(Ngọc Tuyền Sơn ngày 30 - 10 – 2006)
Kính gửi: Thanh Trí
Mỗi lần sóng Chơn Như là mỗi lần tu viện Chơn Như vươn mình lên. Hôm nay là giai đoạn chuyển biến tột cùng làm thay da đổi thịt toàn bộ tu viện, biến Phật giáo trở thành nền đạo đức nhân bản – nhân quả. Nên mọi người đều phải chan hòa tình yêu thương và tha thứ.
Vì vậy, các con đã về đây tu học dưới bóng mát của Chơn Như, cùng học một Thầy, cùng ở mỗi thất như nhau, cùng ăn ngày một bữa, cùng tu một pháp môn thì mỗi tu sinh đềuphải có bổn phận vàtrách nhiệm bảo vệ chánh pháp của Phật.
Lúc này hơn bao giờ hết là lúc cần phải đoàn kết nhau hơn, cần phải đóng cửa dạy nhau, lá lành đùm là rách, đừng vạch lưng cho người xem thẹo, nồi da xáo thịt chẳng ai khen đâu, mà còn làm cho Phật giáo càng tồi tệ hơn.
Ai cũng là con người thì phải có lỗi lầm, không lỗi điều này, thì có lỗi điều khác, không ai là không lỗi, đừng thiên kiến nhìn có một bên mà phải nhìn cả hai bên, từ người xấu sẽ trở thành người tốt, đó là một quy luật của nhân quả, không ai toàn thiện, mà cũng không ai toàn ác, chính từ những người ác biết sửa đổi sẽ trở thành những người thiện.
Khi cầm bút viết thơ hay văn là các con nên cố tránh nói đích danh cá nhân hay ám chỉ một người nào làm sai, làm quấy, vì viết thơ văn như vậy thiếu chất lượng xây dựng đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo. Còn ngược lại khi các con cầm bút viết thơ văn phải mạnh dạn vạch trần những sự sai quấy chung của một xã hội, của một tôn giáo hay của một học thuyết. Đó là người biết cầm bút, biết xây dựng cái tốt cho đời, cho đạo, đem lại hạnh phúc cho mọi người, cho nhân loại. Viết văn thơ như vậy là ngòi bút trở thành một vũ khí sắc bén tuyệt vời chém đá như chém bùn, nhờ đó mới đập phá cái sai, cái thiếu đạo đức, cái văn hoá không lành mạnh, cái phong tục hủ lậu, cái mê tín lạc hậu dị đoan v.v...
Người cầm bút viết thơ văn nói về tính xấu của cá nhân hay ám chỉ một người nào khác, thì thơ văn đó thiếu đạo đức nhân bản, đáng trách, đáng chê, mặc dù thơ văn đó nói sự thật, nhưng ở đây chúng ta phải hiểu, người viết thơ văn như vậy cũng là để thỏa mãn lòng phẩn uất phiền não của mình. Ngòi bút như vậy chỉ dùng giấy trắng mực đen, để thông tin cho mọi người đều biết cái xấu của người kia. Làm như vậy có lợi ích gì? Hay chỉ để làm cho người kia thân bại, danh liệt, ngóc đầu không lên, hoặc không còn nhìn được mặt những ai nữa. Hay là để chấn chỉnh Phật giáo bằng cách này? Không đâu các con ạ! Đó là cái hiểu sai.
Phật không dạy làm điều này mà dạy ái ngữ: “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”. Đó là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người. Ai sống được đạo đức này là người đang chấn chỉnh Phật giáo, đang dựng lại Chánh pháp của Phật .
Người viết văn thơ như vậy sẽ làm thêm thù bớt bạn. Người có trí hiểu biết sẽ xa lánh, vì khi thuận nhau thì không nói gì, nhưng khi nghịch nhau thì ngòi bút của họ là miệng lưỡi bươi móc chưởi nhau, mạt sát nhau. Văn thơ như vậy không phải là lối văn thơ xây dựng tốt đạo, đẹp đời; văn thơ như vậy là kém đạo đức nhân bản, thiếu văn hóa, thiếu tình người, thiếu lòng tha thứ, thiếu sự yêu thương. Tại sao các con không thấy nhân quả? Mà thấy cái đúng sai, phải trái của cá nhân con người để làm khổ mình, khổ người, biến ngòi bút của mình trở thành lưỡi dao hai lưỡi giết mình giết người con có thấy điều này không? Có lần Thầy đã sửa vài chữ trong thơ văn của con và bảo con đừng viết nữa. Đấy là Thầy muốn thơ văn con thanh thoát nhẹ nhàng và cao thượng. Con có thấy thơ văn của Thanh Quang và Từ Quang không? Đâu phải hai người không biết cái sai cái đúng, nhưng hai người thường dùng lời thuận hay nghịch là cố ý giúp đỡ người khác khắc phục cái xấu để trở thành người tốt hơn.
Một người có đạo đức thấy một người khác làm sai lầm lỗi một điều gì, nếu thấy mình có đủ khả năng thì hai người cùng ngồi lại trực tiếp nói chuyện khuyên nhau những điều phải trái để cho người kia sửa đổi, nếu người đó không nghe lời khuyên của mình, hoặc khả năng của mình không thể thuyết phục được người đó thì im lặng không nói một lời nào, không chỉ trích, không nói tính xấu của người đó với một người thứ ba, huống là viết văn thơ bêu xấu người đó cho mọi người đều biết thì ngòi bút ấy rất tệ, rất độc ác, đứng trong góc độ đạo đức Phật giáo không làm khổ mình, khổ người thì ngòi bút đó là ngòi bút thiếu đạo đức nhân bản, mất nhân tính, giết người bằng ngòi bút, ngòi bút đó là bút máu.
Bởi vậy khi cầm bút viết về cá nhân người nào chúng ta cũng đừng quá ca ngợi cao vút người đó trên mây xanh, rồi cũng có ngày sẽ hạ họ xuống tận vực sâu hố thẳm, mà hãy viết đúng sự thật. Còn khi cầm bút viết hay nói về một người nào làm sai quấy thì cố gắng tránh không nói tính xấu, không bươi móc điều xấu của người đó như trên đã nói.
Khi viết hay nói về một cá nhân nào nên khen tặng cái tốt của người đó ra, đừng vạch cái xấu ra. Đó là tạo duyên thiện cảm để có ngày giúp đỡ người đó xây dựng lại người tốt. Người viết văn như vậy mới là thiện hữu tri thức của mọi người, người bạn tốt mà ai cũng mến phục. Có đúng như vậy không con?
Một người cầm bút viết phải là người có lòng yêu thương rộng lớn vô bờ bến, thương tất cả mọi loài, thương tất cả mọi người, dù bất cứ một người nào thiện hay ác đều thương như nhau. Vì thương người nên luôn luôn dùng ái ngữ, viết những lời thơ văn đầy lòng từ bi lân mẫn, vì thế lời văn thơ không dùng ác ngữ.
“Tất Cả Sẽ Thay Đổi… Bởi Tình Yêu Thương” đây là một tựa đề của cuộc thí nghiệp trong một ngôi trường: “Một buổi sáng bà hiệu trưởng thông báo trước toàn thể học sinh: “Hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu một thí nghiệm về tinh thần”. Bà giơ hai cây thường xuân được trồng trong hai cái chậu giống hệt nhau. “Chúng ta có hai chậu cây” , bà nói, “Các con có thấy chúng giống nhau không?
Tất cả học sinh đều đồng loạt gật đầu. Tôi cũng vậy, vì trong lĩnh vực này, tôi cũng chỉ là một đứa trẻ.
“Chúng ta sẽ cho hai chậu cây này cùng lượng nước, cùng lượng ánh sáng nhưng không cùng lượng quan tâm”, bà nói, “Chúng ta sẽ cùng nhau quan sát xem điều gì sẽ xảy ra khi ta đặt một cây vào nhà bếp, nơi chẳng có ai để ý đến, và một cây ở ngay trong đại sảnh, nơi mọi người ra vào mỗi ngày”.
Bà đặt một cây lên lan can và cùng lũ học sinh, rồng rắn kéo nhau vào nhà bếp, đặt chậu cây kia lên một chiếc bàn ở chỗ khụất. Sau đó, bà lại dẫn đám học sinh đang tròn mắt ngạc nhiên trở ra đại sảnh.
“Trong tháng tới, cứ mỗi ngày, chúng ta lại hát cho chậu cây này nghe”, bà nói, “Chúng ta sẽ nói cho nó biết rằng chúng ta yêu mến nó, rằng nó là một cây thường xuân xinh đẹp. Chúng ta sẽ nghĩ những điều tốt đẹp về nó”.
Một đứa giơ tay lên “thưa cô thế còn cây thường xuân trong kia?” nó đưa ngón tay nhỏ nhắn chỉ vào trong bếp. Bà hiệu trưởng mỉm cười: “Chúng ta sẽ dùng nó để làm vật so sánh trong thí nghiệm này. Các con nghĩ sẽ đối xử với nó ra sao?
“Có phải chúng ta sẽ không hát, không nói chuyện với nó?
Không nói một lời nào.
“Chúng ta cũng không nghĩ những điều tốt đẹp về nó?”
“Đúng vậy và chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra sao đó”.
Bốn tuần sau tôi cũng như đám trẻ con, hoàn toàn ngạc nhiên trước những điều nhìn thấy. Cây thường xuân đặt trong nhà bếp trông yếu ơt, bệnh hoạn và hầu như không phát triển. Nhưng cây thường xuân đặt trong đại sảnh, được hát cho nghe mỗi ngày, được bọn trẻ trò chuyện và gửi đến những lời khen tặng tốt đẹp, đã lớn lên gấp ba lần. Những chiếc lá xanh vươn dài, tràng đầy nhựa sống.
Để có thể minh chứng cho thí nghiệm này, và để làm khô đi những giọt nước mắt cảm thương cho thân phận của cây thường xuân trong bếp của bọn trẻ có trái tim yếu đuối, chúng tôi đã mang nó ra ngoài phòng lớn và đặt đối diện bên cây kia..
Chỉ trong ba tuần cây thường xuân thứ hai đã bắt kịp cây thứ nhất. Và sau bốn tuần, hầu như không phân biệt được giữa hai cây. Tôi đã học được một bài học vô cùng quan trọng: mọi thứ điều phát triển .. nếu có tình yêu .
“Người Thắp Sáng Ước Mơ”
Ký thư tuyển chọn và biên dịch
Đây con có nghe thấy câu chuyện trên đây không? Thanh Trí con hãy nghe lời Thầy, ngòi bút của con là ngòi bút tốt, ngòi bút của tình thương, để viết đạo đức nhân bản, soạn thảo GIÁO ÁN LỚP THỌ TAM QUY để dạy người học đạo đức mới bước chân vào đạo Phật. Đây là lớp vỡ lòng đạo đức của Phật giáo, Thầy tin rằng con sẽ biên soạn được. Biên soạn lý thuyết và thực hành đạo đức nhân bản này thì phải biên soạn đi song song với nhau từng hành động đạo đức một.
Muốn viết được GIÁO ÁN này thì con nên đọc kỹ lại tập sách THỌ TAM QUY rồi mới viết. Vồn công phu này viết đạo đức là xây dựng tư tưởng cho mình một đức hạnh VÔ LẬU của Phật giáo khiến cho con từ sự Chánh tư duy đến thân hành Chánh nghiệp và khẩu hành Chánh ngữ hoàn toàn thanh tịnh trong sáng và cao thượng tuyệt vời. Con hãy bắt tay vào việc làm này, những gì không biết Thầy sẽ trợ giúp thêm, để các con trở thành người thay Thầy, đem đạo đức đến với mọi người vì Thầy đã già rồi, cũng phải có ngày từ giả các con vào Niết Bàn mà thôi.
Thăm và chúc con vui mạnh nhớ xả tâm cho thật tốt.
Thân thương chào con