Hỏi: Kính bạch Thầy! Kinh Kim Cương dạy:
“Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Vậy có giống định Bất Động Tâm hay định Vô Tướng, hay phòng hộ: mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý không cho dính mắc sáu trần không?
Vậy thì vô tâm, những liễu liễu thường tri (rõ ràng thường biết) có giống các ý câu: “Tâm như cục đất không?” Tâm như đất, có sợ rơi vào vô ký không?
Đáp: Kinh Kim Cang thuộc về hệ thống Bát Nhã, mà Bát Nhã là không. Câu kinh diễn tả vị trí chân không diệu hữu của triết học tánh không, thì không thể nào bất động. Bất Động Tâm định do ly dục, ly ác pháp, hay nói một cách khác hơn, Bất Động Tâm định là tâm không phóng dật, cho nên đức Phật dạy: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”.
Bất Động Tâm Định là một quá trình tu tập bằng một cuộc sống đúng giới luật, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả.
Trong khi giữ gìn giới luật, còn phải tu tập các pháp hành như: Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ... để làm cho thanh tịnh giới luật, nhờ giới luật thanh tịnh tâm mới ly dục, ly ác pháp hoàn toàn.
Các nhà sư Phật giáo phát triển chỉ biết lý luận bằng ngôn ngữ hay tuyệt, nhưng cuộc sống của các Ngài rất phàm phu (sống phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới), nhưng lại khéo dùng những danh từ để che mắt tín đồ: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Đây là những danh từ suông, chứ sự sống của con người không thể thực hiện được như vậy. Cho nên, kinh sách thuộc hệ thống Bát Nhã này từ xưa cho đến nay đã lưu hành hơn hai nghìn năm mà có mấy ai đã tu tập đạt được.
Vô tâm nhưng thường liễu tri, nghĩa của nó cũng giống như chân không diệu hữu, chỉ nói được chứ không sống với cái đó được, là tại vì nó là cái bánh vẽ. Còn câu tác ý “Tâm như cục đất” là câu pháp hướng huấn luyện tâm, để tâm huân thành thói quen như đất, chứ không phải tâm là cục đất. Vì thế tâm làm sao rơi vào vô ký được.
Nghe hướng tâm như đất là người ta sợ tâm thành đất thật sự, đất là đất, tâm là tâm, có nghĩa là tâm không làm khổ mình, khổ người nữa, lức là tâm không còn mang bản chất hoang dã của loài cầm thú nữa, chứ không phải tâm như cục đất vô tri, vô giác (vô ký) như cư sĩ hiểu.