tùy pháp[14], không thọ chánh pháp, làm trái lời Thế Tôn, không thể đắc định; nhưng Thế Tôn không vì thế mà buồn rầu. Thế Tôn chỉ xả mà không làm gì, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là ý chỉ thứ nhất mà bậc Thánh tu tập. Sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.
“Lại nữa, Như Lai thuyết pháp cho đệ tử vì thương tưởng mến yêu, vì mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, nói rằng ‘Đây là hữu ích, đây là khoái lạc, đây là hữu ích khoái lạc’. Nếu đệ tử kia cung kính thực hành theo chánh trí, tâm thực hành pháp và tùy pháp, thọ trì chánh pháp, không trái lời Thế Tôn, đắc định, thì Thế Tôn cũng không vì thế mà hoan hỷ. Thế Tôn chỉ xả, mà không làm gì cả, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là ý chỉ thứ hai mà bậc Thánh tu tập. Sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.
“Lại nữa, Như Lai thuyết pháp cho đệ tử vì thương tưởng mến yêu, vì mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, bảo rằng ‘Đây là hữu ích, đây là khoái lạc, đây là hữu ích khoái lạc’. Nhưng có đệ tử không cung kính, cũng không thực hành, không vững chánh trí, tâm không hướng đến pháp tùy pháp hành, không thọ trì chánh pháp, trái lời Thế Tôn, không thể đắc pháp. Trái lại, có đệ tử cung kính, thực hành, vững chánh trí, tâm quy hướng đến pháp tùy pháp hành, thọ trì chánh pháp, không trái lời Thế Tôn, đắc định, Thế Tôn cũng không vì thế mà buồn rầu hay hoan hỷ. Thế Tôn chỉ xả, mà không làm gì cả, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là ý chỉ thứ ba mà bậc Thánh tu tập. Sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.
“Nói rằng ‘Có ba ý chỉ, là những điều mà bậc Thánh phải tu tập. Sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng’, là nhơn đó mà nói.
“Nói rằng ‘Bậc Vô Thượng điều ngự con người, là điều ngự người thú hướng tất cả phương’, do nhơn gì mà nói như vậy?
“Điều ngự con người, đó là nói điều ngự con người chỉ thú hướng một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, hoặc phương Tây, hoặc phương Bắc. Chẳng hạn như điều ngự voi, là vị điều ngự chỉ dẫn con voi đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Điều ngự ngựa là vị điều ngự chỉ dẫn con ngựa đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Điều ngự bò là vị điều ngự chỉ dẫn con bò đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Trái lại, Vô thượng Điều ngự con người thú hướng đến tất cả phương. Trong đó, phương là có sắc thì quán sắc, đó là phương thứ nhất[15]. Bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc, đó là phương thứ hai. Tịnh giải thoát, thân chứng thành tựu, an trú, đó là phương thứ ba. Vượt qua mọi sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không nghĩ đến các loại tưởng sai biệt, nhập vô lượng hư không, thành tựu và an trú vô lượng không xứ, đó là phương thứ tư. Vượt qua mọi vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu an trú vô lượng thức xứ, đó là phương thứ năm. Vượt qua mọi vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trú vô sở hữu xứ, đó là phương thứ sáu. Vượt qua mọi vô sở hữu xứ, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trú, đó là phương thứ bảy. Vượt qua mọi phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, tưởng và thọ đã diệt tận, thân chứng thành tựu, an trú, do tuệ mà quán lậu tận, vĩnh viễn đoạn trừ, đó là phương thứ tám.
“Nói rằng ‘Bậc Vô Thượng điều ngự con người, là điều ngự người thú hướng tất cả phương’ là nhơn đó mà nói”.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
-ooOoo-
Tôi nghe như vầy:[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi, phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là kinh ‘Phân biệt quán pháp’. Các thầy hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ.
Nghe vậy, các Tỳ-kheo thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, chúng con xin vâng lời”.
Đức Phật bảo rằng:
“Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳø kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự khổ”.
Đức Phật nói như thế, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào thất tĩnh tọa.
Khi ấy, các Tỳ-kheo nghĩ rằng: “Chư Hiền nên biết, Đức Thế Tôn nói lên điều đó một cách tóm tắt, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy vào thất tĩnh tọa. Thế Tôn chỉ nói: ‘Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳø kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự khổ’.”
Các vị ấy lại nghĩ rằng: “Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt rộng rãi điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?” Các vị ấy lại nghĩ: “Tôn giả Đại Ca-chiên-diên[02] thường được Thế Tôn và các bậc phạm hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Này chư Hiền, hãy cùng nhau đi đến nơi Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nhờ Tôn giả giải thích điều đó. Nếu Tôn giả Đại Ca-chiên-diên phân biệt cho, chúng ta sẽ khéo thọ trì”.
Thế rồi các Tỳ-kheo cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên thưa rằng:
“Thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nên biết cho rằng, Đức Thế Tôn nói điều này một cách tóm lược, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào phòng tĩnh tọa. Thế Tôn chỉ nói rằng, ‘Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳø kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự kho.å’
“Chúng tôi đã nghĩ rằng, ‘Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?’
“Chúng tôi lại nghĩ, ‘Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các bậc pham hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược’. Mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thương xót mà phân biệt rộng rãi cho”.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói rằng:
“Này chư Hiền, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người có trí nghe thí dụ thì sẽ hiểu được nghĩa.
“Này chư Hiền, cũng như ngườøi muốn tìm lõi cây. Vì muốn tìm lõi cây nên xách búa vào rừng. Người ấy thấy cây đại thọ có đủ gốc, thân, cành, nhánh, lá, hoa và lõi. Người ấy không đốn gốc, thân, cành và lõi mà chỉ chặt nhánh và lá thôi. Điều chư Hiền nói ra cũng lại như vậy. Đức Thế Tôn còn đó mà chư Hiền lại bỏ đi tìm tôi để hỏi về điều ấy. Vì sao? Chư Hiền nên biết, Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn.
“Này chư Hiền, hãy đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi điều đó như thế này, ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn dạy thế nào, chư Hiền nên khéo léo thọ trì thế ấy”.
Nghe thế, các Tỳ-kheo thưa rằng:
“Xin vâng, thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng. Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn. Chúng tôi đáng lẽ phải đến chỗ Thế Tôn mà hỏi về điều đó như vầy ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn nói như thế nào, chúng tôi sẽ khéo thọ trì thế ấy. Nhưng Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các bậc phạm hạnh có tri tán tán. Như vậy, Tôn giả có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thương xót mà giải thích rộng rãi cho”.
Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói:
“Này chư Hiền, vậy hãy nghe tôi nói.
“Này chư Hiền, thế nào là tâm[03] Tỳ-kheo hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn? –Chư Hiền, với con mắt, Tỳ-kheo con mắt thấy sắc, thức ăn tướng của sắc, thắc đắm trước vị lạc của tướng của sắc, thức bị trói buộc bởi vị lạc của tướng của sắc; vị ấy bị vị ngọt của sắc tướng cột chặt tâm nên hướng ra ngoài, bị phân rải, tán loạn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; với ý vị ấy nhận thức pháp, thức chạy theo pháp tướng, thức đắm trước vị lạc của pháp tướng, thức bị trói buộc bởi vị lạc của pháp tướng, vị ấy bị vị của vị ngọt của pháp tướng cột chặt tâm nên hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn.
“Này Chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn.
“Này chư Hiền, thế nào gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn?
“Này chư Hiền, với con mắt, Tỳ-kheo thấy sắc, thức không chạy theo sắc tướng, thức không đắm trước lạc của sắc tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của sắc tướng, vị ấy không bị vị ngọt của sắc tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; với ý Tỳ-kheo nhận thức pháp, thức không chạy theo pháp tướng, thức không đắm trước lạc của pháp tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của pháp tướng. Vị ấy không bị vị ngọt của pháp tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị chi phối, tán loạn.
“Này Chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn.
“Này chư Hiền, thế nào là tâm Tỳ-kheo không trú vào bên trong?
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục phát sanh, chứng đắc thiền thứ nhất, thành tựu an trụ. Nhưng thức của vị ấy đắm trước ở vị ngọt của ly dục, y nơi đó, trú nơi đó, duyên nơi đó, gắn chặt nơi đó, nên thức không trú vào bên trong.
“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định phát sanh, đắc thiền thứ hai, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy đắm trước nơi vị ngọt của định, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.
“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh nói là được Thánh xả, niệm, an trú lạc[04], đắc thiền thứ ba, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị ngọt của ly hỷ, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.
“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ trước kia, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, đắc thiền thứ tư, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của xả và của niệm, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.
“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua mọi sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy đến các loại tưởng sai khác, nhập vô lượng không, thành vô lượng không xứ, thành tựu và an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị ngọt của không trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.
“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, vô lượng thức xứ, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của thức trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.
“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu xứ, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của vô sở hữu trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.
“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập Phi hữu tưởng phi vô tưởng, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của tưởng trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.
“Này chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo không trú vào bên trong.
“Này chư Hiền, thế nào là tâm Tỳ-kheo an trú vào bên trong?
“Chư Hiền, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, đắc Thiền thứ nhất, thành tựu an trú. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của ly dục, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.
“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, đắc đệ Nhị thiền, thành tựu an trú. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của định, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.
“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo ly hỷ dục, an trụ, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh nói là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, đắc Thiền thứ ba, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị của ly hỷ, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.
“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo diệt khổ, diệt dục, diệt hỷ và ưu có trước kia, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đắc Thiền thứ tư, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của xả và vị của niệm thanh tịnh, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.
“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy đến các loại tưởng sai biệt, nhập vô lượng không xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị của không trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.
“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của thức trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.
“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của vô sở hữu trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.
“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của vô tưởng trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.
“Này chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo trú vào bên trong.
“Này chư Hiền, thế nào là Tỳ-kheo không chấp thủ mà sợ hãi?
“Chư Hiền, Tỳ-kheo không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát, thì vị ấy muốn được sắc, truy cầu, đắm trước sắc, trú vào sắc, nghĩ rằng ‘Sắc là ta. Sắc là sở hữu của ta’. Khi đã muốn được sắc, truy cầu sắc, đắm trước sắc, trú vào sắc, nghĩ rằng ‘Sắc là ta. Sắc là sở hữu của ta’, thì thức nắm bắt sắc. Sau khi thức nắm bắt sắc, lúc ấy sắc biến dịch thì thức cũng bị chuyển theo sắc. Khi thức đã bị chuyển theo sắc thì Tỳ-kheo ấy sanh sợ hãi, tâm trú vào trong đó. Nhơn vì tâm không biết nên sanh khiếp sợ, lao nhọc, không chấp thủ mà sợ hãi.
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; Tỳ-kheo không ly thức nhiễm, không ly thức dục, không ly thức ái, không ly thức khát.
“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào không ly thức nhiễm, không ly thức dục, không ly thức ái, không ly thức khát, thì vị ấy muốn được thức, truy cầu thức, đắm trước thức, trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức là ta. Thức là sở hữu của ta’. Vị ấy khi đã muốn đượïc thức, truy cầu thức, đắm trước thức, trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức là ta. Thức là sở hữu của ta’ thì thức nắm bắt thức. Sau khi thức nắm bắt thức, lúc thức ấy biến dịch thì thức cũng bị chuyển theo thức. Sau khi thức đã bị chuyển theo thức, Tỳ-kheo ấy sanh sợ hãi, tâm trú vào trong đó. Nhơn vì tâm không biết nên sanh khiếp hãi, lao nhọc, không chấp thọ mà sợ hãi.
“Này chư Hiền, như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ mà sợ hãi.
“Này chư Hiền, thế nào gọi là Tỳ-kheo không chấp thủ, không sợ hãi?
“Chư Hiền, là Tỳ-kheo ly sắc nhiễm, ly sắc dục, ly sắc ái, ly sắc khát.
“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào ly sắc nhiễm, ly sắc dục, ly sắc ái, ly sắc khát, thì vị ấy không muốn được sắc, không truy cầu sắc, không đắm trước sắc, không trú vào sắc nghĩ rằng ‘Sắc không phải là ta. Sắc không phải là sở hữu của ta’. Vị ấy đã không muốn được sắc, không truy cầu sắc, không đắm trước sắc, không trú vào sắc nghĩ rằng ‘Sắc không phải là ta. Sắc không phải là sở hữu của ta’ thì thức không nắm bắt sắc. Khi thức đã không nắm bắt sắc, lúc ấy sắc biến dịch, thức không bị chuyển theo sắc. Thức đã không bị chuyển theo sắc thì vị ấy không sanh sợ hãi, tâm không trú vào trong đó. Nhơn vì tâm biết nên không khiếp sợ, không lao nhọc, không chấp thọ, không sợ hãi.
“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; Tỳ-kheo ly thức nhiễm, ly thức dục, ly thức ái, ly thức khát. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào ly thức nhiễm, ly thức dục, ly thức ái, ly thức khát thì vị ấy không muốn đắc thức, không truy cầu thức, không đắm trước thức, không trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức không phải là ta. Thức không phải là sở hữu của ta’. Tỳ-kheo ấy khi đã không muốn được thức, không truy cầu thức, không đám trước thức, không trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức không phải là ta. Thức không phải là của ta’, thì thức không nắm bắt thức. Khi thức đã không nắm bắt thức, lúc thức kia biến dịch, thức không bị chuyển theo thức. Khi thức không bị chuyển theo thức, Tỳ-kheo ấy không sanh sợ hãi, tâm không trú vào trong đó. Nhơn vì tâm biết nên không khiếp sợ, không lao nhọc, không chấp thọ, không sợ hãi.
“Này chư Hiền, như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thủ, không sợ hãi.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói điều đó tóm lược, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào phòng tĩnh tọa. Ngài chỉ nói rằng ‘Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳ-kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự khổ’. Đức Thế Tôn đã nói điều ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi như vậy đó. Tôi đã dùng cú này, văn này giải thích rộng rãi như thế. Này chư Hiền, hãy đến trình bày với Thế Tôn đầy đủ. Nếu Đức Thế Tôn nói điều đó như thế nào thì chư Hiền thọ trì như thế ấy”.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo ấy nghe Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói như vậy, khéo thọ trì, đọc tụng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Tôn giả ấy ba vòng rồi đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên mà thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nói tóm lược về điều đó mà không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào thất tĩnh tọa, thì Tôn giả Đại Ca-chiên-diên với cú như thế, văn như thế đã giải thích rộng rãi về điều đó”.
Đức Thế Tôn nghe như vậy, liền tán thán rằng:
“Lành thay! Lành thay! Trong số đệ tử của Ta, đó là vị có mắt, có trí, có pháp, có nghĩa. Vì sao? Vì đạo sư nói điều ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi cho các đệ tử, mà đệ tử ấy đã bằng cú như thế, văn như thế để giải thích rộng rãi. Cho nên những gì mà Ca-chiên-diên đã nói, các ngươi hãy thọ trì như vậy. Vì sao? Vì thuyết quán nghĩa phải như vậy.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
-ooOoo-
Tôi nghe như vầy:[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa[02].
Bấy giờ, Tôn giả Tam-di-đề[03] cũng đi du hóa ở thành Vương xá, tại Ôn tuyền tâm[04].
Bấy giờ, đêm gần tàn, trời sắp sáng, Tôn giả Tam-di-đề từ phòng bước ra, đi đến Ôn tuyền, cởi y để trên bờ rồi xuống hồ Ôn tuyền tắm. Sau khi tắm xong, Tôn giả lên bờ lấy khăn lau mình và mặc y vào.
Bấy giờ có một vị thiên thần thân hình rất đẹp, sắc tướng uy nghi, nhắm lúc trời sắp rạng đông, đi đến Tôn giả Tam-di-đề, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Tam-di-đề rồi đứng qua một bên. Vị thiên thần đó với sắc tướng uy thần cực diệu làm sáng chói khắp cả bờ hồ Ôn tuyền.
Sau khi đứng qua một bên, thiên thần bạch với Tôn giả Tam-di-đề rằng:
“Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế [05] chăng?
Tôn giả Tam-di-đề trả lời vị thiên thần kia rằng:
“Tôi không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế”.
Rôi Tôn giả hỏi lại thiên thần:
“Nhưng ngài có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng?”
Thiên thần trả lời:
“Tôi cũng không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế”.
Tôn giả Tam-di-đề lại hỏi vị thiên thần kia:
“Ai thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế?”
Thiên thần kia đáp:
“Đức Thế Tôn đang du hóa trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này”.
Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân của Tôn giả Tam-di-đề, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.
Sau khi thiên thần biến mất không lâu, Tôn giả Tam-di-đề đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay khi trời sắp rạng đông, con ra khỏi phòng, đi đến Ôn tuyền, cởi y để trên bờ rồi xuống hồ Ôn tuyền tắm. Sau khi tắm xong, lên bờ lấy khăn lau mình và mặc y vào. Bấy giờ có một vị thiên thần thân hình rất đẹp, sắc tướng uy nghi, nhắm lúc trời sắp rạng đông, đi đến con, cúi đầu đảnh lễ con rồi đứng qua một bên. Vị thiên thần đó với sắc tướng uy thần cực diệu làm sáng chói khắp cả bờ hồ Ôn tuyền. Sau khi đứng qua một bên, thiên thần bạch với con: ‘Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng? Con trả lời vị thiên thần kia rằng: ‘Tôi không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế’. Rồi con hỏi lại thiên thần: ‘Nhưng ngài có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng?’ Thiên thần trả lời: ‘Tôi cũng không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế’. Con lại hỏi vị thiên thần kia: ‘Ai thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế?’ Thiên thần kia đáp: ‘Đức Thế Tôn đang du hóa trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này’. Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân con, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó”.
Đức Thế Tôn hỏi rằng:
“Này Tam-di-đề, ngươi có biết vị thiên thần kia từ đâu đến chăng? Vị thiên thần kia tên là gì chăng?”
“Tôn giả Tam-di-đề đáp rằng:
“Bạch Thế Tôn, con không biết vị thiên thần kia từ đâu đến, cũng không biết tên gì”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Tam-di-đề, vị thiên thần kia tên là Chánh Điện[06], làm tướng quân ở cõi trời Tam thập tam thiên.
Khi ấy, Tôn giả Tam-di-đề bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng lúc. Nếu Thế Tôn nói cho Tỳ-kheo bài kệ Bạt-địa-la-đế ấy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn nói, sẽ ghi nhớ kỹ”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Tam-di-đề, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói cho ông nghe”.
Tôn giả Tam-di-đề bạch:
“Xin vâng, bạch Thế Tôn!”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời chỉ giáo mà lắng nghe.
Đức Thế Tôn đọc bài tụng:
- Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
- Tương lai cũng chớ mong cầu.
- Quá khứ đã qua, đã mất,
- Tương lai chưa đến, còn xa.
- Hiện tại những gì đang có
- Thì nên quán sát suy tư.
- Niệm niệm mong manh không chắc,
- Người khôn biết vậy nên tu.
- Nếu có làm theo hạnh Thánh,
- Ai hay nỗi chết ưu sầu.
- Nhất định tránh xa sự chết;
- Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
- Như vậy thực hành tinh tấn,
- Ngày đêm không chút biếng lười.
- Vì vậy phải thường tụng đọc
- Bạt-địa-la-đế kệ này.
Sau khi nói bài kệ như vậy, Đức Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh thất mà tĩnh tọa.
Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo liền nghĩ rằng: “Này chư Hiền, nên biết, Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt lời dạy này, không phân biệt rộng rãi, rồi Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất nhập định.
- Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
- Tương lai cũng chớ mong cầu.
- Quá khứ đã qua, đã mất,
- Tương lai chưa đến, còn xa.
- Hiện tại những gì đang có
- Thì nên quán sát suy tư.
- Niệm niệm mong manh không chắc,
- Người khôn biết vậy nên tu.
- Nếu có làm theo hạnh Thánh,
- Ai hay nỗi chết ưu sầu.
- Nhất định tránh xa sự chết;
- Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
- Như vậy thực hành tinh tấn,
- Ngày đêm không chút biếng lười.
- Vì vậy phải thường tụng đọc
- Bạt-địa-la-đế kệ này.
Các vị ấy lại nghĩ rằng: “Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt rộng rãi điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?” Các vị ấy lại nghĩ: “Tôn giả Đại Ca-chiên-diên[07] thường được Thế Tôn và các bậc phạm hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Này chư Hiền, hãy cùng nhau đi đến nơi Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nhờ Tôn giả giải thích điều đó. Nếu Tôn giả Đại Ca-chiên-diên phân biệt cho, chúng ta sẽ khéo thọ trì”.
Thế rồi các Tỳ-kheo cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên thưa rằng:
“Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nên biết, Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt lời dạy này, không phân biệt rộng rãi, rồi Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất nhập định.
- Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
- Tương lai cũng chớ mong cầu.
- Quá khứ đã qua, đã mất,
- Tương lai chưa đến, còn xa.
- Hiện tại những gì đang có
- Thì nên quán sát suy tư.
- Niệm niệm mong manh không chắc,
- Người khôn biết vậy nên tu.
- Nếu có làm theo hạnh Thánh,
- Ai hay nỗi chết ưu sầu.
- Nhất định tránh xa sự chết;
- Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
- Như vậy thực hành tinh tấn,
- Ngày đêm không chút biếng lười.
- Vì vậy phải thường tụng đọc
- Bạt-địa-la-đế kệ này.
“Chúng tôi suy nghĩ rằng: ‘Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt rộng rãi điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?’ Chúng tôi lại nghĩ: ‘Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các bậc phạm hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Cúi xin Tôn giả Đại Ca-chiên-diên vì lòng từ mẫn mà nói nghĩa ấy một cách rộng rãi”.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói rằng:
“Này chư Hiền, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người có trí nghe thí dụ thì sẽ hiểu được nghĩa.
“Này chư Hiền, cũng như người muốn tìm lõi cây. Vì muốn tìm lõi cây nên xách búa vào rừng. Người ấy thấy cây đại thọ có đủ gốc, thân, cành, nhánh, lá, hoa và lõi. Người ấy không đốn gốc, thân, cành và lõi mà chỉ chặt nhánh và lá thôi. Điều chư Hiền nói ra cũng lại như vậy. Đức Thế Tôn còn đó mà chư Hiền lại bỏ đi tìm tôi để hỏi về điều ấy. Vì sao? Chư Hiền nên biết, Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn.
“Này chư Hiền, hãy đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi điều đó như thế này, ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn dạy thế nào, chư Hiền nên khéo léo thọ trì thế ấy”.
Nghe thế, các Tỳ-kheo thưa rằng:
“Xin vâng, thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng. Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn. Chúng tôi đáng lẽ phải đến chỗ Thế Tôn mà hỏi về điều đó như vầy ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn nói như thế nào, chúng tôi sẽ khéo thọ trì thế ấy. Nhưng Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các bậc phạm hạnh có tri tán thán. Như vậy, Tôn giả có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thương xót mà giải thích rộng rãi cho”.
Tôn giả Đại Ca-chiên-diên bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, nếu vậy xin hãy nghe tôi nói.
“Này chư Hiền, thế nào là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ? Này chư Hiền, Tỳ-kheo quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, tâm lạc tương ưng với dục, tâm mò bắt cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy bị nhiễm trước dục; do thức nhiễm trước dục, vị ấy hoan lạc. Do hoan lạc, vị ấy truy niệm quá khứ. Tai, mũi, lưỡi và thân cũng vậy. Quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, tâm lạc tương ưng với dục, tâm mò bắt cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy bị nhiễm trước dục; do thức nhiễm trước dục, vị ấy hoan lạc. Do hoan lạc, vị ấy truy niệm quá khứ.
“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ? Này chư Hiền, Tỳ-kheo quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, tâm lạc tương ưng với dục, tâm mò bắt cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy không bị nhiễm trước dục; do thức không bị nhiễm trước dục, nên không hoan lạc nơi đó. Do không hoan lạc nơi đó nên không truy niệm quá khứ. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy, quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, tâm lạc tương ưng với dục, tâm mò bắt cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy không bị nhiễm trước dục; do thức không nhiễm trước dục, vị ấy không hoan lạc. Do không hoan lạc, vị ấy không truy niệm quá khứ.
Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ.
“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo mong ước vị lai? Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với vị lai những gì chưa được thì muốn được, đã được rồi thì tâm mong ước. Do tâm mong ước nên hoan lạc nơi đó. Do hoan lạc nên mong ước vị lai. Tai, mắt, nũi, lưỡi, thân cũng như vậy. Đối với vị lai, những gì chưa được thì muốn được. Đã được thì tâm mong ước. Do tâm mong ước nên tâm hoan lạc nơi đó. Do hoan lạc nên mong ước vị lai. Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo mong ước vị lai.
“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo không mong ước vị lai? Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với vị lai những gì chưa được thì không muốn được, đã được rồi thì tâm không mong ước. Do tâm không mong ước nên không hoan lạc nơi đó. Do không hoan lạc nơi đó nên không mong ước vị lai. Này chư Hiền, như vậy đó gọi là Tỳ-kheo mong ước vị lai.
“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại? Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại bị nhiễm trước dục. Do thức bị nhiễm trước dục nên hoan lạc nơi ấy. Do hoan lạc nên chấp thủ pháp hiện tại. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy, nếu có ý, pháp và ý thức, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại bị nhiễm trước dục. Do bị nhiễm trước dục nên hoan lạc nơi ấy. Do hoan lạc nên chấp thủ pháp hiện tại. Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại.
“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo không chấp thủ pháp hiện tại? Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại không bị nhiễm trước dục. Do thức không bị nhiễm trước dục nên không hoan lạc nơi ấy. Do hoan lạc nên không chấp thủ pháp hiện tại. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy, nếu ý, pháp và ý thức, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại không bị nhiễm trước dục. Do thức không bị nhiễm trước dục nên hoan lạc nơi ấy. Do không hoan lạc nên không chấp thủ pháp hiện tại. Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo không chấp thủ pháp hiện tại.
“Này chư Hiền, phần này được Thế Tôn nói vắn tắt, không phân biệt một cách rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa”.
- Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
- Tương lai cũng chớ mong cầu.
- Quá khứ đã qua, đã mất,
- Tương lai chưa đến, còn xa.
- Hiện tại những gì đang có
- Thì nên quán sát suy tư.
- Niệm niệm mong manh không chắc,
- Người khôn biết vậy nên tu.
- Nếu có làm theo hạnh Thánh,
- Ai hay nỗi chết ưu sầu.
- Nhất định tránh xa sự chết;
- Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
- Như vậy thực hành tinh tấn,
- Ngày đêm không chút biếng lười.
- Vì vậy phải thường tụng đọc
- Bạt-địa-la-đế kệ này.
“Phần này được Thế Tôn nói vắn tắt mà không phân biệt một cách rộng rãi. Tôi bằng những câu này nói một cách rộng rãi như vậy đó. Này chư Hiền, có thể đến trình bày đầy đủ lên Đức Phật. Nếu Đức Thế Tôn có nói ý nghĩa như thế nào, chư Hiền hãy thọ trì”.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo ấy nghe Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói như vậy, khéo thọ trì, đọc tụng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Tôn giả ấy ba vòng rồi đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên mà thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nói tóm lược về điều đó mà không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào thất tĩnh tọa, thì Tôn giả Đại Ca-chiên-diên với cú như thế, văn như thế đã giải thích rộng rãi về điều đó.”
Đức Thế Tôn nghe như vậy, liền tán thán rằng:
“Lành thay! Lành thay! Trong số đệ tử của Ta, đó là vị có mắt, có trí, có pháp, có nghĩa. Vì sao? Vì đạo sư nói điều ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi cho các đệ tử, mà đệ tử ấy đã bằng cú như thế, văn như thế để giải thích rộng rãi. Cho nên những gì mà Ca-chiên-diên đã nói, các ngươi hãy thọ trì như vậy. Vì sao? Vì thuyết quán nghĩa phải như vậy.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
-ooOoo-
Tôi nghe như vầy:[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ[02] cũng ở giữa những người họ Thích tại thiền thất Vô sự[03].
Khi ấy, vào lúc trời gần sáng, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ từ thiền thất kia đi ra, đến một khoảng đất trống nằm trong bóng thiền thất, trải ni-sư-đàn lên trên chõng rồi ngồi kiết già.
Bấy giờ có một vị thiên thần hình dáng rất đẹp, sắc đẹp nguy nguy, vào lúc trời gần sáng, đi đến chỗ Tôn giả Lô-di-cường-kỳ, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Sắc tượng và uy thần của bị trời này rất là thù diệu, ánh sáng chói khắp cả thiền thất. Sau khi đứng qua một bên, vị trời này thưa với Tôn giả Lô-di-cường-kỳ rằng:
“Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?”
Tôn giả Lô-di-cường-kỳ trả lời vị thiên thần ấy rằng:
“Tôi không có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và cũng không hiểu ý nghĩa của nó”.
Rồi Tôn giả hỏi lại:
“Người có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?”
Thiên thần trả lời:
“Tôi có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế nhưng ý nghĩa thì không hiểu”.
Tôn giả Lô-di-cường-kỳ lại hỏi thiên thần:
“Tại sao thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế mà lại không hiểu ý nghĩa của nó?”
Thiên thần đáp:
“Một thời, Đức Thế Tôn du hóa trong thành Vương xá, trú tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo nghe bài kệ Tôn giả Lô-di-cường-kỳ như vầy:
- Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
- Tương lai cũng chớ mong cầu.
- Quá khứ đã qua, đã mất,
- Tương lai chưa đến, còn xa.
- Hiện tại những gì đang có
- Thì nên quán sát suy tư.
- Niệm niệm mong manh không chắc,
- Người khôn biết vậy nên tu.
- Nếu có làm theo hạnh Thánh,
- Ai hay nỗi chết ưu sầu.
- Nhất định tránh xa sự chết;
- Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
- Như vậy thực hành tinh tấn,
- Ngày đêm không chút biếng lười.
- Vì vậy phải thường tụng đọc
- Bạt-địa-la-đế kệ này.
“Này Tỳ-kheo, tôi thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế như vậy nhưng mà không lãnh hội được ý nghĩa của nó”.
Tôn giả Lô-di-cường-kỳ hỏi thiên thần:
“Vậy thì ai thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó?
Thiên thần kia đáp:
“Đức Thế Tôn đang du hóa trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này”.
Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân của Tôn giả Lô-di-cường-kỳ, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.
Chẳng bao lâu, sau khi vị thiên thần biến mất, bấy giờ Tôn giả Lô-di-cường-kỳø, giữa dòng họ Thích, ba tháng an cư mùa mưa đã qua, khâu vá y cũng đã xong, đắp y ôm bát đi vào nước Xá-vệ. Tôn giả lần hồi tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, trụ tại rừng Thắng, trong vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi một bên mà bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, một thời con trú ở giữa dòng họ Thích, tại thiền thất Vô sự. Bạch Đức Thế Tôn, bấy giờ vào lúc trời gần sáng, con từ thiền thất đi ra, đến khoảng đất trống nằm trong bóng của thiền thất, con trải tọa cụ lên trên chõng rồi ngồi kiết già. Lúc đó có một vị thiên thần hình dáng rất đẹp, sắc đẹp nguy nguy, vào lúc trời gần sáng, đi đến chỗ con, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Sắc tượng và uy thần của bị trời này rất là thù diệu, ánh sáng chói khắp cả thiền thất. Sau khi đứng qua một bên, vị trời này thưa với con rằng ‘Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?’ Con trả lời vị thiên thần ấy rằng: ‘Tôi không có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và cũng không hiểu ý nghĩa của nó’. Rồi con hỏi lại ‘Người có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?’ Thiên thần trả lời ‘Tôi có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế nhưng ý nghĩa thì không hiểu’. Con lại hỏi thiên thần ‘Tại sao thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế mà lại không hiểu ý nghĩa của nó?’ Thiên thần đáp ‘Một thời, Đức Thế Tôn du hóa trong thành Vương xá, trú tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo nghe bài kệ Tôn giả Lô-di-cường-kỳ như vầy:
- Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
- Tương lai cũng chớ mong cầu.
- Quá khứ đã qua, đã mất,
- Tương lai chưa đến, còn xa.
- Hiện tại những gì đang có
- Thì nên quán sát suy tư.
- Niệm niệm mong manh không chắc,
- Người khôn biết vậy nên tu.
- Nếu có làm theo hạnh Thánh,
- Ai hay nỗi chết ưu sầu.
- Nhất định tránh xa sự chết;
- Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
- Như vậy thực hành tinh tấn,
- Ngày đêm không chút biếng lười.
- Vì vậy phải thường tụng đọc
- Bạt-địa-la-đế kệ này.
“‘Này Tỳ-kheo, tôi thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế như vậy nhưng mà không lãnh hội được ý nghĩa của nó’. Con lại hỏi thiên thần ‘Vậy thì ai thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó?’ Thiên thần kia đáp ‘Đức Thế Tôn đang du hóa trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này’. Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân của con, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó”.
Khi ấy, Đức Thế Tôn hỏi Tôn giả Lô-di-cường-kỳ rằng:
“Ngươi biết vị thiên thần kia từ đâu đến chăng? Vị thiên thần kia tên là gì chăng?”
Tôn giả Lô-di-cường-kỳ trả lời rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, con không biết vị thiên thần kia từ đâu tới, cũng không biết tên vị ấy là gì”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Cường-kỳ, vị thiên thần kia tên là Ban-na[04], làm tướng quân cõi trời Tam thập tam.
Lúc ấy, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng lúc, nếu Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo nghe bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó thì các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ khéo thọ trì”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Cường-kỳ, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói ý nghĩa bài kệ một cách rộng rãi cho ông nghe”.
Tôn giả Lô-di-cường-kỳ bạch rằng:
“Xin vâng, con xin nghe theo lời dạy”.
- Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
- Tương lai cũng chớ mong cầu.
- Quá khứ đã qua, đã mất,
- Tương lai chưa đến, còn xa.
- Hiện tại những gì đang có
- Thì nên quán sát suy tư.
- Niệm niệm mong manh không chắc,
- Người khôn biết vậy nên tu.
- Nếu có làm theo hạnh Thánh,
- Ai hay nỗi chết ưu sầu.
- Nhất định tránh xa sự chết;
- Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
- Như vậy thực hành tinh tấn,
- Ngày đêm không chút biếng lười.
- Vì vậy phải thường tụng đọc
- Bạt-địa-la-đế kệ này.
“Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ? Nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trúù. Nếu hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trúù. Như vậy, đó là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ.
“Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ? Nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc quá khứ, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Nếu không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ.
“Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo mong cầu tương lai? Nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Nếu hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo mong cầu tương lai.
“Này Cường-kỳ, sao gọi là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai? Nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở tương lai, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức tương lai, sẽ không ham muốn, không đắm trước, không an trúù. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai.
“Này Cường-kỳ, thế nào gọi là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại?-Nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Nếu hoan lạc giác, tưởng, hành, thức ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo chấp thọ pháp hiện tại.
“Này Cường-kỳ, thế nào gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại? Nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trúù. Không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại.”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Lô-di-cường-kỳ và các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
-ooOoo-
Tôi nghe như vầy:[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ và ý nghĩa của nó cho các Tỳ-kheo đang tụ họp tại giảng đường vào lúc ban đêm.
Bấy giờ đêm đã qua, trời hừng sáng, có một Tỳ-kheo đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên mà bạch Phật, rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, Tôn giả A-nan có nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ và ý nghĩa của nó cho các Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường vào lúc ban đêm”.
Nhân đó, Đức Thế Tôn bảo một vị Tỳ-kheo rằng:
“Ngươi hãy đi đến chỗ của Tỳ-kheo A-nan mà nói như vầy: “Thưa Tôn giả A-nan, Đức Thế Tôn gọi Tôn giả”.
Vị Tỳ-kheo kia vâng lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, ba vòng rồi đi đến chỗ của Tôn giả A-nan mà nói rằng:
“Thế Tôn gọi Tôn giả A-nan”.
Tôn giả A-nan liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên.
Đức Thế Tôn hỏi A-nan rằng:
“Này A-nan, có quả thật ông có nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ cho các Tỳ-kheo tụ họp tại giảng đường vào lúc ban đêm chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thật vậy, bạch Thế Tôn”.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này A-nan, ông nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ và ý nghĩa của nó cho các Tỳ-kheo nghe như thế nào?”
Tôn giả A-nan liền nói rằng:
- Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;
- Tương lai cũng chớ mong cầu.
- Quá khứ đã qua, đã mất,
- Tương lai chưa đến, còn xa.
- Hiện tại những gì đang có
- Thì nên quán sát suy tư.
- Niệm niệm mong manh không chắc,
- Người khôn biết vậy nên tu.
- Nếu có làm theo hạnh Thánh,
- Ai hay nỗi chết ưu sầu.
- Nhất định tránh xa sự chết;
- Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.
- Như vậy thực hành tinh tấn,
- Ngày đêm không chút biếng lười.
- Vì vậy phải thường tụng đọc
- Bạt-địa-la-đế kệ này.
Đức Thế Tôn lại hỏi A-nan rằng:
“Này A-nan, thế nào là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trúù. Nếu hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trúù. Như vậy, đó là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ.
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc quá khứ, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Nếu không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ”.
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo mong cầu tương lai?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Nếu hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo mong cầu tương lai”.
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở tương lai, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức tương lai, sẽ không ham muốn, không đắm trước, không an trúù. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai”.
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Nếu hoan lạc giác, tưởng, hành, thức ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo chấp thọ pháp hiện tại”.
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trúù. Không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại”.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Lành thay! Lành thay! Đệ tử của Ta là người có mắt, có trí, có nghĩa, có pháp. Vì sao vậy? Vì là đệ tử, ngay trước mặt Tôn sư, mà diễn rộng ý nghĩa của văn cú như vậy. Đúng như những gì Tỳ-kheo A-nan đã nói, các thầy hãy nên như vậy mà thọ trì. Vì sao vậy? Lời nói ấy và quán nghĩa đó phải như vậy”.
Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
[01] Tương đương Pāli M.132. Ānanda-bhaddekaratta-sutta. Nội dung và các chú thích, đối chiếu và xem
-ooOoo-
Tôi nghe như vầy:[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Nay Ta sẽ nói pháp cho các ngươi nghe, vi diệu ở đoạn đầu, vi diệu ở đoạn giữa, và đoạn cuối cũng vi diệu; có văn, có nghĩa đầy đủ, thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là kinh “Phân biệt ý hành” về sự thọ sanh theo ý hành[02]. Hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm kỹ”.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe.
Phật nói:
“Sao gọi là sự tái sinh do ý hành đưa tới? Nếu các Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, chứng được Sơ thiền[03], thành tựu an trụ. Vị ấy đối với định này, vui sướng trụ ở đó. Vị ấy đối với định kia đã ham muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ vào đó, khoái lạc đó, mạng chung sanh trong cõi Phạm thân. Các trời Phạm thân[04] sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng hỷ lạc phát sanh do ly dục; và Tỳ-kheo sống ở đây[05] nhập Sơ thiền, thọ hưởng hỷ lạc do ly dục sanh. Hai thứ hỷ và lạc do ly dục sanh này không có sai khác, cả hai đều bằng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó mới sanh vào chỗ ấy. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào trong cõi Phạm thân. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa, Tỳ-kheo giác quán đã tịch tĩnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Đối với định lực này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định này, khi đã trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ nơi đó, khoái lạc nơi đó, mạng chung sanh vào cõi trời Hoảng dục[06]. Các trời Hoảng dục sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng hỷ lạc do định sanh; và Tỳ-kheo trụ ở đây, nhập đệ nhị thiền, thọ hưởng hỷ lạc do định sanh. Hai hỷ lạc do định sanh này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đâu hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Hoảng dục thiên. Như vậy gọi là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, ly hỷ dục, xả, vô cầu, an trụ, chánh niệm, chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc này, vị kia vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ nơi đó, khoái lạc nơi đó, thân hoại mạng chung sanh vào cõi Biến tịnh thiên[07]. Các trời Biến tịnh sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng diệu lạc do ly hỷ; và Tỳ-kheo sống ở đây nhập Tam thiền này, thọ hưởng diệu lạc do ly hỷ. Diệu lạc do ly hỷ này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đâu hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Biến tịnh thiên. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, diệt lạc, diệt khổ, hỷ và ưu vốn có từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, thân hoại mạng chung sanh lên cõi trời Quả thật thiên[08]. Các trời Quả thật thiên, sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng diệu lạc do xả niệm thanh tịnh; và Tỳ-kheo sốngï ở đây, nhập đệ Tứ thiền, thọ hưởng diệu lạc do xả niệm thanh tịnh. Hai diệu lạc do xả niệm thanh tịnh này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Quả thật thiên. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả sắc tưởng, hữu đối tưởng, không truy niệm bất cứ tưởng nào, nhập vô biên không, thành tựu an trụ không vô biên xứ. Đối với định lạc này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc này khi đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi Vô lượng không xứ thiên. Các trời Vô lượng không xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng vô lượng không xứ tưởng; và Tỳ-kheo ở đây thọ hưởng vô lượng không xứ tưởng. Hai vô lượng không xứ tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào cõi Vô lượng không xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ vô lượng thức xứ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc này khi đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi Vô lượng thức xứ thiên. Các trời Vô lượng thức xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng vô lượng thức xứ tưởng; và Tỳ-kheo sốngï ở đây thọ hưởng vô lượng thức xứ tưởng. Hai vô lượng thức tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào cõi Vô lượng thức xứ. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu thì thành tựu an trụ vô sở hữu xứ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định này khi đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi Vô sở hữu xứ thiên. Các trời Vô sở hữu xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng vô sở hữu xứ tưởng; và Tỳ-kheo trụ ở đây thọ hưởng vô lượng thức xứ tưởng. Hai vô sở hữu xứ tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào cõi Vô sở hữu xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả vô sở hữu xứ tưởng, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng, thành tựu an trụ phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định này khi đã muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên. Chư Thiên trên cõi trời Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ tưởng; và Tỳ-kheo trụ ở đây thọ hưởng phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ tưởng. Hai tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.
“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ tưởng, nhập tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ kiến đoạn trừ các lậu, chứng đắc tận trí. Trong các định, định này được nói là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối diệu. Ví như do bò mà có sữa, do sữa có lạc, do lạc có sanh tô, do sanh tô có thục tô, do thục tô có tinh tô. Tô tinh này được nói là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối thắng, tối diệu. Do chứng đắc định này, y nơi định này, trụ ở định này, không còn thọ lãnh sự khổ của sanh, già, bệnh, chết. Đó là tận cùng sự khổ”.
Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
-ooOoo-
Tôi nghe như vầy:[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại Bà-kì-sấu[02], ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu[03].
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Nay Ta sẽ nói pháp cho các ngươi nghe. Pháp ấy vi diệu ở phần đầu, vi diệu ở quảng giữa và đoạn cuối cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, gọi là kinh ‘Phân biệt vô tránh’. Các ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ”.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe.
Phật dạy:
“Đừng nên mong cầu dục lạc[04], là nghiệp vô cùng hèn hạ[05], là hạnh của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không phải Thánh hạnh, không tương ưng với nghĩa[06]. Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn, có tán thán và chỉ trích, có sự không tán thán và không chỉ trích mà nói pháp, quyết định đúng mức[07] và sau khi đã biết quyết định, thường tùy cầu sự lạc nào đã có bên trong. Đừng nói lời ám chỉ[08], cũng đừng đối mặt khen ngợi; nói vừa phải chứ đừng quá giới hạn[09]; tùy theo phong tục địa phương[10], đừng nói thị, đừng nói phi. Đó là những vấn đề của kinh ‘Phân biệt vô tránh’.
“‘Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hạnh của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với cứu cánh’. Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Ở đây, ‘Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hạnh của phàm phu’. Đây là nói về một một cực đoan. ‘Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa’. Đây là nói về một cực đoan nữa. Do bởi sự kiện này mà nói ‘Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hạnh của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa’.
“‘Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn’. Vấn đề này được nói lên với những nguyên nhân nào? Ở đây, Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định, gọi là tám. Do bởi sự kiện này mà nói ‘Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn’.
“‘Có tán thán, có chỉ tríùch và có sự không tán thán, không chỉ trích mà chỉ thuyết pháp’. Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Sao gọi là tán thán, sao gọi là chỉ trích mà không nói pháp? ‘Nếu lạc có tương ưng với dục, cùng đi với hỷ, là nghiệp rất hèn hạ, là hạnh của phàm phu; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy biết điều đó rồi, tự chỉ trích mình[11]. Vì sao? Vì dục là vô thường, là khổ, là pháp hoại diệt. Do biết dục là vô thường cho nên pháp ấy nhất thiết có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh’. Vị ấy đã biết điều này cho nên tự chỉ trích mình.
“‘Tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa. Pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, là tà hạnh’.Vị ấy biết điều đó rồi, tự chỉ trích mình. Vì sao? Vì Sa-môn Phạm-chí kia sợ hãi sự khổ nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Nhưng Sa-môn Pham-chí này lại ôm cái khổ này nữa, cho nên họ nhất thiết có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy đã biết điều này cho nên tự chỉ trích mình.
“‘Kết sử hữu[12] không được đoạn tận; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, là tà hạnh’. Vị ấy biết điều đó rồi, tự chỉ trích mình. Vì sao? Vì nếu người nào kết sử hữu không đoạn tận thì sự hữu kia cũng không bị đoạn tận, cho nên người đó nhất thiết có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy đã biết điều này cho nên tự chỉ trích mình.
“‘Kết sử hữu đã đoạn tận; pháp này không có khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, chánh hạnh’. Vị ấy đã biết điều này rồi, tự tán thán. Vì sao? Vì nếu người nào kết sử hữu đoạn tận thì sự hữu kia cũng bị đoạn đận, cho nên người đó nhất thiết không khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, là chánh hạnh.Vị ấy đã biết điều đó, cho nên tự tán thán.
“‘Không mong cầu sự lạc bên trong; pháp ấy có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi, tự chỉ trích mình. Vì sao? Vì nếu người nào không mong cầu sự lạc bên trong, cũng không cầu bên trong, cho nên người đó nhất thiết có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy biết điều này rồi, tự chỉ trích mình.
“‘Mong cầu sự lạc bên trong; pháp này không có khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, là chánh hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi, tự tán thán. Vì sao? Vì nếu người nào mong cầu sự lạc bên trong, thì cũng mong cầu bên trong. Cho nên người đó không có khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, là chánh hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên tự tán thán.
“Như vậy gọi là ‘Có tán thán, có chỉ trích mà không thuyết pháp. Không tán thán, không chỉ trích mà thuyết pháp’.
“Thế nào là ‘Không tán thán, không chỉ trích mà thuyết pháp’? ‘Nếu có lạc tương ưng với dục, cùng đi với hỷ, là nghiệp rất hèn hạ, là hạnh của phàm phu, thì pháp ấy có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao? Vị ấy không nói như vầy, ‘Dục là vô thường, là khổ, là pháp hoại diệt’. Vị ấy đã biết dục là vô thường cho nên nhất thiết pháp ấy có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Không thấu đạt pháp này chỉ có pháp khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.
“‘Tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi, liền nói pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh’. Không thấu đạt pháp này, chỉ có pháp khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp’.
“‘Kết sử hữu không được đoạn tận; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, là tà hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào kết sử hữu không đoạn tận thì sự hữu kia cũng không đoạn tận, cho nên người ấy nhất định phải khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh’. Không thấu suốt pháp này, chỉ có pháp khổ, có phiền lao, có nghiệt não, có buồn ràu, là tàn hành. Vị ấy đã biết điều đó cho nên thuyết pháp.
“‘Kết sử hữu đã đoạn tận; pháp này không có khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, chánh hạnh’. Vị ấy đã biết điều này rồi, liền nói pháp. Vì sao? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào kết sử hữu đã đoạn tận thì sự hữu kia cũng đoạn tận, cho nên người ấy nhất thiết không có khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh’. Không thấu đạt pháp này chỉ có pháp không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.
“‘Không mong cầu sự lạc bên trong; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào không mong cầu sự lạc bên trong thì cũng không mong cầu bên trong, cho nên người ấy nhất thiết có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh’. Không thấu đạt pháp này, chỉ có pháp khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.
“‘Mong cầu sự lạc bên trong; pháp này không có khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào có mong cầu sự lạc bên trong, thì cũng mong cầu bên trong cho nên người đó nhất thiết không có khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh’. Không thấu đạt pháp này, chỉ có pháp không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.
“Như vậy là ‘không tán thán, không chỉ trích mà thuyết pháp’. Vấn đề đó được nói với nguyên nhân như vậy.
“‘Quyết định đúng mức, và sau khi đã biết quyết định, hãy mong cầu sự lạc nào đã có bên trong’. Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào?
“Có sự lạc không phải sự lạc của bậc Thánh, mà là lạc của phàm phu, là gốc của bệnh, là gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn[13], có sống chết, không đáng tu, không đáng tập, không đáng phát triển. Ta nói điều ấy không đáng tu tập.
“Có sự lạc của bậc Thánh, là sự lạc của vô dục, sự lạc của ly dục, sự lạc của tịch tĩnh, là lạc của chánh giác, không có thức ăn, không có sống chết, nên tu, nên tập, nên phát triển. Ta nói điều ấy nên tu được vậy.
“Sao gọi là ‘Có sự lạc không phải là Thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc của bệnh, là gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn, có sống chết, không nên tu, không nên tập, không nên phát triển. Ta nói điều ấy không nên tu tập’? Nếu do năm công đức của dục mà sanh hỷ, sanh lạc, thì sự lạc ấy là lạc của phàm phu, không phải là lạc của bậc Thánh, là gốc của bệnh, là gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn, có sống chết, không nên tu, không nên tập, không nên phát triển. Ta nói điều ấy không nên tu tập vậy.
“Sao gọi là ‘Có sự lạc của bậc Thánh, là lạc của vô dục, là lạc của ly dục, lạc của tịch tĩnh, là lạc của chánh giác, không có ăn, không có sống chết, nên tu nên tập, nên phát triển. Ta nói điều ấy nên tu vậy’. Nếu có Tỳ-kheo nào ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đệ tứ thiền, thành tựu an trụ. Sự lạc này là lạc của bậc Thánh, sự lạc của vô dục, là lạc của ly dục, lạc của tịch tĩnh, là lạc của chánh giác, không có thức ăn, không có sống chết, nên tu nên tập, nên phát triển. Ta nói điều ấy nên tu vậy.
“‘Quyết định đúng mức, sau khi đã biết quyết định hãy mong cầu sự lạc nào đã có bên trong’. Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.
“‘Không nên nói lời ám chỉ, cũng không nên đối mặt tán thán’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào?
“Có lời nói ám chỉ mà không chân thật, hư dối, không tương ưng với nghĩa[14]. Cũng có lời nói ám chỉ mà chân thật, không hư vọng, tương ưng với nghĩa. Trong này nếu có lời nói ám chỉ mà không chân thật, hư vọng, không tương ưng với nghĩa, nhất định không nói những lời như vậy. Trong này nếu có lời nói ám chỉ mà chân thật, không hư vọng, không tương ưng với cứu cánh, cũng hãy học đừng nói như vậy. Ở đây nếu có lời nói ám chỉ chân thật, không hư vọng, tương ưng với nghĩa thì hãy nên biết thời, chánh trí, chánh niệm để cho thành tựu lời nói ấy.
“Như vậy, ‘Đừng nói lời ám chỉ, cũng đừng đối mặt khen ngợi’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.
“‘Nói vừa phải, chứ đừng quá giới hạn’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào?
“Nói quá giới hạn thì thân phiền nhọc, niệm hay quên, tâm mệt mỏi, tiếng bị hư mà hướng đến trí thì không được tự tại[15]. Nói vừa phải thì thân không phiền nhọc, niệm không ưa quên, tâm không mệt mỏi, tiếng nói không bị hư, hướng đến trí thì được tự tại.
“‘Nói vừa phải, đừng nói quá giới hạn’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.
“‘Tùy theo phong tục địa phương, đừng nói thị, đừng nói phi’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Thế nào là thị và phi tùy theo phong tục địa phương? Địa phương này, nhân gian này, sự việc này, hoặc nói là ‘cái chậu’, hoặc nói là ‘cái khay’, hoặc nói là ‘cái ô’, hoặc nói là ‘cái chén’, hoặc nói là ‘đồ đạc’; hay nói là cái khay, hay nói là cái ô, hay nói là cái chén, hay nói là đồ đạc; mỗi nơi tùy theo khả năng mà nói một mực rằng, ‘Đây là sự thực, ngoài ra là láo cả’. Như vậy, đó là tùy theo phong tục địa phương mà nói thị hay phi vậy.
“Sao gọi là ‘Tùy phong tục địa phương, không thị không phi’? Địa phương này, nhân gian này, sự việc này, hoặc nói là ‘cái chậu’, hoặc nói là ‘cái khay’, hoặc nói là ‘cái o’â, hoặc nói là ‘cái chén’, hoặc nói là ‘đồ đạc’, và ở địa phương kia, nhân gian kia, sự việc kia, hoặc nói là ‘cái chậu’, hoặc nói là ‘cái khay’, hoặc nói là ‘cái ô’, hoặc nói là ‘cái chén’, hoặc nói là ‘đồ đạc’. Với sự việc này hay sự việc kia, không tùy khả năng, không nói với một mực rằng ‘Đây là sự thật, ngoài ra đều láo cả’, như vậy là tùy phong tục địa phương không nói thị không nói phi.
“‘Tùy phong tục địa phương, đừng nói thị, đừng nói phi’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.
“‘Pháp hữu tránh và pháp vô tránh’. Sao gọi là pháp hữu tránh? Nếu có lạc tương ưng với dục, cùng đi với, là nghiệp rất hèn hạ, là hạnh phàm phu, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện gì mà pháp này là hữu tránh. Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh. Nếu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không phải chánh hạnh, không tương ưng với nghĩa, thì pháp này là hữu tránh. Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh. Xa lìa hai cực đoan ấy, có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, thành định, đưa đến trí tuệ, đưa đến giác ngộ và Niết-bàn, pháp này là vô tránh.
“Vì những sự kiện nào mà pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh. Kết sử hữu mà không đoạn tận, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh.
“Kết sử hữu diệt tận, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, thuộc chánh hạnh, cho nên nói pháp này không tranh chấp, không mong cầu nội lạc.
“Không cầu nội lạc, pháp ấy là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà gọi pháp ấy là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, nên nói pháp này là hữu tránh.
“Mong cầu ở nội lạc, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.
“Trong đó, nếu có sự lạc nào không phải là Thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc của bệnh, gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn, có sống chết, không nên tu, không nên tập, không nên phát triển. Ta nói pháp ấy không nên tu. Pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh.
“Trong đó nếu có sự lạc nào là lạc của bậc Thánh, sự lạc nào của vô dục, lạc do ly dục, lạc của tịch tịnh, của chánh giác, không thức ăn, không có sống chết, nên tu nên tập, nên phát triển. Ta nói pháp ấy nên tu, pháp này là pháp vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.
“Trong đó nếu có lời nói ám chỉ mà không chân thật, dối láo, không tương ưng với cứu cánh, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh.
“Trong đó, nếu có lời chê bai sau lưng mà chân thật, không dối láo, tương ưng với cứu cánh, pháp ấy là vô tránh. Vì sự kiện nào mà nói pháp ấy là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.
“Không nói vừa phải. pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là tranh chấp.
“Nói vừa phải, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.
“Thị và phi theo phong tục địa phương, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên pháp này có tranh chấp.
“Tùy phong tục địa phương, không nói thị không nói phi, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.
“Đó gọi là tránh pháp. Các ngươi nên biết pháp tránh và pháp vô tránh. Đã biết pháp tránh và pháp vô tránh thì nên xả bỏ pháp tránh, tu tập pháp vô tránh. Các ngươi cần phải học như vậy.
“Như vậy thiện nam tử Tu-bồ-đề[16] do đạo vô tránh[17] mà về sau biết được pháp như pháp[18]“.
- Biết pháp Như chơn thật
- Tu-bồ-đề thuyết kệ
- Thực hành chơn không này
- Bỏ đây, trụ tịch tịnh.
Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
-ooOoo-
Tôi nghe như vầy:[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào nước Xá-vệ. Trong khi đi khất thực, Thế Tôn đi qua nhà của Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử[02]. Lúc bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có chút việc phải làm nên đi khỏi, không có ở nhà.
Khi ấy, tại nhà Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có một con chó trắng[03] đang ăn cơm trong cái chậu bằng vàng, trên một cái giường lớn. Rồi con chó trắng trông thấy Đức Phật từ xa đi lại; thấy Ngài, nó liền sủa. Đức Thế Tôn nói với con chó trắng rằng:
“Ngươi không nên làm như vậy. Nhà người hết ó rồi lại sủa.
Chó trắng nghe nói, giận dữ từ trên giường nhảy xuống, đến bên đống cây, nằm buồn thiểu não.
Sau đó, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử, thấy chó trắng có vẻ giận dữ, đã từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não, ông mới hỏi người nhà rằng:
“Ai quấy rầy con chó của tôi, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não vậy?”
Người nhà trả lời:
“Chúng tôi không ai quấy rầy con chó trắng cả khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não. Ma-nạp nên biết, ngày nay có Sa-môn Cù -đàm đến đây khất thực, con chó trắng đã thấy liền chạy tới sủa. Sa-môn Cù-đàm nói với con chó trắng rằng, ‘Ngươi không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết ó rồi lại sủa’. Này Ma-nạp, do vậy nên khiến con chó trắng rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử vừa nghe xong tức thì nổi giận, muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng, hạ nhục Sa-môn Cù-đàm như vậy, ông liền ra khỏi Xá-vệ, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Khi ấy, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đứng vây quanh trước sau, Đức Thế Tôn trông thấy Anh Vũ Ma-nạp Đo -đề Tử từ xa đi đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Các ngươi thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến không?”
Các Tỳ-kheo trả lời:
“Bạch Đức Thế Tôn, dạ thấy”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử mà mạng chung ngay bấy giờ thì như co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc tất sanh địa ngục. Vì sao vậy? Vì người ấy đối với Ta đang nổi cơn thịnh nộ. Nếu có chúng sanh nào, do bởi tâm sân nhuế, thân hoại mạng chung tất đến chỗ ác, sanh vào địa ngục”.
Rồi Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến chỗ Đức Phật, nói với Thế Tôn rằng:
“Hôm nay Sa-môn Cù-đàm có đến nhà tôi khất thực phải không?”
Đức Thế Tôn trả lời rằng:
“Hôm nay Ta có đến nhà ông khất thực”.
“Cù-đàm, ông nói gì với con chó trắng của tôi, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não?”
Đức Thế Tôn trả lời rằng:
“Hôm nay vào lúc trời vừa sáng, Ta đắp y mang bát vào Xá-vệ khất thực, lần lượt khất thực đến nhà ông. Lúc ấy con chó trắng trông thấy Ta từ xa đi đến. Thấy Ta, nó liền sủa. Ta nói với con chó trắng rằng, ‘Người không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết la ó[04] rồi lại sủa’. Vì vậy, con chó trắng rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên đống cây nằm buồn thiểu não”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi Thế Tôn:
“Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với tôi?”
Đức Thế Tôn bảo:
“Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi đi hỏi lại Đức Thế Tôn ba lần:
“Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với tôi?”
Đức Thế Tôn cũng ba lần nói:
“Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý”.
Đức Thế Tôn lại bảo Ma-nạp rằng:
“Ông hỏi Ta đến ba lần mà không chịu thôi. Ma-nạp nên biết, con chó trắng kia đời trước là cha của ông, tên là Đô-đề vậy”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe nói xong, nổi giận gấp bội. Ông muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế Tôn, muốn hạ nhục Đức Thế Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng, hạ nhục như vậy, ông nói với Đức Thế Tôn:
“Cha tôi là Đô-đề thực hành sự bố thí lớn lao, thiết những cuộc trai tự vĩ đại, sau khi thân hoại mạng chung nhất định sanh lên Phạm thiên. Chớ do nhơn gì, duyên gì mà sanh vào loài chó hạ tiện này?”
Đức Thế Tôn bảo:
“Đô-đề, cha của ông do bởi tăng thượng mạn ấy nên sanh vào loài chó hạ tiện”.
Phạm chí tăng thượng mạn,
Chết rồi sanh sáu nơi:
Chó, gà, heo và sói,
Lừa năm, địa ngục sáu.
“Anh Vũ Ma-nạp, nếu ông không tin lời Ta nói, ông có thể trở về nói với con chó trắng rằng, ‘Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy trở lên giường lớn’. Ma-nạp, chó trắng tất sẽ trở lên giường lớn. ‘Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy ăn trong mâm vàng như cũ’. Này Ma-nạp, chó trắng tất ăn trong mâm vàng như cũ. ‘Nếu đời trước là cha của tôi, hãy chỉ cho tôi thấy kho tàng cất dấu vàng bạc, thủy tinh, trân bảo mà tôi không biết’. Này Ma-nạp, chó trắng chắc chắn sẽ chỉ cho ông thấy kho tàng cất dấu vàng bạc, thủy tinh và châu báu mà ông không biết”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe những lời Đức Phật, nói, ghi nhớ kỹ, nhiễu quanh Đức Thế Tôn xong rồi trở về nhà, nói với con chó trắng rằng:
“Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy trở lên giường lớn”.
Chó trắng liền trở lên giường lớn.
“Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy ăn trong mâm vàng như cũ”.
Chó trắng liền ăn trong mâm vàng như cũ.
“Nếu đời trước là cha của tôi, hãy chỉ chỗ kho tàng trước kia cha tôi cất dấu vàng bạc, thủy tinh, trân bảo mà tôi không biết”.
Chó trắng tức thì từ trên giường nhảy xuống, đi đến chỗ mà đời trước nó ngủ nghỉ, dùng miệng và chân bươi bốn chân giường.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử liền từ chỗ đó mà được rất nhiều báu vật. Rồi thì Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đã được báu vật, rất đổi vui mừng, quỳ gối bên phải xuống đất, chấp tay hướng đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc, ba lần xướng lên những lời tán thán Đức Thế Tôn:
“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều không hư dối. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều chắc thật. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều như thật”.
Ba lần tán thán Đức Thế Tôn xong, ông từ Xá-vệ đi ra, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn trông thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử từ xa đi đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi có thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đi đến không?”
Các Tỳ-kheo trả lời:
“Bạch Đức Thế Tôn, thấy”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bây giờ mà mạng chung thì như co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc chắc chắn đi đến chỗ lành. Vì sao vậy? Vì người ấy đối với Ta rất có thiện tâm. Nếu có chúng sanh nào do bởi thiện tâm, thân hoại mạng chung tất đến chỗ lành, sanh vào trong thiên giới”.
Bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đi đến chỗ Đức Phật, cùng thăm hỏi rồi ngồi xuống một bên.
Đức Thế Tôn bảo:
“Thế nào? Này Ma-nạp, như Ta đã nói, con chó trắng như vậy có đúng chăng, hay không đúng như vậy?”
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch rằng:
“Bạch Cù-đàm, thật đúng như đã nói. Kính bạch Cù-đàm, tôi lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám tỏ bày”.
“Đức Thế Tôn bảo:
“Tùy ý, ông cứ hỏi”.
“Bạch Cù-đàm, do nhân gì, do duyên gì, chúng sanh kia đều thọ thân người mà có người cao kẻ thấp, có người đẹp kẻ xấu. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, tôi thấy có kẻ sống lâu, người chết yểu; có kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh; lại thấy có kẻ thân hình đoan chánh, có người không đoan chánh; lại thấy có kẻ có oai đức, người không oai đức; lại thấy có kẻ sanh nhằm dòng dõi tôn quý, có người sanh nhằm dòng dõi ti tiện; lại thấy có kẻ giàu có, có người nghèo hèn; lại thấy có kẻ thiện trí, có người ác trí”.
Đức Thế Tôn trả lời:
“Chúng sanh kia do nơi hành nghiệp của chính mình, nhân bởi nghiệp mà thọ báo, duyên vào nghiệp, y nơi nghiệp, tùy theo nơi nghiệp xứ có cao thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch Thế Tôn rằng:
“Sa-môn Cù-đàm nói vắn tắt quá, không phân biệt một cách rộng rãi, tôi không thể biết được. Mong Sa-môn Cù-đàm nói một cách rộng rãi cho tôi nghe để tôi được hiểu rõ ý nghĩa”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Ma-nạp, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt một cách rộng rãi cho ông nghe”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch:
“Kính vâng, tôi xin vâng lời lắng nghe”.
Đức Phật nói:
“Này Ma-nạp, do nhân gì, do duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất ngắn ngủi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu, ý nghĩ ác hại, không có tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, cho đến các loài côn trùng. Người ấy lãnh thọ nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào nhân gian, tuổi thọ rất ngắn ngủi. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự đoản thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhơn gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất dài? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát, bỏ hẳn dao gậy, có tâm tàm, có tâm quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến loài côn trùng. Người ấy thọ nghiệp này, tạo tác nghiệp ấy đầy đủ rồi đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, thọ mạng rất dài. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự trường thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ đa phần có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nhiễu hại chúng sanh; người ấy hoặc nắm tay, hoặc dùng cây đá, hoặc dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy thọ nghiệp này, tạo thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, chịu nhiều tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến chỗ chịu nhiều bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không nhiễu hại chúng sanh, người ấy không dùng tay nắm, không dùng cây đá, không dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian, không có tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến hưởng thọ không tật bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình không đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ mà tánh nóng nảy, hay bực dọc, vừa nghe chút ít đã nổi cơn giận dữ, nổi ganh ghét mà sanh lo buồn, nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ lấy nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, hình thể không đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể không đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh nóng nảy, hay bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không hay bực dọc, người ấy nghe lời nói êm ái hay thô bỉ cục cằn không nổi cơn giận dữ, không ganh ghét sanh ra buồn rầu, không nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ nghiệp, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời lại sanh vào nhân gian, hình thể đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không nhiều bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có oai đức? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố; người ấy thấy kẻ khác được cung kính, cúng dường liền sanh lòng tật đố; nếu thấy kẻ khác có của thì muốn làm sao của ấy được về mình. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào trong nhân gian, không có oai đức. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo không có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có oai đức lớn? Nếu có kẻ nam hay người nữ không ôm lòng tật đố, người ấy thấy kẻ khác được cung kính cúng dường không sanh lòng tật đố. Nếu thấy kẻ khác có của, không có lòng ham muốn của ấy được về ta. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian, có oai đức lớn. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ sanh vào dòng dõi đê tiện? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào kiêu ngạo, ngã mạn, người đáng cung kính thì không cung kính, đáng tôn trọng thì không tôn trọng, đáng quý thì không quý, đáng phụng thờ thì không phụng thờ, đáng cúng dường thì không cúng dường, đáng nhường lối thì không nhường lối, đáng nhường chỗ ngồi thì không nhường chỗ ngồi, đáng chấp tay hướng về lễ bái, thăm hỏi thì không chấp tay hướng về lễ bái, thăm hỏi. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi ti tiện, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ sanh nhằm dòng dõi tôn quý? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không có lòng kiêu ngạo, đại mạn, người đáng cung kính thì cung kính, đáng tôn trọng thì tôn trọng, đáng quý thì quý, đáng phụng thờ thì phụng thờ, đáng cúng dường thì cúng dường, đáng nhường lối thì nhường lối, đáng nhường chỗ thì nhường chỗ, đáng chấp tay hướng về lễ bái thăm hỏi thì chấp tay hướng về lễ bái thăm hỏi. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian nhằm dòng dõi tôn quý. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi tôn quý, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không làm thí chủ, không thực hành bố thí cho Sa-môn, Phạm chí, cho kẻ nghèo cùng đơn độc ở xa đến xin những thứ như đồ ăn, thức uống, quần áo, mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, không có của cải. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo không có của cải, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không biết làm người thí chủ, không thực hành bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có nhiều của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào biết làm người thí chủ, biết thực hành bố thí. Người ấy bố thí cho Sa-môn, Phạm chí và kẻ nghèo cùng, cô độc từ xa tới xin những thứ như đồ, ăn thức uống, áo quần, mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy thọ nhận nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có nhiều của cải. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có nhiều của cải, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào làm người chủ bố thí, biết thực hành hạnh bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ kém cỏi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không thường đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Phạm chí danh đức, người ấy không thường đến nơi đó hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa chư tôn, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào là đen? Trắng đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại như thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai như thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?’ Giả sử có hỏi nhưng không chịu thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ kém cỏi. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo trí tuệ kém cỏi, nghĩa là kẻ nam hay người nữ ấy không có thường đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ tốt đẹp? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Phạm chí danh đức, người ấy thường đến nơi ấy mà hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa chư tôn, thế nào là nghiệp thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào lào đen? Trắng và đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại là thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai là thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?” Hỏi xong lại thường thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ tốt đẹp. Vì sao vậy? –Vì con đường này đưa đến thọ báo có trí tuệ tốt đẹp, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Ma Mạp nên biết, tạo tác nghiệp tương xứng với đoản thọ, tất chịu đoản thọ. Tạo nghiệp tương xứng với trường thọ, tất được trường thọ. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều tật bệnh, tất phải chịu nhiều tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương xứng với ít tật bệnh, tất được ít tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương xứng với sự không đoan chánh, tất phải thọ sự không đoan chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với đoan chánh, tất được đoan chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với không oai đức, tất phải chịu không oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với oai đức, tất được oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi ti tiện, tất phải sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi tôn quý, tất được sanh vào dòng dõi tôn quý. Tạo tác nghiệp tương xứng với không của cải, tất bị không của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều của cải, tất được nhiều của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ kém cỏi, tất bị trí tuệ kém cỏi. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ tốt đẹp, tất được trí tuệ tốt đẹp.
“Này Ma-nạp, đó là những điều Ta đã nói từ trước rằng ‘Chúng sanh do hành nghiệp của chính mình, do nghiệp mà thọ báo, duyên nơi nghiệp, tùy theo nghiệp xứ cao thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp’”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu! Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu! Thế Tôn, nay con tự quy y Phật, quy y Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ ngày nay, trọn đời tự quy y cho đến tận mạng. Bạch Đức Thế Tôn, bắt đầu ngày nay, mong Ngài vào nhà Đô-đề như vào nhà Ưu-bà-tắc khác tại Xá-vệ, để cho nhà Đô-đề được lợi nghĩa, được lợi ích an ổn, khoái lạc lâu dài[05]“.
Phật thuyết như vậy. Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử và vô lượng chúng sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
-ooOoo-
Tôi nghe như vầy:[1]
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trú trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.
Bấy giờ, Tôn giả Tam-di-đề[02] cũng trú ở thành Vương xá, trong thiền thất Vô sự. Lúc ấy, dị học Bộ-la-đà Tử[03] sau giờ trưa, ung dung đi đến chỗ Tôn giả Tam-di-đề, cùng chào hỏi rồi lui ngồi xuống một bên và hỏi:
“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi có điều muốn hỏi, ngài cho phép chăng?”
Tôn giả Tam-di-đề đáp:
“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, muốn hỏi cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ”.
Dị học Bộ-la-đà Tử bèn hỏi:
“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi trực tiếp nghe từ Sa-môn Cù-đàm, tôi trực tiếp nhận từ Sa-môn Cù-đàm, rằng ‘Thân nghiệp, khẩu nghiệp là hư vọng. Chỉ có ý nghiệp là chơn thật. Có một loại định, Tỳ-kheo vào định đó không còn hay biết gì’”.
Tôn giả Tam-di-đề đáp:
“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, chớ có nói như vậy, chớ có hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như vậy.
“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói rằng ‘Nếu cố ý tạo tác nghiệp[04], khi tác đã thành, Ta nói không có việc không thọ báo, hoặc hiện tại thọ báo, hoặc đời sau thọ báo. Nếu không cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta không nói chắc chắn phải thọ báo’”.
Dị học Bộ-la-đà Tử ba lần nhắc lại câu ấy với Tôn giả Tam-di-đề rằng:
“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi trực tiếp nghe từ Sa-môn Cù-đàm, tôi trực tiếp nhận từ Sa-môn Cù-đàm, rằng ‘Thân nghiệp, khẩu nghiệp là hư vọng. Chỉ có ý nghiệp là chơn thật. Có một loại định, Tỳ-kheo vào định đó không còn hay biết gì’.”
Tôn giả Tam-di-đề cũng ba lần đáp:
“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, chớ có nói như vậy, chó có hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như vậy.
“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói rằng ‘Nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta nói không có việc không thọ báo, hoặc hiện tại thọ báo, hoặc đời sau thọ báo. Nếu không cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta không nói chắc chắn phải thọ báo’”.
Dị học Bộ-la-đà Tử hỏi Tôn giả Tam-di-đề:
“Nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác nghiệp đã thành, phải thọ báo gì?”
Tôn giả Tam-di-đề đáp:
“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác nghiệp đã thành, tất thọ báo khổ”.
Dị học Bộ-la-đà Tử lại hỏi:
“Này Hiền giả Tam-di-đề, ông học đạo trong pháp luật này bao lâu rồi?”
Tôn giả Tam-di-đề đáp rằng:
“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, tôi học đạo trong pháp luật này mới có ba năm”.
Lúc ấy, dị học Bộ-la-đà Tử bèn suy nghĩ rằng: “Tỳ-kheo niên thiếu mà vẫn có thể bảo hộ Tôn sư như vậy, huống nữa là vị Thượng tọa cựu học.”
Rồi thì dị học Bộ-la-đà Tử nghe Tôn giả Tam-di-đề nói, không cho là phải, cũng không cho là quấy, rời chỗ ngồi, lắc đầu mà đi.
Lúc bấy giờ Tôn giả Đại Châu-na[05], đang ở cách chỗ nghỉ ngày của Tôn giả Tam-di-đề không xa. Tôn giả Đại Châu-na nghe cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử, ghi nhớ tất cả, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Tôn giả A-nan, cùng chào hỏi xong rồi ngồi xuống một bên và mang những lời đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử thuật lại hết cho Tôn giả A-nan nghe.
Tôn giả A-nan nghe xong bảo rằng:
“Này Hiền giả Châu-na, nhơn câu chuyện này, chúng ta nên đến gặp Đức Phật và trình bày lên Thế Tôn. Hiền giả Châu-na, chúng ta hãy cùng đến nơi Thế Tôn và bạch lên Thế Tôn tất cả nghĩa này. Hoặc nhơn đây, chúng ta được nghe những pháp nào khác của Thế Tôn”.
Rồi Tôn giả A-nan và Tôn giả Đại Châu-na cùng đi đến chỗ Phật. Tôn giả Đại Châu-na cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả A-nan cúi đầu làm lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên.
Lúc đó, Tôn giả A-nan nói rằng:
“Này Hiền giả Châu-na, Hiền giả nên nói đi! Hiền giả nên nói đi!”
Bấy giờ Thế Tôn hỏi:
“Này A-nan, Tỳ-kheo Châu-na muốn nói sự gì?”
Tôn giả A-nan thưa:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sẽ tự nghe hết câu chuyện”.
“Rôi thì Tôn giả Đại Châu-na thuật lại đầu đuôi cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử cho Phật nghe. Nghe xong, Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-nan, hãy xem Tỳ-kheo Tam-di-đề người si, không đạo lý gì. Vì sao? Vấn đề dị Bộ-la-đà Tử hỏi là bất định[06] mà Tỳ-kheo Tam-di-đề, người ngu si kia chỉ trả lời theo nhất hướng đáp[07].”
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo Tam-di-đề nhơn việc này trả lời rằng ‘Nhữøng gì được cảm thọ đều là khổ’ thì có lỗi gì?”
Đức Thế Tôn quở Tôn giả A-nan:
“Hãy xem Tỳ-kheo A-nan cũng không có đạo lý gì cả. A-nan, kẻ ngu si Tam-di-đề này, dị học Bộ-la-đà Tử kia hỏi tất cả ba cảm thọ, khổ thọ, lạc thọ và không khổ không lạc thọ. A-nan, nếu kẻ ngu si Tam-di-đề được dị học Bộ-la-đà Tử hỏi, nên đáp như vầy, ‘Này Hiền giả Bộ-la-đà Tử, nếu cố ý tạo nghiệp an lạc, khi tác đã thành sẽ thọ quả báo an lạc. Nếu cố ý tạo nghiệp khổ, khi tác đã thành, sẽ thọ quả báo khổ. Nếu cố ý tạo nghiệp không khổ không lạc, khi tác đã thành rồi sẽ thọ quả báo không khổ không lạc’. Này A-nan, nếu kẻ ngu si Tam-di-đề được dị học Bộ-la-đà Tử hỏi và đáp như vậy thì dị học Bộ-la-đà Tử mắt còn không dám nhìn Tam-di-đề ngu si ấy, huống nữa lại có thể hỏi đến chuyện như vậy chăng?
“Này A-nan, nếu ngươi từ Thế Tôn mà nghe kinh ‘Phân biệt đại nghiệp’, thì đối với Như Lai lại càng tăng thượng tâm tĩnh, được hoan hỷ”.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng lúc. Nếu Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói kinh ‘Phân Biệt Đại Nghiệp’, các Tỳ-kheo nghe xong sẽ ghi nhớ kỹ”.
Thế Tôn bảo:
“Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi nghe”.
Tôn giả A-nan thưa:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn”.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời dạy, lắng nghe.
Phật nói:
“Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối,... cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, sự thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục.
“Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly và thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, trong cõi trời.
“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung, người ấy sanh về chốn lành, trong cõi trời. Nếu có vị Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng, ‘Không có thân ác hành, cũng không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu và ý ác hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hành. Vì sao? Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ sự lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về cõi lành, trong cõi trời. Nếu có những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về cõi lành, trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, dều chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’.
“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng: “Không có thân diệu hạnh, không có quả báo của thân diệu hạnh, không có khẩu và ý diệu hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Vì sao? Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ sự lấy của không cho từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’.
“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân ác hạnh, có quả báo của thân ác hạnh, có khẩu và ý ác hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hạnh’. Vì sao? Ta thấy kẻ kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’
“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân diệu hạnh, cũng có quả báo của thân diệu hạnh; có khẩu và ý diệu hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh. Vì sao? Ta thấy kẻ kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu lại có trường hợp khác tương tợ như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sẽ sanh về nẻo lành, sanh trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’.
“Này A-nan, ở trong đó, nếu vị Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Không có thân ác hành, không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu, ý ác hành, không có quả báo của khẩu và ý ác hành’. Ta không theo vị ấy. Nếu vị ấy nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp khác tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời’. Ta không nghe theo vị ấy. Nếu có ai nói như vầy, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta không nghe theo họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.
“Này A-nan, trong đó có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói thế này, ‘Không có thân diệu hạnh, cũng không có quả báo của thân diệu hạnh; không có khẩu, ý diệu hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Ta không nghe theo vị ấy. Nếu nói thế này, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo[08] vị ấy. Nếu có ai nói thế này, ‘Có những trường hợp khác tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta không nghe theo họ[09]. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.
“Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như vầy, ‘Có thân ác hạnh, cũng có quả báo của thân ác hạnh. Có khẩu, ý ác hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý ác hạnh’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu kia nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói thế này, ‘Những trường hợp tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta không nghe theo họ. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’. Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.
“Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Có thân diệu hạnh, cũng có quả báo của thân diệu hạnh; có khẩu, ý diệu hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời’. Ta nghe theo họ. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời’. Ta không nghe theo họ. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.
“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Ấy là, nếu trước kia nó đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ, cho nên ở trong đời hiện tại thọ báo xong, họ sanh về nơi đó[10]. Hoặc do hậu báo cho nên người kia không vì nhơn này, không vì duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do xả ly và thủ hộ nên chưa tiêu hết, cần phải được thọ báo ở chốn lành; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc khi chết khởi các tâm, và tâm sở hữu pháp thuộc thiện[11] tương ưng với chánh kiến; kia nhờ nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Nếu trước kia họ đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do sự xả ly, thủ hộ cho nên ở trong đời hiện tại họ thọ báo xong, cho nên sanh về nơi đó. Hoặc do bởi hậu báo cho nên họ không vì nhơn này, duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do không xả ly và không thủ hộ nên chưa tiêu hết, phải thọ báo ở địa ngục; họ do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh tâm và các tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Kia do chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ mà chưa tiêu hết, nên phải thọ báo ở địa ngục; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Kia nhờ chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, nhờ có xả ly, có thủ hộ mà chưa tiêu hết, phải được thọ báo thiện; kia nhờ nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc đến lúc chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp thiện tương ưng với chánh kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
“Lại nữa, có bốn hạng người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có.
“Này A-nan, cũng như có bốn loại xoài. Hoặc xoài không chín mà giống như chín. Hoặc chín giống như không chín. Hoặc không chín giống như không chín. Hoặc chín giống như chín.
“Cũng vâïy A-nan, bốn thứ xoài được thí dụ với người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
-ooOoo-