Hỏi: Kính bạch Thầy! Trên bình diện hữu sắc và vô sắc, về hữu sắc, thực tế trong nhân loại hiện nay không còn con đường nào khác là phải xây dựng cho mỗi người có một nền đạo đức nhân bản và nhân quả. Trên cơ sở bốn đế (khổ, tập, diệt, đạo), vậy pháp hành là Tứ Chánh Cần ly dục, ly ác pháp thật là tuyệt vời!.
Bởi lẽ thế gian hiện nay, đã hầu hết làm mất đi nền đạo đức nhân bản này. Thế mới có chuyện người người ham mê theo một quả bóng tròn, hay khổ sở tranh giành làm Tổng thống, hoặc làm từ thiện thì bớt xén cả của những người khuyết tật, những người hoạn nạn do thiên tai...
Tất cả vì dục vọng mà nhiều người đã làm mất đi bản chất làm người để đi vào thú tính, xét cho cùng ngay những con thú có khi họ cũng không bằng. Vì bản chất loài thú ăn no, nằm ngủ rồi thì thôi, nhưng con người hiện nay ăn no vẫn chưa đủ, mà còn phè phỡn tìm kiếm thật nhiều, để rồi vào tù còn giở trò sám hối.
Thật là đau lòng cho những vị Thánh Minh muốn cứu đời trước thực tại này.
Bốn câu kệ trong kinh Kim Cang.
“Nhược dĩ sắc kiến ngã Dĩ âm thanh cầu ngã Thị nhân hành tà đạo Bất năng kiến Như Lai” Liễu nghĩa được bốn câu này thì làm gì có kinh Phổ Môn, kinh Địa Tạng, kinh Di Đà, chuyện Bà Thanh Đề, (kinh Vu Lan Bồn) là một sự lừa dối phi đạo đức và phi nhân quả, mà H đã phải dằn giọng kêu lên. Một tiếng sét cho những ai còn mê muội...
Đáp: Tại sao kinh Kim Cang nằm trong hệ thống kinh sách phát triển mà lại mâu thuẫn, tự đập phá lại kinh sách phát triển? Bởi vậy, chúng ta mới thấy hệ thống kinh sách phát triển không nhất quán. Cuốn kinh nào cũng tự ca ngợi nó là đệ nhất hơn các cuốn kinh khác, kinh Kim Cang ca ngợi kinh Kim Cang là đệ nhất, kinh Pháp Hoa cũng ca ngợi kinh Pháp Hoa là đệ nhất, kinh Lăng Già, kinh Viên giác, kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng vậy. Vì thế câu:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã Dĩ âm thanh cầu ngã Thị nhân hành tà đạo Bất năng kiến Như Lai” Bốn câu kệ này nó thể hiện qua trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật tánh không cho một hành tinh chết trong vũ trụ này, chứ không phải áp dụng cho hành tinh sống của chúng ta. Vì nó là chân lý của Long Thọ sản xuất, nó đang áp dụng trên cung trăng, mặt trời và trên những hành tinh chết khác, còn ở địa cầu thì nó là chân lý ảo tưởng. Vì địa cầu là môi trường sống nên mọi vật ở đây không thể là cục đá, gốc cây được (không có ngã, không có ta, không có cái của ta).
Nếu bảo rằng lấy bốn câu kệ này làm pháp tu quán chiếu thì không đúng, vì bốn câu kệ này không phải là pháp hành, nó chỉ là một lý luận suông của Bát Nhã Đại thừa, mâu thuẫn lại chính bản thân của Đại thừa, tức là mâu thuẫn lại Tịnh Độ tông và Mật tông. Còn nếu lấy câu:
“Nhất thiết hữu vi pháp Như mộng, huyền ảo, bào ảnh Như lộ diệc, như điển Ưng tác như thị quán” Nếu dùng câu này tác ý tu tập để chúng ta trở thành cây, đá trong môi trường chết thì có thể được, chứ pháp môn này không có mang tánh chất ly tham, đoạn ác pháp để được giải thoát như kinh sách Nguyên Thủy.
Do biết các pháp hữu vi như giấc mộng, như huyễn ảo, như sương mù, như điện chớp, thì nó trở thành là pháp môn tránh né, pháp môn tránh né là pháp môn ức chế tâm, pháp môn ức chế tâm thì không bao giờ ly dục, ly ác pháp được, không ly dục, ly ác pháp thì không bao giờ có giải thoát.