THƯ GỬI: CÁC CON ĐANG BIÊN SOẠN GIÁO ÁN

 

(Ngày 27 - 4 - 2007)

Kính gửi các con! Khi viết sách đạo đức thì nên tránh nói đích danh của người khác, nhất là những người làm sai trái, những điều phi đạo đức.

1/ Không được nói tên thật của người

2/ Nên viết tắt tên họ người như: ông T.H, bà T.M hay cô T.N v.v….

3/ Vạch những điều sai nên nói chung chung, khéo léo để tránh mặc cảm của người khác.

Đó là nghệ thuật cầm bút, nhất là viết sách đạo đức các con ạ! Khi viết sách đạo đức phải cẩn thận, phải suy nghĩ kỹ lưỡng, chứ không được làm lấy có, làm chiếu lệ.

Khi viết sách đạo đức có bốn giai đoạn:

Giai đoạn 1: Chọn bài học đạo đức cho đúng đức hạnh trong giới luật của Phật. Bài học đạo đức phải gây được sự xúc động mọi người, nhấtlà phải làm sáng tỏ đạo đức mà các con muốn nói.

Giai đoạn 2: Phân bài và đặt ra thành những câu hỏi, cần phải đắn đo suy nghĩ rất kỹ lưỡng. Ở giai đoạn này không được làm đại, làm đại sẽ sai lạc, mà sai lạc ở giai đoạn này thì sẽ sai lạc ở những giai đoạn sau.

Giai đoạn 3: Đáp án phải xác định rõ đạo đức gì, mới kê bút viết, chưa xác định rõ thì không nên phóng bút viết đại. Viết đại là sai nghĩa cần phải lưu ý.

Giai đoạn 4: Giải trình án là phải xoáy vào đạo đức mà đáp án đã xác định rõ ràng.

Trong bốn giai đoạn này nếu biết rõ thì việc biên soạn giáo án đạo đức không có khó khăn, không có mệt nhọc.

Các con hãy cố gắng vừa học đạo đức vừa làm việc giúp Thầy cho bộ sách đạo đức được hoàn chỉnh và đầy đủ hơn, còn một mình Thầy làm việc không hết, nhiều quá. Thầy xin có lời cảm ơn các con.

Thăm và chúc các con vui mạnh, học tu xả tâm tốt, sống với đức hiếu sinh hạnh phúc vô lượng.

Thầy của các con