(19 – 1 - 2009)
Hỏi:- Khái niệm “Âm, Dương” của lý thuyết cổ truyền Trung Quốc, hiểu như thế nào cho đúng Phật pháp?
Đáp:Muốn hiểu Phật giáo về lý thuyết “Âm Dương” tức là muốn hiểu “Văn Minh” Ấn Độ theo nền “Văn Minh” Trung Quốc.
Âm Dương chỉ là hai cực của nhân quả. Hai cực này hoạt động theo qui luật nhân quả tạo duyên hợp thành, mới có sinh ra vạn vật nên gọi là vạn vật sinh sôi, nảy nở. Cũng theo quy luật này hoạt động tạo ra duyên tan nên vạn vật phải chịu luật vô thường, biến đổi, tan rã và hoại diệt, nên gọi là vạn vật chết.
Nói lý thuyết âm dương là nói có vẻ văn học, chứ danh từ bình dân thì chỉ gọi là giống cái, giống đực mà thôi. Còn Phật giáo thì gọi là duyên hợp nhân quả tứ đại âm và duyên hợp nhân quả tứ đại dương, chứ bản chất âm dương không có một nguyên tố đơn độc được, mà âm hay dương là một hợp chất.
Ví dụ: Người phụ nữ thuộc về âm nhưng muốn tạo thành thân người phụ nữ thì phải do tứ đại âm hợp lại mà thành. Người nam thuộc về dương nhưng muốn tạo thành thân người nam thì phải do tứ đại dương hợp lại mà thành.
Do âm dương mà có con đường sinh tử luân hồi, vì thế đạo Phật biết rất rõ nên quyết tâm tu tập làm chủ luật âm dương để diệt trừ con đường sinh tử luân hồi.
Người ta gọi khí âm, khí dương nhưng khí cũng là một hợp chất mới thành khí.
“Văn minh” Trung Quốc chỉ biết âm dương mà không biết âm dương là một hợp chất. Do không biết âm dương là một hợp chất, nên nền văn minh Trung Quốc không xác định đúng nghĩa và cũng chẳng biết âm dương từ đâu sinh ra. Các nhà hiền triết Trung Quốc chỉ loanh quanh trong tưởng tri âm dương ngũ hành nên xây dựng một nền văn hóa mang tính chất mê tín, mơ hồ, trừu tượng, ảo giác, dị đoan, lạc hậu v.v… Còn văn minh Ấn Độ do Phật giáo thì biết rất rõ âm dương từ nhân quả sinh ra. Bởi nhân quả là một qui luật điều hành tất cả vạn vật trong vũ trụ, cho nên thuyết âm dương cũng nằm trong quy luật của nhân quả mà có.
Am dương theo văn minh Trung Quốc thì xây dựng nền văn hóa mê tín, lạc hậu, hoang đường.
Âm dương theo văn minh Ấn Độ do Phật giáo thì xây dựng nền văn hóa đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
Đấy là hai nền văn minh cũng lấy thuyết âm dương nhưng vì sự hiểu biết khác nhau nên xây dựng hai nền văn hóa cũng khác nhau.
Một bên là nền văn hóa Phật giáo Ấn Độ dạy con người đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và tất cả chúng sinh, nên làm lợi ích cho loài người.
Còn một bên là nền văn hóa Khổng, Lão Trung Quốc dạy con người sống trong Tam Cang, Ngũ Thường tạo thành những giai cấp xã hội phong kiến, theo luật âm dương ngũ hành nên trở thành những nếp sống mê tín, dị đoan, lạc hậu v.v… làm tai hại cho loài người rất lớn. Vì thế Lão, Trang yếm thế, tiêu cực bỏ đời tìm đạo vô vi.
2- Người ta thường nói “Âm Dương đồng nhất lý”, nghĩa là “Trần sao Âm vậy”. Vậy chúng con phải hiểu sao? Khi thầy dạy không có linh hồn.
Đáp:Từ xưa đến nay, loài người truyền nhau sự hiểu biết mù quáng, mê tín, dị đoan, lạc hậu, thiếu thực tế, không khoa học v.v… nên không chứng minh được những hiện tương siêu hình. Vì thế, con người tưởng ra mới xây một thế giới siêu hình mà mọi người gọi là cõi âm.
“Âm dương đồng nhất lý” nhưng âm dương làm sao đồng nhất lý được? Người đàn ông là người đàn ông làm sao là ngươi đàn bà được. Ngược lại người đàn bà là người đàn bà làm sao là đàn ông được. Cho nên nghĩa đồng nhất lý là không đúng. Chỉ có âm dương hợp nhau thì mới sinh ra vật thứ ba, chứ hai cái là một thì không đúng. Đừng hiểu theo tưởng giải của các nhà hiền triết xưa: dương là trần cảnh, còn âm là âm cảnh. Trần cảnh tức là dương cảnh, nó có nghĩa là sự sống của con người ở cõi trần gian, còn âm cảnh là sự sống của linh hồn nơi cõi âm phủ. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm của nền văn minh Trung Quốc. Cho nên chỉ nền văn minh Ấn Độ có Phật giáo mới giải quyết vấn đề tư tưởng mê tín, dị đoan, lạc hậu này.
Theo Phật giáo thì không có âm cảnh mà chỉ có sự sống của con người ở trần gian. Sự sống của một người ở trần gian, gồm có dương cảnh và âm cảnh. Dương cảnh là ý thứ, còn âm cảnh là tưởng thức. Bởi vậy trong một con người còn sống là phải có đủ âm, dương. Vì thế, đức Phật dạy: “Thân con người sống gồm có năm uẩn hoạt động, nhưng khi con người chết thì năm uẩn hoại diệt không còn sót một uẩn nào cả. Năm uẩn này gồm có: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn”.
Từ xưa đến nay người ta đã lầm tưởng sắc uẩn là trần cảnh và tưởng uẩn là âm cảnh, nhưng sắc uẩn và tưởng uẩn là hai uẩn trong thân ngũ uẩn của Phật giáo chứ đâu có hai cảnh: âm cảnh và dương cảnh. Âm cảnh và dương cảnh chỉ là một thân con người. Vì thế khi thân người hoại diệt thì dương cảnh và âm cảnh cũng không còn. Do sự hiểu biết của Phật giáo như vậy nên chỉ có thế giới duyên hợp hữu hình, chứ không bao giờ có thế giới linh hồn siêu hình.
Âm dương của Phật giáo là lộ trình duyên hợp tái sinh luân hồi, cho nên người tu sĩ của Phật giáo là phải vượt ra khỏi con đường này. Tâm người tu hành là phải diệt trừ tâm sắc dục, vì còn tâm sắc dục là còn bị chi phối trong qui luật nhân quả âm dương thì còn tiếp tục tái sinh luân hồi.
Hỏi: Sắc uẩn của Phật giáo có bốn chất cơ bản: đất, nước, gió, lửa mà ở các sách cổ truyền phương Đông nhất là Trung Quốc nói có năm chất cơ bản: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Vậy chúng con phải hiểu nó như thế nào?
Đáp: Văn minh Ấn Độ xác định một thân con người của Phật giáo là phải hợp lại đầy đủ bốn chất: đất, nước, gió, lửa. Trong đất gồm có: cỏ, cây, sắt, đá, sỏi, cát v.v… gọi là đất. Trong nước gồm có chất ướt, mềm, trơn, chảy v.v… gọi là nước. Trong gió gồm có các chất: hơi, khí, bay, thổi v.v… gọi là gió. Trong lửa gồm có các chất, ấm, nóng, đốt cháy v.v… gọi là lửa. Trong bốn chất này có đầy đủ kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Cho nên tứ đại của Phật giáo thuộc nền văn minh Ấn Độ, nó mang đầy đủ bốn chất, không thiếu một chất nào cả.
Còn nền văn minh Đông phương Trung Quốc đưa ra ngũ hành để xác định thân người có năm chất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ nhưng ngũ hành không đủ để tạo ra thân người vì còn thiếu chất khí (gió). Ngũ hành tuy nói năm chất nhưng kỳ thực chỉ có ba chất: kim, mộc và thổ. Kim, mộc và thổ chỉ là một chất đất. Các nhà hiền triết Đông phương Trung Quốc không hiểu nên đất làm ba chất kim, mộc, thổ. Đó là cái hiểu sai của nền văn minh này. Còn hai chất thủy và hỏa, đó là nước và lửa. Cho nên nền văn minh âm dương ngũ hành của Đông phương Trung Quốc cho thân người có ba chất đất, nước, lửa là thiếu, không đúng, vì trong thân người còn có một chất nữa, đó là gió. Một cái hiểu sai lầm của Văn minh Trung Quốc đã biến nền văn hóa của họ mê tín dị đoan lạc hậu gây tai hại cho loài người rất lớn. Nếu không có nền văn minh Phật giáo Ấn Độ thì ngàn đời người ta không thấy cái sai này.
Nếu đem văn minh Đông phương Trung Quốc so sánh với văn minh Ấn Độ thì văn minh Trung Quốc thiếu thực tế, không cụ thể, không khoa học, vì thế đối với văn minh Ấn Độ nó còn kém xa. Văn minh Đông phương Trung Quốc chỉ là một triết thuyết âm dương ngũ hành để tạo ra những thế giới ảo tưởng, siêu hình như: thiên đàng, địa ngục, linh hồn, chứ không phải là chân lí của loài người. Nó, thực là một nền văn hóa mê tín, dị đoan, lạc hậu v.v…
Hỏi: Kết hợp cả âm dương và ngũ hành này vào trong cuộc sống con người Việt Nam không phải là ít, nó đã ăn sâu vào nếp nghĩ suy tư của người phương Đông từ việc nhỏ đến việc lớn nhất: Cúng bái, cầu khấn, chiêm tinh, số tử vi, xem tướng, xem bói, xem ngày xây cất nhà mới, xem ngày dựng vợ gả chồng v.v…và v.v…tức là thuyết âm dương và ngũ hành đã ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực cuộc sống của con người phương Đông.
Đáp:Như chúng ta ai cũng biết: “Một sự văn minh mà không đúng chân lí của con người là một tai hại rất lớn cho loài người, nó không bao giờ mang lại sự bình an và hạnh phúc cho con người mà nó còn đem cho con người hao tốn công sức và tiền của rất lớn trong việc mê tín dị đoan (như xem bói, xem ngày giờ tốt xấu, cúng bái cầu siêu, cần an, cúng sao, giải hạn, trừ linh, trừ thần, làm tuần, làm tự…). Chính những nền văn minh sai lạc này mà cuộc sống của con người thường xảy ra những xung đột và chiến tranh, Vì thế cả một thế giới trên hành tinh không được bình an.
Hỏi:Hằng ngày trước khi ngủ buổi tối con thường lấy tay xoa bụng, bàn tay phải xoa từ phải sang trái; bàn tay trái xoa từ trái sang phải. Và xoa như vậy có được không?
Đáp:Được, nhưng con đừng tập thành thói quen, sau này rất khó bỏ. Thăm và chúc con tu tập xả tâm cho thật tốt.
Kính ghi
Thầy của con