THƯ GỬI MINH NHÂN

 

(Ngọc Tuyền Sơn  2 - 10 – 2006)

Kính gửi: Minh Nhân

Việc tu tập của con như vậy là tốt, nhưng lưu ý: giữ gìn độc cư trọn vẹn, đừng ức chế tâm trên Tứ Niệm Xứ mà hãy để tâm tự nhiên, khi tâm còn tham, sân, si, mạn, nghi thì tâm còn độc thoại. Tâm còn độc thoại nhưng không qua được tri kiến của con thì con đã làm chủ tâm con, làm chủ tâm con tức là giải thoát; làm chủ tâm con tức là làm chủ tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Làm chủ tâm tham, sân, si, mạn, nghi là con không bị chúng sai khiến được, không sai được con tức là tâm con thanh thản, an lạc và vô sự. Chừng nào tâm con hết tham, sân, si, mạn, nghi thì hết độc thoại. Hết độc thoại thì tâm con nhập vào BẤT ĐỘNG TÂM ĐỊNH. Nhập vào BẤT ĐỘNG TÂM ĐỊNH thì tâm con định tỉnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng tức là con có đầy đủ Tứ Thần Túc. Cho nên tu tập phải sống đời sống giới luật đức hạnh, nhất là giới hạnh độc cư phải trọn vẹn, rồi dùng tri kiến quét tham, sân, si, mạn, nghi.

Lúc này là lúc con phải thiện xảo sống tự nhiên, chỉ có tri kiến giải thoát hoạt động, lúc nào cũng quán chiếu theo sát từng hành động thân, miệng, ý

Các con nên nhớ tu tập chỉ cần giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh. Giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh là phải thích sống trong giới luật. Mà thích sống trong giới luật là người chứng giới luật. Vì thích sống trong giới luật nên tâm dục ly ác pháp, do tâm ly dục ly ác pháp nên tu tập nhập định BẤT ĐỘNG rất dễ dàng.

Con không cần đọc lại bài cũ, khả năng con thừa sức biên soạn giáo án đứng lớp dạy. Bây giờ con dựa vào năm giới biên soạn thành giáo án lý thuyết và thực hành song song từng đức hạnh của năm giới này. Sau khi soạn xong gửi xuống cho Thầy, Thầy sẽ chỉnh sửa lại cho, cứ biên soạn theo cách thức tư duy suy nghĩ và tu tập của con. Quan trọng nhất là pháp hành của năm giới đức này. Nếu thấy khó hiểu con nên dựa vào tập sách: Những chặng đường tu tập của người cư sĩ. Ở đây quan trọng là cách thức thực hành rèn luyện nhân cách, chứ không phải lý thuyết dông dài. Con đừng lo có Thầy, cần những gì cứ thưa hỏi Thầy sẽ hướng dẫn các con trở thành người đứng lớp giảng dạy có bài bản, đừng lo con ạ! Các con là đệ tử của Thầy bao năm tháng kinh nghiệm tu hành, bây giờ dạy là dạy lại kinh nghiệm tu hành của mình chớ có gì khó, Chỉ có hệ thống lại đức hạnh và pháp hành từ thấp đến cao theo thứ tự mà đức Phật đã dạy như NGŨ GIỚI thì giới thứ nhất là giới cấm sát sanh; giới thứ năm là giới cấm uống rượu, cứ theo đó mà con biên soạn thì không bao giờ sai.

Một người đã giác ngộ chân lý là không bao giờ trở lại đời sống thế tục này nữa, cho nên đức Phật dạy: “Ta không trở lui lại đời sống này nữa”. Một khi đã giác ngộ bốn chân lí của Phật giáo: KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO” thì còn ai muốn sống trở lại thế gian này nữa. Phải không con?

Đứng lớp dạy cũng là tu thân giáo, thuyết giáo. Tu thân giáo, thuyết giáo tức là làm lợi ích cho mình, cho người. Có đúng như vậy không?  Thuyết giáo không khó, nhưng thân giáo khó hơn, khi chúng ta nói một việc gì thì thân chúng ta phải làm đúng việc ấy, nhất là cách thức sống hằng ngày phải đầy đủ oai nghi chánh hạnh, đi đứng nằm ngồi luôn luôn trong chánh niệm tỉnh giác, phải thể hiện đức hiếu sinh đối với mọi người và mọi loài, nhất là lời nói phải ôn tồn nhã nhặn nhẹ nhàng êm dịu luôn luôn dùng lời ái ngữ. Cho nên thân giáo rất khò người giảng viên cần phải lưu ý. Nếu không ý thức trách nhiệm của người giảng viện thì ý nghĩa đạo đức sư phạm truyền đạt tư tưởng đạo đức cho người khác mất hết ý nghĩa của nhà giáo.

Thân thương chào con