VII. CÁC PHÁP DÀN XẾP TRANH TỤNG (ADHIKARAṆASAMATHĀ DHAMMĀ)

VII. CÁC PHÁP DÀN XẾP TRANH TỤNG
(ADHIKARAṆASAMATHĀ DHAMMĀ)

[503] Bạch chư đại đức ni, bảy pháp dàn xếp tranh tụng này được đưa ra đọc tụng.

Nhằm đưa đến sự dàn xếp, nhằm đưa đến sự giải quyết các sự tranh tụng đã sanh khởi hoặc chưa sanh khởi, nên áp dụng cách hành xử Luật với sự hiện diện (sammukhāvinayo), nên áp dụng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ (sativinayo), nên áp dụng cách hành xử Luật khi không điên cuồng (amūḷhavinayo), nên phán xử theo sự thừa nhận (paṭiññāya), thuận theo số đông (yebhuyyasikā), theo tội của vị ấy (tassapāpiyasikā), cách dùng cỏ che lấp (tiṇavatthārako).

Bạch chư đại đức ni, bảy pháp dàn xếp tranh tụng đã được đọc tụng xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các đại đức ni rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Các đại đức ni được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

Dứt các Pháp Dàn Xếp Tranh Tụng.

*******

[504] Bạch chư đại đức ni, phần mở đầu (nidāna) đã được đọc tụng, tám điều pārājika (bất cộng trụ) đã được đọc tụng, mười bảy điều saṅghādisesa (tăng tàng) đã được đọc tụng, ba mươi điều nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị) đã được đọc tụng, một trăm sáu mươi sáu điều pācittiya (ưng đối trị) đã được đọc tụng, tám điều pāṭidesanīya (ưng phát lộ) đã được đọc tụng, các sekhiyā dhammā (ưng học pháp) đã được đọc tụng, bảy adhikaraṇasamathā dhammā (pháp dàn xếp tranh tụng) đã được đọc tụng.

Bấy nhiêu của đức Thế Tôn ấy đã được truyền lại trong giới bổn, đã được đầy đủ trong giới bổn, được đưa ra đọc tụng vào mỗi nửa tháng. Chính tất cả (chư đại đức ni) nên học tập các điều học ấy với sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ.

Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni được chấm dứt.

*******


[1]Được đề cập ở Tiểu Phẩm - Cullavagga, chương X, [571, 572].

[2]Một trong năm thứ y của vị tỳ khưu ni cần phải có khi tu lên bậc trên: y hai lớp (saṅghāṭi), thượng y, y nội, áo lót, vải choàng tắm (Tiểu Phẩm – Cullavagga, chương X, [575]).

[3]Lời giải thích của ngài Buddhaghosa được tóm lược như sau: Tổng số giới pācittiya (ưng đối trị) của tỳ khưu ni là 166 điều, và đã được trình bày ở đây là 96 điều và 70 điều còn lại là những điều đã quy định chung cho tỳ khưu và tỳ khưu ni và được trình bày trong Phân Tich Giới Tỳ khưu - Bhikkhuvibhaṅga. Trong số 92 điều ưng đối trị của tỳ khưu, thay vì tìm 70 điều là phần quy định chung, chúng ta sẽ bớt đi 22 điều quy định riêng cho tỳ khưu gồm có: 10 điều thuộc phần giáo giới (21-30), 4 điều thuộc phần vật thực: Trường hợp vật thực thỉnh sau (33), thọ thực thức ăn không phải là đồ thừa (35), mời thức ăn không phải là đồ thừa rồi buộc tội (36), yêu cầu các loại vật thực thượng hạng (39); thêm vào 8 điều nữa là: Bố thí đến tu sĩ ngoại đạo (41), che giấu tội xấu xa (64), cho tu lên bậc trên người chưa đủ hai mươi tuổi (65), hẹn hò rồi đi chung đường xa với người nữ (67), đi vào hậu cung của đức vua (83), vào làng lúc sái thời chưa thông báo vị tỳ khưu hiện diện (85), tọa cụ (89), y choàng tắm mưa (92). Tổng cộng là 22 điều.

[4]Thịt của mười loài thú vị tỳ khưu không được dùng được đề cập ở Đại Phẩm – Mahāvagga tập 2, chương VI, [59, 60] gồm có: thịt người, thịt voi, thịt ngựa, thịt chó, thịt rắn, thịt sư tử, thịt hổ, thịt beo, thịt gấu, thịt chó sói.

[5]Sekhiya: (phân từ vị lai thể thụ động, từ ngữ căn √sikkh) nghĩa là cần được học tập, nên được rèn luyện.