Hỏi: Kính bạch Thầy, nghe nói trong đời tu mà cứ thọ nhận ngày càng nhiều của Thầy, Tổ, của đàn na thí chủ, mà không tu được, kiếp sau làm thân trâu ngựa trả nợ. Vì vậy, trên quá trình tu tập, hễ tâm bất an là nó hay luận theo như vậy rồi bỏ cuộc, về tự làm tự tu, rồi kết quả sự tu sẽ đi đến đâu? Làm sao thắng được tư tưởng này?
Con kính xin Thầy từ bi chỉ dạy.
Đáp: Câu nói “Ăn của đàn na thí chủ mà tu không giải thoát thì phải vay quả làm thân trâu ngựa để trả nợ”, nhằm mục đích khiến cho chúng ta sợ mà ráng tu hành, chớ không phải có thật như vậy.
Nếu chúng ta không gieo nhân cúng dường cho những bậc tu hành thì ngày nay làm gì chúng ta có người cúng dường ăn để sống tu hành. Nhân thì phải có quả. Thấy quả biết được nhân. Quả của chúng ta đang được ngồi không, ăn mà tu hành, thì biết nhân đời trước chúng ta đã có cúng dường cho người tu. Chúng ta tu có kết quả hay không kết quả là do chúng ta có duyên với chánh pháp hay không, chớ không phải ở chỗ thọ của đàn na thí chủ hay Thầy, Tổ. Hai nhân quả này khác nhau.
Đứng trên góc độ nhân quả mà nói, ngày nay ta ngồi không thọ dụng của đàn na thí chủ để tu hành, thì trước kia ta đã từng cúng dường thầy, tổ và các bậc tu hành. Cũng trên góc độ nhân quả, ta tu chứng hay không tu chứng là do duyên tiền kiếp có gieo với chánh pháp hay tà pháp mà thôi. Trong lịch sử tu hành của Phật và các vị Tỳ kheo, không có ai tự làm tự tu mà có kết quả giải thoát được, chỉ là một thứ đạo yểm ly cuộc sống.
Tự làm tự tu kết quả sẽ chẳng đi đến đâu. Muốn thắng tư tưởng này cần phải hiểu rõ nhân quả.