Bạch chư đại đức ni, các sekhiyādhammā[5](ưng học pháp) này được đưa ra đọc tụng.
[495] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư quấn y (nội) lòng thòng phía trước và phía sau. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại quấn y (nội) lòng thòng phía trước và phía sau giống như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại quấn y (nội) lòng thòng phía trước và phía sau?
…(như trên)…
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư quấn y (nội) lòng thòng phía trước và phía sau, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại quấn y (nội) lòng thòng phía trước và phía sau vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Ta sẽ mặc y (nội) tròn đều” là điều học nên được thực hành.
[496] Nên mặc y nội cho tròn đều với việc che kín ở vòng bụng nơi lỗ rún và vòng đầu gối. Vị ni nào mặc y nội lòng thòng ở phía trước hoặc phía sau do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[497] Vị ni không cố ý, khi thất niệm, vị ni không biết, vị ni bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
(Có sự thu gọn)
[498] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư đại tiện, tiểu tiện, và khạc nhổ ở trong nước. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại đại tiện, tiểu tiện, và khạc nhổ ở trong nước giống như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại đại tiện, tiểu tiện, và khạc nhổ ở trong nước?
Khi ấy, các tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã hỏi các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư đại tiện, tiểu tiện, và khạc nhổ ở trong nước, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại đại tiện, tiểu tiện, và khạc nhổ ở trong nước vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Ta sẽ không đại tiện hoặc tiểu tiện hoặc khạc nhổ ở trong nước” là điều học nên được thực hành. Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu ni như thế.
[499] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni bị bệnh ngần ngại khi đại tiện, tiểu tiện, và khạc nhổ ở trong nước. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ni bị bệnh được đại tiện, tiểu tiện, và khạc nhổ ở trong nước. Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Ta sẽ không đại tiện hoặc tiểu tiện hoặc khạc nhổ ở trong nước khi không bị bệnh” là điều học nên được thực hành.
[500] Vị ni không bệnh không nên đại tiện hoặc tiểu tiện hoặc khạc nhổ ở trong nước. Vị ni nào không bị bệnh đại tiện hoặc tiểu tiện hoặc khạc nhổ ở trong nước do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[501] Vị ni không cố ý, khi thất niệm, vị ni không biết, vị ni bị bệnh, sau khi thực hiện trên đất rồi xối nước, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, vị ni có tâm bị rối loạn, vị ni bị thọ khổ hành hạ, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
*******
[502] Bạch chư đại đức ni, các sekhiyādhammā(ưng học pháp)đã được đọc tụng xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các đại đức ni rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?
Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?
Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?
Các đại đức ni được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.
Dứt Sekhiya (Sekhiyā niṭṭhitā).
*******