THƯ GỬI THANH QUANG

(Ngọc Tuyền Sơn 28 – 10 – 2006)

Kính gửi: Thanh Quang

Có tham dự vào các lễ của tôn giáo, các con mới thấy tôn giáo không mang lại lợi ích thiết thực cho loài người, mà mang đến sự hao tốn tiền của, công sức vĩ đại của con người mà thôi. Tiền của, công sức vĩ đại của con người chỉ để phục vụ những dục lạc danh lợi, ăn uống, vui chơi cho một số người mang danh là tôn giáo, nhưng họ làm được những gì lợi ích thiết thực cho loài người hay chỉ tạo ra một thế giới tưởng siêu hình, một thiền định ảo giác ức chế tâm để lừa đảo mọi người tâm còn tham mê thần thông. Hình thức nghi lễ tôn giáo cũng giống như một tổ chức những ngày lễ lớn như người thế gian mà thôi. Có Thần Thánh nào ngự xuống ban phước cho mọi người không?

Đạo Phật là một sự thật của loài người, nên mới được gọi là chân lý, Đã là chân lý thì chỉ có nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người. Sao đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người lại tổ chức lễ lộc to lớn làm hao tốn hàng tỷ bạc và công sức của nhiều người? Những việc làm này là phi đạo đức nhân bản – nhân quả. Như vậy những người này họ không hiểu Phật giáo, họ đã làm mất chân lý của Phật giáo, vì thế Phật giáo hiện giờ là Phật giáo Bà La Môn, chứ không phải Phật giáo Nguyên Thủy, họ chỉ mượn danh Phật giáo Nguyên Thủy để lừa gạt Phật tử. Có đúng như vậy không các con?

Về phát hành kinh sách sao này con có ý kiến gì?

1-      Phát hành ấn tống

2-      Phát hành thu lại số vốn.

Về vấn đề này các con nên họp lại bàn thật kỹ rồi cho Thầy biết.

Bộ ĐVXP là một bộ sách của nhiều ngòi bút hợp sức dựng lại chánh pháp của Phật giáo và quét sạch những kiến giải tà pháp của ngoại đạo đang phủ dầy đặc với mục đích diệt sạch Phật giáo trên thế gian này. Cho nên khi sửa bài các con phải thấy trách niệm và bổn phận dựng lại nền đạo đức nhân bản của Phật giáo. Vì vậy ngòi bút của các con phải khéo léo dùng từ nhẹ nhàng nhưng chỉ thẳng bộ mặt thật của Bà La Môn Giáo Đại Thừa và thiền Đông Độ lừa đảo phật tử, để khi sách được in ấn và phát hành thì có một giá trị rất lớn đối với loài người. Công ơn ấy lịch sử sẽ ghi và nhân loại sẽ không quên.

Cho nên, các con phải khéo léo sửa những từ cho ôn tồn, nhã nhặn nhưng không tránh né, nói thẳng những cái sai của kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ cho mọi người biết: kinh sách này không phải là những lời Phật dạy.

Chú Chung xin Thầy cho phép chú được xin phép Nhà Xuất Bản Tôn Giáo in ấn cuốn HÀNH THẬP THIỆN và TỨ VÔ LƯỢNG TÂM. Khi cuốn sách này được in xong thì chú lại xin cho phép chú được xin phép in tiếp cuốn sách THỌ TAM QUY, NGŨ GIỚI và THỌ BÁT QUAN TRAI, nhưng chú lại nhờ Thầy nhuận lại, vì sách do quý thầy nghe băng giảng của Thầy ghi lại nên toàn là văn nói và không mạch lạc cho lắm.

Khi nhuận lại xong sách, Thầy cho một cái tên chung của hai bộ sách này là NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG TU HỌC CỦA NGƯỜI CƯ SĨ. Cho nên chú Chung gửi Nhà Xuất Bản Tôn Giáo duyệt. Vì thế Nhà Xuất Bản Tôn Giáo hỏi con về cuốn sách này thì con thật khéo léo trả lời như vậy rất hay.

Hai tập này có giấy phép con  sẽ giao cho cô Liên Châu và chú Chung in 3.000 cuốn mỗi tập. Hai người sẽ chấp nhận liền.

Về Trung Tâm An Dưỡng, khi nào đánh phương án in xong Thầy sẽ ký tên và giao lại cho con để xin phép, nếu xin phép thì phước chúng sinh đã có.

THẬP THIỆN là đường đi đạo đức nhân bản - nhân quả của con người, nên nó là bộ sách đạo đức suốt cả một đời người, vì thế phần nội dung THẬP THIỆN rất phong phú không thể tính số được, chỉ tùy trình độ biên soạn. Sự biên soạn cũng tùy vào mỗi lớp dạy; cũng tùy vào trình độ của tu sinh tiếp thu, nên sự soạn thảo hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng.

Ví dụ: Lớp THỌ NGŨ GIỚI dạy về giới sát sinh thì đức của nó là ĐỨC HIẾU SINH. ĐỨC HIẾU SINH ở sự suy nghĩ tư duy; ĐỨC HIẾU SINH ở hành động lời nói; ĐỨC HIẾU SINH ở thân hành thì ở lớp học sơ cấp này con phải viết đơn giản dễ hiểu rõ ràng có cho những ví dụ cụ thể của mỗi hành động đạo đức đó để học viên cởi mở thích thú tiếp thu. thì số lượng trang trang một giới đức hiếu sinh như vậy thì ngắn nhất cũng phải năm chục trang, còn dài nhất thì tùy theo kinh nghiệm sống của cuộc đời và khả năng quan sát trong thực tế mà viết ra.

Thời gian dạy 2 giờ trong buổi sáng vừa lý thuyết vừa thực hành, Buổi chiều chỉ kiểm tra lại sự thực hành trong buổi sáng 1 giờ để xem lại sự tu tập có đúng không?

Một giới đức có thể dạy nhiều giờ, nhiều ngày, vì mỗi giới đức còn phải áp dụng thực hành vào bốn pháp định của Phật như: ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ, ĐỊNH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC, ĐỊNH VÔ LẬU, ĐỊNH SÁNG SUỐT và TỨ VÔ LƯỢNG TÂM.

Sau khi các con đứng lớp dạy rồi rút ra được những kinh nghiệm từ sự tu tập của mình và của những tu sinh mới xác định giờ giấc, nhưng đó chỉ là các nhân của con mà thôi, chứ chưa phải họp nhau để rút ra từ những kinh nghiệm của các bạn đồng tu đồng dạy.

Đây là lớp dạy đạo đức nhân bản – nhân quả đầu tiên trên hành tinh này, cho nên sự biên soạn giáo án phải cẩn thận kỹ lưỡng thì khi đứng lớp dạy rất dễ dàng không có khó khăn. Còn tu sinh nào thắc mắc thưa hỏi những điều gì ngoài vấn đề các con đang dạy, thì chỉ cho tu sinh nên đọc lại trong những kinh sách của Thầy viết. Vì trong kinh sách đó đã trả lời rất đầy đủ. Nếu còn không hiểu thì nên viết thư hỏi Thầy, chứ các con không nên trả lời làm mất thời gian lý giải ngoài vấn đề tu tập rất là vô ích.

Thăm và chúc con vui mạnh, nhớ tu tập xả tâm tốt.

Thân thương chào con