83. KINH TRƯỞNG LÃO THƯỢNG TÔN THỤY MIÊN

Tôi nghe như vầy:[1]

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Bà-kì-sấu[02], ở rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã[03].

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ở tại nước Ma-kiệt-đà, trong làng Thiện tri thức[04]. Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên sống riêng một mình nơi yên tĩnh, ngồi tĩnh tọa tư duy nhưng mắc phải chứng buồn ngủ. Đức Thế Tôn ở xa biết Tôn giả Đại Mục-kiền-liên sống riêng một mình nơi yên tĩnh, ngồi tĩnh tọa tư duy và mắc phải chứng buồn ngủ. Đức Thế Tôn biết như vậy, Ngài liền như vậy mà nhập định[05]. Do định như vậy, trong khoảnh khắc, như người lực sĩ co duỗi cánh tay, từ Bà-kì-sấu, rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã, Đức Thế Tôn bỗng biến mất khỏi chỗ đó, qua đến nước Ma-kiệt-đà, thôn Thiện tri thức, trước mặt Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, rồi Đức Thế Tôn xuất định và nói rằng:

“Này Đại Mục-kiền-liên, ngươi đang đắm trước thụy miên. Này Đại Mục-kiền-liên, ngươi đang đắm trước thụy miên[06].”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bạch Thế Tôn:

“Quả thật vậy, bạch Đức Thế Tôn”.

Phật lại nói:

“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu như sở tướng[07] nào gây buồn ngủ, ngươi chớ tu tập tướng ấy và cũng đừng phát triển[08] nó. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, quảng bá và tụng đọc. Như vậy thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, rồi diễn rộng ra cho người khác nghe. Như vậy thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, tâm suy niệm, tâm suy tư. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy dùng hai tay day[09] hai lỗ tai. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy lấy nước lạnh rửa mặt và dội ướt thân thể. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy đi ra ngoài thất, xem khắp bốn phương, ngước nhìn các vì sao. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy đi ra ngoài thất, đến khoảng đất trống phía đầu thất mà kinh hành, thủ hộ các căn, tâm an trụ bên trong, khởi hậu tiền tưởng[10]. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy bỏ con đường đang kinh hành, đến đầu con đường ấy, trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy trở vào thất, gấp tư y Ưu-đa-la-tăng, trải trên giường, gấp Tăng-già-lê làm gối, nằm hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, khởi minh tưởng[11], lập chánh niệm chánh trí và luôn luôn khởi ý tưởng muốn trỗi dậy[12]. Này Đại Mục-kiền-liên, đừng ham lạc thú giường nệm, đừng ham lạc thú ngủ nghỉ, đừng ham tài lợi, đừng đắm trước danh dự[13]. Lý do vì sao? Vì Ta nói: ‘Tất cả pháp không thể hợp hội’, và cũng nói, ‘Có thể hợp hội’.

“Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp gì không thể hợp hội? Này Đại Mục-kiền-liên, nếu pháp đạo và tục mà cùng hợp hội thì Ta nói pháp này không thể hợp hội. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu pháp đạo và tục mà cùng hợp hội thì có nhiều điều phải nói. Nếu có nhiều điều phải nói thì có trạo cử[14]. Nếu có trạo cử thì tâm không tịch tĩnh. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu tâm không tịch tĩnh thì tâm rời xa định. Này Đại Mục-kiền-liên, do đó Ta nói là không thể hợp hội.

“Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp gì có thể cùng hợp hội? Này Đại Mục-kiền-liên, ở nơi rừng vắng kia[15], Ta nói pháp này có thể cùng hợp hội: núi rừng, dưới cây, chỗ an tĩnh không nhàn, núi cao, hang đá, vắng bặt âm thanh, viễn ly, không ác, không người, có thể tùy thuận mà tĩnh tọa. Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp này có thể cùng hợp hội.

“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu ngươi đi vào làng khất thực, hãy nhàm tởm sự lợi lộc, nhàm tởm sự cúng dường, cung kính. Đối với lợi lộc, cúng dường, cung kính, tâm ngươi đã phát khởi sự nhàm tởm rồi mới vào làng khất thực.

“Này Đại Mục-kiền-liên, đừng đem ý cao đại mà vào làng khất thực. Vì sao? Vì nhà trưởng giả có công việc gì đó, Tỳ-kheo đến khất thực khiến trưởng giả không chú ý. Tỳ-kheo liền nghĩ rằng: ‘Ai phá hoại ta ở nhà trưởng giả[16]? Vì sao? Vì ta vào nhà trưởng giả khất thực mà trưởng giả không chú ý”. Nhân đó sanh ưu sầu, nhân ưu sầu mà sanh trạo cử, nhân trạo cử mà tâm không tịch tĩnh, nhân tâm không tịch tĩnh nên tâm rời xa định.

“Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp, đừng vì tranh luận. Nếu có tranh luận thì có nhiều lời, nhân nhiều lời mà có trạo cử, nhân trạo cử mà tâm không tịch tĩnh, nhân tâm không tịch tĩnh nên tâm rời xa định.

“Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp đừng nói to, nói mạnh, như sư tử. Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp hãy hạ ý mà thuyết pháp, không ráng sức, tiêu diệt sức, dẹp bỏ sức, hãy thuyết pháp bằng sự không dùng cường lực, như sư tử[17].

“Này Đại Mục-kiền-liên, hãy học như vậy”.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, chắp tay hướng Phật, bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là vị Tỳ-kheo đến chỗ cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh và cứu cánh phạm hạnh cùng tột?”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo khi đã thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ, vị ấy ở nơi các cảm thọ này mà quán vô thường, quán hưng suy, quán đoạn, quán vô dục, quán diệt, quán xả. Sau khi ở nơi các cảm thọ này mà quán vô thường, quán hưng suy, quán đoạn, quán vô dục, quán diệt, quán xả, vị ấy không chấp thủ đời này[18], do không chấp thủ đời này mà không bị nhọc nhằn, do không bị nhọc nhằn nên nhập Niết-bàn, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Đại Mục-kiền-liên, như vậy là Tỳ-kheo được đến chỗ cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh và cứu cánh phạm hạnh cùng tột”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli A.7.58 Pacalāyamāna-sutta. Biệt dịch DTK.47.
[02] Bà-kì-sấu 婆 奇 廋. Pāli: Bhaggesu, giữa những người Bhagga.
[03] Ngạc sơn Bố lâm Lộc dã viên 鱷 山 怖 林 鹿 野 園. Pāli: Suṃsumāragire bhesakāḷāvane migadāye, trong núi Cá sấu, rừng Khủng bố, chỗ nuôi hươu.
[04] Thiện tri thức thôn 善 知 識 村. Pāli: Kallavāḷamuttagāma. Ngài Đại Mục-kiền-liên ở đây ngay sau khi vừa xuất gia. Kinh này được nói vào lúc này. Bảy ngày sau đó, Ngài đắc quả A-la-hán.
[05] Như kỳ tượng định.
[06] Pāli: pacalāyati, ngủ gật.
[07] Sở tướng 所 相, ở đây, đề mục thiền định. Pāli: saññā, tưởng.
[08] Quảng bá 廣 布. Pāli: bahulīkaroti, tu tập nhiều.
[09] Hán: môn mô 捫 摸 (mằn mò). Pāli: ubho kaṇṇasotāni āviñcheyyasi, ngươi hãy vặn (hay kéo?) hai lỗ tai.
[10] Hậu tiền tưởng 後 前 想, quán tưởng sau lưng như là trước mặt. Pāli: Pacchāpuresaññī.
[11] Minh tưởng 明 想 hay quang minh tưởng, lấy các loại ánh sáng để làm đề mục, tập trung tư tưởng trên đó. Pāli: Ālokasaññā, đề cập đến sau khi ngắm các ngôi sao không thành công.
[12] Dục khởi tưởng 欲 起 想. Pāli: uṭṭhānasaññā.
[13] Trong bản Pāli, câu này dành cho hành giả tự tâm niệm lúc nằm, tức những điều suy niệm của phép dục khởi tưởng.
[14] Điệu 掉, ở đây cử chỉ tháy máy không yên. Pāli: uddhacca.
[15] Vô sự xứ.
[16] No.47: ai đã nói gì với cư sĩ đó? Bởi vì ta vào nhà mà cư sĩ đó không chịu nói chuyện với ta.
[17] No.47: hãy như sư tử luận.
[18] Bất thọ thử thế 不 受 此 世. Pāli: na kiñci loke upādiyati, không chấp thủ bất cứ cái gì ở trên đời.

-ooOoo-