Apadānapāḷi là tựa đề của tập Kinh thứ mười ba thuộc Tiểu Bộ. Chúng tôi đề nghị tựa đề tiếng Việt là Thánh Nhân Ký Sự. Sự chọn lựa tựa đề của chúng tôi được căn cứ vào lời giảng của Ngài Chú Giải Sư Dhammapāla ở Cariyāpiṭaka-Aṭṭhakathā (Chú Giải Hạnh Tạng) rằng: “Buddhāpadāniyaṃ là đề tài được thuyết giảng, là đề tài được trình bày có liên quan đến công hạnh khó làm thuộc thời xa xưa nghĩa là việc làm quá khứ của chư Phật” (335). Về ý nghĩa của từ apadāna, có nhiều tài liệu nghiên cứu tiếng Anh thảo luận về ý nghĩa của từ này và từ tương đương của Sanskrit là avadāna, nhưng vẫn chưa có được câu trả lời xác định và hợp lý về phương diện ngôn ngữ học. Từ điển A Dictionary of Pali, Part I của Margaret Cone do nhà xuất bản Pali Text Society phát hành năm 2001 ghi nghĩa rằng: “— 2. a person’s “reaping”, (the result of) one’s action,” và “—3. the story of a person’s actions and their result;” tuy nhiên, các ý nghĩa này cũng chỉ là những kết luận được rút ra từ các ngữ cảnh có liên quan ở các văn bản Pāli.
Apadānapāḷi gồm có bốn phần:
- Buddhāpadāna (liên quan đến Phật Toàn Giác)
- Paccekabuddhāpadāna (liên quan đến Phật Độc Giác)
- Therāpadāna (559 câu chuyện về các vị trưởng lão)
- và Therī-apadāna (40 câu chuyện về các vị trưởng lão ni).
Tập Kinh được trình bày ở đây là phần thứ tư, Therī-apadāna, chúng tôi đề nghị tựa đề tiếng Việt là Trưởng Lão Ni Ký Sự. Chú giải của tập Kinh Apadānapāḷi có tên là Visuddhajanavilāsinī chỉ đề cập đến ba phần đầu, còn phần chú giải liên quan đến các vị tỳ khưu ni lại không được đề cập đến, có thể đã không được thực hiện.
Về nội dung, Therī-apadāna - Trưởng Lão Ni Ký Sự được trình bày thành bốn phẩm (vagga), mỗi phẩm gồm có 10 ký sự, tổng cộng là 40 câu chuyện được kể lại bởi các vị tỳ khưu ni đã sống, tu tập, và thành Đạo dưới sự hướng dẫn của đức Phật Gotama, tức là đức Phật Thích Ca đang được chúng ta thờ phụng hiện nay. Các câu chuyện này có chủ đề liên quan đến những hành động cúng dường thù thắng của các vị tỳ khưu ni này ở trong quá khứ. Những thiện nghiệp này đã đem lại phước báu cho các vị ấy trong nhiều kiếp, cuối cùng vào kiếp chót các vị này đã xuất gia trở thành tỳ khưu ni, được chứng quả vị A-la-hán, thành tựu tam minh, đắc chứng bốn tuệ phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí. Một số nghiệp bất thiện cũng đã được đề cập đến và nghiệp quả xấu phải gánh chịu do những hành động ấy đem lại cũng không phải là nhỏ. Các chi tiết được trình bày ở mỗi ký sự đã được đích thân các vị tỳ khưu ni đích thân thuật lại, dài ngắn cũng không chừng đổi, đôi lúc có xen lẫn một vài dòng kệ chú thích của người sưu tập. Tên của một số vị trưởng lão ni đã được ghi nhận theo hành động, ví dụ vị ni Mekhalādāyikā có tên gọi theo hành động cúng dường sợi dây thắt lưng (mekhala), Maṇḍapadāyikā do việc cúng dường mái che (maṇḍapa), v.v… Tên của nhiều vị trưởng lão ni được thấy ở Therīgāthā - Trưởng Lão Ni Kệ, nhưng không phải là tất cả. Ngược lại tên của một số vị trưởng lão ni có ở Therīgāthā nhưng không được tìm thấy ở Apadāna. So sánh giữa hai văn bản, một vài vị ni có tên gọi không giống nhau nhưng chi tiết trình bày lại tương đồng. Nói chung, có một số tư liệu xét ra là mới lạ đối với hàng học Phật người Việt được chứa đựng trong tập Kinh này.
Về hình thức, Therī-apadāna - Trưởng Lão Ni Ký Sự được viết theo thể kệ thơ (gāthā), mỗi câu kệ gồm có bốn pāda được trình bày thành hai dòng. Đa số các câu kệ của tập Kinh này làm theo thể thông thường gồm có tám âm cho mỗi pāda. Chúng tôi chủ trương ghi lại lời dịch Việt theo lối văn xuôi hầu ý nghĩa chuyển dịch được phần trọn vẹn. Đôi chỗ hai câu kệ được dịch chung thành một đoạn dựa theo tính chất hoàn chỉnh về văn phạm hoặc về ý nghĩa của chúng. Cũng cần nói thêm về văn bản Pāḷi được trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi – Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka.
Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, có một số điều cần lưu ý như sau: Mặc dầu toàn bộ văn bản là các lời tự thuật, tuy nhiên chúng tôi chỉ trình bày ở dạngchữ nghiêng cho những đoạn có tính chất đối thoại trực tiếp hoặc những điều ước nguyện, suy nghĩ. Về từ xưng hô của hàng đệ tử đối với đức Phật, chúng tôi sử dụng từ “con” ở ngôi thứ nhất cho những trường hợp trực tiếp, và “tôi” cho những trường hợp xét rằng người nghe là các đối tượng khác. Về sự xưng hô của đức Phật với người đối diện, chúng tôi thay đổi theo suy nghĩ chủ quan, lúc thì “bà” dùng cho Mahāpajāpati Gotamī, “em” dùng cho Nandā người em gái cùng cha khác mẹ, “nàng, các nàng” dùng cho Yasodharā, Kisāgotamī, Rūpanandā, và những vị ni trước đây là hầu thiếp ở trong cung, “ngươi, các ngươi” dùng cho các vị tỳ khưu, và ít dùng từ “con, các con” ở ngôi thứ hai cho các trường hợp này; điểm này xét ra cần có thêm sự đầu tư suy nghĩ. Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pāḷi thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: Sư Cô Trí Anh - chùa Linh Sơn (Pháp), Bhikkhunī Sukhettā Nichanaporn Ketjan (Thái), Cô Phạm Thu Hương và Cô Hoàng Thị Thịnh (Hồng Kông), Cô Upekkhā (Úc Đại Lợi), Phật tử Daw Pat Gray (Myanmar). Công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ cấp thời và quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát và hộ trì Tam Bảo.
Một điều thiếu sót lớn nếu không đề cập đến sự nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi của sinh viên Karunaratna trong việc tham khảo bản dịch tiếng bản xứ. Cũng không quên không nhắc đến những sự ủng hộ, khích lệ, và công đức góp ý về phần tiếng Việt các vị: Đại Đức Dhammapāla (Trần Văn Tha), Đại Đức Chánh Kiến, Đại Đức Đức Hiền, Đại Đức Ni Nguyên Hương đã sắp xếp thời gian đọc qua bản thảo và đã giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt. Nhân đây, cũng xin ghi nhận sự cúng dường Từ Điển Tiếng Việt của Đại Đức Tâm Pháp, nhờ thế đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc xác định từ ngữ được thêm phần chính xác. Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi - Việt được tồn tại và phát triến, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quývị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
ngày 31 tháng 12 năm 2007
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)
ApA. : Apadāna Aṭṭhakathā - Chú Giải Apadāna (PTS.)
ND : Chú thích của Người Dịch
PTS.: Nhà Xuất Bản Pali Text Society (Anh Quốc)
TTPV. : Tam Tạng Pāḷi - Việt