(Ngọc Tuyền Sơn 5 - 11 – 2006)
Kính gửi: Chơn Thành, Chơn Tịnh, Giác Thường, Minh Nhân, Kim Quang, Từ Quang, Phước Tồn, Chí Thiện, Diệu Quang, Liễu Huệ, Mỹ Thiện, Mỹ Linh, Hạnh Từ, Liễu Ngọc, Liễu Thiện, Ngọc Bình.
Sau bao năm tháng tu học với Thầy, các con cứ cảm thấy mình còn là một người học trò nhỏ. Ngay bây giờ các con hãy chuẩn bị cho mình là một người lớn, một người đứng lớp dạy người khác tu tập.
Trải qua năm tháng trong kinh nghiệm tu hành của các con đã thừa sức đứng lớp dạy đạo đức; thừa sức biên soạn giáo án đạo đức. Nếu có gì chưa hiểu thì có Thầy sẽ giúp cho. Cứ bắt tay vào việc biên soạn đừng sợ làm sai. Sai thì sửa lại chứ không sao hết.
Khi đứng lớp dạy đạo đức phải ăn mặc tề chỉnh, khi thuyết giảng không được đưa tay lên xuống theo điệu bộ; phải giữ gìn oai nghi tế hạnh của một người đứng lớp, tâm phải bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; phải biết nhẫn nhục giữ tâm im lặng như Thánh khi gặp chuyện bất bình; phải biết lúc cần nói thì nói, lúc không cần nói thì sống độc cư một mình, chứ không phải lúc nào cũng tập họp nói chuyện. Nói chuyện không bao giờ hết chuyện, chỉ biết im lặng không nói thì mới sống độc cư, có sống độc cư thì mới phòng hộ sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Đó là những điều quan trọng mà người đứng lớp phải thấy trách nhiệm bổn phận của mình, người đứng lớp là người làm gương sáng cho những tu sinh soi.
Thân giáo là như vậy, nếu các con làm sai thì gương sáng của các con không còn là gương sáng nữa, và như vậy thì các con không thể nào đứng lớp dạy người tu được.
Điều cần thiết là phải biết soạn thảo tám giới đức của BÁT QUAN TRAI. Giới thứ nhất là đức hạnh gì? Nghĩa lý như thế nào? Cách thức tu tập rèn luyện giới đức đó ra sao trong TỨ VÔ LƯỢNG TÂM? Giới thứ hai, thứ ba, thứ tư ….cũng vậy. Giới đức đó đem áp dụng vào ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ như thế nào? Đem áp dụng vào ĐỊNH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC như thế nào? Đem áp dụng vào ĐỊNH SÁNG SUỐT như thế nào? Đem áp dụng vào ĐỊNH VÔ LẬU như thế nào? Phải soạn thảo rõ ràng có mạch lạc, từ thấp đến cao, từ gần đến xa, từ lý thuyết đến thực hành phải cụ thể, thiết thực, không được lý thuyết nói suông, nói chung chung trong hình thức mà phải nói chỉ rõ ra từng mỗi hành động thân, khẩu, ý.
Vì lợi ích của con người; vì sự sống an ổn yên vui của vạn vật trên hành tinh này; vì cuộc sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh; vì Phật pháp được trường tồn sống mãi với loài người muôn thuở.
Này các con hãy đứng trong góc độ NHÂN QUẢ và THỌ BÁT QUAN TRAI, Chơn Thành, Giác Thường, Minh Nhân, Kim Quang, Từ Quang, Chơn Tịnh, Chơn Niệm, Phước Tồn, Chí Thiện, Diệu Quang, Liễu Huệ, Mỹ Thiện, Mỹ Linh, Hạnh Từ, Liễu Ngọc, Liễu Thiện, Ngọc Bình. Các con hãy dựa vào thân hành, khẩu hành và ý hành soạn thảo giáo án hướng dẫn từng hành động thân, miệng, ý để mọi người rèn luyện nhân cách, tu tập bốn pháp Định làm thay đổi cuộc sống khổ đau để trở thành cuộc sống yên vui và hạnh phúc.
Thời gian dạy 2 giờ trong buổi sáng vừa lý thuyết vừa thực hành, Buổi chiều chỉ kiểm tra lại sự thực hành trong buổi sáng 1 giờ để xem lại sự tu tập có đúng không?
Khi biên soạn giáo án dạy tu tập là chính các con đã tu tập cho các con rất nhiều, nhất là vừa triển khai tri kiến giải thoát tâm vô lậu, vừa thực hành giới đức oai nghi tế hạnh đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
Các con vừa tu, vừa đứng lớp dạy. Tu và làm việc có lợi ích rất lớn cho mình cho người, vì phải làm gương hạnh cho tu sinh, vừa phải thông suốt những gì cần thông suốt, có thông suốt mới xả được tâm, còn không thông suốt chỉ hiểu biết một cách chung chung là không xả được tâm; không xả được tâm thì bị ức chế tâm.
Các con nên nhớ kỹ lời Phật dạy: “NHỮNG GÌ THÔNG SUỐT CẦN THÔNG SUỐT”. Nếu chưa thông suốt những điều cần thông suốt thì các con tu tập không xả được tâm mà còn ức chế tâm, tức là các con làm khổ các con. Còn THÔNG SUỐT NHỮNG GÌ CẦN THÔNG SUỐT thì đó là tri kiến giải thoát. Có tri kiến giải thoát thì xả tâm rất dễ dàng.
“NHỮNG GÌ THÔNG SUỐT CẦN THÔNG SUỐT” là tri kiến giải thoát của các con như trên đã nói. Tri kiến giải thoát của các con muốn có được là nhờ phải tu học các lớp Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Tu học các lớp Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định tức là các con tư duy biên soạn giáo án tu tập các lớp THỌ TAM QUY, THỌ NGŨ GIỚI, THỌ BÁT QUAN TRAI, THẬP THIỆN, THẬP GIỚI SA DI, 250 GIỚI TỲ KHƯU, 348 GIỚI TỲ KHƯU NI, KINH PHẠM VÕNG, KINH SA MÔN QUẢ.
Nếu Tu Viện được yên ổn thì tám lớp BÁT CHÁNH ĐẠO được ra đời thì các con được học tập suốt tám lớp này trong bảy năm thì lúc bây giờ các con đứng lớp dạy người tu đều là những bậc chứng quả A La Hán cả, nhưng duyên phước không đủ khiến các con không giữ trọn hạnh độc cư, nên sóng gió Chơn Như nổi đậy. Lớp Chánh Kiến chỉ có bốn tháng đình chỉ, vì thế hôm nay muốn bảo vệ tu viện để được yên ổn là nơi tu hành cho mọi người thì các con phải vừa học tu và vừa dạy người tu, Thầy chỉ là người hoa tiêu hướng dẫn các con: “Đứng lớp dạy và tu xả tâm”, giống như thời đức Phật tuy ông A Nan tu chưa xong, nhưng Phật sai ông đến dạy Ni chúng và chúng Tăng. Chỉ có những người ở cách xa Phật dạy người tu tập đều được Phật trắc nghiệm tu chứng mới được cho đi dạy như: năm anh em Kiều Trần Như, sáu mươi người bạn bè trong gia đình của ông Yasa và ông Phú Lâu Na v.v....
Hôm nay các con cũng vậy hoàn cảnh của tu viện bất an, buộc lòng các con phải vừa tu, vừa đứng lớp dạy để tu viện vươn mình đi lên; để dựng lại Chánh pháp của đức Phật, nhất là xây dựng nền đạo đức nhân bản của Phật giáo.
Hãy cố gắng lên các con ạ! Đây là trách nhiệm bổn phận của các con. Trong cảnh sóng gió Chơn Như. Nếu các con không đoàn kết để bảo vệ nó, lại vô tình gây chia rẽ nhau, tưởng nơi đâu sẽ có chỗ yên ổn hơn, điều đó không có các con ạ! Chính sự chia rẽ nói xấu nhau của các con đã làm cho nó càng suy yếu, tồi tệ hơn. Nếu chẳng may nơi đây tàn rụi thì bất cứ nơi đâu khi gặp khó khăn cũng sẽ tàn rụi như vậy. Cho nên chỗ nào gặp khó khăn là chỗ tôi luyện thành những con người HIỀN NHÂN, THÁNH ĐỨC. Hiền nhân, Thánh đức là những con người được tôi luyện trong lò giới đức của Phật giáo, chứ không phải HIỀN NHÂN, THÁNH ĐỨC tự trên trời rơi xuống. Phải không các con?
Tu viện Chơn Như được xem là lò tôi luyện những thanh thép lợi ích cho đời, cho đạo. Vậy các con có hân hạnh, hoan hỉ được sự tôi luyện của nó hay không? Nếu muốn được tôi luyện thì không nên nãn chí, phải bền lòng, gan dạ, kiên trì khi vấp ngã thì hãy mau đứng lên, hãy thấy những gì mình còn sai, còn phạm giới thì cố gắng khắc phục sửa sai, để trở thành những người có đầy đủ giới đức, để xứng đáng là những đệ tử của Phật; để trở thành những bậc A La Hán vô lậu.
Thăm và chúc các con vui mạnh, nhớ xả tâm cho thật tốt.
Thân thương chào các con