TRẢ LỜI THƯ THIỆN TÂM

(Ngày 29 tháng 01 năm 2008)

Con Thiên tâm xin kính lễ Thầy! Trong quá trình đứng lớp và tu học vừa qua con có vài điều còn băn khoăn, chưa được tự nhiên và thông suốt lắm, nên hôm nay con xin được trình bày lên đây kính mong Thầy từ bi chỉ dạy để giúp đỡ con thông tỏ và thực hiện tốt vai trò cùng tư cách của mình.

Hỏi1:Kính thưa Thầy: trong 100 giới chúng học mà Thầy đã giảng giải trong cuốn đường về xứ Phật, bìa đỏ Tập IV có giới thứ 86 chỉ dạy về tư cách của một vị giảng sư dạy đạo đức cho người khác. Trong giới này Thầy dạy rằng người giảng sư nên ngồi trên ghế cao, chứ không được đứng mà giảng. Như vậy vị giảng sư ở đây có phải là những vị đã chứng đạo rồi phải không thưa Thầy?

Đáp:Đúng vậy, vị giảng sư ở đây là người đã tu chứng đạo và ít nhất vị này cũng phải là người giới luật nghiêm túc không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Còn các con ở đây đang tu tập đức lễ khiêm hạ cung kính và tôn trọng mọi người để diệt ngã xả tâm. Vì vậy các con giới luật chưa nghiêm chỉnh; các con tu hành chưa làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Nên khi ngồi nghỉ chân thì nên ngồi chiếc ghế ngang bằng với các tu sinh thì tốt nhất. Đó là đức khiêm hạ mà các con cần thực hiện, nếu không vậy thì bản ngã con sẽ tăng theo kiến thức hiểu biết và cản nhận vị trí đứng của mình là giảng sư thì rất nguy to cho con đường tu tập của các con.

Hỏi2:Còn như những người đứng lớp để thảo luận bài học như chúng con hiện nay thì có nên ngồi hay nên đứng? và trong các tình huống sau đây trong lớp học thì người đứng lớp nên ngồi hay đứng dậy thì sẽ phù hợp hơn. Thưa Thầy.

1, khi đọc thư Thầy gởi về cho tu sinh: đọc bài học trong giáo án, đọc câu hỏi để tu sinh thảo luận, thì người đứng lớp nên ngồi đọc hay đứng lên đọc thưa Thầy?

Đáp:Người giảng viên khiêm hạ thì nên đứng đọc, đó là ĐỨC LỄ. khi học viên đứng trả lời câu hỏi hay đọc bài giải trình thì giảng viên được phép ngồi nghỉ chân.

Hỏi 3: Sau khi học viên trả lời câu hỏi người đứng lớp muốn nói lời cám ơn, lời khích lệ hoặc lời nhận xét .. thì nên ngồi nói hay đứng dậy thì hay hơn thưa Thầy?

Đáp:Khi học viên đứng dậy trả lời câu hỏi hay đọc bài giải trình xong thì giảng viên đứng dậy nói lời cảm ơn, lời khích lệ hoặc lời nhận xét…chứ không nên ngồi. Trong các buổi họp Quốc Hội dù Chủ Tịch nước, Chánh Phủ, Thủ Tướng hay Tổng Thống đều đứng dậy phát biểu ý kiến của mình và nói lời cảm ơn chứ không có vị nào ngồi. Đó là mọi người đều đang giữ đức lễ cung kính và tôn trọng sự sống bình đẳng của mọi người, của các đại biểu đại diện toàn dân trong tỉnh của họ.

Hỏi 4: Khi người đứng lớp phát biểu ý kiến hoặc trình bày cảm tưởng, đọc bài viết của mình … thì nên ngồi đọc hay đứng dậy thưa Thầy ?

Đáp:  Nên đứng. Đứng là một hành động của ĐỨC LỄ rất tuyệt đẹp, nó nói lên được đức khiêm hạ bình đẳng trong sự sống của mình và của mọi người rất cụ thể rõ ràng.

Hỏi 5, Khi người đứng lớp đọc một câu chuyện để minh họa cho bài học thì nên ngồi đọc hay đứng dậy Thưa Thầy?

Đáp:Nên đứng. Dù bất cứ muốn minh hoạ hay muốn phát biểu những ý kiến gì đều phải đứng không nên ngồi, vì ngồi tức là thiếu đức lễ, thiếu đức lễ tức là lại nuôi thêm ngã mạn.

Hỏi 6, trong trường hợp có tu sinh phát biểu trình bày sự giải trình về bài học của mình mà bị lạc đề, nói không đúng trọng tâm … thì người đứng lớp nên xử sự như thế nào cho hay, thưa Thầy? có thể chọn cách thức nào trong các cách sau đây:

a) - nói lời xin cám ơn! thôi không góp ý .

b) - Góp ý nhẹ nhàng, chỉ chỗ bị lạc đề cho tu sinh để rút kinh nghiệm .

c) - Nói khéo léo nếu như bài này tu sinh phát triển theo hướng đó thì sẽ đúng trọng tâm hơn, sâu sắc hơn, hoặc sẽ rõ nghĩa hơn …

d) - Có cách thức nào hay hơn 3 cách trên đây ?

Đáp:Nên dùng cách (b) góp ý nhẹ nhàng, chỉ chỗ bị lạc đề cho học viên rút kinh nghiệm. Đó là cách hay nhất thẳng thắn nhưng khéo léo dùng lời không chạm tự ái người làm sai đề, bởi học viên đều là người lớn tuổi.

Hỏi 7: Khi tu sinh phát biểu trình bày bài làm của mình xong, người đứng lớp có nên nói một vài lời nhận xét, lời khích lệ khen tặng không? Hay chỉ nên nói lời “xin cảm ơn” Thôi thì hay hơn thưa Thầy?

Đáp:  Chỉ nên nói lời “CẢM ƠN THẦY hay SƯ” là hay nhất. Nhưng lời phát biểu trình bày mang ý nghĩa đạo đức rất hay thì nên nói lời khen tặng để gợi ý cho các học viên khác hiểu rõ bài học hơn.

Hỏi 8: Thưa Thầy đối với những bài thi Thầy gởi về gần đây, con thấy không có phần ghi điểm, Ví dụ như phân đoạn (10 điểm) Đại ý (10 điểm) vv.. thì người đứng lớp có nên chấm bài làm cho tu sinh không, hay nên để tu sinh tự làm bài đấy thôi?

Đáp:  Ở giai đoạn này tu sinh đã thấm nhuần đạo đức và  biết cách làm bài nên tu tập dùng đức hạnh xả tâm ly dục ly ác pháp, vì thế điểm không còn quan trọng và không dùng nữa. Người đứng lớp (giảng viên) hiện giờ luôn luôn chỉ dẫn phương pháp áp dụng bài học vào việc thực hành xả tâm ngăn ác diệt ác pháp. Xả tâm ngăn ác diệt ác pháp là mục đích tu hành của tu sinh, vì  thế  nên xem xét bài làm của học viên về  KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG. Đó là những bài học rất quan trọng.

Ngoài những điều con đã nêu ra trên đây, thì trong quá trình đứng lớp người giảng viên có cần lưu ý thêm những điều nào nữa không để rèn luyện nhân cách của mình ngày càng tốt hơn, cũng như sẽ phát huy hết mức khả năng vai trò đứng lớp của mình ?

Con xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy giúp con nhé!

Hiện tại con phân vân việc ngồi và đấy dậy khi nào cho phù hợp đối với người đứng lớp. Cũng như việc nên nói những lời gì, như thế nào đối với tu sinh khi học phát biểu xong … để giúp cho tu sinh có được trạng thái nội tâm tốt đẹp nhất, không khí lớp học nhẹ nhàng thoải mái nhất và không bị phóng túng hay phạm phải lỗi lầm vi phạm đạo đức vv.

Trên đây là tất cả những băn khoăn và thắc mắc con gặp phải trong quá trình đứng lớp vừa qua kính xin Thầy chỉ dạy và hướng dẫn thêm để giúp con có sự hoàn thiện hơn trong việc rèn luyện nhân cách và vai trò đứng lớp của mình.

Được sự chỉ dạy của Thầy, con rất biết ơn!

Con xin cảm ơn và kính lễ Thầy!-  Kính thư - Con Thiện tâm

Đáp:  Cái hay cái đẹp cũa nhân loại trong đó vai trò của ông thầy rất quan trọng.Thời nào cũng vậy, trò có “tôn sư trọng đạo” hay không thông qua bài giảng lối sống đạo đức của thầy. Trò có thể quên học bài nhưng không bao giờ quên hình ảnh ông thầy dạy cho chúng nhân cách kiến thức vào đời. Người thầy đừng bao giờ nghĩ mình có thể đánh lừa học trò bằng những lời giảng đạo đức, khi có hành động cử chỉ, thái độ kém văn hóa. Gương mẩu bao giờ cũng có giá trị hơn lời nói.