Không khát khao, ‘Được giải thoát’ là giải thoát, minh và giải thoát, thắng giới, thắng tâm, thắng tuệ, tịnh, trí, sự nhận thấy, sự thanh tịnh, sự thoát ly, sự xuất ly, sự tách ly, sự xả ly, hành vi, giải thoát do thiền, sự tu tập, sự khẳng định, cuộc sống.
Không khát khao: Không khát khao với ước muốn trong các dục nhờ vào sự xuất ly, không khát khao với sân độc nhờ vào sự không sân độc ...(như trên)... không khát khao với các pháp ngăn che nhờ vào sơ thiền ...(như trên)... không khát khao với toàn bộ phiền não nhờ vào Đạo A-la-hán.
Giải thoát: ‘Được giải thoát khỏi ước muốn trong các dục nhờ vào sự xuất ly’ là giải thoát. ...(nt)... ‘Được giải thoát khỏi các pháp ngăn che nhờ vào sơ thiền’ là giải thoát. ...(nt)... ‘Được giải thoát khỏi toàn bộ phiền não nhờ vào Đạo A-la-hán’ là giải thoát.[4]
Minh và giải thoát: ‘Sự thoát ly được biết đến’ là minh, ‘được giải thoát khỏi ước muốn trong các dục’ là giải thoát, ‘trong khi được biết đến thì được giải thoát, trong khi được giải thoát thì được biết đến’ là minh và giải thoát. ‘Không sân độc được biết đến’ là minh, ‘được giải thoát khỏi sân độc’ là giải thoát, ‘trong khi được biết đến thì được giải thoát, trong khi được giải thoát thì được biết đến’ là minh và giải thoát. ...(như trên)... ‘Đạo A-la-hán được biết đến’ là minh, ‘được giải thoát khỏi toàn bộ phiền não’ là giải thoát, ‘trong khi được biết đến thì được giải thoát, trong khi được giải thoát thì được biết đến’ là minh và giải thoát.
Thắng giới, thắng tâm, thắng tuệ: Nhờ vào sự thoát ly, có giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc ước muốn trong các dục, có tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn, có kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thấy. Trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa thu thúc điều ấy là sự học tập về thắng giới, trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa không tản mạn điều ấy là sự học tập về thắng tâm, trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa nhận thấy điều ấy là sự học tập về thắng tuệ. Nhờ vào không sân độc, có giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc sân độc ...(như trên)... Nhờ vào Đạo A-la-hán, có giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc toàn bộ phiền não, có tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn, có kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thấy. Trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa thu thúc điều ấy là sự học tập về thắng giới, trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa không tản mạn điều ấy là sự học tập về thắng tâm, trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa nhận thấy điều ấy là sự học tập về thắng tuệ.
Tịnh: Nhờ vào sự thoát ly, (hành giả) làm tịnh lặng ước muốn trong các dục. Nhờ vào không sân độc, (hành giả) làm tịnh lặng sân độc. ...(như trên)... Nhờ vào Đạo A-la-hán, (hành giả) làm tịnh lặng toàn bộ phiền não.
Trí: Sự thoát ly nhờ vào trạng thái dứt bỏ ước muốn trong các dục là trí theo ý nghĩa đã được biết. Không sân độc nhờ vào trạng thái dứt bỏ sân độc là trí theo ý nghĩa đã được biết. ...(như trên)... Đạo A-la-hán nhờ vào trạng thái dứt bỏ toàn bộ phiền não là trí theo ý nghĩa đã được biết.
Sự nhận thấy: Sự thoát ly nhờ vào trạng thái dứt bỏ ước muốn trong các dục là sự nhận thấy nhờ vào trạng thái đã được thấy. Không sân độc nhờ vào trạng thái dứt bỏ sân độc là sự nhận thấy nhờ vào trạng thái đã được thấy. ...(như trên)... Đạo A-la-hán nhờ vào trạng thái dứt bỏ toàn bộ phiền não là sự nhận thấy nhờ vào trạng thái đã được thấy.
Sự thanh tịnh: Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, (hành giả) được thanh tịnh nhờ vào sự thoát ly. Trong khi dứt bỏ sân độc, (hành giả) được thanh tịnh nhờ vào không sân độc. ...(như trên)... Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, (hành giả) được thanh tịnh nhờ vào Đạo A-la-hán.
Sự thoát ly: Đây là sự xuất ly khỏi các dục, tức là sự thoát ly. Đây là sự xuất ly khỏi các sắc, tức là vô sắc. Hơn nữa, bất cứ điều gì hiện hữu, còn tạo tác, được tùy thuận sanh lên, sự diệt tận là thoát ly khỏi điều ấy. Đối với sân độc, không sân độc là sự thoát ly. Đối với sự lờ đờ buồn ngủ, nghĩ tưởng về ánh sáng là sự thoát ly. ...(như trên)... Đối với toàn bộ phiền não, Đạo A-la-hán là sự thoát ly.
Sự xuất ly: Đây là sự xuất ly khỏi các dục, tức là sự thoát ly. Đây là sự xuất ly khỏi các sắc, tức là vô sắc. Hơn nữa, bất cứ điều gì hiện hữu, còn tạo tác, được tùy thuận sanh lên, sự diệt tận là xuất ly khỏi điều ấy. Đối với ước muốn trong các dục, thoát ly là sự xuất ly. Đối với sân độc, không sân độc là sự xuất ly. Đối với sự lờ đờ buồn ngủ, nghĩ tưởng về ánh sáng là sự thoát ly. ...(như trên)... Đối với toàn bộ phiền não, Đạo A-la-hán là sự xuất ly.
Sự tách ly: Đối với ước muốn trong các dục, thoát ly là sự tách ly. ...(t)... Đối với toàn bộ phiền não, Đạo A-la-hán là sự tách ly.
Sự xả ly: ‘Nhờ vào sự thoát ly, (hành giả) xả ly ước muốn trong các dục’ là sự xả ly. ‘Nhờ vào không sân độc, (hành giả) xả ly sân độc’ là sự xả ly. ...(như trên)... ‘Nhờ vào Đạo A-la-hán, (hành giả) xả ly toàn bộ phiền não’ là sự xả ly.
Hành vi: Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, (hành giả) hành xử bằng sự thoát ly. Trong khi dứt bỏ sân độc, (hành giả) hành xử bằng không sân độc. ...(như trên)... Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, (hành giả) hành xử bằng Đạo A-la-hán.
Giải thoát do thiền: ‘Sự thoát ly được nung nấu là thiền, ‘(hành giả) thiêu đốt ước muốn trong các dục’ là thiền, ‘trong khi được nung nấu, (hành giả) giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘trong khi thiêu đốt, (hành giả) giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘được nung nấu’ là các pháp, ‘(hành giả) thiêu đốt’ là các phiền não, ‘biết điều được nung nấu và điều được thiêu đốt’ là có sự thiêu đốt do thiền. ‘Không sân độc được nung nấu’ là thiền, ‘(hành giả) thiêu đốt sân độc’ là thiền. ...(như trên)... ‘Sự nghĩ tưởng về ánh sáng được nung nấu’ là thiền, ‘(hành giả) thiêu đốt sự lờ đờ buồn ngủ’ là thiền. ...(như trên)... ‘Đạo A-la-hán được nung nấu’ là thiền, ‘(hành giả) thiêu đốt toàn bộ phiền não’ là thiền. ‘Trong khi được nung nấu, (hành giả) giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘trong khi thiêu đốt, (hành giả) giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘được nung nấu’ là các pháp, ‘(hành giả) thiêu đốt’ là các phiền não, ‘biết điều được nung nấu và điều được thiêu đốt’ là có sự thiêu đốt do thiền.
Sự tu tập, sự khẳng định, cuộc sống: ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, (hành giả) tu tập sự thoát ly,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ‘Do nhờ năng lực của sự thoát ly, (hành giả) khẳng định tâm,’ (vị ấy) có được sự khẳng định. ‘Có được sự tu tập, có được sự khẳng định như thế, vị này đây sống tịnh lặng không phải không tịnh lặng; sống đúng đắn không sai trái, sống thanh tịnh không bị phiền não’ (vị ấy) có được cuộc sống. Có được sự tu tập, có được sự khẳng định, có được cuộc sống như thế, vị này đây đi đến bất cứ tập thể nào, dầu là tập thể Sát-đế-lỵ, dầu là tập thể Bà-la-môn, dầu là tập thể gia chủ, dầu là tập thể Sa-môn, vị ấy đi đến với lòng tự tín, không bị bối rối. Điều ấy là nguyên nhân của điều gì? Bởi vì vị ấy có được sự tu tập, có được sự khẳng định, có được cuộc sống như thế.
‘Trong khi dứt bỏ sân độc, (hành giả) tu tập không sân độc,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, (hành giả) tu tập sự nghĩ tưởng về ánh sáng,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ phóng dật, (hành giả) tu tập sự không tản mạn,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ hoài nghi, (hành giả) tu tập sự xác định pháp,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ vô minh, (hành giả) tu tập về minh,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ sự không hứng thú, (hành giả) tu tập sự hân hoan,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ các pháp ngăn che, (hành giả) tu tập sơ thiền,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, (hành giả) tu tập Đạo A-la-hán,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ‘Do nhờ năng lực của Đạo A-la-hán, (hành giả) khẳng định tâm,’ (vị ấy) có được sự khẳng định. ‘Có được sự tu tập, có được sự khẳng định như thế, vị này đây sống tịnh lặng không phải không tịnh lặng; sống đúng đắn không sai trái, sống thanh tịnh không bị ô nhiễm’ (vị ấy) có được cuộc sống. Có được sự tu tập, có được sự khẳng định, có được cuộc sống như thế, vị này đây đi đến bất cứ tập thể nào, dầu là tập thể Sát-đế-lỵ, dầu là tập thể Bà-la-môn, dầu là tập thể gia chủ, dầu là tập thể Sa-môn, vị ấy đi đến với lòng tự tín, không bị bối rối. Điều ấy là nguyên nhân của điều gì? Bởi vì vị ấy có được sự tu tập, có được sự khẳng định, có được cuộc sống như thế.
Phần Giảng về Các Tiêu Đề được đầy đủ.
Phẩm Tuệ là phần thứ ba.
Đây là phần tóm lược:
Tuệ, thần thông, lãnh hội,
viễn ly, hạnh thứ năm,
phép kỳ diệu, đứng đầu,
thiết lập niệm, minh sát,
tiêu đề nữa là mười
thuộc phẩm Tuệ, thứ ba.
Tác Phẩm Phân Tích Đạo được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Hành xứ của sự diệt tận nghĩa là cảnh Niết Bàn (PṭsA. 3, 687).
[2] Các pháp đen và trắng (kaṇhāsukkadhammā) là các pháp bất thiện và thiện (PṭsA. 3, 688).
[3] Ở trên là 40 biểu hiện: liên quan đến vô ngã có 5, vô thường có 10, khổ não có 25, và có liên quan đến năm uẩn nên toàn bộ sẽ là 40 x 5 = 200, chính là tổng số của 25 + 50 + 125 ở câu cuối (PṭsA. 3, 700).
[4] Dịch theo văn bản Pāḷi của hai Tạng Anh và Tạng Thái: ‘nekkhammena kāmacchandato muccatīti vimokkho.’