Hỏi: Kính bạch Thầy! Câu chuyện Mục Liên, Thanh Đề có phải là sự báo hiếu của đạo Phật hay không? Báo hiếu như vậy có đúng hay không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Kinh Vu Lan Bồn là kinh sách phát triển của Đại thừa, xây dựng đạo lý của mình trên hình thức cứu độ. Kinh khéo léo dùng tập thể cứu độ để đánh lừa người khác, mạo nhận là Phật dạy để không ai truy tìm sự lừa đảo này được.
Như chúng ta đã biết, đức Phật đã từng dạy chúng ta: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi”.
Giáo pháp của ngài được xây dựng trên nền tảng Đạo Đức Nhân Quả thì không có lý nào đức Phật lại dạy một điều phi đạo đức, phi nhân quả như vậy sao?
Chúng ta phải xem xét, coi lại những loại kinh sách phát triển này, chứ đừng vội tin.
Đạo đức nhân quả là một thứ đạo đức được xây dựng trên sự công bằng, công lý và bình đẳng với một trí tuệ vô hạn, thấu suốt được mỗi hành động của con người làm thiện hay làm ác.
Vì xây dựng tôn giáo của mình trên một nền đạo đức công lý, công bằng và bình đẳng cho mọi người như vậy, nên trên đầu Ngài chẳng có ai là Thầy của mình, chẳng có ai cứu độ cho mình được, chỉ có sức tự lực và trí tuệ của mình mới cứu mình thoát ra cảnh đau khổ của kiếp làm người, đang bị luân lưu trong vòng nhân qủa luân hồi.
Ngài đã tự cứu mình bằng những giáo pháp mà ngài tự tìm ra được. Giáo pháp đó là một thứ giáo pháp rất thực tế và cụ thể, mà mỗi pháp môn đều có cách thức tu tập trực tiếp đối trị lại từng tâm niệm ác và sự đau khổ của con người trong cuộc sống, để vượt thoát ra khỏi.
Một giáo pháp không có những hình ảnh và lý sự mơ hồ, trừu tượng, không có những sự cầu khẩn, van xin cứu độ; không có cúng bái, tụng niệm và chú thuật, v.v...
Một giáo pháp không có thế giới siêu hình, không có linh hồn người chết, không có đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, không có đấng Tạo Hóa, không có thần linh và cũng không có ma, quỷ, v.v...
Một giáo pháp chỉ dạy cho chúng ta những gì cần dứt bỏ thì phải dứt bỏ, những gì cần tu tập thì phải tu tập, những gì cần trau dồi thì phải trau dồi, và những gì cần thông hiểu thì phải thông hiểu.
Người nghiên cứu và có thực hành giáo pháp của đức Phật thì không thể nào bị người khác lừa đảo bằng những pháp tà giáo, ngoại đạo. Chỉ có những người chưa từng nghe đến giáo pháp của đức Phật thì dễ bị kẻ khác mạo nhận pháp môn tà giáo là của Phật.
Vì giáo pháp của đạo Phật không có một giáo pháp nào của ngoại đạo tương đồng được. Giáo pháp của Ngài là Giáo pháp “xả, ly”, với một pháp hướng tâm Như Lý Tác Ý tuyệt vời, với mục đích khiến cho tâm con người bất động trước các pháp và các cảm thọ.
Giáo pháp của Phật chỉ có tự lực cứu mình, còn giáo pháp của ngoại đạo thì nhờ đến tha lực cứu mình. Do thế ta nhận ra giáo pháp của Phật một cách rất dễ dàng không có khó khăn, vì một bên là tự lực và một bên là tha lực.
Vì thế, câu chuyện Mục Kiền Liên và bà Thanh Đề, ta thấy rõ đó là giáo pháp của ngoại đạo đang lồng trong giáo pháp của đạo Phật, mượn danh đức Phật để lừa gạt tín đồ Phật giáo theo đạo của mình mà không nghi ngờ, đó là cái khéo léo của Phật giáo phát triển.
Kinh sách Phật giáo phát triển, người ta đọc rất hấp dẫn do sự diễn đạt qua hình thức cấu kết giống như tiểu thuyết, giàu sức tưởng tượng theo kiểu thiền Đông Độ.
Mục Liên đi theo Phật tu hành chứng quả giải thoát, đắc lục thông. Mẹ là Thanh Đề, trước kia sùng kính Phật pháp, cúng dường trai tăng tứ sự đầy đủ, sau khi Mục Liên bỏ nhà đi tu, bà tức giận làm bánh nhân thịt chó để thử thách chúng tăng, nên bị tội đọa địa ngục ngạ qủy.
Mục Liên chứng đắc thần thông, dùng thiên nhãn thấy mẹ mình đang đọa địa ngục ngạ quỷ, đói khát vô tận. Thương mẹ, Ngài dùng thần thông xuống địa ngục thăm và mang theo một bát cơm cho mẹ. Thanh Đề đang đói khát, thấy cơm bà đón nhận và bốc ăn liền, nhưng không thể ăn được, vì cơm đã cháy thành than.
Mục Liên thấy mẹ thọ lãnh qủa khổ đói khát như vậy, muốn ăn mà ăn chẳng được, chẳng biết làm cách nào cứu mẹ được, nên Ngài trở về bạch với đức Phật và mong nhờ đức Phật chỉ giáo cứu mẹ mình.
Đức Phật bày vẽ: “Trong mùa an cư kiết hạ, chúng tăng đang tu học thân, tâm thanh tịnh, ngày rằm tháng bảy là ngày giải hạ, nên cung thỉnh chư tăng cúng dường trai phạn tứ sự, nhờ công đức tu hành của các Ngài hợp lại thành một sức mạnh to lớn, với công đức này có thể mới cứu mẹ Ngài thoát cảnh địa ngục”.
Mục Liên vâng lệnh Phật làm y như lời dạy, mẹ Ngài thoát cảnh địa ngục.
Qua sự tích này đã biến ngày rằm tháng bảy trở thành một phong tục trong dân gian, ngày báo hiếu, ngày xá tội vong nhân, v.v...
Câu chuyện Mục Liên Thanh Đề là một câu chuyện phi đạo đức trong Phật giáo phát triển.
Câu chuyện được dựng lên trong thời đại phong kiến, lúc vua quan chuyên ăn hối lộ, mua quan bán chức, làm những điều bất công, không công bằng, công lý.
Đạo Phật Nguyên Thủy chủ trương tự độ, không cầu tha lực độ mình. Cầu tha lực độ mình là giáo pháp của ngoại đạo, là của Phật giáo phát triển như trên chúng tôi đã nói. Đó là một thứ giáo pháp phi đạo đức, phi nhân quả, không công bằng và công lý.
Đọc chuyện Mục Liên, Thanh Đề chúng ta thấy đạo Phật tổ chức giống như chế độ phong kiến không khác chút nào. Ăn lo hối lộ với những danh từ rất cao thượng: “Độ chúng sanh”.
Cha mẹ làm tội ác bị nhà vua bắt giam cầm, tù tội, con thi cử làm quan, không cứu cha mẹ được vì quá nặng, nên phải nhờ những vị quan lớn khác bằng cách phải lo lót hối lộ (Trai tăng cúng dường tứ sự). Nhờ có lo lót như vậy, bà Thanh Đề mới thoát cảnh tù tội A Tỳ Địa Ngục...
Đối với một tôn giáo lớn như Phật giáo phát triển mà còn có hình thức ăn lo, hối lộ như vậy, thì trên đời này còn có nghĩa lý gì là đạo đức công bằng và công lý; còn có nghĩa lý gì gọi là đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người; còn có nghĩa lý gì là mang danh là tôn giáo khi dạy tín đồ làm điều phi đạo đức như vậy.
Nếu trên thế gian này không có một đạo luật nhân quả thì loài người đừng nói đến hai chữ công bằng và công lý. Vì không bao giờ có công bằng và công lý khi mà không có luật nhân quả.
Không có một đấng Vạn Năng hay một đấng Tạo Hóa hoặc một đức Chúa Trời hoặc một Ngọc Hoàng Thượng Đế nào cầm cán cân công bằng và công lý cho loài người này được, chỉ có luật nhân quả mới giữ vai trò công bằng và công lý này mà thôi. Vì nhân quả là do hành động của mọi người tự làm, tội hay vô tội đều chính nơi họ, cho nên, luật nhân qủa chính là con người tạo ra để xử phạt hay ban thưởng chính lại họ, chứ không có một kẻ thứ hai nào khác thưởng phạt. Vì thế nó rất công bằng và công lý, không ai lo lót và hối lộ nó được. Kẻ nào làm ác thì phải thọ lấy quả khổ, kẻ nào làm thiện thì hưởng được phước báo.
Sau khi tu hành chứng đạo, đức Phật dẫn tâm đến Lậu Tận Minh, Ngài đã thấy luật nhân quả rất rõ ràng, công bằng và công lý vô cùng. Cũng vì luật nhân quả có công bằng công lý như vậy, nên con người phải chịu trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi thọ biết bao nhiêu sự đau khổ từ kiếp này đến kiếp khác, đều do chính hành động nhân quả của họ.
Ở trên đời người ta có tiền, có thế lực thì người ta có thể mua chuộc được tội lỗi, nhưng với luật nhân quả thì không thể mua tội được. Trải qua một thời gian dài từ chế độ bộ lạc mãi nô đến chế độ phong kiến đã chứng minh điều này, “đa kim ngân phá luật lệ”. Và mãi sau này dù cho bất cứ một chế độ nào thì sự công bằng và công lý sẽ chẳng được thực thi trọn vẹn.
Dưới chế độ phong kiến, con cháu của vua quan có làm tội giết người, cướp của vẫn ung dung phe phẩy tự do mà không ai làm tội, làm tình được, pháp luật đối với những hạng người này như bắt cóc bỏ đĩa.
Cho nên Đại thừa giáo là một tôn giáo bị “thế lực phong kiến hóa”, với sự lý luận vụng về để lộ chơn tướng thế tục: “Khi chư tăng chấp nhận thọ dụng Trai tăng và Tứ sự cúng dường thì hợp lại công đức tu hành của mình thành một khối công đức vô lượng, công đức đó sáng chói như ngọn đuốc trí tuệ khiến cho tâm bà Thành Đề giác ngộ nên bà mới thoát khỏi địa ngục”. Đó là cách lý giải không chân thật của các nhà Đại thừa, khéo che đậy, lừa đảo những tín đồ mê tín, vô minh, chứ không thể nào che đậy với những người đệ tử của Phật đã được trang bị đạo đức nhân quả.
Vì giáo pháp của đức Phật dạy quá rõ ràng và cụ thể, người tu sĩ phải lấy đức hạnh (giới luật) làm đầu. Chỉ có đạo đức nhân quả thì mới có công bằng, công lý và từ bi đối với mọi người, mọi loài chúng sanh. Và vì thế, không thể nào có sự gian xảo lừa đảo, dối trá theo kiểu dạy của kinh sách Đại thừa như kinh Vu Lan Bồn nói trên.
Bài kinh Vu Lan Bồn chỉ gạt những người chưa hiểu giáo lý chân chánh và đạo đức nhân quả của đạo Phật. Bài kinh Vu Lan hôm nay đã trở thành một sự lừa đảo có sách vở và đã trở thành một truyền thống báo hiếu vô đạo đức trong lòng tín đồ Phật giáo Việt Nam, hơn cả nghìn năm mà không ai phát giác ra được.
Mùa Vu Lan! Mùa báo hiếu! Những danh từ này đã lặp đi lặp lại trong lòng người phật tử hiếu hạnh Việt Nam, nhưng mấy ai đã biết sự hiếu hạnh này là phi hiếu hạnh. Vì sự “Hiếu Tâm” mà bị lừa đảo! Hằng năm người phật tử đã tốn biết bao nhiêu tiền của trong mùa Vu Lan!!
Mùa Báo hiếu!!!... Một việc làm chẳng ích lợi gì cho những người thân thương quá cố của mình, chỉ có làm lợi ích cho các chùa mà thôi.
Nếu mọi người ai cũng đều thông hiểu Đạo Đức Nhân Quả của đạo Phật, thì những kinh sách phi đạo đức của Đại thừa không thể lường gạt họ được như: kinh Vu Lan Bồn, kinh Dược Sư, kinh Địa Tạng, kinh Bát Dương, kinh Duy Ma Cật, kinh Viên Giác, v.v... Đó là những loại kinh sách phi đạo đức, phi chân thật, phi Phật pháp. Nó không triển khai tri kiến giải thoát và tri kiến đạo đức nhân quả. Nó khiến cho trí tuệ con người u mê, vô minh, đen tối, thường sống với sự hiểu biết mơ hồ, trừu tượng, mê tín của thế giới siêu hình tưởng. Nó dạy người làm những việc thiếu đạo đức và thiếu chân thật, thường cúng tế, cầu cạnh, van xin gia hộ, độ trì, v.v...
Với lòng đại từ, đại bi của chư Phật và chúng Thánh tăng, theo như trong kinh Vu Lan Bồn đã dạy ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Giả thuyết, nếu làm được như vậy thì tất cả chúng tăng và đức Phật tập trung công đức tu hành giải thoát của mình lại thành một công đức vô lượng, vô biên, như một ngọn đuốc khổng lồ cháy sáng rực, và hướng đến chúng sanh... khiến cho chúng sanh ngộ được đạo lý giải thoát, để mọi người ly dục, ly ác pháp, thoát ra cảnh địa ngục tại tâm, thì đâu cần gì chúng sanh phải tu hành vất vả khổ nhọc, mà cũng vẫn được giải thoát như thường, cũng giống như chư tăng hợp công đức tu hành của mình lại thành một trí tuệ lớn, khiến cho tâm bà Thanh Đề ngộ được đạo lý giải thoát, liền thoát ra cảnh địa ngục A Tỳ. Nếu chư Phật và chư Thánh Tăng làm được những điều này thì thế gian lại có thêm một tôn giáo phi đạo đức, thì chúng tôi là những phật tử chân chánh sẽ không chấp nhận điều này.
Nếu chư Thánh tăng trong thời đức Phật đã cứu độ bà Thanh Đề thoát cảnh địa ngục như vậy, thì với tâm đại từ, đại bi của Phật và chư thánh Tăng không lẽ không làm điều này để chúng sanh thoát khổ sao? Có lý đâu vì một cá nhân nhỏ mọn như bà Thanh Đề mà chư Thánh tăng làm, huống hồ là với tất cả chúng sanh trên hành tinh này đang đau khổ mà Phật và chư Thánh tăng đều biết rõ, mà lại làm ngơ sao? Hay phải đợi cúng dường tứ sự?
Bởi vậy, kinh điển Phật giáo phát triển phi đạo đức một cách cụ thể rõ ràng, thế mà mọi người vì quá vô minh, u tối nên không thấy, nên bị lừa đảo, bị lường gạt một cách đau đớn.
Công đức tu hành của Phật vô lượng, vô biên mà Ngài từ chối không cứu độ ai hết, Ngài chỉ là một hướng đạo viên mà thôi. Ngài đã rõ thấu đạo lý nhân quả tường tận, mà không ai hiểu đạo lý nhân quả hơn Ngài. Do hiểu đạo lý nhân quả tường tận, dù biết rằng mình có đủ thần lực, có vô lượng, vô biên công đức, nhưng Ngài vẫn từ chối không cứu độ ai hết, vì cứu độ là một việc làm phi dạo đức, nên Ngài dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là một người chỉ đường mà thôi”.
Theo đạo lý nhân quả, ai làm ác thì phải chịu nhận lấy quả khổ, không ai cứu khổ cho kẻ làm ác được, chỉ có các nhà sư Phật giáo phát triển mới có một đức Bồ tát Quan Thế Âm dám làm điều phi đạo đức này (phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa), rồi đến chư Thánh tăng và đức Phật trong kinh Vu Lan Bồn mới dám cả gan làm điều phi đạo đức, phi giáo lý của Phật để cứu bà Thanh Đề thoát cảnh địa ngục, bằng cách ăn lo tứ sự cúng dường.
Xưa, thời đức Phật còn tại thế, Ngài còn phải xin ăn để gieo duyên nợ với chúng sanh, nhờ có gieo duyên nhân quả thiện như vậy, Ngài mới đủ duyên để thuyết giáo pháp của mình, khiến cho chúng sanh ngộ được chân lý giải thoát, rồi mới lần lần tu tập dứt bỏ và xả ly mới thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian đầy đau khổ của kiếp làm người.
Các nhà sư Phật giáo phát triển xây dựng sự cứu độ một cách vô lý, thiếu công bằng và công lý, thế mà mọi người vẫn tin theo, làm theo với sự thiếu suy nghĩ. Đem công đức tu hành giải thoát của mình, hợp lại làm một ngọn đèn sáng, khiến cho người đang mê gặp ngọn đèn này thì trí tuệ bừng sáng, thoát cảnh địa ngục (nếu được như vậy thì đâu cần gì phải tu). Đó là một thứ vọng ngữ của các nhà sư phát triển để lừa đảo những người tín đồ thiếu trí tuệ. Nó khiến cho những người có trí tuệ và những người nghi ngờ Phật giáo và xem thường đạo Phật, cho rằng Phật giáo là một tôn giáo mê tín, một tôn giáo không có đạo đức.
Nếu thật sự những loại kinh sách này là của Phật giáo, thì Phật giáo không còn đất đứng trên hành tinh này nữa. Một khi thời đại dân trí càng đi lên và càng khoa học thì người ta càng rõ sự gian xảo này. Trên hành tinh này duy chỉ cần phải có một nền đạo đức nhân quả, và đạo đức ấy phải được phát triển đúng mức để quân bình vật chất và tinh thần của con người được cân bằng, thì xã hội loài người mới có sự an vui, hạnh phúc.
Do thế, các tôn giáo nào thiếu đạo đức, gây mê tín, tạo thế giới siêu hình trừu tượng, viển vông, dạy mọi người điều phi đạo đức, thường lừa đảo tín đồ, thì phải bị khoa học chỉ mặt, vạch tên, và sẽ bị nhân loại đào thải khỏi cuộc sống của họ.
Bởi vậy, câu chuyện Mục Liên, Thanh Đề là câu chuyện phi đạo đức, phi công lý, phi công bằng, phản lại đạo đức nhân qủa của Phật giáo.
Sự báo hiếu của đạo Phật như trong kinh sách là không phải của đạo Phật, kinh sách này đã bị dân gian thế tục hoá Phật giáo theo thời đại phong kiến của nó.
Người tu sĩ đạo Phật muốn báo hiếu cha mẹ thì phải tu hành, sống đúng giới hạnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ, sống thiểu dục tri túc, ăn, ngủ, độc cư đúng cách, tâm thường thanh thản, an lạc, ly dục, ly ác pháp và nhập sâu Bốn Thánh Định, thực hiện Tam Minh làm chủ sự sống chết và luân hồi, thì mới báo hiếu trọn vẹn. Còn người tín đồ muốn báo hiếu thì phải giữ gìn năm giới nghiêm túc, thường khuyên cha mẹ giữ gìn làm điều thiện, đừng làm điều ác. Đó là sự báo hiếu của Phật giáo.
Thực hiện được những điều này qua đời sống gương hạnh cao quý, khiến cho cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp vì có nhân duyên nhân quả nên quy tụ gặp lại nhau, để nhận lấy gương hạnh đạo đức giải thoát và giáo pháp của Phật, hướng dẫn cho những người thân thương của mình từ vô lượng kiếp để thoát ra cảnh đời đầy đau khổ. Đó là báo hiếu cha mẹ, chớ không phải làm lễ trai tăng cúng dường tứ sự để nhờ công đức của chư tăng cứu độ cha mẹ là báo hiếu.
Báo hiếu kiểu đó là báo hiếu không thực tế, thua xa các nhà Nho giáo, đạo Khổng “quạt nồng, ấm lạnh”, không làm cho cha mẹ buồn rầu, thường làm vui lòng cha mẹ.
Sống chửi cha, mắng mẹ, làm cho cha mẹ buồn khổ, đến khi chết rước chư tăng cúng dường Tam Bảo để báo hiếu, thì thật là buồn cười. Bày đặt chuyện báo hiếu vậy không đạo nghĩa và thực tế, đó là lối lường gạt người “tiền mất, tật mang”, chẳng làm ích lợi gì cho ai cả?
(Trích ĐVXP tập 6 /tr169-181)