KIM QUANG 9

 (12-4-2008)

Kính thưa Thầy!

1- Có phải rằng sau khi Phật chứng đạo vào buổi khuya và sáng sớm lúc trời tối đức Phật vẫn đi kinh hành? Mục đích của việc đi kinh hành này là gì? Vì con nghĩ đức Phật hết hôn trầm thuỳ miên rồi thì tại sao đức Phật phải đi kinh hành vào những giờ này?

Đáp: Theo lịch sử Phật giáo thì đêm chứng đạo đức Phật tọa thiền chứ không có đi hành thiền. Cuối canh một đức Phật chứng Túc Mạng Minh, cuối canh hai đức Phật chứng Thiên Nhãn Minh, cuối canh ba đức Phật chứng Lậu Tận Minh cho đến khi sao mai mọc đức Phật đã chứng đạt làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người: sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt sinh tử luân hồi, nên đức Phật nói: “Này kẻ cai tù ơi! Ta đã nhìn thấy người. Từ bao nhiêu kiếp rồi, ngươi đã thiết lập bao nhiêu phen những nhà tù sinh tử. Bây giờ đây những bức tường bị phá vỡ. Kèo cột đã bị đập nát. Ta đã nhìn rõ mặt mũi của ngươi rồi. Từ nay trở đi, người không còn xây một cái nhà tù nào nữa”. Làm chủ thân tâm sống chết tự tại như Phật mà không làm chủ hôn trầm thùy miên là nghĩa lý gì?

Mục đích của việc đi kinh hành là phá dẹp trừ tâm si mê, lười biếng, hôn trầm, thùy miên. Đức Phật tuy tu chứng, hôn trầm thùy miên đã quét sạch mà vẫn đi kinh hành, đó là sự siêng năng để làm gương cho chúng tăng noi theo. Cho nên đức Phật đặt ra thời khóa là giờ nào ngồi tu, giờ nào đi kinh hành giờ nào thư giản nghỉ ngơi rõ ràng. Và gương hạnh đức Phật áp dụng trong thời khóa rất cụ thể.

2 - Theo thời khóa tu tập thời đức Phật.

Lúc gần sáng có thời được phép nằm và hướng tâm đến thức dậy. Vậy thời gian đó có trùng với thời gian tại tu viện từ 5 giờ - 7 giờ sáng hay không? Mục đích của giờ nằm này có phải là để thư giản hay vẫn là tu?

Con cám ơn Thầy - Kim Quang

Đáp: Thời khóa trong tu viện đều dựa theo thời khóa của đức Phật, nên từ 5 giờ đến 7 giờ là thời khóa của đức Phật chứ không phải trùng. Mục đích giờ nằm này là thư giản

3, Thưa Thầy mỗi sáng sớm đi kinh hành như Phật thì phải đi kinh hành như thế nào cho đúng? Có thể trong suốt 3 tiếng con đi kinh hành hay không thưa Thầy? Con không muốn ngồi vì ngồi vào giờ này muỗi rất nhiều con nghĩ không tốt. Con thấy đi kinh hành giữ tâm bất động hay hơn.

Đáp: Đi kinh hành là đi theo pháp môn mà con đang thực hiện để xả tâm ly dục ly ác pháp; để ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp; để nhiếp tâm và an trú tâm; để thực hiện tâm bất động trên Tứ Niệm Xứ.

Không cần phải đi suốt ba tiếng đồng hồ, nên tu tập theo đặc tướng hoặc tu theo trạng thái đang bị hôn trầm thùy miên, nên đi nhiều ít là do sức lực của hành giả chứ không được ức chế.

4, Khi con đi kinh hành con thấy có các trạng thái nghiêng qua nghiêng lại, nếu còn các trạng thái trên thì con vẫn đi kinh hành có được không? Kể cả đi 1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng con không sợ mệt, chỉ quyết tâm đẩy lui hôn trầm, thùy miên cho hết. Con không biết sự tư duy như vậy có phải là tà tư duy không thưa THầy ?

Đáp: Được, Nên đi kinh hành để nhiếp phục hôn trầm, thùy miên và vô ký, nhưng không nên đi kinh hành liên tục 2, 3 tiếng đồng hồ, đó là ức chế thân tâm, phải đi vừa với sức của mình mà thôi, đi trong trong trạng thái tỉnh thức hoàn toàn để biết rõ từng niệm khởi xả tâm cho thật sạch.

5 - Có một bức thư Thầy dạy con khi lạy Phật thì cái lạy thứ hai và ba có thể quỳ không cần đứng dậy. Vậy bây giờ cách lạy trên có còn áp dụng đối với chúng con hay không?

Đáp: Còn áp dụng lạy như vậy rất tốt

6, Thưa Thầy người tu Tứ Chánh Cần khi chưa làm chủ tâm thì chưa nên tăng thời gian lên một tiếng phải không thưa Thầy?

Đáp: Người tu tập Tứ Chánh Cần suốt trong 30 phút vẫn còn một niệm khởi thì không được tăng lên một giờ mà phải tu tập cho hết sạch niệm.

HẾT