THIỆN TÂM THƯA HỎI
Kính thưa Thầy! Con, Thiện Tâm xin thưa hỏi:
Đầu thư con kính chúc Thầy luôn khoẻ mạnh và bình an!
Thưa Thầy đã lâu rồi chúng con không được gặp thầy nên cũng rất là mong nhớ. Nhất là các vị Phật tử chưa từng gặp Thầy thì lại càng tha thiết hơn. Tuy nhiên con cũng biết rằng Thầy đang rất bận rộn và vất vả lắm để lo cho sự tu tập của chúng con và với tất cả mọi người nữa. Do vậy con chỉ mong rằng khi nào có dịp thuận tiện Thầy sẽ về thăm chúng con. Không còn gì vui bằng Thầy ạ!
Hôm nay con xin được kính trình lên Thầy những băn khoăn và thắc mắc mà chúng con gặp phải trong quá trình tu học, kính mong Thầy hoan hỉ chỉ dạy cho con được sáng tỏ hơn. Chúng con tu tập được tốt hơn. Con xin được trình bày những vấn đề như sau :
Hỏi:Trong bài học thứ 16 những tựa đề: “Cúng tế và chữa bệnh” có câu hỏi 8 như sau: “Đại ý bài này dạy đạo đức gì ? Thuộc về đạo đức nhân quả cận tử nghiệp báo hay đạo đức nhân quả hiện tại nghiệp báo?” Trong phần trả lời của giáo án Thầy có dạy bài này “ vạch rõ nhân quả hiện tại nghiệp báo và nhân quả cận tử nghiệp báo cho chúng ta hiểu biết tường tận.”
Chúng con nghĩ nhân quả hiện tại nghiệp báo thì dễ thấy và dễ hiểu rồi. Đó là những lời dạy của đức Phật với nhà vua như: “… muốn được lúa phải cày bừa gieo mạ; muốn giàu sang phải bố thí; muốn sống lâu phải làm lành; muốn được trí tuệ phải học hành nghiên cứu … giết sinh mạng cứu sinh mạng làm cho người tiến mau đến cõi chết, tức là tự giết mình …” Cũng như lời dạy của Hoà Thượng Minh Châu như. “đau bệnh thì uống thuốc, đau bệnh thì nghe pháp để trừ tâm bệnh; muốn sống lâu thì phải cứu mạng cho tất cả sinh linh. Đau bệnh mà cầu đảo thì ngu dốt, giết người để cứu mình thì tự sát. Cho nên người giết loài vật để ăn thịt mà mong cầu bổ khoẻ bình an thì không bao giờ có ”.
Thưa Thầy ! Có phải những lời dạy trên đây là để chỉ cho nhân quả hiện tại nghiệp báo không ạ ?
Đáp: Đúng vậy.
Hỏi:Còn chỉ về nhân quả cận tử nghiệp báo có phải là đoạn: “Mẫu hoàng nghe được lời Phật dạy trong lòng nhẹ nhàng, tiêu trừ được bệnh hoạn”. Phải vậy không, thưa Thầy?
Đáp: Đúng vậy.
Hỏi:Ngoài ra có còn ý nghĩa nào chỉ cho nhân quả cận tử nghiệp báo ở trong bài học này nữa không thưa Thầy? Chúng con kính xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Hôm trả lời câu hỏi 8 này chúng con có phân vân chỗ “nhân quả cận tử nghiệp báo” này không được tự tin cho lắm. Vì vậy hôm nay con xin được trình bày lên đây, kính mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được sáng tỏ, thông suốt hơn .
Ở đây cũng do con chủ quan nên không nêu thắc mắc trước để đến khi thảo luận sẽ có sự trả lời chính xác luôn thể. Như vậy bài học sẽ nắm vững hơn. Con xin rút kinh nghiệm ở điểm này.
Đáp: Nghiệp báo cận tử nghiệp lúc người sắp lâm chung hiện ra rất rõ bằng trong giấc mộng, bằng những hình ảnh do tưởng uẩn hiện ra.
Ví dụ 1: Một người đồ tể thường giết trâu bò chó gà heo dê khi sắp chết thấy chúng đến cắn xé đòi mạng
Vì du 2: Một người làm từ thiện hay giúp đỡ người khi sắp chết, đều thấy mình làm từ thiện và mọi người vui vẻ tỏ lòng biết ơn
Cận tử nghiệp là nghiệp cuối cùng của thân mạng này, nên sống như thế nào thì sắp chết thấy như thế nấy, Sống thiện thấy thiện, sống ác thấy ác..
Hỏi:Trong giới luật “Độc Cư” con cũng còn có vài điều chưa được thông tỏ lắm trong vấn đề “ Khai, giá, trì, phạm ” Thầy ạ! Do đó lắm khi rơi vào thế bị động và trở nên lúng túng. Thầy Chơn Thành có lẽ sẽ trình bày lên Thầy chi tiết
Đáp: Giới độc cư là pháp phòng hộ sáu căn nên không cò “khai, giá, trì, phạm” mà có ba giai đoạn tu tập.
Hỏi:Con nhận thức rằng “Độc Cư” có nghĩa là để phòng hộ sáu căn, không không bị sáu trần chi phối, để giúp cho hành giả thực hiện việc sống với chính mình được dễ dàng hơn. Giúp cho hành giả không bị chạy theo tình cảm của người này, người nọ, để tâm hồn được vô tư với mọi người.
Đáp: Đúng vậy.
Hỏi:Độc cư giúp cho hành giả chuyên chú tâm vào vấn đề tu tập, tư duy bài học, quan sát thân tâm mình được nhất tâm mà không bị sự chi phối của những câu chuyện của những người này, người nọ mang lại hoặc những lời bình phẩm này kia ... làm cho mình bị phân tâm và sanh ra đủ các ác pháp như tâm nghi ngờ, ngã mạn, sân hận …
Vì vậy về hình tướng thì “Độc Cư” theo con hiểu như thế này:
- Chỉ ở Tiểu giới đàn, hoặc khu vực mình ở mà không sang thất của người khác để nói chuyện phím, để tâm sự, trao đổi …
- Khi có duyên sự đi ra ngoài (trong Tu Viện) phạm vi của mình thì cũng không giao tiếp và nói chuyện với bất cứ ai.
- Có thể giao tiếp với cô Út khi có nhu cầu cần thiết cho cuộc sống như: Xin cuốn vở, cây viết, quyển sách …
- Có thể giao tiếp với Thầy đứng lớp khi có những thắc mắc, và gặp trực tiếp ở lớp .
Đáp: Đúng vậy.
Hỏi:Ngoài ra có những trường hợp như sau đây chúng con có bị phạm độc cư không ?
a) Thầy đứng lớp đến thất để thăm hỏi và trao đổi với tu sinh về sự tu tập.
b) Khi một tu sinh bị ốm con có thể đến để thăm hỏi, động viên chia xẻ với tu sinh ấy.
c) Khi nghe thất của tu sinh gần bên, chuông đồng hồ đổ đã lâu mà tu sinh ấy không tắt. Có lẽ tu sinh ấy bị ngủ say. Trong trường hợp này con có thể khai giới để giúp cho vị tu sinh kia thức dậy bằng cách qua đập vào vách liếp được không ?
d) Khi đi trong tu viện có ai đó hỏi thăm “mấy giờ rồi” con có thể khai giới để trả lời cho người kia được không ?
e) Khi con đến gặp cô Út để xin một đoạn ống nhựa để gắn vào nhà cầu. Cô Út chỉ sang tu sinh Pháp Quang và bảo con sang bên ấy tu sinh sẽ lấy giúp cho con. Vì tu sinh Pháp Quang biết rành những món này. Trong trường hợp này con có thể khai giới để nhờ vị tu sinh này giúp đỡ được không?
f) Khi con đến khu nhà bếp để tìm gặp cô Út để nhờ cô, như xin cây viết chẳng hạn. Con không thấy cô Út đâu cả, nhưng con gặp chú Ân (hoặc người làm công khác) đang ở đó. Trong trường hợp này con có thể hỏi thăm chú Ân thấy cô Út đâu không , có được không ? (khai giới độc cư).
g) Khi con chợt nhớ ra ở nhà còn có việc gì đó mà chưa giải quyết kịp (ví dụ như có một số cây cảnh sợ không ai chăm sóc thì chúng sẽ bị hư, chết nên con muốn nhờ chị con, hoặc gia đình hãy đem cho ai đó tuỳ thích…) thì con có thể viết thư về nhà được không ? (thông qua Thầy đứng lớp).
h) Khi có điện thoại ở gia đình gọi đến, con có thể khai giới để nghe được không ? (thông qua Thầy Giám Luật).
i) Trong trường họp con gửi sách về cho gia đình xem, nhưng không biết sách có đến nơi được không. Trong trường hợp này con có thể xin điện thoại về nhà để hỏi thăm có được không ? (thông qua Thầy Giám Luật)
j) Trường hợp gia đình gửi cho con một ít tiền. Con có thể dùng tiền này để nhờ cô Út mua giúp con một cái máy nghe, để con thâu lời nói của mình để theo dõi sửa chữa cho lời nói tốt hơn. Liệu việc này có được phép không thưa Thầy ? ( Chị con có hứa sẽ gửi cho con một ít tiền khi nào thuận tiện).
k) Trên lớp học, nếu có tu sinh nào đó tỏ ra quan tâm bằng cách hỏi thăm. Ví dụ tu sinh Minh Đức hỏi con ở đấy có nhiều muỗi không? Trong trường hợp này con trả lời ngắn gọn có được không?
Đáp: Được, không phạm giới
Trên đây là một số trường hợp mà con nghĩ có thể xảy ra trong cuộc sống tu tập. Ngoài ra có những trường hợp khác nhưng con chưa nghĩ tới. Con kính xin Thầy hoan hỉ chỉ dạy cho con, để giúp con được sáng tỏ thêm.
Hỏi:Sáng nay ở lớp chúng con, Thầy Thanh Quang có trình bày với lớp rằng trong bức tâm thư thứ 40 Thầy gởi cho Phật tử Kim Quang. Thầy đã trả lời cho Phật tử Kim Quang nhiều câu hỏi. Trong đó Thầy có dạy rằng: “…bây giờ, trong lúc tu học đức hiếu sinh, tu sinh có thể đến thất bạn để thăm khi bạn bị ốm mà không bị phạm giới.
Điều này đã khiến cho chúng con có vài thắc mắc. Con xin kính trình lên Thầy rõ.
- Bức tâm thư 40 này có phải Thầy chỉ dạy riêng cho phật tử Kim Quang, chứ không phải chung cho mọi người ?
Đáp: Một người hỏi Thầy là mọi người được học, cho nên thư của Thầy là gửi cho tất cả các tu sinh
Hỏi:- Trước đây con có nghe Thầy dạy trong một bức tâm thư mà con không nhớ rõ số bao nhiêu… rằng: Nếu gửi riêng cho ai thì Thầy sẽ viết tay. Còn nếu gửi chung cho cả lớp thì Thầy sẽ đánh máy. Thế nhưng bức tâm thư 40 này thì chúng con chưa được nghe và lại được đánh máy nữa. Như vậy con có thể mượn bức tâm thư này để tìm hiểu thêm được không, thưa Thầy ?
Đáp: Được, con nên mượn đọc, mỗi bức thư của Thầy là những bài học giới luật đạo đức và các pháp hành, cho nên các con cần phải đọc nhiều hơn nữa.
Hỏi:Thầy Thanh Quang có đưa cho con xem bức tâm thư này, nhưng con không dám mượn vì sợ phạm giới độc cư.
Và bức tâm thư kia nếu như Thầy chỉ dạy riêng cho phật tử Kim Quang, mà con xem thì lại phạm vào sự tò mò không nên. Nghĩ vậy mà con đã không dám mượn Thầy ạ ! Và cũng mong thầy Thanh Quang thông cảm!
Đáp: Thư của Thầy không có trả lời riêng tư mà trả lời riêng tư thì Thầy viết thư tay còn thư này trả lời cho một người là trả lời chung cho các con, tại sao sợ lại tò mò không dám đọc?
Hỏi:Thưa Thầy, con xin bổ sung ở phần “ khai, giá, trì, phạm” của giới Độc cư một ý nữa thế này:
Ví dụ như có một người gặp con và tặng cho con một món vật ( như trước đây chú Thanh Trí muốn tặng con một chiếc đồng hồ báo thức ). Thay vì im lặng bỏ đi, con có thể khai giới và nói lời cảm ơn, cũng như sự từ chối của mình để họ đỡ buồn và vui lòng có được không thưa Thầy ?
Đáp: Con tu tập ở giai đoạn độc cư nào? Phải hiểu rõ ở giai đoạn nào, chứ tu như vậy là sai hết con ạ!Tu mà không hiểu là tu mù, tu sai mà không biết. Thật đáng thương.
Hỏi:Nói chung, trong những trường hợp bất chợt, gặp người muốn hỏi mình điều gì đó có vẻ cần thiết. Thay vì im lặng và xá chào bỏ đi thì thấy họ chưng hửng và tội quá. Lúc ấy con có thể khai giới và trả lời rồi sau đó bỏ đi. Tức là có sự tự ý thức nơi mình, không để lôi cuốn theo người. Như vậy có được không, thưa Thầy?
Đáp: Được, không phạm giới
Hỏi:Trong trường hợp có người quen ở quê vào Tu Viện muốn gặp và trao đổi ít lời gì đó. Con có thể khai giới tiếp chuyện được không ?
Đáp: Được, không phạm giới
Hỏi:Con nghĩ rằng, trong vấn đề tu tập thì sự độc cư giúp cho hành giả đỡ phiền hà bởi những tâm tư, tình cảm của những người khác tác động và lôi kéo, làm cho tâm trí luôn xao động, hướng ra ngoài và chạy theo “thất tình lục dục”. Do đó càng ít tiếp duyên, càng tốt. Tuy nhiên có những trường hợp như con đã nêu trên đây; hoặc có những trường hợp khác nữa mà con chưa nghĩ đến, khi gặp phải nếu không có sự thông suốt thì con thấy rất dễ bị ức chế và tâm trí ray rức Thầy ạ ! Vì vậy hôm nay con kính trình tất cả những suy tư của con lên đây, kính mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ ràng, sáng suốt hơn. Con cám ơn Thầy.
Kính thưa Thầy ! Đến đây con chợt nhớ đến bài phân tích về “Đức Độc Cư hiếu sinh ý hành” mà Thầy đã phân tích về độc cư đúng và độc cư sai ở bài học “Lá thư của mẹ” thì con thấy Thầy chú trọng và nhấn mạnh về phần nội tâm sống với đức hiếu sinh là chính. Con nghĩ: Nếu như vậy thì trong vấn đề này cần nhiều đến sự linh hoạt, thiện xảo theo sự quán xét, tư duy của mình. Tuy nhiên, chúng con nghĩ rằng mình chưa vượt thoát khỏi sự chi phối của “dục” nên cũng dễ bị đội lốt. Do đó có một sự chuẩn mực của Thầy thì chúng con sẽ yên tâm hơn. Một lần nữa con xin cảm ơn Thầy!
Con của Thầy - Kính thư - ThiệnTâm.
Đáp: Độc cư có ba giai đoạn tu tập, đó là chuẩn mực của nó tu tập ở giai đoạn nào thì phải giữ gìn độc cư ở giai đoạn đó, đừng ở giai đọan này mà tu tập ở giai đọan khác thì tu sai pháp.
vvvv