«Vipallāsakathā»
Nguồn gốc Kinh đã nêu
1. [80] Này các tỳ kheo, có bốn điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm. Bốn gì? Này các tỳ kheo, [coi] cái vô thường là trường tồn đó là điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm. [Coi] cái khổ não là vui sướng đó là điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm. [Coi] cái không phải là ngã* là ngã đó là điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm. [Coi] cái xấu xa là đẹp đó là điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm. Này các tỳ kheo, đây là bốn điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm.
* Cf. Vinaya i, 100.
Này các tỳ kheo, có bốn không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm. Bốn loại nào? Này các tỳ kheo, [coi] cái vô thường là vô thường đó là không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm. [Coi] cái khổ não là khổ não đó là không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm. [Coi] cái không phải là ngã là không phải là ngã đó là không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm. [Coi] cái xấu xa là xấu xa đó là không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm. Này các tỳ kheo, đây là bốn không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm.
‘Chúng sanh chỉ nhận định sai
Với tâm bị phỉnh lừa và nhận định lệch lạc
‘Coi biến đổi không ngừng là trường tồn
Coi khổ đau là hạnh phúc, coi ngã là
cái không phải là ngã, coi cao đẹp ở cái ô uế, [81]--
Những người như thế phiêu lưu trên đường nhận thức điên đảo
Là sản phẩm của tâm cuồng điên, bệnh hoạn
Nô lệ cho Māra, không thoát khỏi trói buộc,
Chúng sanh bị sanh tử luân hồi.
Nhưng khi chư Phật, phóng hào quang
Xuất hiện trên đời, truyền Chánh Pháp,
để lắng dịu khổ đau. Nghe chư Phật giảng,
chúng sanh sáng suốt, tâm trí phục hồi và thấy
vô thường đúng là vô thường, thấy khổ đau
đúng là khổ đau, thấy cái không phải là ngã đúng là không phải là ngã, coi cái ô uế đúng là ô uế.
Nhờ chánh kiến như vậy nên họ vượt mọi khổ đau. (A ii 52)*
* dịch theo F. L. Woodward, Gradual Sayings II [PTS, 1995], trang 61.
2. Trong người thành tựu [chánh] kiến [vì là bậc nhập giòng], bốn điên đảo này bị từ bỏ hay không bị từ bỏ?
Có cái bị từ bỏ, có cái không bị từ bỏ. Điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm [coi] cái vô thường cho là trường tồn trong vị ấy bị từ bỏ. Nhận thức [coi] cái khổ não cho là vui sướng khởi lên, tâm cũng khởi lên, nhưng trong vị ấy điên đảo về quan điểm như thế bị từ bỏ. Điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm [coi] cái không phải là ngã cho là ngã trong vị ấy bị từ bỏ. Nhận thức [coi] cái xấu xa cho là đẹp khởi lên, tâm cũng khởi lên, nhưng trong vị ấy điên đảo về quan điểm như thế bị từ bỏ.
3. Trong hai trường hợp [thứ nhất và thứ ba] sáu điên đảo bị từ bỏ. Trong hai trường hợp [thứ hai và thứ bốn] hai điên đảo bị từ bỏ và bốn điên đảo không bị từ bỏ. Trong [cả] bốn trường hợp tám điên đảo bị từ bỏ và bốn điên đảo không bị từ bỏ.[1]
CHẤM DỨT LUẬN VỀ ĐIÊN ĐẢO
[1]Lúc đầu, bốn điên đảo được kể vào bốn (trường hợp) đó là coi vô thường là thường, coi khổ là sướng, coi không phải là ngã là ngã, coi ô uế là cao đẹp. Ở đây, đoạn cuối các điên đảo được kể là ba, đó là nhận thức điên đảo, tâm điên đảo, quan điểm điên đảo; như vậy cả thẩy là ‘mười hai’ (‘tám’ và ‘bốn’) trong bốn ‘trường hợp’ trên.