65- CHẾT GIỜ TỐT, XẤU

Hỏi: Kính bạch Thầy, trong gia đình nào có người chết rất quan trọng là giờ phút lúc tắt thở.

Họ đến nhờ ông thầy cúng xem người chết lúc đó giờ tốt hay xấu, giờ trùng hay không trùng, nếu ông thầy nói chết được giờ tốt không có trùng thì gia đình yên tâm, nếu ông thầy bảo giờ xấu có trùng thì ông thầy ấy cho bùa yếm để trong gia đình không có người chết nữa. Như vậy có đúng không, thưa Thầy?

Đáp: Không đúng con ạ! Đó là những kinh sách mê tín lạc hậu của người xưa, khi đời sống con người còn lạc hậu, dân trí chưa cao, kiến thức khoa học chưa có, tầm hiểu biết không nhìn rộng, thấy xa được. Con người thời ấy bản chất còn mang tính thú vật, chưa biết đạo đức là gì, chỉ đi lượm trái cây rừng hoặc đào rễ cây mà ăn.

Cho nên trước những hiện tượng thiên nhiên thời tiết thì họ không thể nào hiểu được, nên đành dùng tưởng tri để hiểu. Do tưởng tri để hiểu thì những cái không hiểu được đã biến thành một thế giới siêu hình. Từ tưởng tri thế giới siêu hình, họ mới tưởng tri ngày, tháng, năm để hoàn thành lịch và dịch số chiêm tinh. Do chỗ không thấu rõ hiện tượng thiên nhiên vũ trụ, nên các nhà tôn giáo và triết gia sản xuất ra biết bao nhiêu loại kinh sách tưởng để thuyết minh các hiện tượng siêu hình.

Hiện tượng siêu hình ngày nay đã biến thành một tai họa rất lớn cho con người trên thế giới; muốn phá bỏ nó thật là điều nan giải. Nó đã in sâu vào tâm khảm và truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau những cái không đúng sự thật, chỉ là tưởng mà thôi, những cái tai hại cho con người vô cùng to lớn từ đời này đến đời khác, những cái phi đạo đức đã đưa con người đến chỗ hung ác, gian xảo hơn loài cầm thú, dùng mọi cách lừa đảo, lường gạt. Báo công an đã tường thuật không biết bao nhiêu là mánh khóe cưỡng đoạt tài sản của kẻ khác, chỉ cần 100 ngàn hay 1 triệu đồng là xem mạng sống con người không ra gì. Những kẻ đầu trộm, đuôi cướp này chỉ mua một cuốn sách tử vi xem ngày tốt, xấu rồi đi trộm cướp, giết người lấy của, mà không bị ai bắt thì cần gì phải đi lao động khó nhọc mà chưa chắc đã có tiền như đi ăn trộm, ăn cướp. “Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”, đó là tục ngữ dân gian đã dạy như vậy.

Trên cuộc đời thứ nhất là danh, thứ hai là lợi.

Các nhà triết học đua nhau đưa ra triết thuyết này triết thuyết khác đủ mọi thứ mọi loại, phần nhiều đều nằm ở trong tưởng thức mà luận ra, không thực tế, mơ hồ, trừu tượng, khi áp dụng vào đời sống con người, vốn đã khổ đau lại càng khổ đau hơn. Như thuyết hiện sinh, thuyết vô ngã của Đại thừa giáo, thuyết hữu ngã của thiền Đông độ, thuyết vô sản của Kark Marx, thuyết hữu thần của các tôn giáo khác, thuyết âm dương của Trung Quốc, thuyết luân hồi tái sanh của Phật giáo Đại thừa và các tôn giáo khác, v.v... đều đưa con người quay cuồng trong các học thuyết đảo điên và điên đảo.

Thuyết âm dương của Trung Quốc mới có xem giờ tốt, xấu, coi cung mạng xung khắc trong càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Họ lý luận rằng con người khi chết, cũng như lúc sanh ra phải ở trong một cung nhất định. Các nhà học giả thời nay đua nhau nghiên cứu triết thuyết trừu tượng này, và đã tốn biết bao nhiêu tâm lực và giấy mực. Nhưng nó có đem lại lợi ích cụ thể thiết thực cho loài người đâu, chỉ toàn là luận thuyết để mà cầu danh và càng làm thêm rắc rối cho tư tưởng con người.

Những loại triết thuyết này đưa ra biến thành một cuộc nội chiến trong tâm của mọi người. Có những người cuồng tín, tin một cách mù quáng, biến mình thành những công cụ cho những triết thuyết sai khiến. Đó là những tín đồ hăng say, điên khùng xông vào cái chết, và giết người như cỏ rác mà chẳng xót thương.

Năm, tháng, ngày, giờ tốt, xấu, đó là một triết thuyết về luật âm dương, đưa con người đến chỗ mê tín tận cùng, mỗi khi làm việc gì cũng xem ngày, giờ tốt, xấu và tuổi tác có hợp hay không.

Hiện giờ ai cũng biết đó việc mê tín, lạc hậu, phi đạo đức, vậy mà người ta không thể bỏ được tập quán, thói quen này, ngay kể cả người có học thức, có kiến thức về khoa học.

Đạo đức nhân quả đã xác định, kẻ làm ác dù có xem ngày, giờ, tuổi tác tốt, xấu khi cất nhà, dựng vợ, gả chồng cho con cái, hoặc xem giờ an táng, hoặc xem tuổi tác người chết tránh trùng tang, liên táng, bằng mọi cách mua bùa về yểm cho tai qua, nạn khỏi, bệnh tật được triêu trừ và hưởng được phước báo đầy nhà, thì chẳng bao giờ được. Nếu được thì đó là một điều vô đạo đức, không công bằng và công lý.

Người ta sanh ra ở đời phải chấp nhận luật nhân quả. Nếu ta làm điều thiện thì ngay đó tâm ta được an vui, thanh thản, đó là phước báo của mình làm ra, còn nếu mình làm ác mà cầu phước báo thì chẳng bao giờ có được, dù cho những bậc xem ngày, giờ tốt, xấu giỏi như Trương Lương, Tiêu Hà, Khổng Minh, Quỷ Cốc Tử, cũng không tránh khỏi luật nhân quả. Cho nên Trương Lương phải ẩn bóng, Tiêu Hà bị chết, Khổng Minh thất bại trong việc chấn hưng nhà Hán.

Xét cho cùng, từ xưa cho đến nay, có mấy ai xem ngày, giờ tốt, xấu mà làm nên sự nghiệp đâu. Làm nên sự nghiệp đều do nhân quả thiện của mình. Người xưa nói: “Tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện”, làm ác gặp khổ, làm lành gặp phước an vui, thanh thản.