Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong sách Hành Thập Thiện (trang 57), Thầy có ví dụ về Ngài Văn Thù Sư Lợi tại núi Nga Mi Trung Quốc. Vậy Ngài Văn Thù có hay không? Kinh sách Đại thừa thường nói về Văn Thù Sư Lợi, nhưng kinh sách Nguyên thủy thì không có. Vậy mong Thầy dạy cho.
Đáp: Ngài Văn Thù Sư Lợi ở núi Nga Mi là người Trung Quốc tu theo Lão Tử (Tiên đạo). Đọc lại đoạn kinh Hành Thập Thiện thì chúng ta thấy lời nói của Ngài Văn Thù giống như lời nói của các vị thiền sư Trung Hoa.
Kinh sách Đại thừa chịu ảnh hưởng Tiên đạo nên sinh ra Thiền tông. Thiền tông chính là con của Lão Tử.
Văn Thù Sư Lợi trong kinh Đại thừa là một vị Thần của Bà La Môn, chứ không phải Văn Thù Sư Lợi của Trung Hoa ở núi Nga Mi.
Tiểu thuyết gia Trung Quốc, tác giả bộ truyện Phong Thần đã biến hai vị Văn Thù Sư Lợi thành một vị, bằng cách cho Ngài Văn Thù Sư Lợi trước tu Tiên rồi sau tu theo Phật. Đó là những nhân vật tiểu thuyết, chứ không có thật, chỉ có những người thiếu tri kiến nhận xét mới tin những nhân vật huyền thoại hư cấu của tiểu thuyết.
Đây là những nhân vật hư cấu, không có lịch sử chân thật. Khi đưa ra nhân vật này trong kinh Hành Thập Thiện, là chúng tôi có mục đích dung hòa Đại thừa, Thiền tông và Nguyên thuỷ, vì thời điểm đó nói thẳng bất lợi.
Kinh sách phát triển Đại thừa có từ bên Ấn Độ, nên ngài Văn Thù Sư Lợi phải là người Ấn Độ. Vì vậy, có hai vị Văn Thù Sư Lợi, một Trung Hoa, một Ấn Độ. Từ xưa đến nay người ta đã lầm, tưởng là có một vị mà thôi.