(Ngày 1-2-2008)
1- Ngày 14 và ngày 30 trong mỗi tháng chúng con có phải đọc giới bổn 10 giới Sa Di và 348 giới Tỳ kheo ni không? Hoặc đến những ngày ấy chúng con phải sám hối ăn năn trước tượng đức Phật hình ảnh Thầy. Có sư cô trưởng đoàn cùng quý sư cô trong đoàn chứng minh.
Đáp:Theo Đại thừa vào ngày 14 và 30 thì tụng 10 giới SA DI và 348 giới tỳ kheo ni, nhưng với tu viện Chơn Như không tụng giới mà chỉ vào 2 ngày đó mỗi người đều tự quỳ trước tượng Phật và đại chúng phát lồ những điều vi phạm đã biết và những điều vi phạm mà chưa biết cầu xin đại chúng chỉ cho để sám hối ăn năng quyết chừa bỏ không còn tái phạm. Bắt đầu từ sư cô Trưởng đoàn và kế tiếp đến sư cô cuối cùng.
2- Khi có việc cần gia đình mong người tu sĩ nên về giải quyết thì người tu sĩ đó về nhưng người tu sĩ có đựơc phép ở lại gia đình sinh hoạt ăn ngủ nghỉ và tu tập không?
Đáp:Nếu gia đình có việc cần thì người tu sĩ được phép về thăm gia đình và giải quyết công việc. Trong thời gian ở lại gia đình người tu sĩ phải giữ gìn oai nghi tế hạnh và giới luật trong ăn uống và nói chuyện, ngủ nghỉ phải biết chỗ nào được ngồi nằm, chứ không được đụng đâu ngồi nằm. Ngồi nằm phải nghiêm chỉnh, nhất là không được nói chuyện tào lao, chuyện đời thường tình thế gian v.v…Sau khi giải quyết mọi việc xong hãy mau trở về tu viện để tu tập. Ngoài đời là nơi không thanh tịnh ở lâu sẽ bị ô nhiểm.
3- Nếu gia đình có thất giành riêng cho người tu sĩ không có liên hoan đung chạm đến gia đình, và tu tập của người tu sĩ không có liên quan động chạm đến gia đình, và tu tập của người tu sĩ riên biệt cách xa. Thì người tu sỉ đó nếu ở nơi ấy tu tập thì có được không?
Đáp:Dù ở gia đình có thất riêng nhưng người đi tu không nên ở lâu trong gia đình, vì ở lâu trong gia đình sẽ làm bận những người thân, vì họ còn lo cho gia đình riêng tư con cái, nếu không khéo sẽ làm gánh nặng cho cha mẹ, anh chị em, con cháu v.v…Tuy có thất riêng nhưng không thanh tịnh bằng trong tu viện.
4- Phong cách và lời nói người tu sĩ xưng hô với gia đình từ lớn cho đến nhỏ tuổi. phải như thế nào? Quyết thuộc bạn bè ngoài xã hội. người tu sĩ khi giao tiếp thì cách xưng danh như thế nào cho đúng pháp đúng giới luật con kính mong Thầy chỉ dạy?
Đáp: Cách xưng hô với những người thân trong gia đình từ người lớn tuổi đến người nhỏ tuổi đếu xưng là SƯ CÔ
Ví dụ: - Thưa mẹ, SƯ CÔ muốn hỏi mẹ điều này.
- Lại đây cháu! SƯ CÔ cho cháu cái này.
Đối với người lớn tuổi như cha mẹ, cô, bác, chú, cậu, dì, mợ, anh chị đều dùng từ THƯA đứng trước.
Đối với người nhỏ tuổi hơn như con cháu thì gọi tên
Ví dụ: - CHÁU TUẤN lại SƯ CÔ bảo:
- CHÁU NGỌC lại đây SƯ CÔ cho cháu cái này.
Đối với những bạn bè thân thuộc mọi người trong xã hội và phật tử, đàn na thí chủ đều xưng là SƯ CÔ và gọi họ bằng chú bác cô anh chị nếu biết tên hay pháp danh thì nên gọi tên hay pháp danh.
Ví dụ: - Thưa bác NHƯ THÔNG, NHƯ LIÊN muốn nhờ bác giúp cho một việc.
- Thưa cô LIỄU TÂM, cô làm giúp NHƯ LIÊN việc này
Tất cả những sự xưng hô đều theo sự hướng dẫn trên đây sẽ đúng oai nghi tế hạnh của người tu sĩ Phật Giáo Việt Nam mà không bị ảnh hưởng Hán ngữ Trung Hoa.
5- Người tu sĩ khi có duyên gặp người cư sĩ thành tâm cúng dường, xuất bản phát hành pháp bảo và ấn tống kinh luật, và cúng dường thực vật cho các tu sinh ăn học, thì người tu sĩ ấy có được phép cần giúp người tu sĩ không?
Đáp: Khi có người cư sĩ thành tâm cúng dường in kinh hoặc thực phẩm cũng như những vật dụng cần thiết cho những tu sĩ khác đồng tu tại tu viện thì nên nhận và mang về và trao tận tay cho những tu sĩ được cư sĩ khác gửi cúng dường thì không có phạm giới gì cả.
6- Cách xưng hô gia đình bố mẹ chồng con cháu, quyết thuộc, bạn bè, đối với người tu sĩ thư thế nào?
7- người tu sĩ có tâm mời người tu sĩ đến nhà thọ thực cùng cư sĩ có đựơc không ?
Đáp: Như trên đã dạy.
8- Nếu người tu sĩ không đến nhà người cư sĩ thọ thực mà xin cư sĩ về thất thọ. Nhưng trên đường về thất còn xa. thời gian đến giờ thọ thực đã tới ngừơi tu sĩ mới tu được nửa chặng đường. Lúc đó nên tìm một nơi vắng vẻ yên tỉnh thoáng mát như: ở gốc cây, vườn cây quãng đường vắng người xe cộ qua lại ít. để tu sĩ thọ thực cho đúng thời gian quy định. người tu sĩ đó nếu thực hiện như vậy thì có được không ?
Đáp: Được, đó là đúng oai nghi của người tu sĩ khi đi đường, nhưng người tu sĩ không được vào quán lều ăn uống mà chỉ có ở dưới gốc cây mà thôi.
9- Trong cuộc sống hằng ngày ngoài lúc tu tập trong thất ra. Những lúc lên lớp học, giờ lao tác có lúc tập trung dọn dẹp một nơi, với nhau thì cách xưng danh với nhau của người tu sĩ như thế nào cho đúng.
Thí dụ: Con kính thưa sư cô Huệ Ân. Sư cô Liễu Châu. Sư cô Hạnh Từ. ( hoặc chúng con thưa hỏi với nhau bằng lời nói ngắn gọn sau:
Con thưa cô Liên Châu, thưa cô Liễu Huệ, thưa cô Huệ Ân, thưa cô Liễu Châu, thưa cô Hạnh Từ vv..
Trong hai cách chúng con xưng hô ở trên cách nào được nên dùng, còn cách nào nên bỏ?
Đáp: Nên bỏ cách xưng hô ở trên, nên dùng cách xưng hô ở dưới gọn hơn và thân thiện hơn.
10, Mỗi tuần chỉ có một ngày thọ bát tập trung trong ni chúng. Chẳng hay ngày đó bị ốm yếu hoặc có công việc đột xuất của chung thì người tu sĩ đó được phép mang vật thực về thất riêng để thọ được không ?
Đáp: Được, trường hợp đau bệnh, trường hợp bận công việc chung trong tu viện, nên không thọ thực chung với các bạn đồng tu đều không có lỗi, như báo cho người Trưởng đoàn biết.
11, Nếu tu sĩ nào có bệnh, thường có phần, có lúc làm động đến chúng trong giờ đang thọ thực. như vậy nên có cách nào để khắc phục?
Đáp: Nếu tu sĩ nào có bệnh nên mang cơm về thất thọ thực không có lỗi gì cả, vì bệnh ăn uống rất khó khăn, nhưng phải báo cho người Trưởng đoàn biết.
12. Tu sĩ có lúc lời nói hơi nhiều. hành động của thân, lời nói của miệng còn thô kệch, có lúc còn cực đoan sống trong tưởng tượng và nghi ngờ người khác, chẳng khác gì sống như ngoài thế gian. Hành động của tu sĩ đó được thể hiện ra như vậy, thì nên sửa đổi và phương pháp khắc phục như thế nào?
Đáp: Bằng phương pháp như lý tác ý. Biết tật mình xấu như vậy thì nên siêng năng tác ý hằng ngày để tự nó nhiếp phục những tật không tốt ấy. Nhất là nói nhiều thì nên tác ý: “IM LẶNG NHƯ THÁNH”.
13. Người tu sĩ trên đường đang ôm bát đến nơi thường để khất thực. Nếu gặp người đi ngược lại chào họ không? Và người đang đi trên đường gặp đoàn tu sĩ đang đi khất thực họ chắp tay cúi đầu chào đoàn tu sĩ đang ôm bình bát trên đường thì đoàn tu sĩ đó có nên dừng lại đứng yên đáp lại lễ của người đi đường không ?
Đáp:Khi đi khất thực y áo trang nghiêm, mắt nhìn xuống với những oai nghi nghiêm nghị, không ngó qua ngó lại (đi như Phật đi) khi đó mọi người đảnh lễ, xá chào người tu sĩ đi khất thức nghiêm trang, thanh tịnh, lặng lẽ, ung dung bước đi như dáng con sư tử nhất là đi trong đoàn khất sĩ thì không nên cúi chào ai hết, chỉ có đi riêng một mình thì dừng lại cúi đầu chào lại rồi bước đi.
14, Vào lúc khất thực người tu sĩ nên chuẩn bị các thứ gia vị cần dùng thêm một lần tại nơi khất thực cho đủ. Nếu về đến thất còn quên các thức gia vị đó. người tu sĩ đó trở lại nơi khất thực, xin thêm thứ gia vị còn thiếu đó có được không?
Đáp:Khát thực chỉ xin một lần, khi về thất thấy thiếu thì không nên trở lại xin thêm, có gì ăn nấy không được đòi hỏi.
15, Người tu sĩ thừa tự thức ăn từ ngọ trước để sang ngọ ngày sau hoặc các thứ vật thực riêng của mình không để thất mang đến để ở nơi thường đến khất thực. đến giờ đi khất thực ngọ sau cùng xin luôn. Như vậy có phải pháp ly dục về ăn và đúng oai nghi tế hạnh của người tu sĩ không?
Đáp:Đem ra để nơi khất thực, không nên để trong thất, vì để trong thất phạm giới. Đó là tập theo pháp ly dục về ăn uống. Các con là khất sĩ phải giữ gìn đúng những oai nghi tế hạnh về ăn uống này.
16- Các thứ vật thực thường có mặt dự trữ để từ ngày này qua ngày khác ở nơi đến khất thực như nước tương, cam và chai ma di, muối trắng muối tiêu, ớt quả muối, chanh phơi khô, chanh muối nước để các thứ đó vào đa dạng lọ. Rồi để trưng bài ở nơi đến khất thực, thể hiện bằng các thứ vật thực như vậy có được không? Và có thanh tịnh không? Nếu được phép thường xuyên gia vị không thiếu được những thứ gì. Con xin Thầy chỉ dạy .
Đáp:Tất cả những thực phẩm này do Phật tử cúng dường cho tu sĩ đó là những thực phẩm là thanh tịnh. Các tu sĩ nào cần dùng thì cứ nhận về dùng trong bữa ăn đó mà thôi, chứ không được cất giữ trong thất.
Trong tất cả thực phẩm để nơi khất thực là cúng dường cho tu sĩ, Vậy các con cứ khất thực đủ ăn trong một bữa ngọ mà thôi, đừng lấy dư thừa về bỏ phí rất uổng.
17- Đã đến giờ vào nghi lễ hành thọ bát và đến khi gần thọ bát xong, thì người tu sĩ có được phép nói chuyện ngoài lề và phải nhìn ngang dọc nhiều hướng, nhìn sư cô trưởng đoàn không? Hay nên im lặng và tỉnh giác nhiếp tâm thanh tịnh?
Đáp: Giờ bắt đầu Thọ Bát cũng như giờ Thọ Bát gần xong đều phải giữ gìn im lặng trong oai nghi tĩnh giác nhiếp tâm, không được nói chuyện ồn náo trong bữa Thọ Bát và cũng không nhìn ngang nhìn dọc hay nhìn sư cô Trưởng đoàn mà phải nhìn xuống nơi bát của mình.
Con kính thưa Thầy. có lần con băn khoăn về giới luật và oai nghi tế hạnh của người tu sĩ nên con đã hỏi Thầy về giới luật đức hạnh cho con thêm rõ để con hiểu và biết cụ thể rồi con nghe lời Thầy dạy bảo: Cô Diệu Quang hàng ngày dạy trên lớp và thực hành trên hành động của thân miệng, ý con sẽ gắng nghiêm trì giữ gìn và bảo vệ giới luật đức hạnh. 20 chục câu hỏi về giới luật, con mong Thầy trả lời dạy bảo con nhưng con mong mãi không thấy:
Con Liễu Ngọc